oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Điện Ảnh >

Đã đóng
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Movie] The King's Speech (2010)


      CINEMA WIKI

      THE KING'S SPEECH



      Poster tại rạp
      Đạo diễn
      Tom Hooper
      Sản xuất
      Iain Canning
      Emile Sherman
      Gareth Unwin
      Kịch bản
      David Seidler
      Diễn viên
      Colin Firth
      Geoffrey Rush
      Helena Bonham Carter
      Guy Pearce
      Timothy Spall
      Derek Jacobi
      Jennifer Ehle
      Michael Gambon
      Âm nhạc
      Alexandre Desplat
      Dựng phim
      Danny Cohen
      Chỉnh sửa
      Tariq Anwar
      Công ty sản xuất
      UK Film Council
      See-Saw Films
      Bedlam Productions
      Phân phối
      Momentum Pictures
      Ngày ra mắt
      6/9/2010 (Telluride Film Festival)
      7/1/2011 (UK)
      Thời lượng
      118 phút
      Quốc gia
      Vương quốc Anh
      Ngôn ngữ
      Anh
      Chi phí
      £8 triệu ($15 triệu)
      Doanh thu
      $414,211,549
      The King's Speech (tạm dịch: Bài diễn văn của nhà vua) là một bộ phim điện ảnh lịch sử năm 2010 được đạo diễn bởi Tom Hooper và viết kịch bản bởi David Seidler. Colin Firth đóng vai Vua George VI, người bị mắc tật nói lắp nên đã tìm gặp Lionel Logue, một nhà trị liệu phát âm và ngôn ngữ người Úc, được thủ vai bởi Geoffrey Rush. Trong quá trình điều trị, họ bắt đầu trở thành bạn và sau khi anh trai anh từ ngôi, nhà vua mới đã tin tưởng nhờ cậy Logue giúp ngài thu âm trực tiếp bài diễn văn chiến tranh đầu tiên của mình lên đài phát thanh – diễn văn tuyên chiến của Anh đối với Đức năm 1939.

      Seidler đã tìm đọc về vua George VI, về cuộc đời của ngài những ngày vượt qua hoàn cảnh hết sức chật vật của mình thời trẻ. Ông bắt đầu khai thác mối quan hệ giữa nhà vua và người trị liệu của mình từ tận những năm 80, nhưng theo lời đề nghị của goá phụ của nhà Vua, Nữ hoàng Elizabeth Mẹ , ông hoãn công việc này lại đến khi bà mất năm 2002. Sau đó ông viết lại kịch bản trên sân khấu để tập trung vào những mối liên hệ nền tảng giữa hai nam chính. Chín tuần trước khi phim khởi quay, những tập ghi chú của Logue được tìm thấy và trích dẫn từ đó ngay lập tức được đưa vào kịch bản.

      Các cảnh quay chính được thực hiện tại London và vòng quanh nước Anh từ tháng 11 năm 2009 đến tháng 1 năm 2010. Cảnh quay đầu tiên được ghi lại tại Đường Elland, Leeds và Sân vận động Odsal, Bradford, cả hai địa danh trên được sử dụng thay thế cho sân vận động Wembley cũ. Đối với những cảnh trong nhà, Khu Lanscater thế chỗ cho Cung điện Buckingham, Thánh đường Ely thay cho Tu viện Westminster, còn cảnh nơi nhà máy dệt được quay ở Nhà máy Queen Street tại Burnley. Công việc dựng phim của The King’s Speech có khác so với các phim điện ảnh đề tài lịch sử khác: ánh sáng cường độ mạnh được sử dụng để tôn lên câu chuyện, cùng với đó ống kính lớn hơn bình thường được đưa vào để làm nổi bật sự căng thẳng của nhà Vua. Kĩ thuật thứ ba mà Hooper dùng đến là cách quay lệch khung các nhân vật: trong cuộc đối thoại đầu tiên với Logue, nhà vua George VI được quay khi ngồi nhướng lên trên một bên ghế dài ngay rìa khung hình.

      Ra mắt tại Anh vào 7/1/2011, The King’s Speech đạt được thành công khổng lồ về cả doanh thu lẫn mặt chuyên môn. Ban đầu phim bị kiểm định thuộc loại dành cho người lớn do xuất hiện những lời chửi thề, nhưng sau đó chúng bị cắt giảm dần dưới những lời phê bình từ phía làm phim và phân phối phim tại Anh, và một vài trong số những câu tục được lược đi khi chiếu tại Mĩ. Với tổng chi 8 triệu bảng Anh, phim thu về hơn 400 triệu đô la Mĩ toàn cầu (khoảng 250 triệu bảng). Phim được hoan nghênh rộng rãi bởi các nhà phê bình cho cách làm kĩ xảo, chỉ đạo nghệ thuật, và chất lượng diễn xuất. Một số bên tập trung thảo luận về phương diện thuật lại lịch sử của phim, đặc biệt phần đảo ngược sự phản đối của Winston Churchill đối với việc từ ngôi. Phim nhận được nhiều giải thưởng và đề cử, tiêu biểu là cho diễn xuất của Colin Firth; Giải Golden Globe dành cho diễn viên Nam chính Xuất sắc nhất là giải thưởng duy nhất của đoàn làm phim tại buổi lễ đó, từ 7 đề cử. The King’s Speech thắng 7 giải BAFAs ), bao gồm Phim Hay nhất, Diễn viên Nam chính Xuất sắc nhất (Firth), Diễn viên Nam phụ Xuất sắc nhất (Rush) và Diễn viên Nữ phụ Xuất sắc nhất (Helena Bonham Carter). Phim còn thắng 4 giải Oscars: Phim Hay nhất, Đạo diễn Xuất sắc nhất (Hooper), Diễn viên Nam chính Xuất sắc nhất (Firth) và Kịch bản gốc xuất sắc nhất (Seidler).


      N
      ỘI DUNG



      Hình chụp Vua George V phát biểu Thông điệp mừng Giáng Sinh từ Hoàng tộc năm 1934, ảnh chụp lại từ phim.
      Hoàng tử Albert, Công tước xứ York, con trai thứ hai của Vua George V, lắp giọng trong suốt bài phát biểu bế mạc Triển lãm Đế chế Anh năm 1925 tại Sân vận động Wembley, tệ hơn khi bài phát biểu đó được phát trên đài phát thanh toàn cầu. Công tước đã từ bỏ mọi hi vọng chữa trị căn bệnh này, nhưng phu nhân ngài, bà Elizabeth, thuyết phục được ngài đến gặp Lionel Logue, một nhà trị liệu phát âm người Úc tại London. Ngay trong buổi gặp đầu tiên, Logue phá vỡ luôn nghi thức hoàng gia bằng cách gọi Hoàng tử là “Bertie,” cái tên chỉ có người nhà mới dùng để gọi. Khi Công tước kết luận phương thức và cách cư xử của Logue là không phù hợp, Logue cược một đồng shilling rằng ngài có thể vừa đọc trôi chảy bài “To be, or not to be” trong Hamlet vừa nghe tai nghe “The Marriage of Figaro”. Logue thu âm bài đọc của ngài vào đĩa acetate. Cho rằng rằng mình đã ấp úng suốt bài đọc, Hoàng tử Albert tức giận bỏ đi, quả quyết tình trạng của mình “hoàn toàn vô vọng” và mời Logue ra về. Logue đưa lại đĩa thu cho ngài như quà kỉ niệm.

