oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Manga - Anime >

Đã đóng
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. #1

      [M-A] Laputa: Castle in the Sky


      Laputa: Castle in the Sky



      Áp phích chiếu rạp ở Nhật
      Tên Kanji
      天空の城ラピュタ
      Phồn thể
      Tenkū no Shiro Rapyuta
      Đạo diễn
      Miyazaki Hayao
      Sản xuất
      Isao Takahata
      Biên kịch
      Miyazaki Hayao
      Diễn viên
      Yokozawa Keiko
      Tanaka Mayumi
      Hatsui Kotoe
      Terada Minori
      Âm nhạc
      Joe Hisaishi
      Quay phim
      Takahashi Hirokata
      Biên tập
      Seyama Takeshi
      Kasahara Yoshihiro
      Studio
      Studio Ghibli
      Phân phối
      Toei Company
      Ngày công chiếu
      02/08/1986
      Thời lượng
      126 phút
      Xuất xứ
      Nhật Bản
      Ngôn ngữ
      Tiếng Nhật



      Castle in the Sky (天空の城ラピュタTenkū no Shiro Rapyuta) (hay Laputa: Castle in the Sky tại thị trường Anh và Úc) là một anime movie của Nhật được sản xuất vào năm 1986, do Miyazaki Hayao viết kịch bản và đạo diễn. Đây là phim đầu tiên do hãng Studio Ghibli sản xuất và phát hành. Laputa:Castle in the Sky giật giải Animage Anime Grand Prix cùng năm đó.








      Cốt Truyện


      Thời xa xưa, con người đã xây dựng những thành phố trên không. Chúng sau này bị phá hủy trong một thảm họa không xác định, buộc những người sống sót phải quay trở lại định cư trên mặt đất, chỉ còn duy nhất Laputa là còn trôi nổi trên bầu trời, bao bọc bởi một cơn bão sét. Mở đầu phim, một cô gái tên Sheeta bị những tên đặc vụ nham hiểm dưới trướng đại tá Muska áp tải. Chiếc máy bay chuyên chở họ bất ngờ bị những tên không tặc tấn công, dẫn đầu bởi một lão bà bà tóc hồng nhanh nhẹn tên Dola. Sheeta trốn thoát qua đường cửa sổ, nhưng không may rơi xuống khỏi chiếc máy bay. Trong lúc rơi, chiếc vòng cổ cô lấy từ chỗ Muska phát sáng và Sheeta từ từ đáp xuống mặt đất. Cậu nhóc tên Pazu trông thấy liền chạy tới đỡ cô rồi đưa Sheeta về nhà mình. Cậu kể cho cô nghe về thành phố nổi Laputa và người cha quá cố, một phi công đã may mắn chụp được tấm ảnh thành phố trong đêm bão.

      Toán không tặc của Dola nhanh chóng tới nơi và đuổi theo hai đứa trẻ, nhưng chúng đã bị binh lính dồn vào góc tường. Dưới sức phá hủy của xe Dola (lúc đuổi theo họ) cùng hỏa lực bên quân đội, đoạn đường ray sụp đổ, kéo cả Sheeta và Pazu rơi xuống. Họ được cứu bởi chiếc vòng cổ và hạ cánh xuống hầm mỏ. Họ gặp một thợ mỏ già tên Bác Pom, người kể cho hai đứa nghe về một nguyên tố bí ẩn đã bị lãng quên có tên là “aetherium”. Sheeta cho ông xem chiếc vòng của người mẹ quá cố để lại và ông giải thích đó là một trong những viên ngọc tinh khiết nhất từng giữ cho Laputa bay trên không trung. Ông nói sức mạnh của viên ngọc thuộc về mặt đất và cô không nên dùng nó vào mục đích xấu.

