oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Điện Ảnh > Tư liệu >

Trả lời
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Quạ Quý Tộc][Film Genre] Horror Film - Phim Kinh Dị

      Horror Film - Phim Kinh Dị

      Phim kinh dị (horror film) là một thể loại phim có chủ đích khơi gợi lên phản ứng tiêu cực ở khán giả bằng cách tái hiện những nỗi sợ hãi của họ. Lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Edgar Allan Poe, Bram Stoker, và Mary Shelley, phim kinh dị đã có lịch sử hơn một thế kỉ. Các chủ đề phổ biến là chết chóc và siêu nhiên, đôi khi còn cộng thêm thể loại tưởng tượng, hư cấu, và gây cấn.

      Phim kinh dị chuyên đề cập tới ác mộng, nỗi sợ, e ngại, và ám ảnh từ những gì không hiểu rõ; với cốt truyện thường xuyên nói đến một thế lực tà ác, sự kiện kinh dị,... xuất hiện trong đời thường. Các yếu tố và mẫu nhân vật thường gặp gồm có: ma quỷ, sinh vật ngoài hành tinh, ma cà rồng, người sói, quỷ quái, máu me, tra tấn, động vật khát máu, phù thủy độc ác, quái vật, cương thi, tục ăn thịt người, bệnh nhân tâm thần, và sát nhân hàng loạt.

      Lịch sử


      • Giai đoạn 1890-1920

      Những sự kiện siêu nhiên lần đầu tiên được khắc họa trong một số đoạn phim câm do nhà làm phim tiên phong Georges Méliès sản xuất vào khoảng cuối thập niên 1890, trong đó cái tên nổi tiếng nhất là Le Manoir du Diable (hay The Haunted Castle, 1896, thường được coi là bộ phim kinh dị đầu tiên trong lịch sử). Điện ảnh Nhật thời đại này cũng khai phá thể loại kinh dị với hai bộ phim ra đời vào năm 1898 là Bake Jizo và Shinin no Sosei. Giai đoạn này cũng có một loạt bản chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị, đặc biệt là văn của Poe và Dante. Studio Edison đã sản xuất bản đầu tiên của Dr. Jekyll and Mr. Hyde (1908) và bản đầu tiên của Frankenstein (1910); với nội dung rùng rợn của nguyên tác cũng đủ để liệt các tác phẩm này vào dòng kinh dị.

      Trong giai đoạn Cộng hòa Weimar tồn tại, các nhà làm phim theo Chủ nghĩa thể hiện Đức đã cho ra đời nhiều bộ phim có sức ảnh hưởng lâu dài, ví dụ như: The Golem (1920, của Paul Wegener), The Cabinet of Dr. Caligari (1920, của Robert Wiene), và The Man Who Laughs (1928, của Paul Leni). Bộ phim đầu tiên nói về ma cà rồng là Nosfetaru (1922, của F. W. Murnau) cũng đi theo phong cách này, dù đây là một phiên bản chuyển thể không được ủy quyền chính thức của tiểu thuyết Dracula (của Bram Stoker).

      Dù mãi tới thập niên 1930 thì cụm từ "kinh dị" mới được sử dụng rộng rãi nhưng Hollywood đã ứng dụng các chủ đề có liên quan từ sớm, như: The Phantom Carriage (của Thụy Điển, 1920), The Hunchback of Notre Dame (1923), Waxworks (Germany, 1924), The Phantom of the Opera (1925 film), The Lost World (1925), và The Unknown (1927). Những bộ phim này còn được coi là chính kịch âm hưởng hắc ám (dark melodrama) bởi sự xuất hiện của những mẫu nhân vật điển hình và cốt truyện nặng về cảm xúc, tập trung nhiều vào lãng mạn, bạo lực, hồi hộp, và tình cảm.

      Phong trào bổ sung tình tiết rùng rợn vào phim chính kịch vẫn tiếp tục kéo dài cho tới cuối thập niên 1920, và những đạo diễn hết sức tận dụng chúng trong giai đoạn này là Maurice Tourneur, Rex Ingram, và Tod Browing. Bộ The Magician (1926) là một trong ba ví dụ đầu tiên về hình tượng "nhà bác học điên" trong phim ảnh và có ảnh hưởng lớn đến phiên bản Frankenstein của James Whale. Bộ phim kinh dị có tiếng đầu tiên là The Terror (1928).