      Sau khi Vua George V gửi lời nhắn mừng Giáng Sinh qua đài, ông giải thích cho con tầm quan trọng của việc lên sóng phát biểu đối với một nhà nước quân chủ. Ông nói “David” (Edward, Công tước xứ Wales), anh trai Albert đồng thời là người thừa kế ngai vàng, sẽ tự huỷ hoại chính mình, gia đình, và cả quốc gia khi kế vị ngôi vua – để lại lục địa châu Âu vào tay Đức Quốc Xã và phe Cộng Hoà Nga. Vua George đề nghị Albert phải rèn luyện, bắt đầu bằng việc đọc lại bài phát biểu của cha mình. Hoàng tử đáp trả với nỗ lực trong tuyệt vọng.

      Sau đó, ngài bật đĩa thu của Logue và nghe lại giọng mình đọc không chút vấp váp bài đọc của Shakespeare. Ngài quyết định tìm đến chỗ Logue lần nữa, nơi ngài và phu nhân kiên quyết chỉ tập trung vào vấn đề vật lý (không nói sang chuyện riêng tư). Logue giúp ngài luyện tập thả lỏng cơ và điều khiển nhịp thở nhưng vẫn tiếp tục kiên trì, từ tốn thăm dò nguồn gốc tâm lí dẫn đến căn bệnh. Cuối cùng Công tước cũng phải tiết lộ những áp lực từ quá khứ, và hai người bắt đầu trở thành bạn thân.

      Tháng 1 năm 1936, Vua George V băng hà, David kế ngôi danh Vua Edward VIII, nhưng gây loạn hiến pháp bấy giờ với quyết định nhất thiết lấy Wallis Simpson, một người đàn bà quan hệ rộng rãi ở xã hội Mĩ đã ly hôn nhưng trên giấy tờ vẫn đang hợp pháp làm vợ của một ông chồng khác. Tại một bữa tiệc ở Lâu đài Balmoral, Albert giải thích với Edward rằng, với tư cách người đứng đầu Giáo hội Anh, Edward không thể lấy Simpson, dù cô có lần thứ hai ly dị đi nữa; Edward buộc tội em trai tội mưu phản.


      Colin Firth và Helena Bonham Carter trong vai Công tước và Công nương xứ York.
      Tại buổi học kế, Albert bày tỏ bực dọc rằng dù ngài có đang cải thiện việc tập đọc, nói trước công chúng, ngài vẫn còn ấp úng khi đối diện với anh trai, và kể ra cả sự điên khùng mà Edward VIII vì Simpson gây nên. Khi Logue bày tỏ Albert có thể làm một vị vua tốt thay cho anh mình, Albert cho rằng gợi ý kia có thể gán mác tạo phản, nên đùng đùng nổi giận, châm thuốc và đuổi Logue đi. Sau khi Vua Edward VIII cũng chính thức từ bỏ ngai vàng để lấy Simpson, Albert lên ngôi danh Vua George VI. Nhà vua mới cùng Hoàng hậu đến thăm Logue và gửi lời xin lỗi, khiến bà Logue một phen kinh sợ vì trước nay không biết bệnh nhân chồng là vua.

      Trong lần chuẩn bị cho lễ đăng quang của mình tại Tu viện Westminster, Vua George VI phát hiện Logue không hề có bất cứ bằng cấp nào như ông nghĩ ban đầu. Khi bị chất vấn, Logue giải thích ông được yêu cầu giúp đỡ các binh lính Úc hoảng loạn khi trở về từ Thế chiến thứ Nhất. Khi George VI vẫn thiếu tự tin mình có đủ tư cách lên ngôi không, Logue ngồi lên Ngai vàng Vua Edward và giỡn cợt bệ đá Stone of Scone. Kích động trước vẻ hỗn xược của Logue, nhà vua tự làm chính mình bất ngờ với sự phản bác hùng hồn của mình.

      Trước tuyên ngôn tuyên chiến với Đức Quốc Xã tháng 9/1939, George VI triệu tập Logue vào Cung điện Buckingham chuẩn bị cho bài phát biểu trên sóng truyền thanh tới hàng triệu thính giả trong Vương quốc Anh và Đế quốc. Biết được thử thách lớn lao mà ngài sắp đối mặt, cả Winston Churchill lẫn thủ tướng Neville Chamberlain đều nhiệt tình mong muốn hỗ trợ ngài. Họ để nhà Vua cùng Logue ở lại trong phòng. Ngài phát biểu gần như thành thạo với sự chỉ dẫn của Logue. Phần cuối bài phát biểu, George VI nói một cách tự do mà không cần Logue hướng dẫn. Sau đó, nhà Vua và gia đình đứng trên ban công cung điện, vẫy tay trước hàng ngàn người dân tụ lại tung hô.

      Cuối phim có dòng chữ giải thích Logue luôn có mặt trong các bài phát biểu của Vua George VI suốt thời chiến, và họ làm bạn trong suốt quãng đời còn lại.


      D
      IỄN VIÊN



      Chỉ là lựa chọn thứ ba cho vai chính, diễn xuất của Colin Firth được nhận cả giải BAFTA lẫn Oscar cùng nhiều giải khác.
      Colin Firth
      vai
      Vua George VI
      Geoffrey Rush
      vai
      Lionel Logue
      Helena Bonham Carter
      vai
      Nữ hoàng Elizabeth
      Guy Pearce
      vai
      Vua Edward VIII
      Timothy Spall
      vai
      Winston Churchill
      Derek Jacobi
      vai
      Mục sư Cosmo Lang
      Jennifer Ehle
      vai
      Myrtle Logue
      Anthony Andrews
      vai
      Stanley Baldwin
      Claire Bloom
      vai
      Nữ hoàng Mary
      Eve Best
      vai
      Wallis Simpson
      Freya Wilson
      vai
      Công nương Elizabeth
      Tim Downie
      vai
      Công tước xứ Gloucester
      Roger Hammond
      vai
      Bs. Blandine Bentham
      Ramona Marquez
      vai
      Công nương Margaret
      Michael Gambon
      vai
      Vua George V
      Roger Parrott
      vai
      Neville Chamberlain