      Sau khi rời khỏi hầm mỏ, Sheeta tiết lộ với Pazu cô đã được thừa kế một cái tên bí mật “Lusheeta Toel Ul Laputa”. Đúng lúc đó, Muska và quân đội ập tới và giải hai người về pháo đài. Muska thảo luận với một viên tướng về công trình nghiên cứu Laputa và đồng ý rằng Sheeta cùng viên ngọc của cô chính là chìa khóa đưa công cuộc tìm kiếm thành phố bay sang một giai đoạn mới. Muska sau đó cho Sheeta xem một con rôbôt khổng lồ của người Laputa đã rơi từ trên trời xuống và được quân đội tịch thu. Không chỉ dừng lại ở đó, Muska còn biết cả tên bí mật của cô và đe dọa sẽ lấy mạng Pazu nếu Sheeta không hợp tác giúp chúng tìm Laputa. Nhằm bảo vệ bạn, Sheeta nói với Pazu cô đã chấp nhận giúp đỡ quân đội và bảo cậu hãy quên mình đi. Pazu sửng sốt ra về, phát hiện băng không tặc Dola đã đột nhập vào nhà mình và đang đánh chén no say. Cậu bị trói, nhưng sau đó đã cùng họ đi giải cứu Sheeta.

      Trong lúc đó, Sheeta chợt nhớ lại được câu thần chú bà đã từng dạy mình, làm cho viên ngọc thần đột nhiên phát ra tia sáng nhỏ chỉ về hướng Laputa. Câu thần chú còn kích hoạt cả con rôbôt, khiến nó làm loạn trong pháo đài. Nó quyết tâm cứu lấy Sheeta trước khi bị con tàu chiến Goliath hạ gục. Chiếc vòng cổ của Sheeta rơi xuống chân tháp, sau này Muska đã thu hồi lại nó. Nhắc tới toán Dola và Pazu, khi họ gần tới nơi thì phát hiện pháo đài quân đội đã bị phá hủy nghiêm trọng và đang chìm trong biển lửa, liền nhanh chóng cứu Sheeta từ tòa tháp cao nhất. Đại gia đình không tặc Dola quyết định theo chân Goliath tới Laputa. Pazu được giữ lại giúp thợ cơ khí của bà Dola sửa chữa thuyền, còn Sheeta cũng biết về xem bản đồ và la bàn, lo cơm nước với công việc hàng ngày. Đêm đó, trong phiên gác của Pazu, Sheeta kể cho Pazu nghe về “Lời nguyền Hủy Diệt” mà cô được cảnh báo là tuyệt đối không được dùng tới.

      Trong lúc hai người tiếp tục quan sát những đám mây từ chiếc tàu lượn, hiện ra trước mặt họ là một đám mây bay khổng lồ, mà Pazu lập tức nhận ra đó là nơi che giấu Laputa. Các không tặc đang loay hoay tìm cách tiến vào trong thì bị chiến hạm Goliath tấn công và thổi bay đi. Sau một màn lái lượn vất vả, hai đứa trẻ hạ cánh xuống Laputa, nay đã không còn sự sống của con người, chỉ duy nhất còn sót lại một con rôbôt chăm sóc cây cối và các loại động vật. Binh lính của Muska cũng an toàn hạ cánh xuống Laputa và tịch thu mọi của cải châu báu trong thành phố, bắt giữ gia đình bà Dola.

      Sau khi tìm thấy lối vào bí mật dẫn tới “lõi” của thành phố, Muska tóm lấy Sheeta và đẩy cô cùng vào bên trong. Pazu giải cứu các không tặc và tìm lối khác vào bên trong khối cầu (bên dưới Laputa là một khối hình cầu bằng kim loại, trong đó chính là “lõi trung tâm” điều hành thành phố, có lối vào là một cánh cửa tàng hình). Muska tiết lộ với Sheeta hắn cũng là một trong những người thừa kế ngai vàng của Laputa. Hắn bắt đầu kiểm soát toàn bộ hệ thống trên hòn đảo, rồi dùng nó để kích hoạt hàng trăm con rôbôt (với sự trợ giúp của viên ngọc thần) đi dọn dẹp toàn bộ quân đội và chiến hạm Goliath. Gia đình Dola lúc đó đã trốn bên trong phần còn lại của con tàu bay. Sheeta lấy lại viên ngọc từ tay Muska và chạy bên trong lõi thành phố, cố tìm đường thoát thân. Cô tìm thấy Pazu và đưa cho cậu chiếc vòng cổ qua một khe nứt nhỏ.