      • Giai đoạn 1930-1940

      Trong giai đoạn đầu của kỉ nguyên phim có tiếng, hãng Universal bắt đầu một series phim kinh dị Gothic rất thành công, với các đại diện tiêu biểu như: Dracula (1931, của Tod Browning), Frankenstein (1931), The Old Dark House (1932), The Invisible Man (1933), The Mummy (1932),... Trong số đó, Frankenstein là hình tượng đầu tiên được tái bản nhiều lần trong tương lai. Với The Mummy, hai đặc trưng nổi bật nhất là ngành Cổ Ai Cập học được chọn làm chủ đề và nghệ sĩ trang điểm Jack Pierce đã tạo ra một hình tượng quái vật kinh điển. Hãng này tiếp tục sản xuất nhiều bộ phim tương tự cho tới giữa thập niên 1940.

      Các hãng lớn khác cũng tiếp bước Universal, MGM với bộ phim gây nhiều tranh cãi Freaks (1932, dựa trên truyện ngắn Spurs của Tod Robbins, dù cuối cùng bị hãng này chối bỏ và bị cấm chiếu ở Anh trong hơn 30 năm), Paramount với Dr. Jekyll and Mr. Hyde (1931, có sử dụng kĩ thuật lọc ảnh tân tiến),... Cùng với sự phát triển của thể loại kinh dị, đã xuất hiện những ngôi sao cống hiến toàn bộ sự nghiệp cho dòng phim này, như Boris Karloff và Bela Lugosi. Hai người sau này đã cùng xuất hiện trong 3 bộ phim hạng B của hãng RKO.

      • Giai đoạn 1950-1960

      Với sự phát triển nhanh chóng của kĩ thuật, nội dung của phim kinh dị cũng chuyển từ Gothic cổ điển sang các mối lo ngại đương thời, và hai thể loại phụ là phim tận thế (doomsday) và phim ma quái (demonic) nhanh chóng vượt lên. Các bộ phim kinh dị kinh phí thấp lần lượt nói về việc nhân loại vượt qua những mối nguy như người ngoài hành tinh xâm lược, sự đột biết chết người ở người và động thực vật. Ở Nhật, vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki gián tiếp cho ra đời Godzilla (1954) và các phần sau, tập trung vào sự đột biến do ảnh hưởng phóng xạ.

      Hollywood thì nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng để khai thác lợi nhuận thông qua những mánh lới quảng cáo, như: House of Wax (1953, dùng kĩ thuật 3-D), The Tingler (1959, dùng ghế có bộ phận gây chấn),... Một bộ phim được coi là "siêu phẩm giật gân" của thời đại này là The Incredible Shrinking Man (1957, dựa trên quyển tiểu thuyết về chủ nghĩa hiện sinh của Richard Matheson), đã khắc họa rõ nỗi sợ khi phải sống trong Kỉ nguyên Hạt nhân (hậu Thế chiến thứ hai) và sự cô lập trong giao tiếp.

      Từ thập niên 1950, Anh trở thành vùng đất vàng của phim kinh dị. Công ty Hammer chính thức tập trung vào thể loại này và đạt được vô số thành công quốc tế, với những bộ phim kinh dị có màu đầu tiên. Và đi theo Universal, trong đó có rất nhiều bộ phim là tái bản của Frankenstein và Dracula. Phong trào này có sự tham gia của nhiều công ty khác và kéo dài cho đến thập niên 1970. Alfred Hitchcock củng cố thể loại phụ slasher của dòng phim này với Psycho (1960), đồng thời giới thiệu thể loại phụ kinh dị tự nhiên với The Birds (1963). Pháp tiếp tục theo đuổi hình tượng bác học điên, còn Ý thì bắt đầu nổi tiếng trên trường quốc tế trong dòng phim kinh dị thuần túy.