      S
      ẢN XUẤT


      Phát triển

      "Không có nhiều thông tin được để lại về người trị liệu của Bệ hạ, Lionel Logue, càng không có trong các cuốn tiểu sử chính thức. Cũng không có nhiều tài liệu xuất bản nói đến chứng nói lắp nơi Hoàng tộc; quả thật là một điều rất đáng tiếc." — David Seidler

      Khi còn là một cậu bé, David Seidler từng mắc chứng nói lắp, và tin rằng chứng này để lại là hệ quả từ khủng hoảng tinh thần sau Thế chiến thứ Hai cộng với cái chết của ông bà ông trong cuộc tàn sát Holocaust (giết chóc người Do Thái). Thành công của vua George VI trong việc vượt qua căn bệnh này đã làm nguồn cảm hứng cho ông, “Một người nói lắp làm vua, phát sóng thông điệp của mình qua đài nơi mọi người dân đều lắng nghe từng âm tiết một, nhưng ngài vẫn làm được, và làm với đam mê và nhiệt huyết.” Khi Seidler lớn lên, ông quyết tâm viết về Vua George VI. Trong suốt những năm cuối thập kỉ 70 đến 80 thế kỉ XX ông tâm huyết tìm hiểu về nhà vua, nhưng gần như không kiếm được thông tin gì của Logue. Cuối cùng Seidler liên lạc Bs. Valentine Logue, người đồng ý cung cấp thông tin về cha mình và đưa ra những cuốn sổ của cha nếu Nữ hoàng Mẹ cho phép. Bà yêu cầu khi bà vẫn sống thì không được làm thế, nên Seidler đành hoãn kế hoạch lại.

      Năm 2002, Nữ hoàng Mẹ qua đời. Ba năm sau, Seidler quay về với kịch bản tràn đầy cảm hứng nhiệt huyết sau khi hồi phục từ căn bệnh ung thư. Trong quá trình nghiên cứu, bao gồm cả một lần có cơ hội gặp mặt một người Logue đã từng chữa trị, ông nhận thấy Logue đã sử dụng các bài tập thở cơ học kết hợp tư vấn tâm lý để tra ra nguyên nhân sâu xa cho căn bệnh. Qua chuẩn bị, Seidler tự hình dung ra các bài học. Ông cho vợ xem kịch bản đã hoàn thành, và rất được hưởng ứng, nhưng bà cũng được nhận xét nó “dễ sa đà vào các kĩ thuật điện ảnh”. Bà gợi ý ông làm lại bản kịch sân khấu, tập trung nhiều hơn vào nền tảng mối quan hệ giữa nhà vua và Logue. Sau khi hoàn thiện nó, ông gửi kịch bản cho các bạn làm việc tại nhà hát ở London và New York chờ phản hồi.


      Nhà sản xuất phim phá vỡ tiền lệ bằng cách trao tận tay Geoffrey Rush kịch bản, nhưng ông rất hứng thú và đồng ý sản xuất đồng thời diễn vai trong phim.
      Năm 2005, Joan Lane thuộc Wilde Thyme, một công ty sản xuất tại London, nhận được kịch bản. Lane bắt đầu thảo luận với Simon Egan và Gareth Unwin của Bedlam Productions, và họ mời Seidler tới London viết lại kịch bản lần nữa, cho bản điện ảnh. Cùng nhau, Lane và Bedlam Productions tổ chức buổi diễn thử kịch tại Nhà hát Pleasance, một khu nhà nhỏ ở Bắc London, tới một nhóm người Úc xa xứ, trong đó có cả mẹ của Tom Hooper. Bà gọi con trai mình và nói, “Mẹ biết dự án sắp tới của con sẽ là gì rồi.”

      Thay vì cố gắng liên lạc người đại diện, Lane nhờ một thành viên người Úc trong đoàn trao tận tay kịch bản tới nhà Geoffrey Rush, không xa lắm so với nhà cô ở Melbourne. Unwin báo lại ông đã nhận được email dài bốn trang từ quản lý của Rush la rầy về việc làm trái lệ, nhưng sau cùng vẫn mời tới thảo luận chi tiết hơn cho dự án. Iain Canning từ See-Saw Films cũng tham dự và, theo lời Gareth Unwin: “Chúng tôi làm việc với chủ tịch BAFTA cũ Richard Price, và chuẩn bị chuyển câu chuyện hai người đàn ông cộc cằn ngồi một phòng sang cái gì đó vĩ đại hơn.” Hooper thích cốt truyện, nhưng vẫn nghĩ cái kết gốc cần thay đổi để phản ánh sự kiện chính xác hơn: “Ban đầu, nó mang cái kết hơi hướng Hollywood… Nếu bạn nghe bài phát biểu có thật, ngài vẫn rõ ràng đang tranh đấu với tật nói lắp. Nhưng màn trình diễn đó không phải hoàn hảo. Đó là cả một sự nỗ lực.”

      Đội ngũ sản xuất phát hiện, khoảng chín tuần trước khi khởi quay, cuốn nhật kí bao gồm những lời ghi chú gốc của Logue về việc chữa trị cho Công tước. Họ bắt tay làm lại kịch bản để phản ảnh những gì được ghi chép trong đó. Hooper cho biết một số câu thoại đặc sắc nhất phim, ví dụ như đoạn cao trào, khi Logue mỉm cười, “Ngài vẫn nói lắp đoạn chữ W” với Vua, người đáp lại, “Phải có vài đoạn như thế để người ta còn biết đó là ta chứ” là những câu nguyên bản trích dẫn trong cuốn sổ của Logue. Những thay đổi từ kịch bản để thuật lại lịch sử bao gồm việc Michael Gambon ứng biến phần càm ràm của Vua George V khi ông trao lại quyền, và quyết định cho Công tước mặc áo choàng thay vì lễ phục hoàng tộc ở cảnh đầu.

      Seidler cho rằng Paul Bettany sẽ là lựa chọn tốt để đóng vai Vua George VI, trong khi Tom Hooper lại ưu tiên Hugh Grant, nhưng cả hai người đều từ chối nhận lời. Sau cùng khi họ gặp Firth và nghe anh thử giọng, cả Seidler và Hooper đều chắc chắn rằng anh chính là người phù hợp với vai diễn này.

      Hồi đồng UK Film Council chi cho công việc sản xuất 1 triệu bảng vào tháng 6 năm 2009. Việc quay phim bắt đầu vào tháng 12 năm đó, quay trong 39 ngày. Phần lớn phân cảnh được thực hiện trong ba tuần trước Giáng Sinh vì Rush bận chuẩn bị diễn một vở kịch trong tháng 1. Lịch quay còn gặp thêm chút rắc rối vì lịch làm việc của Bonham Carter: cô tham gia diễn xuất trong Harry Potter vào giữa tuần, nên việc đóng phim của cô phải được thực hiện vào cuối tuần.