      Muska dồn Sheeta vào điện chính, nhưng Pazu đã bước vào và hai đứa trẻ quyết định dùng”Lời nguyền Hủy Diệt”. Mặt dây chuyền kích hoạt chế độ tự hủy của viên ngọc aetherium tinh khiết (lớn hơn rất nhiều viên ngọc trên vòng cổ của Sheeta) nằm tại trung tâm thành phố. Muska lúc này đã bị mù bởi ánh sáng phát ra từ chiếc vòng cổ, ngã khỏi Laputa, trong khi Sheeta và Pazu được những sợi rễ cây cứu thoát. Họ tìm thấy tàu lượn của mình kẹt trong những rễ cây gần đó và dùng nó rời khỏi Laputa. Dola và các không tặc tái ngộ với hai đứa trẻ, hí hửng khoe vài món đồ quý giá của Laputa mà họ đã thó được. Viên ngọc giúp Laputa bay nằm giữa những rễ cây và ở đoạn credit cuối cùng, cho thấy cảnh những gì còn lại của Laputa tiếp tục bay lên cao mãi, tạo thành một quỹ đạo cao phía trên Trái Đất.

      |Trở về Mục Lục|


      Nhân Vật - Diễn Viên Lồng Tiếng









      Sheeta Một cô bé nông thôn 13 tuổi. Cha mẹ và bà của Sheeta đã qua đời trước khi bộ phim bắt đầu, biến cô trở thành một đứa trẻ mồ côi giống như Pazu. Sheeta là mục tiêu săn đuổi của chính phủ và băng Dola do chiếc vòng ngọc mà cô luôn đeo trên cổ, được mẹ trao cho mình không lâu trước lúc qua đời. Sheeta là một cô bé dũng cảm, nhân hậu và thông minh. Do nhà làm nghề nông nên cô biết tất cả về mặt trời, đất đai và động vật.
      PazuMột cậu nhóc 13 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cậu hiện đang làm cho ông chủ của một hầm mỏ. Cậu có nhà riêng của mình và chăm sóc một đàn chim bồ câu. Cũng như cha, Pazu rất thích bay lượn và ước mơ của cậu là tự mình chế tạo chiếc máy bay riêng, tìm ra Laputa để chứng minh câu chuyện của cha là hoàn toàn có thật. Pazu rất tốt bụng và chăm chỉ, dẫu có hơi cứng đầu, hơn nữa cậu còn là một thợ cơ khí lành nghề.
      Dola Dola là thuyền trưởng của bang không tặc Dola và là mẹ của 3 cậu con trai kiêm thành viên của bang: Charles, Lui và Henri. Bà rất có quyền uy trong bang và là một nhã lãnh đạo tài ba. Bà biết tất cả những mật mã của quân đội, dùng chúng để chặn đứng các điện tín của chính phủ và làm lợi cho mình. Dola luôn điềm tĩnh trong các tình huống khẩn cấp, nhìn thấu được các âm mưu và là một chiến binh lành nghề dẫu cho tuổi tác đã cao.
      Đại tá MuskaĐặc vụ của chính phủ và là cấp trên của tướng Muoro. Muska là một kẻ gian xảo và có khả năng thao túng người khác. Hắn là người phụ trách dự án tìm kiếm Laputa của chính phủ. Muska biết khá rõ về Laputa và những bí mật của thành phố này. Hắn săn lùng vòng cổ của Sheeta vì nghĩ nó sẽ chỉ cho mình vị trí cùng châu báu của thành phố bay.
      Bác PomBác Pom là một thợ mỏ chuyên đi lang thang quanh những hầm mỏ đã bị bỏ hoang. Ông đã đi đây đó một thời gian dài và biết được về bản chất viên ngọc của Sheeta, cũng như Laputa. Bác Pom đã già và bị mù.





