The Secret Garden
Review, BBcode: Ookami


.

.

.

.

.

.

.

.

Buồn đời quá hôm nay hoài cổ và nghiêm túc xí vậy : The Secret Garden (1993, tạm dịch: Khu vườn bí mật) là một bộ phim chính kịch tưởng tượng dành cho gia đình của Anh do Agnieszka Holland đạo diễn; Caroline Thompson biên kịch, dựa trên quyển tiểu thuyết thiếu nhi kinh điển cùng tên của Frances Hodgson Burnett. Theo trang IMDb thì bộ phim này đạt kết quả 7.3 và theo trang Rotten Tomatoes là 85%. Có thể nói, đây là một bộ phim thiếu nhi nhưng không phải chỉ dành cho thiếu nhi, nó mang trong mình nhiều ý nghĩa sâu xa hơn bề nổi.

Diễn viên

Bộ ba diễn viên thiếu nhi được tập hợp trong bộ phim này đã diễn một cách rất tự nhiên và dễ thương. Họ không diễn theo nguyên mẫu mà đã sống thật với lứa tuổi của mình, làm cho bộ phim khiến nó sinh động và thu người xem hơn.

Dickon một cậu bé người ở nhưng lại chính là người khiến Mary một quý cô nhóc khó tính trở nên vui tươi và hòa nhã hơn. Một cậu nhóc vui vẻ ẩn chưa một tâm hồn đẹp đẽ.


Về Mary, quá trình cô thay đổi nghe đồn khá là trung thành với nguyên tác: từ một cô nhóc ốm yếu gầy gò hoạnh họe khó chịu không biết đến cái gì kể cả tự mặc quần áo, đã trở thành một cô nhóc vui tươi nhạy cảm biết cưỡi ngựa trồng hoa... Cô còn biết theo đuổi ước muốn của mình (đi tìm khu vườn và 'hồi sinh' nó) và quan tâm đến người khác (Colin và ông Craven). Đặc biệt, chi tiết con chim mỏ đỏ giống như là một người bạn, một người hướng dẫn màu nhiệm nhất đã được gửi tới để thay đổi cuộc sống u ám của cô bé.


Về Colin, một sự hồi phục là quá rõ ràng. Nhờ có sự giúp đỡ, màu sắc và sức sống trẻ trung của hai người bạn nhỏ và sự màu nhiệm của khu vườn bí mật, một cậu bé đang chìm trong hố sâu tuyệt vọng vì lúc nào cũng ngây ngô nghĩ rằng mình sẽ chết và không dám ra ánh sáng vì sợ nấm, đã đứng lên chạy nhảy, khỏe mạnh, bình thường như bao cậu bé khác. Chính những định kiến và cái tự cho là đúng của người lớn đã gây nên tình cảnh đáng thương này, và sau khi xem xong bộ phim này, có lẽ chính người lớn chúng ta phải xem lại cách nuôi dạy con cái quá kĩ của thời nay.

So sánh quá trình tập đi của Colin với chú dê con đơn độc - cả hai đều bị 'bỏ rơi' và được người khác giúp đỡ để trở về cuộc sống bình thường.


Khác biệt với nguyên tác tiểu thuyết ~

Động đất và bệnh tật - Nguyên nhân gây ra cái chết của bố mẹ Mary. Trong nguyên tác là dịch bệnh và cô bé bị bỏ lại và không ai nhớ đến, còn trong phim thì bỏ qua phần này và chuyển thẳng đến cảnh Mary bị đưa về Anh. Tuy nhiên, chuyện lúc đầu, cô không được hoan nghênh tới nơi này là không thay đổi.

Giọng nói của Martha - Trong nguyên tác, tất cả những người ở đây có khẩu âm rất nặng và làm cho Mary rất bực bội. Trong phim, giọng của họ khá bình thường và dễ nghe, có lẽ để phù hợp với khán giả quốc tế.
Chuyện tình giữa Dickon và Mary - Trong truyện không hề nhắc tới nhưng theo bản điện ảnh này thì rất có thể sẽ có một chuyện tình ngây ngô giữa cô chủ nhỏ và cậu bé màu nhiệm này.

Báo mộng - Trong phim đã thêm cảnh báo mộng của bà Craven, góp phần khiến ông Craven nhanh chóng trở về nhà để gặp con. Ông đã trốn chạy khỏi chính nhà của mình để không phải nhìn thấy con đau đớn khổ sở, và giấc mộng này đã giải quyết mọi vấn đề, đồng thời nhấn mạnh tính "thần tiên" của bộ phim.

Phục trang ~ Bối cảnh ~ Âm thanh ~

Bối cảnh được chọn rất hợp với nội dung của phim, đặc biệt là sự đối lập giữa tòa lâu đài u ám với khung cảnh tươi sáng bên ngoài, sự khác biệt trong chính khu vườn bí mật khi bị bỏ hoang và sau khi được bọn trẻ chăm chút,...

Về phục trang và tạo hình nhân vật, rất khéo léo. Những gam màu ảm đạm của những trang phục mùa thu đông khi Mary vừa tới nơi này cũng phản ánh được tính cách khó chịu tăm tối của cô bé; còn khi sang mùa xuân thì màu áo cũng như kiểu tóc của cô bé tươi tắn hơn, hồn nhiên hơn, phản ánh tâm hồn đã thay đổi theo hướng tích cực hơn của một cô chủ nhỏ khó chiều.

Âm thanh trong bộ phim này do Zbigniew Preisner phụ trách, và ông đã hoàn thành nhiệm vụ rất tốt. Từ khung cảnh thần bí ngắn ngủi ở Ấn Độ, không khí hoang vu vắng lặng của một vùng đồi nước Anh, khu vườn thần tiên nho nhỏ, tiếng than khóc vang vọng khắp lâu đài của Colin, và rất đặc biệt là "tiếng" giao mùa của hoa cỏ cũng như sự khác biệt giữa mùa xuân và mùa đông... Tất cả những sự chuyển đổi tông thanh trong bộ phim khá tự nhiên và không gây khó chịu cho người xem.

Tóm lại là nếu có dịp đọc nguyên tác, và thích thú với chuyến du hành nho nhỏ của bộ ba Mary-Dickon-Colin thì khi xem bộ phim này, chúng ta hẳn đều có thể cảm nhận lại được sự vui tươi đặc trưng đó. Bộ phim The Secret Garden (1993) thật sự là một tác phẩm dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là dành cho những ai muốn cảm nhận được thế nào là lòng yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên thuần túy nhất. Và mệt quá nên thôi em chỉ ngắn gọn và ít lời vậy thôi.



_
_