      Địa điểm và thiết kế



      Toà The Pullens với quảng cáo từ những năm 30 thế kỉ XX
      Khâu thiết kế thực sự là một thử thách đối với đoàn làm phim: những tác phẩm thuộc lịch sử luôn đòi hỏi một chất lượng nhất định đối với sản xuất, nhưng kinh phí ở đây khá hạn chế chỉ với 8 triệu bảng. Phim cần phải chân thực – kết hợp cả cái sang trọng vương giả với sự nhếch nhác, trầm lắng của London thời đó. Vào 25/9/2009, đội ngũ tạm sở hữu dãy toà nhà Pullens tại Southwark. Cả đường phố biến thành một London những năm 30. Những tấm biển quảng cáo lớn về Bovril và phát xít (cùng những chủ đề khác) được dán lên tường; mặt đường phủ đầy cát bụi và rêu mốc dính đầy trên các toà nhà. Một hàng xóm của Hooper từng kể với ông rằng thời đó khói bụi tại London dày đến mức xe hơi đi lại phải cần người đứng trước chỉ dẫn. Để tái tạo khung cảnh ấy, đoàn đã phải tạo nhiều khói nhân tạo đến mức chuông báo cháy tại cửa hàng gần đó cũng phải rung. Theo Hooper, cảnh đó là một cơ hội tốt để thể hiện môi trường sống của Logue.

      Vào 26/11, một tuần quay phim có Firth, Rush, và Jacobi bắt đầu tại Thánh đường Ely, địa điểm thay thế cho Tu viện Westminster. Bên phía sản xuất có xin phép quay phim tại Tu viện nhưng bị từ chối do nhu cầu du lịch ở đó. Dù Thánh đường Lincoln giống với Tu viện hơn về kiến trúc, họ ưu tiên Ely hơn, một địa điểm ưa chuộng cho việc quay phim. Kích cỡ của nó cho phép dựng cảnh không chỉ cho lễ đăng quang, mà còn cho cả quá trình chuẩn bị trước đó.

      Toà Lancaster, một toà nhà cổ kính sang trọng thuộc chính phủ ở London, được dùng cho các cảnh quay trong Cung điện Buckingham nơi nhà vua đi qua trước khi phát biểu diễn văn và cho bức hình chụp chính thức sau đó; một ngày thuê tốn 20,000 bảng. Hội đồng Đăng quang năm 1936 tại Cung điện St. James, nơi George VI đọc tuyên thệ, được quay vào tháng 2 tại Sảnh Livery của Sảnh Drapers sau khi những cảnh chính được hoàn thiện. Căn phòng, được trang trí công phu và rộng rãi, đúng với những gì cần: những đồ vật đắt tiền, cờ và chân dung các nhân vật hoàng gia báo trước trách nhiệm khó khăn mà nhà vua mới sắp phải đối mặt.

      Đoàn làm phim tìm hiểu thêm về các căn phòng tư vấn cũ của Logue, nhưng chúng quá nhỏ để có thể đặt máy quay. Thay vào đó, họ tìm căn phòng lớn hơn, có vòm cách đó không xa tại số 33 Portland Place. Eve Stuart, nhà thiết kế của đoàn, mê những tấm vải tường đốm màu ở đây đến mức cô đã tự bày lại chúng dọc khắp căn phòng. Trong phần bình luận DVD, Hooper cho biết anh thích cả một khu Portland Place vì nó làm anh cảm thấy ấm cúng, không như những toà nhà cổ khác tại London. Những cảnh Công tước xứ York ở nhà cùng gia đình cũng được quay tại đó; cho thấy căn nhà mà Hoàng tử sống như “đập tan” hình dung cố hữu về phim ảnh hoàng gia.

      Cảnh mở đầu, cảnh về lễ bế mạc Triển lãm Đế quốc Anh năm 1925 tại Sân vận động Wembley, được quay tại một điểm trên Elland Road, sân nhà của Leeds United, và SVĐ Odsal, sân nhà của Bradford. Elland Road được dùng trong cảnh công tước ấp úng trong lần gặp gỡ công chúng đầu tiên, và SVĐ Odsal được sử dụng vì có đường cong giống SVĐ Wembley năm 1925. Đội ngũ làm phim chỉ được sử dụng SVĐ lúc 10 giờ tối, sau khi một trận đấu kết thúc. Họ phủ đầy ghế ngồi với các hình nộm và hơn 250 diễn viên quần chúng mặc trang phục thời đó. Các diễn viên thật được đặt xen kẽ để tạo cảm giác đám đông thật. Những người khác, cũng như các lính nhiều cấp bậc trên sân bóng, được thêm vào nhờ kĩ xảo.

      Những địa điểm khác bao gồm Nhà nghỉ Cumberland, Đường Harley, Knebworth, Nhà Hatfield, Cao đẳng Old Royal Naval tại Greenwich, Queen Street Mill, Bảo tàng Textile tại Burnley, và Trạm Battersea Power, cũng là phòng truyền phát BBC. Phim chính thức đóng máy vào 31/8/2010.


      Đối thoại


      Trong quá trình tái hiện lại tật nói lắp của George VI, Firth đã làm việc cùng với Neil Swan, huấn luyện lồng tiếng của bộ phim. Em gái anh, Kate Firth, nguyên là huấn luyện lồng tiếng chuyên nghiệp cho diễn viên, đã đề ra các bài tập mà nhà Vua có thể đã thực hiện với Logue, đồng thời đưa ra gợi ý huấn luyện cách thức Logue kết hợp cả phương pháp vật lý lẫn tâm lý cho bộ phim. Thêm vào đó, Firth nghiên cứu các tài liệu để lại về những lần nhà vua phát biểu. Trong cuộc phỏng vấn với Allan Tyrer phát hành bởi British Stammering Association (Hội Nói lắp Anh quốc), Swain nói: “Khá thú vị khi chúng ta cùng nhau làm việc cho bộ phim, nghĩ đến những việc sẽ làm và nên làm với độ nghiêm trọng của tật nói lắp của George. Tôi nghĩ một đạo diễn ít dũng cảm hơn Tom (Hooper) – và đương nhiên một diễn viên ít dũng cảm hơn Colin (Firth) – có thể đã giảm đi phần nào mức độ căn bệnh đó rồi, và tôi thật sự, thật sự biết ơn khi không ai trong hai người họ làm vậy cả.” Tháng 5 năm 2011, Firth bày tỏ di chứng tật này quả thật khó bỏ: “Bạn có thể nhận ra ngay từ chính buổi phỏng vấn này đây, thật sự dễ lây nhiễm,” anh nói. “Bạn bắt đầu thực hiện và càng nghĩ nhiều về nó, nó càng tệ. Phải tự mình trải nghiệm mới có thể cảm nhận được.”