      Tướng Muoro Ông ta là viên tướng chỉ huy quân đội chính phủ tại nơi diễn ra câu chuyện. Đại tướng Muoro là một người ăn to nói lớn, oai vệ và liều lĩnh. Ông ta thích dùng vũ lực hơn là đàm phán và vận dụng đầu óc, cực ghét Muska nhưng vẫn phải làm theo các mệnh lệnh của hắn.
      Ông Duffi Kể từ khi cha Pazu qua đời, ông dường như đã trở thành hình tượng người cha thứ hai của cậu. Ông thường kiểm tra hệ thống nung trong các hầm mỏ và làm tan chảy bất cứ loại quặng nào thợ tìm thấy. Ông có hơi nghiêm khắc nhưng rất quan tâm tới Pazu và sẵn sàng giúp cậu mỗi khi khó khăn.
      Okami (vợ Duffi) Hình tượng người mẹ thứ 2 của Pazu, hành động có phần lý trí hơn ông chồng.
      Thợ cơ khí bang DolaÔng là người bạn lâu năm của bà Dola. Ông giữ cho chiếc “Tiger Moth” hoạt động tốt và đã trở nên gắn bó với nó sau bao năm làm việc trên tàu.
      Charles 3 cậu con trai của bà Dola đều là những chiến sĩ cừ khôi, nhưng cũng rất ngốc và tối dạ. Charles là người thông minh nhất (dẫu khá kiệm lời) kiêm thủ lĩnh của đội.





      LuiLui là người con thứ 2 và cũng là đứa khỏe nhất của Dola. Anh ta thích gồng cơ bắp của mình lên đến khi rách áo thì thôi.
      Henri Henri là cậu con thứ 3 của Dola, một gã thích nói mỉa, lúc nào cũng đùa bỡn về tình hình của họ.
      Rôbôt của LaputaMột rôbôt của người Laputa đã rơi từ trên trời xuống từ nhiều năm trước. Nó đã vỡ thành nhiều mảnh và ngừng hoạt động. Sau đó, nó đã được đưa đến pháo đài của tướng Muoro và bị chiến hạm Goliath hạ bệ khi cố cứu Sheeta. Con rôbôt duy nhất còn vận hành ở Laputa có nhiệm vụ bảo vệ cây cối và động vật.
      Cha của Pazu Ông đã qua đời trước khi bộ phim bắt đầu từ lâu. Ông rất thích việc bay lượn và các loại máy bay. Trong một trong những chuyến du hành của mình, ông đã thấy Laputa và chộp được một bức ảnh về nó. Thế nhưng không ai tin lời ông nói và Pazu cho hay đó chính là nguyên nhân khiến ông ra đi.
      Bà của Sheeta là người biết rất rõ về viên ngọc của cô và cách nó hoạt động. Bà đã dạy cho cô câu thần chú kích hoạt viên ngọc ngày Sheeta còn bé, mặc dù lúc bấy giờ cô cứ ngỡ bà mình chỉ dựng chuyện mà thôi.


      Viên lái tàu Một người bạn của Pazu. Bác ta điều khiển con tàu của mình trong thị trấn nơi Pazu sinh sống và thích phiêu lưu.
      Trợ thủ của MuskaHai thuộc hạ thân tín của Muska. Chúng đều bận áo khoác dài đen, mũ quả dưa màu đen cùng với kính râm, hai tên này chả mấy khi mở miệng.


      Tên nhân vật
      Seiyuu
      Anh
      (Magnum/Tokuma/Streamline, 1989)
      Anh
      (Disney, 1998/2005)
      Sheeta
      Lusheeta Toel Ul Laputa
      Yokozawa Keiko
      Lara Cody
      Anna Paquin
      Debi Derryberry (lúc nhỏ)
      Pazu
      Tanaka Mayumi
      Barbara Goodson
      James Van Der Beek
      Thuyền trưởng Dola
      Hatsui Kotoe
      Rachel Vanowen
      Cloris Leachman
      Đại tá Muska
      (Romuska Palo Ul Laputa)
      Terada Minori
      Jeff Winkless
      Mark Hamill
      Tướng Muoro
      Nagai Ichirō
      Mike Reynolds
      Jim Cummings
      Bác Pom
      Tokita Fujio
      Ed Mannix
      Richard Dysart
      Charles (Shalulu)
      Kamiyama Takuzō
      Barry Stigler
      Mike McShane
      Louis (Lui)
      Yasuhara Yoshito
      Dave Mallow
      Mandy Patinkin
      Henri (Anli)
      Kamiyama Sukekiyo
      Eddie Frierson
      Andy Dick
      Ông Duffi
      Ito Hiroshi
      Clifton Wells
      John Hostetter
      Kĩ sư của băng Dola
      Saikachi Ryūji
      Eddie Frierson
      Matt K. Miller
      Okami
      Washio Machiko
      Lara Cody
      Tress MacNeille
      Madge
      (con gái của Okami)
      Tarako
      Barbara Goodson
      Debi Derryberry


