Big eyes - Những đôi mắt lớn.





Tóm tắt


Big eyes là tác phẩm dựa trên sự kiện có thật, một trong những vụ kiện tung lớn nhất Hawaii giữa hai vợ chồng Walter và Margaret Keane, về danh hiệu một trong những họa sĩ thành công nhất giai đoạn 1950-1960. Sự thật cuối cùng cũng được hé lộ rằng KEANE vẽ nên những bức họa mắt to chính là người vợ Margaret Keane (ở đây mình sẽ nói luôn vì chuyện này đã thuộc về lịch sử, bạn nào google KEANE hoặc tên hai người sẽ có được đầy đủ thông tin về vụ kiện và kết quả, không xem như là spoil).


Giới thiệu


Bộ phim được đạo diễn nổi tiếng Tim Burton và nữ ca sĩ Lana Del Rey hát nhạc phim. Theo kinh nghiệm của người viết, bất cứ cái gì từ Tim Burton bạn đều nên xem qua mặc dù nó không nổi tiếng hay rầm rộ. Cái hay ở phim của Tim Burton là nó luôn mang một điểm nhấn khác lạ so với phim của các đạo diễn khác, khai thác vấn đề ở khía cạnh tâm lý và mang theo một chút méo mó với cái nhìn khác thường. Phong cách của Tim kết hợp với soundtrack do Lana thầu khiến bộ phim dù chỉ là phim dựa trên lịch sử nhưng cũng mang theo một phong cách ma mị. Bầu không khí thường thấy trong phong cách của Tim lần này không ở diễn viên, không ở cảnh quay hay ánh sáng, không ở lời thoại nửa che nửa lộ mà là trong những bức tranh đứa trẻ mang đôi mắt to bất thường, hiện tượng mới lạ của nền Mỹ Thuật đương thời, đó là lí do tại sao trong hầu hết các bức poster phim, bức tranh đứa trẻ mắt to luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của người xem hơn là hai diễn viên chính, nằm ở phần bố cục khuất hơn trong ánh nhìn, có lẽ dụng ý của Tim chính là nhấn mạnh vào loạt tranh gây ra nhiều vấn đề tranh cãi xôn xao trong cái giới nghệ sĩ tưởng chừng như bình lặng hơn là hai nhân vật chính xoay quanh.

Cảm nghĩ


Chào mọi người, lần nữa mình lại xuất hiện với một bài review về phim có bối cảnh vào những năm 50-80 và mình chợt nhận ra đó giờ mình toàn viết về những phim mang hơi hướm cổ điển thế này thôi nên trước khi vào phân tích, mình mạn phép chia sẻ chút quan sát mình rút ra từ đa số phim mang hơi hướm vintage/retro thế này. Những phim này không thuộc hàng dễ nhai với những bạn fan nặng các dòng phim hiện đại vì chủ yếu tập trung khai thác vào tình huống và tâm lý của các nhân vật trong bối cảnh xã hội còn gò bó hơn là những thước phim đẹp mê hồn, kỹ xảo sắc nét và những cảnh hành động bùng nổ như các phim hiện nay. Nhạc phim cực hay. Đa số hầu hết các bản nhạc trong những phim thế này đều lấy từ những bản gốc đĩa than của các bản nhạc bất hủ vì vậy độ hay là không bàn cãi. Những năm thời đấy thường phái nữ không được xem trọng như đàn ông. Tất nhiên các quý bà đều được nhận sự lịch sự và nâng niu vì mang danh 'phái yếu' nhưng không có nghĩa họ có đầy đủ quyền lợi như một người đàn ông. Họ không thể xin việc độc lập hoặc sẽ rất khó khăn, thường được trả mức luơng thấp hơn đàn ông và khó mà thăng tiến hay thành đạt trong mọi lĩnh vực. Big Eyes cũng không ngoại lệ, nhưng bạn có thể yên tâm là phim khá dễ xem.

Nhân vật chính đã được khẳng định từ đầu là cô Margaret Keane. Ấn tượng đầu tiên về Margaret (Amy Adams thủ vai) là một phụ nữ mỏng manh, nhỏ nhẹ và có phần khá e dè, trong ánh mắt cô dường như có chút gì đó đổ vỡ và do dự. Cô đang gấp rút thu dọn hoạ cụ và số đồ đạc ít ỏi của bản thân, mang theo cả đứa con gái nhỏ chạy trốn khỏi nhà chồng vì không chịu đựng được cuộc sống hôn nhân bế tắc đến San Francisco để bắt đầu cuộc sống mới.

Về Margaret thì cô chưa có tính cách gì đáng để bàn về, nhưng tài năng cô sở hữu lại là mặt khác. So với những năm 50, phong cách hội họa hiện đại bắt đầu nở rộ và là mặt hàng thường xuyên xuất hiện ở các phòng tranh trưng bày, tranh chân dung sơn dầu, thể loại tranh mà Margaret theo đuổi đang thất thế. Nhưng ta không thể gọi Margaret KEANE là một làn gió mới thay đổi cục diện hội họa đuơng thời nếu tất cả những gì cô làm chỉ là vẽ những bức chân dung bình thường, đúng chuẩn tỉ lệ và các quy tắc về hội họa, tranh của Margaret luôn là về trẻ em và chúng mang những đôi mắt to bất thường trên gương mặt, tựa như hút hoàn toàn người xem vào ánh mắt. Thế giới nội tâm của người phụ nữ e dè và khép kín này bộc lộ hoàn toàn ở những bức tranh của cô, những đứa con tinh thần của một người họa sĩ. Lý do đơn giản sau những đôi mắt kỳ lạ đó là đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, tất cả những gì cần bộc lộ ta chỉ cần nhìn qua ánh mắt.