      Âm nhạc


      Nhạc phim được soạn bởi Alexandre Desplat. Trong một bộ phim với nhân vật chính đấu tranh để có thể phát biểu được trơn tru, Desplat đặc biệt cẩn trọng trong việc lấn át yếu tố kịch, “Đây là bộ phim về âm thanh giọng nói. Âm nhạc phải đáp ứng được điều đó. Nhạc phải đáp ứng được sự im lặng cần thiết, thời gian cần thiết.” Nhạc phim là kết hợp thưa với nhạc dây và nhạc piano (thi thoảng thêm chút kèn và đàn hạc), để truyền tải nỗi buồn trong cái im lặng của nhà vua, và sự phát triển của tình bạn giữa ngài với Logue. Cách tiếp cận đơn giản càng nhấn mạnh sự khó khăn của nhân vật chính. Desplat sử dụng những nốt đơn giống nhau liên tiếp nhằm thể hiện cái díu lại khi nhà vua nói. Theo sự tiến triển của phim, những trường dây mạnh dần gói lại tình bạn sâu sắc giữa hai nhân vật chính. Âm nhạc đạt vai trò đỉnh điểm trong cảnh đăng quang. Ban đầu Hooper còn không muốn đưa âm nhạc vào cảnh đó, nhưng Desplat phản biện rằng đó mới là đỉnh điểm của bộ phim – khi tình bạn được chứng nhận khi cả hai bên quyết định tin tưởng lẫn nhau. “Điều đó thật sự hiếm gặp,” Desplat nói, “thường thì ta gặp nó ở những câu chuyện tình”. Để tạo cảm giác xưa cổ, nhạc phim được thu lại trong máy thu cổ từ kho lưu trữ EMI đặc biệt dành cho hoàng gia. Đoạn nhạc được chơi trong lúc phát sóng bài phát thanh năm 1939 - đỉnh điểm phim - là từ bài thứ hai (Allegretto) trong Buổi hoà nhạc thứ 7 của Beethoven, được thêm vào bởi Tariq Anwar (nhà biên tập phim). Khi Desplat tham gia đội ngũ soạn nhạc sau đó, ông khen ngợi và ủng hộ ý tưởng của Anwar. Hooper ca ngợi phần nhạc đó đã nâng tầm bài diễn thuyết đúng chất sự kiện công chúng. Nhạc phim được đề cử cho hàng loạt giải thưởng, bao gồm giải Nhạc phim hay nhất tại lễ Oscars, Golden Globes, và cả BAFTAs, giải thưởng mà họ có vinh dự nhận được. Nhạc phim còn giành giải Grammy tại lễ trao giải thứ 54.


      P
      HONG CÁCH KĨ XẢO



      Tom Hooper sử dụng máy quay tại bảo tàng Queen Street Mill, Lancashire.
      Hooper đưa vào một vài kĩ thuật quay phim làm nổi bật cảm xúc căng thẳng của nhà vua. Ông và người phụ trách quay phim Danny Cohen sử dụng ống kính rộng hơn bình thường, cụ thể là loại 14mm, 18mm, 21mm, 25mm, và 27mm, chỉ những biến đổi nhỏ nhất cũng có thể bộc lộ sự khó khăn của ngài. Ví dụ, góc nhìn chủ thể trong buổi triển lãm Đế quốc sử dụng góc cận cảnh mic thu với ống kính rộng, cũng giống kĩ thuật dùng cho phần cảnh đầu khi Công tước tham gia chữa tật với một nhà vật lý học. Trong tờ The New York Times, Manohla Dargis viết rằng cảm giác gò bó trong tâm trí nhà vua được thể hiện gần như rõ rệt bởi các ống kính cô nghĩ thuộc loại fisheye, mặc dù thực tế những cảnh đó đã sử dụng ống kính rộng. Hooper cũng chia sẻ việc dụng loại 18mm mà ông thích “vì nó đặt người ta vào đúng chỗ của họ”.

      Roger Ebert quan sát thấy rằng phần lớn phim được quay trong nhà, nơi các dụng cụ, hành lang, khoảng trống thể hiện sự vừa khít, đối lập với những bộ phim dã sử khác nhấn mạnh cái khang trang vương giả. Hooper dùng các đoạn quay xa để đưa vào ngôn ngữ cơ thể của các diễn viên, đặc biệt là Geoffrey Rush, người đã huấn luyện tại L’École Internationale de Théâtre Jacques Lecoq ở Paris và “đặc biệt tuyệt vời trong cách điều khiển cơ thể”. Hooper mở rộng máy trước tiên để thu lại các động tác của Rush, sau đó là cả cử động toàn thân và bóng người. Phương pháp này cũng được áp dụng cho Firth. Ở phân cảnh hai người tiến hành trị bệnh lần đầu, Công tước ngả hẳn người lên chiếc ghế bành dựa lên bức tường lớn, “như thể lấy tay ghế ra làm một người bạn, một tấm chăn che chở?” Martin Filler khen ngợi cách quay phim “công suất thấp” của Danny Cohen, làm mọi thứ cứ như đã “ngập cả trong một tách trà mạnh”.

      Những lúc khác, máy quay được đặt rất gần với các diễn viên để thu lại vẻ mặt trực diện: “Nếu bạn đưa ống kính 6 inches trước mặt một người, bạn sẽ thấy được nhiều cảm xúc hơn dùng ống kính dài cách đó 20 feet,” Cohen trả lời trong một cuộc phỏng vấn. Hooper đã thử một lần trong khi quay một cảnh hai người gặp lần đầu trong phòng, đặt máy quay cách mặt Colin Firth 18 inches: “Tôi muốn thấy được sự dè dặt từ những ngày đầu in đậm nơi màn trình diễn của anh ấy.”

      Các phim ảnh lịch sử thường sử dụng “ánh sáng nhẹ”, nhưng Hooper muốn dùng phong cách cường độ mạnh hơn, tạo cảm giác đương thời hơn, phản chiếu cảm xúc mạnh mẽ hơn. Để đạt được hiệu ứng này, bên phụ trách ánh sáng dựng lều kín tại các toà nhà Georgia, sử dụng ánh khác đã được lọc qua cotton từ Ai Cập.


      T
      ÍNH CHUẨN XÁC VỀ LỊCH SỬ


      Đoàn làm phim không chỉ rút ngắn trình tự thời gian sự kiện xuống còn vài năm mà thậm chí còn chuyển dịch thời điểm thật việc chữa trị: Công tước xứ York thật ra bắt đầu làm việc cùng Logue từ tháng 10/1926, mười năm trước khi khủng hoảng thoái vị diễn ra, và ngài cải thiện tật rõ rệt chỉ trong vài tháng chứ không đến vài năm, cũng như phim thể hiện. Trong một mục phỏng vấn ở một tờ báo với John Gordon, Logue có nói “Mạnh mẽ và gần như không hề nói lắp, ngài đã chính thức mở Quốc hội Úc tại Canberra năm 1927”; chỉ bảy tháng sau khi Công tước bắt đầu làm việc với Logue.