      |Trở về Mục Lục|


      Ảnh Hưởng



      Cái tên Laputa xuất phát từ cuốn tiểu thuyết “Gulliver phiêu lưu ký” của nhà văn Jonathan Swift, trong đó Laputa của Swift cũng là một hòn đảo bay do cư dân trên đảo điều khiển. Anthony Lioi cảm giác Laputa của Miyaki còn giống với Swift ở chỗ những thành tựu khoa học công nghệ vượt trội của lâu đài trên không đều được sử dụng cho các mục đích chính trị.

      Muska tin Laputa là nguyên nhân dẫn tới những sự kiện trong Kinh thánh và các huyền thoại linh thiêng của đạo Hindu – do đó móc nối thế giới của Laputa với Trái Đất của chúng ta (cùng các nền văn minh Châu Âu của phương Tây) – cũng như những kiến trúc lâu đài thời trung cổ dưới mặt đất, những căn nhà theo phong cách Gothic và những căn nhà nửa gỗ trong thị trấn gần pháo đài, kiến trúc thị trấn hầm mỏ xứ Wales, trang phục và thậm chí cả các phương tiện giao thông ở quê nhà của Pazu, cùng không khí như thời Victoria trên con tàu không tặc. Anime cũng có liên quan tới sử thi Ramayana của đạo Hindu, với chi tiết “mũi tên của Inda”, trong khi cái tên Sheeta rất có thể liên quan tới Sita, nữ nhân vật chính trong Ramayana.

      Một số kiến trúc trong phim được khơi nguồn cảm hứng từ một thành phố mỏ của xứ Wales. Miyazaki lần đầu tiên tới đây vào năm 1984 và trực tiếp chứng kiến cuộc đình công của các thợ mỏ. Sau khi trở lại quê hương vào năm 1986 để chuẩn bị cho Laputa, mà ông nói là phản ánh lại những kinh nghiệm mình có khi ở Wales: “Tôi đã có mặt tại Wales đúng lúc diễn ra cuộc đấu tranh của các thợ mỏ. Tôi thực sự lấy làm ngưỡng mộ cách họ đoàn kết với nhau, chiến đấu tới cùng vì công việc của mình và vì cộng đồng, do đó tôi muốn phản ánh lại sức mạnh ấy trong thước phim của mình”. Miyazaki nói với tờ The Guardian như sau: “Tôi rất khâm phục những người đàn ông đó, tôi ngưỡng mộ cách họ chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của mình, giống như những người thợ khai thác than ở Nhật Bản vậy. Rất nhiều người thế hệ tôi coi họ như một biểu tượng, một dòng dõi những chiến sĩ đang chết dần. Và giờ họ đã ra đi mãi mãi”.
      |Trở về Mục Lục|


      Phân Phối & Đón Nhận



      Vào cuối những năm 1980, phiên bản thuyết minh tiếng Anh của “Laputa””, do Magnum Video Tape and Dubbing sản xuất theo yêu cầu của Tokuma Shoten để chiếu trên các chuyến bay quốc tế của hãng Hàng Không Nhật Bản, đã được Streamline Picture phát sóng trong một thời gian ngắn ở Mỹ. Nó được chiếu tại các rạp chiếu phim vào năm 1995 và có bản VHS vào năm 1996. Chủ tịch của Streamline là Carl Macek đã rất thất vọng với bản thuyết minh này, nói nó “đủ, nhưng vụng về”. Sau đó, Streamline được Tokuma Shoten đồng ý cho thuyết minh My Neighbor TotoroKiki's Delivery Service. Bản thuyết minh của Streamline cho Laputa: Castle in the Sky chỉ có trong những DVD tiếng Nhật đầu tiên được phát hành, cùng với bản thuyết minh của My Neighbor TotoroThe Castle of Cagliostro. Những chiếc đĩa DVD này giờ đã bị ngừng sản xuất, các đĩa phát hành sau đó được thay thế bằng bản thuyết minh của Disney.

