Bài viết này là dành cho newbie, để giúp các bạn hình dung rõ ràng hơn về món đồ đầu tiên mà bản thân sắp làm. Bên dưới sắp xếp theo thứ tự mình hay dùng nhất. Bài viết được viết dựa trên kinh nghiệm sử dụng của bản thân mình.

Keo sữa: Loại keo có màu trắng đục như sữa, sử dụng nhiều trong việc làm mô hình
  • Ưu điểm: rẻ, không độc hại, dễ sử dụng, dễ dàng chỉnh sửa sau khi dán, (kể cả khi keo khô hoàn toàn vẫn có thể tách 2 lớp foam ra được nếu khéo léo).
  • Nhược điểm: Khô rất lâu tùy thuộc vào bề mặt phết keo tiếp xúc được bao nhiêu với không khí. Phủ bề mặt mất tầm 1 tiếng để khô, còn ốp 2 lớp foam lại thì mất nửa ngày để keo chắc, và có khi đến 3 ngày để keo khô hoàn toàn. Không thích hợp cho các chi tiết có bề mặt tiếp xúc nhỏ, cần chịu lực lớn
  • Ứng dụng: Thích hợp để dán các bề mặt có diện tích tiếp xúc lớn. Dùng để dán ốp 2 hay nhiều lớp foam tạo khối, phủ lót đề mặt PVC foam ở những chỗ đã được mài nhám hoặc EVA foam. Tạo độ bóng loáng cho bề mặt trước khi sơn cũng như bảo vệ phủ keo sữa sau khi sơn để bảo vệ lớp sơn không bị bay màu. Keo còn dùng để làm giấy bồi(paper mache), thậm chí có thể dùng để style wig.

Keo 502: Còn gọi là keo dán sắt, keo con voi, supper glue
  • Ưu điểm: rẻ, khô nhanh, độ dính cao
  • Nhược điểm: khô quá nhanh, nhiều khi mình chưa kịp rút vòi ra keo đã bắt đầu khô rồi, khó chỉnh sửa nếu lỡ tay dán lỗi. Keo dính rất chắc nhưng giòn và dễ gãy. Gây nhiệt có thể làm biến dạng một số bề mặt. Mùi khó chịu và rất độc, dính vào tay rất khó chịu. Cẩn thận khi sử dụng.
  • Ứng dụng: Ngược lại với keo sữa, dùng để dán những chi tiết có diện tích tiếp xúc nhỏ và cần khô nhanh, đôi khi có thể dùng tạm thay bã matit để trám những lỗi nhẹ trên chi tiết

Keo nến: còn gọi là hot glue.
  • Ưu điểm: rẻ, không độc hại
  • Nhược điểm: Cần có súng bắn keo chuyên dụng (cũng rẻ thôi), cần có điện để hoạt động, nếu không có thể dùng bật lửa hơ keo chảy ra. Cẩn thận có thể gây bỏng. Khi dán nếu keo không đủ nóng sẽ dễ bị cộm lên làm xấu chi tiết.
  • Ứng dụng: Có thể dùng để dán phụ kiện lên quần áo trong trường hợp cần chữa cháy ngay tại fes. Dùng để vẽ họa tiết đơn giản trên giáp. Nếu là dân pro bạn cũng có thể tạo hình (rất khó, hiện giờ mình chỉ thấy Ptytb Art dùng cách này)

Keo con chó: còn có tên là DOG X-66. Bôi keo lên 2 bề mặt cần dán và chờ khoảng 15p cho nó khô (đưa tay vào không bị dính) thì úp 2 mặt keo lại với nhau.
  • Ưu điểm: rẻ, hoạt động tốt trên nhiều chất liệu. Keo dính chắc hơn keo sữa.
  • Nhược điểm: Hít keo con chó nhiều có thể bị nghiện, tạo cảm giác đê mê như hít ma túy gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe (trên báo nói vậy, mình chưa thử).
  • Ứng dụng: Tương tự như keo sữa nhưng khô nhanh và dính chắc hơn. Có thể dùng để dán những chỗ có diện tích tiếp túc nhỏ như nếp gấp của giáp.

Keo AB: Keo 2 thành phần, keo epoxy. Loại keo này có 2 thỏi, 1 thỏi keo và 1 chất phụ gia giúp keo cứng lại. Khi sử dụng trộn 2 thành phần này lại.
  • Ưu điểm: Dính rất chắc, dán được nhiều bề mặt
  • Nhược điểm: Khó sử dụng, độ cứng hay dẻo của keo tùy thuộc vào tỷ lệ pha trộn.
  • Ứng dụng: Chưa xài nên không rõ lắm.