Cách dùng đũa của người Nhật

Văn hóa Nhật Bản không chỉ cầu kì trong cách chế biến và trình bày món ăn mà còn rất tinh tế trong việc thưởng thức món ăn. Cách dùng đũa của người Nhật khá đặc biệt và thú vị. Có nhà nghiên cứu từng nhận xét: phương Đông ăn kiểu chim, phương Tây ăn kiểu thú, đó là dựa vào thói quen của người phương Đông dùng đũa gắp thức ăn (như các loài chim dùng mỏ) còn người phương Tây thì dùng dao, nĩa để cắt xé thức ăn (như các loài thú dùng móng vuốt xé mồi).


Giống như những dân tộc khác ở phương Đông, người Nhật Bản cũng thường dùng đũa trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy vậy cách dùng đũa của người Nhật lại có những nét riêng. Ở đất nước này, đũa được làm từ nhiều chất liệu như tre, gỗ, sừng, sắt... và ở mỗi chất liệu, đôi đũa lại mang một ý nghĩa khác nhau.


Cùng với quá trình giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản với người Trung Quốc, các nhà buôn, các sư sãi đã du nhập đôi đũa vào Nhật Bản. Đũa bắt đầu được dùng trong cung đình rồi lan ra các gia đình quan lại giàu có vào khoảng năm 710 đến năm 794 (thời kỳ Nara).

Hình thức của đôi đũa trong cung đình Nhật Bản lúc đó cũng thể hiện sự phân biệt đẳng cấp rõ rệt. Đũa của vua và những người trong hoàng tộc thì ngắn hơn đũa của quan lại. Từ năm 1185 trở đi, đũa đã trở thành vật dụng phổ biến trong đời sống người dân Nhật Bản nhưng quan niệm đũa dài, đũa ngắn trong dân gian thì trái ngược với cung đình: đũa của cha mẹ phải dài hơn đũa của con. Đũa của chồng dài hơn đũa của vợ và đũa của anh dài hơn đũa của em.


Để chứng tỏ sự sang trọng, quyền quý của mình, ngày xưa vua quan và những người giàu có thường chỉ dùng đũa một lần rồi vứt đi. Về sau tục lệ này cũng trở nên phổ biến trong tầng lớp thường dân. Cũng từ năm 1185 trở đi, lúc cấy lúa (vào mùa xuân) và dịp thu hoạch lúa (vào mùa thu) hàng năm, người Nhật Bản lại có phong tục thay đũa mới. Ngày 4 - 8 hàng năm đã trở thành "ngày hội đũa" của cả nước.

Nguyên do của “ngày hội đũa” như sau: số 4 trong tiếng Nhật đọc là Si (Shi), số 8 thì đọc là Hachi (Hachi) mà từ “HaShi” lại là “đôi đũa” nên ngày 4-8 được gọi là ngày hội đũa.

So với đũa Trung Quốc, Việt Nam... đũa của Nhật Bản thường làm bằng gỗ, ngắn và dễ sử dụng hơn. Trong văn hóa Nhật Bản, đôi đũa là một trong những chủ đề thẩm mỹ gắn với nhiều với phong tục tập quán. Món Sashimi, một món ăn truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản sẽ rất dễ bị hỏng nếu dùng các dụng cụ kim loại để ăn.


Cách dùng đũa của người Nhật khá đặc biệt: trên bàn ăn luôn có một đôi đũa chung để gắp thức ăn từ đĩa chung vào bát của mình. Nếu không có đũa chung, họ sẽ trở ngược đầu đũa của mình để gắp thức ăn rồi lại dùng đầu đũa cũ để ăn. Hành động này không chỉ mang ý nghĩa vệ sinh mà còn gắn với một phong tục trong tang lễ Nhật Bản: sau khi hỏa táng, những người thân trong gia đình phải dùng đũa gắp xương người đã khuất và chuyền cho nhau.

Một số quan niệm dùng đũa ở Nhật Bản cũng khá phổ biến như không cắm đũa lên bát cơm vì nó gợi lên sự chết chóc, không dùng đũa gắp thức ăn bị rơi. Có một tục lệ rất thú vị ở Nhật là khi bạn đi cắm trại hay picnic phải bẻ đôi đôi đũa dùng xong để tránh ma quỷ tận dụng những đôi đũa đó làm những chuyện xấu xa.


Ngày nay sau khi ăn xong, người Nhật cũng sẽ rửa sạch đôi đũa của mình để dùng lại. Mỗi người trong gia đình sẽ có một đôi đũa riêng. Đũa của khách sau khi dùng xong thì chủ nhà sẽ mang đi vứt. Đó là biểu hiện cho sự trong sạch của người dân ở xứ sở hoa anh đào.

Trên đây là sơ lược về lịch sử cũng như cách dùng đũa của người Nhật. Nếu bạn có hứng thú và muốn tìm hiểu thêm về văn hoá Nhật Bản thì bạn có thể đến với Nhà hàng Sushi Hokkaido Sachi để được phục vụ các món ăn truyền thống của đất nước này theo phong cách Nhật Bản chính hiệu.

Nguồn: Sushi Hokkaido Sachi | Box VHNN @ VnSharing.site | Sưu tầm & BBcode: sildi07