      Bản thuyết minh tiếng Anh do Disney làm được thu âm vào năm 1998, dự tính sẽ được phát hành dưới dạng video vào năm 1999, nhưng rốt cuộc Disney đã chiếu nó tại các rạp chiếu bóng.

      Sau thất bại về mặt tài chính của phim Công chúa Mononoke tại Mỹ và Nhật vào năm 1997, ngày phát hành Laputa lại một lần nữa bị trì hoãn, do đó bản thuyết minh hoàn thiện được chiếu tại một số lễ hội nhất định dành cho thiếu nhi. Đĩa DVD và video của phim cuối cùng được phát hành ở Mỹ vào ngày 16/08/2005, bên cạnh Kiki’s Delivery ServiceSpirited Away. Bản thuyết minh mới của Kiki và Mononoke nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phần lồng tiếng của Cloris Leachman và Mark Hamill cho Dola và Muska rất được khen ngợi. Laputa là đĩa DVD bán chạy thứ 2 của Studio Ghibli do Disney phân phối trong năm đầu ra mắt (sau Spirited Away và thắng Kiki’s Delivery Service). Laputa được tái bản thành phiên bản xem tại gia ở Mỹ vào tháng 3 năm 2010 nhân dịp phiên bản xem tại gia của Ponyo được phát hành. Phiên bản đĩa Blu-ray của Laputa được phát hành ở Bắc Mỹ vào ngày 22/05/2012, cùng với Whisper of the HeartThe Secret World of Arrietty.
      |Trở về Mục Lục|


      Tựa Đề



      “Laputa” có xuất xứ từ cuốn “Gulliver phiêu lưu ký” của nhà văn Jonathan Swift chứ hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong tiếng Nhật. Các bản thuyết minh tiếng Anh của Laputa đã được phát hành dưới 3 cái tên khác nhau bởi 3 nhà phân phối riêng biệt, nhiều khả năng là do sự giống nhau của từ Laputa với từ lóng “la puta” trong tiếng Tây Ban Nha (nghĩa là “gái bán hoa”), mà nhiều người cho là khá tục tĩu.

      Vào năm 2003, tiêu đề phim đã được rút ngắn từ Laputa: Castle in the Sky sang Castle in the Sky ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, Mê-hi-cô và Tây Ban Nha. Tại Tây Ban Nha, lâu đài đã được đổi tên thành Lapuntu. Cái tên này cũng được nhiều đất nước không nói tiếng Tây Ban Nha áp dụng, bao gồm Anh và Pháp, dưới nhãn hiệu Buena Vista Home Entertainment của Disney. Mặc dù “Laputa” đã bị cắt khỏi tên phim, nó vẫn xuất hiện ở bìa sau của đĩa DVD, được nhắc tới nhiều lần trong suốt bộ phim mà không có chỉnh sửa gì.

      Sau này ở Anh, tên đầy đủ của phim đã được sử dụng trở lại vào tháng 2 năm 2006, khi Optimum Asia – một chi nhánh của công ty Optimum Releasing đặt trụ sở tại Luân Đôn – nhận được quyền phân phối tuyển tập các phim của Studio Ghibli tại Anh.