Khi đó cô gặp Walter Keane (Christ Waltz thủ vai), một gã dẻo miệng, có vẻ như là họa sĩ chuyên về dòng tranh phong cảnh, đào hoa và khéo mồm, hắn nhanh chóng cưa đổ cô trong buổi hẹn đầu. Cả hai nhanh chóng kết hôn và cùng đổi bút danh thành KEANE. Đó là sai lầm đầu tiên của cô dẫn tới hậu quả không ngờ. Christ Waltz có thể gọi là thành công khi đóng được vai một kẻ xảo trá và có chút vấn đề về tính cách như Walter. Nhưng không thể nào phủ nhận khả năng nhìn người của hắn, từ ánh nhìn đầu tiên hắn đã biết Margaret có khả năng gây ra thay đổi lớn trong giới hội họa đang cần một chút gì đó chấn động. Mặc dù khó khăn nhưng cả hai cũng đủ xoay sở được một khu trưng bày nhỏ trên đường đi tới WC của một quán bar có tiếng, sau vụ gây gổ với ông chủ quán bar lên mặt tiền của báo sáng, danh tiếng và số lượng người đến bar xem tranh tăng bất ngờ.



Kể từ đó, hắn quyết định chiếm giữ luôn danh tính KEANE trên bức chân dung của Margaret. Phát hiện sự việc, cô đã bối rối và không đủ can đảm để nói ra sự thật vì ám ảnh với suy nghĩ "nếu không đứng danh một người đàn ông, cô sẽ không thành công nổi." Và có lẽ đúng một phần nhờ Walter mà Margaret trở thành danh họa từ những bức sketch chân dung $1 đến tranh sơn dầu $10000. Xét về phuơng diện người cha, người chồng, hắn đang làm rất tốt. Hắn yêu thương cô con gái riêng của Margaret, mang về thu nhập cho gia đình, tiếp tục đánh bóng tên tuổi bằng những lời dối trá trên truyền hình. Nhưng lương tâm Margaret và đạo đức nghề nghiệp của cô lại bảo không. Đó là lần đầu cô đến với Thiên Chúa Giáo. Khi giải bày tâm sự với một mục sư, suy nghĩ đòi lại tên tuổi và quyền sở hữu tranh của cô chùn bước vì đúng trên phuơng diện người cha, những điều Walter làm đều mang lợi ích về cho gia đình.

Trong khi đó tranh cô ngày càng bán chạy và nổi tiếng, chúng được đem đi in và bán ra với giá $3-$5 một bản in ở mọi nơi. Dần Margaret trở nên ám ảnh với những đôi mắt to do chính tay cô tạo ra và tâm hồn cô bắt đầu trống rỗng.


Cô cảm thấy mệt mỏi, điều đó ảnh hưởng đến tranh cô và cô quyết định tạo thêm một nét vẽ mới, với khát khao được trung bày và tự hào nhận rằng đó là tác phẩm của mình, điều mà mọi họa sĩ đều mang trong người. Nhưng ý tưởng đã ngừng nơi căn gác cũ, ánh sáng yếu, chật hẹp và bụi bặm của cô, tất cả những bức tranh cô vẽ giờ đây đều vô hồn vô cảm, và chúng nhận được sự phản đối từ hiệp hội họa sĩ (thực ra đa số những danh họa nổi tiếng đều vấp phải cái hội này, nơi những người đi theo lối cổ điển và phản đối sự cách tân của các họa sĩ nghiệp dư, nhưng không thể phủ nhận tài năng của các thành viên hội). Mệt mỏi vì dối gạt con gái, không thể để bất cứ ai vào phòng làm việc và mang theo cả một bí mật lớn trên vai, Margaret chỉ cảm thấy mệt mỏi.


Chẳng chóng thì chày, sau bao nỗ lực la liếm của Walter, gia đình Margaret giàu sụ và chuyển đến một căn biệt thự sang trọng ở California với một xưởng vẽ mới to hơn và tiện nghi hơn cho Margaret. Nhưng trước đó cô cũng nhận ra sự méo mó của gã đàn ông cô cưới phải và sự thật rằng hắn có vấn đề về thần kinh, hắn không hề vẽ, lừa đảo trắng trợn và không hề yêu mẹ con cô. Lấy hết can đảm, cô bỏ chạy đến Hawaii bắt đầu cuộc sống mới.

Nhưng tất cả những gì Margaret làm chỉ là tránh né, du di và bỏ chạy khỏi rắc rối của bản thân, một năm sau Kinh Thánh lại tiếp cận cô lần nữa. Lần này cô lấy được can đảm từ những dòng chữ giảng dạy của Chúa và lấy hết can đảm, nói ra sự thật trên đài phát thanh radio. Tất nhiên sau đó cũng có lùm xùm kiện cáo và kết quả quá rõ ràng, Margaret thắng.

Nhạc phim hay và phong thái diễn viên rất phù hợp với tuyến nhân vật, nhất là Amy Adams, cô có ngoại hình phù hợp với những nhân vật yếu đuối, đôi chút cả tin và mơ mộng. Nhạc phim hay khỏi nói nhưng phim lại không thành công mấy. Dù sao vẫn là một trong những bộ phim đáng xem mà mình tiến cử.


Người viết: Tố Tố