      Về chủ đề ma quái thì có một bộ nổi tiếng trong việc vận dụng yếu tố siêu nhiên là The Innocents (1961, dựa trên quyển tiểu thuyết The Turn of the Screw của Henry James). Đối với điện ảnh kinh dị Nhật thì ma quỷ chiếm vị thế chủ đạo, với những bộ như Kwaidan (1964), Onibaba (1964), và Kuroneko (1968). Mĩ có một bộ phim ảnh hưởng lớn đã ra đời trong giai đoạn này là Night of the Living Dead (1968, của George Romero), với kinh phí 114 nghìn USD và doanh thu quốc tế 30 triệu USD, bắt đầu phong trào pha trộn nhiều quan điểm tâm lý trong các tình tiết máu me rùng rợn.

      • Giai đoạn 1970-1980

      Sự thành công của nhiều bộ phim kinh dị kinh phí thấp và mức độ nổi tiếng của bộ Rosemary's Baby đã đảm bảo thúc đẩy sản xuất dòng phim về chủ đề huyền bí trong thập niên 1970. Mở đầu phong trào này là bộ The Exorcist (1973) - một thành công thương mại đáng nhớ - và theo sau là một loạt nhiều bộ cùng hình tượng một thế lực siêu nhiên đang hiện hữu, thường là dưới hình thức ám trẻ em hoặc dụ dỗ phụ nữ.

      "Trẻ con tà ác" và sự tái sinh cũng trở thành một chủ đề phổ biến; ví dụ: Audrey Rose (1977, của Robert Wise, về một người đàn ông cho rằng con gái mình là người khác tái sinh), Alice Sweet Alice (1977, về vụ sát hại một bé gái mà chị gái nó là tình nghi lớn nhất), The Omen (1976, về một người đàn ông nhận thấy đứa con trai 5 tuổi của mình là một kẻ chống Jesus),... Bởi không thể bị con người tổn hại nên quỷ dữ cũng trở thành hình tượng phản diện trong những bộ phim kinh dị có phong cách chủ nghĩa hậu hiện đại và nhìn theo điểm xã hội hỗn loạn.

      Cũng trong thập niên này, các nhà làm phim Ý như Mario Bava, Riccardo Freda, Antonio Margheriti, và Dario Argento phát triển dòng phim kinh dị giallo và sản xuất nhiều tác phẩm kinh điển có ảnh hưởng đến quốc tế, như: Black Sunday, Blood and Black Lace, Castle of Blood, Twitch of the Death Nerve, The Bird with the Crystal Plumage, Deep Red, và Suspiria.

      Nền văn hóa phản truyền thống của những năm 1960 bắt đầu có ảnh hưởng rõ rệt, khi mà giới trẻ đã có khả năng khai thác công cụ phim ảnh. Hai bộ The Hills Have Eyes (1977, của Wes Craven) và The Texas Chain Saw Massacre (1974, của Tobe Hooper) nói về chiến tranh Việt Nam. Trong Dawn of the Dead (1978), George Romero lến tiếng châm biếm xã hội tiêu dùng lúc bấy giờ. Đạo diễn người Canada là David Cronenberg tập trung vào hai thể loại phụ bác học điên (thông qua những mối lo ngại đương đại về công nghệ và xã hội) và kinh dị thân xác (bắt đầu với bộ Shivers (1975)). Đồng thời, phim kinh dị hài cũng trở lại với màn ảnh qua nhiều bộ phim ăn khác như: Young Frankenstein (1974), The Rocky Horror Picture Show (1975), An American Werewolf in London (1981),...

      Dòng tiểu thuyết kinh dị của nhà văn Stephen King cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh, mở đầu bằng Carrie (1976, của Brian De Palma, trong đó hai diễn viên Sissy Spacek và Piper Laurie đã được đề cử giải Oscar). Tiếp theo là The Shining (1980, dựa trên quyển tiểu thuyết thứ ba mà King xuất bản). Do Stanley Kubrick đạo diễn, The Shining là một tác phẩm nở muộn, thuộc loại kinh dị tâm lí và pha trộn nhiều chủ đề như trẻ con tà ác, chứng nghiện rượu, thần giao cách cảm, và sự điên loạn. Thông qua bộ phim này, ta có thể thấy được quan niệm về kinh dị của Hollywood đang thay đổi, khi mà bạo lực và án mạng không còn là chủ đề chính nữa. Ban đầu, giới phê bình không mấy ưa chuộng The Shining, nhưng nó càng ngày càng nổi tiếng và giờ đây là một trong những bộ phim kinh dị kinh điển nhất của Hollywood. Tuy nhiên, cũng chính nhà văn King cho rằng bộ phim này không trung thành với nguyên tác.