      Ngoài ra, vào cuối những năm 1980 và đầu 1990, bản thuyết minh tiếng Anh đầu tiên (do Magnum Video Tape and Dubbing thực hiện) được công chiếu tại Anh như một bộ phim nghệ thuật dưới các tên khác là Laputa: The Flying Island (Laputa: Hòn đảo bay). Nó đã được phát sóng ít nhất hai lần trên truyền hình Anh quốc, nhưng có vài cảnh đã bị cắt.
      |Trở về Mục Lục|


      Sự Khác Biệt Giữa Các Phiên Bản


      Mặc dù cốt truyện và hầu hết kịch bản đều được giữ nguyên, bản thuyết minh tiếng Anh của Disney cho anime này vẫn có ít nhiều thay đổi. Những thay đổi dưới đây không có trong bản thuyết minh gốc:
      • Vô số những lời xì xầm bàn tán và câu bông đùa, nhận xét làm nền (thậm chí nhiều hơn cả bản thuyết minh Kiki’s Delivery Service của Disney) đã được thêm vô, bù vào những cảnh không lời và tăng độ náo động, điên cuồng của một vài cảnh nhất định.
      • Nhà soạn nhạc Joe Hisaishi được ủy thác làm lại và mở rộng phần nhạc nền, được sáng tác bằng đàn synthesizer, dài 39 phút của mình thành một bản hòa tấu dài 90 phút nhằm giúp bộ phim dễ tiếp cận hơn với các khán giả Mỹ, những người đã quen với phần nhạc đệm chân thực hơn. Các hiệu ứng âm thanh mới được bổ sung, có lẽ là để nâng bộ phim lên cho xứng với các chuẩn mực điện ảnh.
      • Pazu và Sheeta, do James Van Der Beek và Anna Paquin lồng tiếng, được làm giọng già đi vài tuổi để giống với độ tuổi thiếu niên hơn là trẻ con (trong bản gốc tiếng Nhật, seiyuu của hai nhân vật này đều là nữ).
      • Đoạn hội thoại của bang Dola về Sheeta đã được sửa đổi tương đối, trong đó một trong ba người con trai của Dola đã tỏ tình với cô. Trong phiên bản gốc tiếng Nhật, họ xem Sheeta như một hình mẫu mẹ hiền đầy tiềm năng chứ không phải người yêu.
      • Các chi tiết liên quan tới Treasure Island (Đảo Giấu Vàng) của Robert Louis Stevenson (vẫn giữ trong bản thuyết minh đầu tiên) và Gulliver‘s Travels của Jonathan Swift (bị cắt khỏi bản thuyết minh đầu tiên) đều bị cắt bỏ.
      Mặc dù Studio Ghibli và Miyazaki đều phê duyệt những thay đổi này, nhiều nhà phê bình đã gọi điện cho họ để hỏi lại. Được biết bản thân Miyazaki cũng rất ưng ý với phần nhạc nền mới do Hisaishi thực hiện, nhận xét nó “phức tạp và chín chắn hơn”. Đĩa DVD tái phát hành vào năm 2010 (sau đó được làm thành đĩa Blu-ray phát hành ở Mỹ năm 2012) đã bỏ qua hầu hết những thay đổi này. Những phần dản bè mới bị cắt bỏ, thế vào đó là tổng phổ bằng đàn synthesizer của Hisaishi, hiệu ứng âm thanh lại giống như bản gốc tiếng Nhật, nhiều đoạn hội thoại thêm thắt bị loại bỏ, khiến cho bản thuyết minh gần hơn với bản gốc tiếng Nhật. Ngoài ra thì phần phụ đề trên đĩa DVD này chủ yếu là ‘phụ đề cho phần thuyết minh’ (dubtitles) thay vì là phụ đề cho phần lời thoại, âm thanh đúng bằng tiếng Nhật trong phim. Kì lạ là bản Blu-ray phát hành ở Nhật, Úc Anh lại vẫn có bản nhạc phổ mới của Hisaishi trong phần thuyết minh – trừ các đoạn hội thoại bổ sung và hiệu ứng âm thanh mới – cùng phần phụ đề chính xác và khớp thời gian.
      |Trở về Mục Lục|


      Đón Nhận


      Bộ phim hiện được đánh giá 94% “Tươi Ngon” trên website Rotten Tomatoes. Trong một cuộc bình chọn do Cục Văn hóa Nhật Bản tổ chức vào năm 2007 nhằm chọn ra 100 hoạt hình hay nhất mọi thời đại, dựa trên kết quả từ tổng cộng 80.402 lá phiếu, Castle in the Sky đứng thứ 2 trong hạng mục các anime được ra mắt vào thập niên 80 và đứng thứ 3 trong top 100.