      Hugo Vickers, cố vấn phim, đồng ý rằng sự cải biên lại các chi tiết lịch sử nhằm bảo toàn bản chất của một câu chuyện có tính kịch đôi khi là điều cần thiết. Những công chức cấp cao chẳng hạn, đáng ra không cần có mặt khi nhà vua diễn thuyết, cả Churchill thật ra cũng không có liên quan gì, “nhưng bình thường các khán giả đều biết đến Churchill; họ thường không biết Lord Halifax hay Lord Hoare.”


      Lionel Logue ở London, 1930.
      Robert Logue, cháu trai của Lionel, từng nghi ngờ độ chân thực của phim về cách trị liệu, “Tôi không nghĩ ông tôi có thể chửi thề trước mặt nhà vua và hẳn không bao giờ gọi ngài là ‘Bertie’ được”. Andrew Roberts, một nhà sử gia người Anh, cho rằng tính trầm trọng của chứng nói lắp của Vua đã bị phóng đại và tính cách các nhân vật Edward VIII, Wallis Simpson, và George V trong phim hơi trái với tính cách thật của họ, vốn chỉ để tạo hiệu ứng kịch.

      Christopher Hitchens và Isaac Chotiner nghi ngờ cách phim lột tả vai trò Winston Churchill trong cuộc khủng hoảng thoái vị. Việc Churchill đã ủng hộ Edward VIII để kháng lại áp lực thoái vị được mọi người biết đến rộng rãi, nhưng trong phim ông lại hết lòng ủng hộ Hoàng tử Albert và không phản đối việc từ ngôi. Hitchens quy việc làm này cho sự “tôn thờ” đối với hình tượng Churchill. Trong một bộ phim hay, “không phải câu chuyện thật sẽ không thú vị đối với khán giả sao?”. Người ta còn phê bình phim trong việc không tố cáo được chính sách nhân nhượng thời đại đó. Trong khi phim chưa từng trực tiếp đề cập, Hitchens và Chotiner cho rằng nó ngầm ám chỉ George VI đã phản đối chính sách nhân nhượng, đặc biệt ở cảnh cuối khi “Churchill và nhà vua tại Cung điện Buckingham cùng bài diễn văn kêu gọi đoàn kết và đối kháng sẵn sàng được thu âm lại”. Khác với việc tự tạo khoảng cách giữa mình với chính sách bạc nhược của Chamberlain, trái lại, Vua George VI đã vội vàng chạy xe tới gặp trực tiếp Neville Chamberlain ngay khi ông trở về sau buổi kí kết Hiệp ước Munich với Hitler năm 1938. Sau đó Vua và Chamberlain xuất hiện trên lan can Cung điện Buckingham với đám đông bên dưới hưởng ứng. Điều này khiến sử gia Steven Runciman phải viết rằng bằng việc ra mặt ủng hộ chính sách ngoại giao của Chamberlain, Vua George VI đã phạm “sai lầm chính trị tồi tệ nhất từng được thực hiện bởi một người đứng đầu đế chế thế kỉ đó”. The Guardian đính chính lại hình tượng Stanley Baldwin từ chức vì không muốn chỉ huy sắp xếp lại quân đội Anh, mà thật ra ông về hưu như “một anh hùng dân tộc, đã mệt mỏi sau hơn một thập kỉ cầm quyền”.

      Martin Fuller nhận thấy phim đã thay đổi một số yếu tố lịch sử có lý do chính đáng nhằm tạo các chi tiết kịch có giá trị, ví dụ đoạn vua George V giải thích cho con tầm quan trọng của truyền thanh có thể chỉ là tưởng tượng. Filler cảnh báo rằng George VI chẳng thể nào khoan thứ cho việc Logue gọi ngài thân mật, cũng không nói tục, và Vua chí ít cũng phải hiểu khi Hitler nói tiếng Đức. Filler chỉ rộng hơn rằng cả Vua lẫn vợ ngài, thực chất, cư xử khá lãnh đạm với Churchill vì ngài ủng hộ anh trai của nhà Vua trong đợt khủng hoảng thoái vị. Họ chỉ thân thiện hơn với Churchill sau này khi chiến tranh nổ ra, do công sức của ông dưới vai trò lãnh đạo.

      Nhận xét về cảnh cuối phim trên ban công Cung điện Buckingham, Andrew Roberts viết, “Cảnh cuối khá vô lý xét trên phương diện lịch sử - Neville Chamberlain và Winston Churchill không hề hiện diện tại đó, cũng không có đám đông ở dưới tung hô.” Nhìn chung, Roberts khen ngợi bộ phim đã khắc hoạ đầy cảm thông chân dung nhà vua với hình ảnh “một người hùng thầm lặng, khiêm nhường”, và chú thích: “Hình tượng được khắc họa bởi Firth và Bonham Carter đầy tính nhân văn và chính xác, và vài lệch lạc thi thoảng khi đối chiếu với sự thật của phim không thể phủ nhận thành công đó.”


      P
      HÁT HÀNH


      Công chiếu tại rạp


      Poster bản Pháp cho poster rạp cải biên của The King’s Speech.
      Bộ phim công chiếu lần đầu vào 6/9/2010 tại Liên hoan Phim Telluride ở Mĩ. Nó cũng được trình chiếu trong Liên hoan Phim quốc tế Toronto 2010, vào sinh nhật thứ 50 của Firth, nơi bộ phim nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ người xem và giành giải People’s Choice Award. Poster rạp của phim đã được thiết kế lại với hình ảnh cận cảnh phần cằm của Firth trước máy thu âm sau khi Hooper phê bình bản thiết kế ban đầu “thô thiển”. Tim Appelo gọi bản poster ban đầu với tạo hình ba nhân vật chính “quá sức tồi tệ”, còn bản poster mới “thật sự xứng tầm”.

      Phim cũng được phát hành bởi hãng Transmission ở Úc và Momentum Pictures ở Anh. The Weinstein Company đảm nhận việc phân phối phim ở Bắc Mĩ, Đức, Benelux, Scandinavia, Trung Quốc, Hồng Kông, và Nam Mĩ. Phim ra mắt tại Pháp vào 2/2/2011, với tiêu đề Le discours d’un roi, phân phối bởi Wild Bunch Distribution.