      Một bộ phim khá tương tự và cũng là kinh điển cho kinh dị Hollywood ra đời trong thời gian này là Poltergeist (1982, của Tobe Hooper), đứng thứ 20 trong danh sách những bộ phim đáng sợ nhất mọi thời đại do Hiệp hội phê bình điện ảnh Chicago bình chọn. Cả hai - The Shining và Poltergeist - đều khắc họa sự kinh dị dựa trên tính chất địa lý, khi mà tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ địa điểm mà cốt truyện diễn ra. Trong The Shining, Danny Torrance có thể nhận biết những tồn tại siêu nhiên vì khách sạn cậu ở trước đây là nơi chôn cất các dân tộc bản địa châu Mĩ. Còn trong Poltergeist, Carol Anne thấy được nhiều linh hồn đáng sợ đang xâm chiếm ngôi nhà của mình, vì ngày xưa nới đây vốn là nghĩa trang.

      Cuối thập niên 1970 - đầu thập niên 1980 là thời gian mà phim slasher lên ngôi, với: Halloween (1978, của John Carpenter), Friday the 13th (1980, của Sean Cunningham), A Nightmare on Elm Street (1984, của Wes Craven), Hellraiser (1987, của Clive Baker), và về sau là hàng loạt tác phẩm tương tự với mức độ bạo lực ngày càng tăng. Chúng đồng thời tạo ra phong trào nhái lại theo kiểu hài hước, như: Saturday the 14th (1981), Student Bodies (1981), National Lampoon's Class Reunion (1983), và Hysterical (1983).

      Bộ phim Jaws (1975, của Steven Spielberg) bắt đầu một làn sóng làm phim kinh dị về động vật, tiếp nối bởi Orca (1977) và Up from the Depths (1979). Jaws thường được coi là một trong những bộ phim đầu tiên sử dụng các yếu tố truyền thống của phim hạng B cho phim kinh phí cao.

      • Thập niên 1990

      Nửa đầu của thập niên 1990 là thời gian mà các bộ phim slasher ăn khách của thập niên trước có phần tiếp theo (như A Nightmare on Elm Street, Friday the 13th, và Halloween), phần lớn đều đạt được thành công thương mại nhưng lại bị phê bình gay gắt, ngoại trừ New Nightmare (1994, của Wes Craven) và tuyệt tác Silence of the Lambs (1991). Một phong trào quy mô nhỏ tự phản hoặc siêu hư cấu của phim kinh dị bắt đầu hình thành, đại biểu là New Nightmare (1994), In the Mouth of Madness (1995), The Dark Half (1993), và Candyman (1992). Chúng đề cập đến mối quan hệ giữa kinh dị hư cấu và kinh dị trong đời thực. Ví dụ trong Candyman, về mối quan hệ giữa một truyền thuyết thành thị và nỗi kinh hoàng rất thật mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tạo ra. Còn trong In the Mouth of Madness, nhân vật chính từ thế giới thật đã "rớt" vào quyển tiểu thuyết kinh dị do một tên điên mà anh ta được thuê để tìm kiếm viết ra. Phong cách này trở nên công khai và mỉa mai tột độ trong Scream (1996).

      Hai vấn đề lớn nhất khiến cho thể loại kinh dị thoái trào trong giai đoạn này là: thứ nhất, chính sự lạm dụng bạo lực và máu me quá nhiều mà dòng phim này trải qua trong thập niên 1980 khiến nó mất đi sức hút; và thứ hai, những thanh thiếu niên ưa thích loại phim này đã lớn lên và thế hệ trẻ lúc bấy giờ đang mải theo đuổi những dòng phim đầy sức tưởng tượng phong phú, như khoa học viễn tưởng có áp dụng nhiều hiệu ứng đặc biệt và kĩ thuật CGI; ví dụ: Species (1995), Anaconda (1997), Mimic (1997), Blade (1998), Deep Rising (1998), House on Haunted Hill (1999), Sleepy Hollow (1999), và The Haunting (1999). Để phần nào vãn hồi và thu hút khán giả, phim kinh dị ngày càng đi theo hướng tự trào phúng và tự châm biếm, ví dụ: Braindead (1992, của Peter Jackson), series Screams (của Wes Craven), I Know What You Did Last Summer, Urban Legend,...

      • Thập niên 2000

      Tháng 9/2000, The Excorcist được tái công chiếu và khá thành công dù bộ phim này đã được bán ra dưới dạng băng đĩa trong nhiều năm. Bộ Valentine (2001, David Boreanaz diễn chính) dù cũng được coi là thành công thương mại nhưng lại bị chỉ trích là quá khuôn mẫu và áp dụng nhiều quy ước của dòng phim kinh dị cũ. Các franchise kinh dị lần lượt ra đời, như: Jason X (2001), Freddy vs. Jason (2003), 5 phần của Final Destination,... Các bộ phim Hollow Man, Orphan, Wrong Turn, Cabin Fever, House of 1000 Corpses,... đưa phim kinh dị trở lại với kí hiệu R (bị hạn chế độ tuổi) trong các rạp. Chuyển thể từ truyện tranh như series Blade, Constantine (2005), và Hellboy (2004) cũng rất được yêu thích. Trong các chuyển thể từ game - như Doom (2005) và Silent Hill (2006) - thì Van Helsing (2004) và series Underworld là thành công thương mại cỡ lớn.

      Đã có vài trào lưu nổi bật đặc trưng cho dòng phim kinh dị trong giai đoạn này. Thứ nhất, sự xâm nhập và thành công vào thị trường Mĩ của phim kinh dị nước ngoài, đại biểu là Brotherhood of the Wolf (2001), Marianne (2011), Let the Right One In (2008),... Thứ hai là yếu tố kinh dị chủ yếu trong phim chuyển từ máu me sang tâm lý, đặc biệt là các bản Mĩ hóa của các phim kinh dị châu Á đặc sắc, ví dụ như: The Others (2001), The Ring (2002), The Grudge (2004), Pulse (2006),... Thứ ba là phim về zombie rất được quan tâm, ví dụ như: franchise Resident Evil (chuyển thể từ game, tính tới 2015 thì đã có 5 phần ra mắt và 1 phần đang được quay), I Am Legend (2007), Quarantine (2008), Zombieland (2009), 28 Days Later (2002), 28 Weeks Later (2007), bản tái bản của Dawn of the Dead (2004), Shaun of the Dead (2004),... Sự hồi sinh này khiến cho George Romero tiếp tục series Living Dead của mình với Land of the Dead (2005), Diary of the Dead (2007), và Survival of the Dead (2009). Và thứ tư, là sự quay lại với phong cách đặc tả bạo lực đã từng xuất hiện trong những bộ phim kinh dị kinh phí thấp hồi những năm 1970, ví dụ như: Audition (1999), Wrong Turn (2003), Wolf Creek (2005),... Một biến thể của trào lưu này là sự ra đời của một nhóm những phim kinh dị đặc biệt chú ý đến sự tra tấn và những cái chết thống khổ, như: Ghost Ship (2002), Eight Legged Freaks (2002), The Collector, The Tortured, franchise Saw,... Trong đó, franchise Saw đang giữ kỉ lục Guiness về franchise kinh dị có doanh thu ròng cao nhất mọi thời đại.

      Với Paranormal Activity (2009) - rất được giới phê bình khen ngợi và cũng thành công về thương mại - phong cách kinh dị tối giản xuất phát từ The Blair Witch Project (1999) đã được minh chứng và được mong đợi sẽ tiếp tục thành công trong các dự án kinh phí thấp khác.