      Tranh cãi về độ tuổi được xem


      Ban đầu phim được phân độ tuổi 15 trở lên bởi Hội đồng phân loại phim Anh quốc, do có cảnh Logue khuyến khích vua chửi bậy nhằm giải toả áp lực. Tại Liên hoan phim London, Hooper chỉ trích quyết định đó, thắc mắc sao hội đồng có thể xếp phim hạng “15” vì xuất hiện câu tục mà vẫn để những phim như Salt (2010) và Casino Royale (2006) hạng “12A” với các cảnh tra tấn trong các bộ phim kể trên. Sau khi nhận được những phàn nàn của Hooper, hội đồng quyết định giảm độ tuổi cho phép xuống "12A", cho phép trẻ em được phép xem phim dưới sự quản lý của người lớn. Hooper phàn nàn về vấn đề tương tự tại Liên hiệp phim Hoa Kì, khi họ đã cho phim mức “R”, không cho khán giả dưới 17 tuổi xem phim mà không đi cùng người lớn. Trong bài nhận xét của mình, Roger Ebert phê bình về vấn đề xếp hạng “R”, nhận xét là “không thể hiểu nổi”, và viết, “Đây là một bộ phim tuyệt vời dành cho giới trẻ.”

      Vào tháng 1 năm 2011, Harvey Weinstein, giám đốc sản xuất và phân phối của bộ phim, cho biết anh đang cân nhắc chỉnh sửa lại phim để cắt bớt những đoạn tục tĩu, để nó nhận được mức phân loại thấp hơn, qua đó giúp một lượng lớn khán giả có cơ hội xem phim. Tuy nhiên, Hooper phản đối việc cắt cảnh, nhưng vẫn cân nhắc việc chèn tiếng bíp lên những câu tục. Helena Bonham Carter cũng bảo vệ phim, nói, “[Phim] không hề bao lực. Nó đầy tính nhân văn và trí tuệ, không chỉ cho những người có vấn đề với việc nói, mà còn cho những người có vấn đề với sự tự tin.” Sau khi nhận giải Oscar, Colin Firth có nói ông không ủng hộ chỉnh sửa lại phim; dù không ủng hộ những hành động lỗ mãng, ông cho rằng trong hoàn cảnh đó nó không hề mang tính xúc phạm. “Tất cả đều có mục đích”, Firth khẳng định. Một bản khác, với vài từ tục bị cắt bỏ, được phân loại “PG-13” tại Mĩ; bản này được công chiếu rạp vào 1/4/2011, thay thế bản bị xếp loại R trước đây. Bản PG-13 không được phát hành dưới định dạng DVD và Blu-ray.


      Đ
      ÓN NHẬN


      Doanh thu

      Tại Anh và Ireland, The King's Speech trở thành phim đạt mức doanh thu cao nhất ngay tuần đầu công chiếu. Nó thu về 3,510 nghìn bảng từ 395 rạp chiếu phim. The Guardian nhận xét đây là lượng thu lớn nhất đương thời, so sánh nó với Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột) (2008), phim hai năm trước thu về ít hơn tầm 1,5 triệu bảng. The King’s Speech tiếp tục “chuỗi ba tuần đáng kinh ngạc” khi tiếp tục đứng đầu bảng doanh thu Anh, mang về hơn 3 triệu bảng trong bốn buổi cuối tuần liên tiếp, trở thành phim đầu tiên đạt được thành tích đó kể từ khi Toy Story 3 (2010) ra mắt. Sau năm tuần công chiếu thị trường Anh, phim được đánh giá là phim thuần Anh thành công nhất từ trước tới giờ.

      Ở Mĩ The King’s Speech mở đầu với 355.450 đô la (220 nghìn bảng) tại bốn rạp chiếu. Phim giữ kỉ lục có doanh thu cao nhất trên trung bình từng rạp năm 2010. Phim được mở rộng công chiếu lên đến 700 địa điểm trong dịp Giáng Sinh và 1543 địa điểm vào ngày 14/1/2011. Tổng cộng phim thu về 138 triệu đô la tại thị trường Bắc Mĩ.

      Ở Úc The King’s Speech mang về hơn 6.281.686 đô la Úc (4 triệu bảng) trong hai tuần đầu tiên, theo số liệu thống kê bởi Hội phân phối phim Úc. Giám đốc sản xuất của Palace Cinemas, Benjamin Zeccola, cho biết phản hồi từ người xem về bộ phim rất phi thường. “Nó là bộ phim số 1 mọi thời đại ở đất nước này… Tôi nghĩ nó còn thành công hơn Slumdog Millionaire và mang nhiều cảm hứng hơn. Đây là một bộ phim tiêu biểu trong việc chiếm lĩnh các rạp chiếu lẻ rồi lan đến các rạp lớn.”

      Lợi nhuận phim ước tính khoảng 30-40 triệu đô la Mĩ (20-25 triệu bảng) từ phòng vé, trong đó 20% sẽ được chia riêng cho Geoffrey Rush (giám đốc sản xuất), Tom Hooper và Colin Firth, những người được ưu tiên nhận khoản thêm trước khi chia lại cho những nhà đầu tư khác. Phần lợi còn lại được chia đều cho các nhà sản xuất và nhà đầu tư ngang hàng. UK Film Council đã đầu tư 1 triệu bảng phí công cộng từ sổ xố Anh cho phim. Hội đồng phim Anh Quốc đã góp vốn cho bộ phim số tiền 1 triệu bảng từ quỹ công, nhận được từ Vương quốc Anh. Tháng 3/2011, Variety ước tính phí thu về có thể gấp mười lăm đến hai mươi lần số đó. Do hội đồng sau này hợp nhất với British Film Institute, nên số lợi thuận sẽ đưa về đó.

      Phản hồi phê bình


      "Đối với diễn viên của năm trong bộ phim của năm, tôi không thể nghĩ ra đủ tính từ để ca ngợi Firth cho phải. The King’s Speech đã khiến tôi không thốt lên lời." —Rex Reed, New York Observer

      The King’s Speech nhận được nhiều phản hồi phê bình, trong đó màn trình diễn của Firth nhận được vô vàn lời khen ngợi. Rotten Tomatoes cho phim số điểm 94% dựa trên các bài viết từ 233 nhà phê bình; với số điểm trung bình khoảng 8.6/10. Trang tổng kết nhận định chung rằng: “Colin Firth đã có màn trình diễn đỉnh cao trong The King’s Speech, một phim lịch sử khá dễ đoán nhưng được sản xuất rất phong cách và tuyệt vời.” Metacritic cho phim điểm 88/100, dựa trên 41 bài phân tích, xếp loại “universal acclaim” (đánh giá cao toàn cầu). Empire cho phim năm trên năm sao, nhận xét, “Bạn sẽ không thốt lên lời.” Lisa Kennedy của Denver Post cho phim điểm tối đa về tính giáo dục và kĩ năng: “Một bộ phim thông minh, tài tình phù hợp với nhà vua – và cho tất cả chúng ta” cô nói. Roger Ebert của tờ Chicago Sun-Times cũng cho phim tối đa bốn sao, nhận xét “hôm nay chúng ta được xem một bộ lịch sử kinh điển hào hùng và một về cá nhân đầy quyền uy.” Peter Bradshaw của The Guardian cho bốn trên năm sao, “Bộ phim được sản xuất đầy cảm hứng và phong cách của Tom Hooper… thực sự làm hài lòng đông đảo khán giả.”