      • Thập niên 2010

      Các bộ phim tái bản phim kinh dị của những thập niên trước trở nên phổ biến và những series web video nói về Slender Man rất nổi tiếng trên Youtube vào đầu thập niên 2010 (như TribeTwelve, EverymanHybrid, Marble Hornets). Nhân vật này và vô số series lớn nhỏ đã được coi là nguyên nhân khiến sự quan tâm của công chúng quay lại với phim cũ và văn học dân gian. Child's Play có một phần tiếp theo là Curse of Chucky (2013), còn Halloween, Friday the 13th, Hellraiser lần lượt đều có bản reboot. Kinh dị cũng trở thành một chủ đề nổi bật trong phim truyền hình, với: The Walking Dead, American Horror Story, The Strain,... hoặc từ phim điện ảnh nổi tiếng mà chuyển thể thành series truyền hình, như: Bates Motel (dựa vào Psycho), Hannibal (dựa vào Silence of the Lambs), Scream và Friday the 13th cũng sắp có series riêng. Một số bộ phim đáng chú ý khác là: You're Next (2011), The Cabin in the Woods (2012), The Green Inferno (2014, tôn vinh bộ phim từng một thời gây tranh cãi dữ dội là Cannibal Holocaust (1980), The Babadook (2014), It Follows (2014),...

      Thể loại phụ


      Phim kinh dị thường được chia thành các thể loại phụ dưới đây, và một bộ phim có thể kiêm cả nhiều thể loại phụ:
      • Kinh dị hành động (action horror): kết hợp thế lực phản diện là thế lực tà ác với những trận đấu súng và truy đuổi gay gắt của dòng phim hành động, đôi khi có kết hợp cả phim tưởng tượng. Những chủ đề và nhân tố thường gặp trong loại phim này là: máu me, quỷ dữ, động vật, ma cà rồng, zombie,... Ví dụ: Aliens, Predator, Hansel & Gretel: Witch Hunters, Priest, và Feast.
      • Kinh dị hài (comedy horror): gần như đều có liên quan đến hài kịch đen của phim hài, trong đó The Legend of Sleepy Hollow (của Washington Irving) được coi là "câu truyện hài-kinh dị tuyệt vời đầu tiên". Ví dụ: Jennifer's Body,Teeth, Nina Forever, Slither, Army of Darkness, và Idle Hands.
      • Kinh dị thân xác (body horror): sự kinh dị đa phần đến từ đặc tả quá trình hủy hoại thân thể con người, hoặc những cử chỉ kì dị, xếp đặt các bộ phận thân thể sai trình tự thông thường, David Cronenberg là đạo diễn nổi trội trong loại phim này. Ví dụ: Starry Eyes, Videodrome, Dead Ringers, The Thing, The Fly, và American Mary.
      • Kinh dị Giáng sinh (holiday horror): về một tên sát nhân tâm thần bắt đầu sẵn đuổi liên tục nhiều nạn nhân trong kì nghỉ lễ Giáng sinh, và tên này thường hóa trang thành các hình tượng kinh điển như Santa Claus, người tuyết, yêu tinh,... Ví dụ: Silent Night, Deadly Night, Jack Frost, The Gingerdead Man, Black Christmas, Krampus, và All Through The House.
      • Kinh dị chính kịch (horror drama): dựa vào nhiều yếu tố kinh dị, nói về những nhân vật gặp phải nhiều vấn đề cảm xúc thực chất, thường liên quan đến gia đình không hạnh phúc, và có cốt truyện chính kịch tiêu chuẩn. Ví dụ: Dark Water, The Babadook, Let the Right One In, Antichrist, Excision, và Audition.
      • Kinh dị tâm lí (psychological horror): dựa vào nỗi sợ, tội lỗi, niềm tin của các nhân vật, hiệu ứng âm thanh rùng rợn, sự bất ổn tâm lí, đôi khi có các thế lực siêu nhiên và ma quỷ, để xây dựng sự căng thẳng, dọa sợ khán giả, và phát triển cốt truyện. Ví dụ: Repulsion, Rosemary's Baby, The Shining, May, The Changeling, và The Uninvited.
      • Kinh dị khoa học viễn tưởng (science fiction horror): có thể bao gồm (nhưng không bị hạn chế) các chủ đề sát nhân ngoài hành tinh, bác học điên, thí nghiệm trục trặc. Ví dụ: Species, Mimic, Alien, The Thing, The Blob, Apollo 18, và Resident Evil.
      • Kinh dị đâm chém (slasher): xoay quanh một tên sát nhân hàng loạt chuyên dùng bạo lực để giết người một cách có hệ thống. Ví dụ: The Texas Chain Saw Massacre, Halloween,Friday the 13th, Black Christmas, A Nightmare on Elm Street, và Scream.
      • Kinh dị đổ máu (splatter): tập trung vào những cảnh máu me và đặc tả bạo lực, thường tỏ ra công khai chú ý đến sự yếu ớt của thân thể con người và tính chất sân khấu của việc phá hủy chúng. Không phải tất cả phim đổ máu đều là phim đâm chém hoặc kinh dị. Ví dụ: Inside, Train, The Human Centipede, Hostel, Saw, Blood Feast, và Maniac.
      • Kinh dị siêu nhiên (supernatural horror): nói về những hình tượng ma quỷ độc ác hoặc các thế lực siêu nhiên tương tự, thường pha trộn yếu tố tôn giáo vào cốt truyện. Ví dụ: The Ring, The Grudge, The Omen, The Exorcist, Paranormal Activity, và The Blair Witch Project.
      • Kinh dị Gothic (Gothic horror): có chứa yếu tố kinh dị và goth cổ điển, thường kèm theo một cốt truyện lãng mạn đầy gây cấn. Một số bộ phim kinh dị thời kì đầu là thuộc thể loại phụ này. Ví dụ: Dracula, Sleepy Hollow, The Others, The Phantom of the Opera, Kill, Baby, Kill, Nosferatu, và Crimson Peak.
      • Kinh dị tự nhiên (natural horror): nói về sức mạnh của tự nhiên trong hình dạng của quái thú đột biến, côn trùng ăn thịt, hoặc các loài động thực vật mà bình thường vô hại đột nhiên biến thành những kẻ sát nhân máu lạnh. Dòng phim này đôi khi trùng với phim khoa học viễn tưởng, phim hành động, và phim phiêu lưu. Ví dụ: Piranha 3D, Bats, Lake Placid, Rogue, Eaten Alive, và series Jaws.
      • Kinh dị xác sống (zombie): xoay quanh những sinh vật hoặc là tử thi di chuyển được, hoặc là con người bị mất ý thức, có những dòng phim nhỏ hơn như "zombie hài" hoặc "zombie khải huyền". Ví dụ: Dawn of the Dead, REC, 28 Days Later, Dead Snow, Night of the Creeps, và Messiah of Evil.