      Manohla Dargis, dù mang thái độ vừa khen lẫn chê đối với phim, cho rằng màn trình diễn các vai chính là điểm thu hút chủ đạo. “Với sự xuất hiện của họ, Firth quyến rũ và hết sức chuyên nghiệp cùng Rush làm chủ màn diễn chỉ với cái nháy mắt, nhăn nhó, các nhân vật của họ từ từ đến với nhau trước khi bắt đầu công việc trị liệu chóng mặt và gián tiếp chuẩn bị cho bài diễn thuyết trọng đại xuất phát của tên phim,” cô viết. Tờ Daily Telegraph nhận xét diễn xuất của Guy Pearce vai Edward VIII “mê hoặc, quyến rũ, tự phụ... đến đáng sợ”. Empire miêu tả anh diễn tốt trong vai “một người lập dị cứng đầu vừa đủ để bỏ rơi cả một quốc gia vì một người vợ.” Tờ New York Times cho rằng anh đủ khả năng tạo ra “một mớ lằng nhằng kinh hoàng chỉ với vài cảnh lẻ tẻ”. Hooper cũng dành lời khen ngợi anh trong bình luận DVD, nói anh bắt chước y như hệt giọng nói hoàng tộc những năm 30. Richard Corliss của tạp chí Time điền tên diễn xuất của Firth trong danh sách top 10 màn trình diễn điện ảnh năm 2010.

      British Stammering Association rất hoan nghênh sự ra mắt của The King’s Speech, ủng hộ đoàn làm phim về “bản lột tả chân thực về nỗi sợ nói mà những người mắc tật này phải đối mặt hàng ngày.” “Đặc biệt diễn xuất của Colin Firth về chứng nói lắp của vua thật sự chính xác và thực tế.” Cao đẳng hoàng gia những nhà Trị liệu Phát âm và Ngôn ngữ cũng chào đón bộ phim, và phát động chiến dịch “Giving Voice” suốt thời gian công chiếu.

      Allociné, một trang mạng Pháp, cho phim số điểm trung bình bốn trên năm sao, dựa trên 21 bài nhận xét. Le Monde, miêu tả phim là “biểu hiện gần nhất cho màn tự sướng của người Anh” và giới thiệu “Chúng tôi xấu xí và nhàm chán, nhưng, nhờ có Jove, chúng tôi vẫn đúng!”, dù vậy họ vẫn phải dành lời khen cho Firth, Rush và Bonham Carter. Trang web thêm rằng, dù phim có ẻm hẳn chính sách nhân nhượng của Anh thời đó, nó vẫn đáng khen ngợi.

      Nữ hoàng Elizabeth II, con gái và người nối dõi Vua George VI, được gửi hai bản sao của bộ phim trước Giáng Sinh 2010. Tờ The Sun cho biết bà đã xem bộ phim trong phòng chiếu cá nhân tại Toà Sandringham. Một nguồn tin từ cung điện kể lại phản ứng của bà “xúc động trước tạo hình đầy sinh động của cha mình”. Seidler nhận xét bản báo cáo là “vinh dự lớn nhất” mà phim có thể nhận được.

      Giải thưởng và đề cử



      Hooper và Firth tháng 1 2011, mỗi người đều có nhiều đề cử giải thưởng cho riêng mình.
      Tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 83, The King’s Speech thắng giải Oscar cho Phim Hay nhất, Đạo diễn Xuất sắc nhất (Hooper), Diễn viên Nam chính Xuất sắc nhất (Firth), và Kịch bản gốc Xuất sắc nhất (Seidler). Phim nhận được 12 đề cử Oscar, nhiều hơn bất cứ bộ phim khác năm đó. Ngoài bốn hạng mục thắng được, phim còn nhận đề cử cho Quay phim Hay nhất (Danny Cohen) và hai đề cử cho hai diễn viên phụ (Bonham Carter và Rush), cũng như hai hạng mục kĩ sảo: Chỉ đạo nghệ thuật và Trang phục.

      Tại Lễ trao giải BAFA lần thứ 64, phim thắng bảy giải, gồm Phim Hay nhất, Phim Anh Quốc Nổi bật nhất, Diễn viên Nam chính Xuất sắc nhất cho Firth, Diễn viên Nam phụ Xuất sắc nhất cho Rush và Diễn viên Nữ phụ Xuất sắc nhấtcho Bonham Carter, Kịch bản gốc Xuất sắc nhất cho Seidler, và Nhạc phim Hay nhất cho Alexandre Desplat. Phim nhận 14 đề cử BAFTAs, nhiều nhất trong số các phim. Tại Lễ trao giải Golden Globe, Firth thắng giải Diễn viên Nam chính Xuất sắc nhất. Phim không giành thêm giải Golden Globe nào khác, dù nhận 7 đề cả, cũng là số đề cử nhiều nhất.

      Đây cũng là phim thuộc hãng Weinstein đầu tiên thắng giải Oscar cho Phim Hay nhất.

      Tại Lễ trao giải Screen Actors thứ 17, Firth thắng giải Diễn viên Nam chính Xuất sắc nhất và cả dàn diễn viên giành giải Dàn Diễn Viên xuất sắc nhất, cũng có nghĩa Firth nhận được đồng thời hai giải diễn xuất chỉ trong một tối. Hooper giành giải Directors Guild of America 2010 cho Đạo diễn Xuất sắc nhất. Phim thắng giải Darry F. Zanuck cho Phim chiếu rạp Hay nhất tại Directors Guild of America 2010.

      The King’s Speech thắng giải People’s Choice tại Liên hoan Phim Quốc tế Toronto 2010, Phim thuần Anh Hay nhất tai lế trao giải British Independent Film, và giải Goya 2011 cho Phim châu Âu Hay nhất từ Academia de las Artes y las Ciencias Cinematográficas de España (Viện phim Tây Ban Nha về Nghệ thuật và Khoa học Dựng phim).


      Nguồn: Wikipedia.Org | Dịch: Ampelios | BBcode: PhiếnTử | Website: Vn-Sharing.Net
      Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.
      Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic hồi báo, góp ý.






      Sửa lần cuối bởi Petrichor; 27-04-2015 lúc 11:37.

    Tag của Chủ đề này

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 00:41.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.