      Sức ảnh hưởng đến quốc tế


      Dù chỉ là một trong các thể loại điện ảnh, sức ảnh hưởng của phim kinh dị đến cộng đồng quốc tế là rất lớn. Chúng thường được tận dụng để trở thành một công cụ để truyền tải cho khán giả những vấn đề mang tính toàn cầu theo hướng thị giác và hiệu quả nhất. Nhà lý luận điện ảnh Jeanne Hall chấp nhận tác dụng của phim kinh dị trong việc đơn giản hóa quá trình hiểu được những vấn đề này. Ví dụ, phim kinh dị được dùng để trình bày những sự kiện lịch sử quốc tế, như sự kinh hoàng của Chiến tranh Việt Nam, Holocause, dịch AIDS,... Tuy nhiên, không phải lúc nào chuyện này cũng có kết quả khả quan. Trong thực tế, có vô số ví dụ cho sự lạm dụng yếu tố kinh dị để tạo thành những hình tượng sai lệch, từ đó một người có thể luôn luôn hiểu sai vấn đề được đề cập.

      Các thông điệp thị giác của một bộ phim có thể bị mất đi khi chuyển thể từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, ví dụ như khi bộ Ju on (của Nhật) chuyển thể thành bộ The Grudge (của Mĩ). Những yếu tố văn hóa của Nhật dần dần bị "bòn rút" để khán giả Mĩ có thể dễ đồng cảm hơn. Tình trạng suy thoái này xảy qua khi quá đề cao những giả định văn hóa bi quan, và dần dần, có thể ấn định một chuẩn mực thông thường về nền văn hóa đó trong tiềm thức mỗi cá nhân.


      Nguồn: Wiki | Dịch: Johanna A.P.| BBCode: Kei | Website: VnSharing.site
      Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.
      Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic trụ sở hồi báo, góp ý.
      Sửa lần cuối bởi Lucifer; 10-09-2016 lúc 23:06.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 23:44.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.