      Laputa (bản gốc chiếu rạp ở Nhật với phụ đề tiếng Anh) đã được chiếu lại vào ngày 22/5/2011 tại Aberystwyth, trong một chương trình gây quỹ từ thiện cho Nhật Bản.

      Castle in the Sky cũng đã lập một kỉ lục mới về số lượng tweet/giây trên Twitter, với 143.199 tweet/giây (kỉ lục trước đó là 33.388 tweet/giây) vào ngày 02/08/2013, khi các fan liên tục tweet từ “balse” vào đúng thời điểm từ đó được nhắc đến trong phim lúc Laputa đang được phát sóng trên truyền hình.

      ► Thành Tựu

      • Giải thưởng Ōfuji Noburō; Liên hoan phim Mainichi
      • Hạng nhất; Pia Ten (Phim hay nhất của năm)
      • Hạng nhất; Các phim Nhật; City Road
      • Hạng nhất; Các phim Nhật; Eiga Geijyutsu (Movie Art)
      • Hạng nhất; 10 phim hay nhất của Nhật; Liên hoan phim Osaka
      • Hạng 8; Các phim Nhật; 10 phim hay nhất tại Kinema Junpo
      • Hạng hai; Giải do độc giả bình chọn; 10 phim hay nhất tại Kinema Junpo
      • Anime hay nhất; Anime Grand Prix lần thứ 9
      • Đề cử đặc biệt; Giải thưởng đặc biệt của Ủy ban trung ương về phúc lợi trẻ em
      • Đề cử đặc biệt (cho Miyazaki và Takahata); Revival of Japanese Movies
      • Thiết kế xuất đẹp nhất; Anime
      |Trở về Mục Lục|


      Thông Tin Bên Lề


      • Trong một chương trình đặc biệt của South Bank Show, Jamie Hewlett, họa sĩ của ban nhạc Gorillaz, tiết lộ ông đã lấy ý tưởng làm hòn đảo cối xay gió bay trong 2 MV "Feel Good Inc” và "El Manana" từ anime Laputa.
      • Trò chơi The Legend of Zelda: Twilight Princess cho máy Vii và máy điện tử cầm tay phiên bản tại gia của GameCube có rất nhiều yếu tố được lấy từ Laputa, bao gồm một trò xếp hình có hình hai rôbôt cổ bị những chiếc lá che phủ và yếu tố lâu đài trên không trong level cuối.
      • Credit cuối phim của movie Avengers: Age of Ultron có ghi rôbôt của Laputa. Nó đã có mặt trong căn hộ của Tony Stark (Ironman).


      |Trở về Mục Lục|


      Mục Hỏi Đáp


      1) Có phải “Laputa” được chuyển thể từ manga hay tiểu thuyết nào đó không?
      Không. Đây là câu chuyện hoàn toàn mới do Miyazaki nghĩ ra. Laputa sau đó đã được chuyển thể thành một tiểu thuyết dài hai volume, được Miyazaki minh họa.
      "SHOUSETSU TENKUU NO SHIRO RAPYUTA ZENPEN/KOUHEN"
      (Phiên bản tiểu thuyết của Laputa:Castle in the Sky: Vol.1 và 2)
      1986, AM JuJu, Tokuma shoten, 380 yên/cuốn
      Cốt truyện: Kameoka Osamu, minh họa: Miyazaki Hayao, nguyên tác: Miyazaki Hayao

      2) Phim diễn ra vào thời gian nào?
      Bối cảnh phim được cho là vào cuối thế kỉ 19 hoặc đầu thế kỉ 20, tại một thế giới khác, nơi các công nghệ hàng không phát triển hơn. Miyazaki nói ông viết “Laputa” như “một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng được sáng tác vào cuối thế kỉ 19.”

      3) Phim diễn ra ở đâu?
      Tại một quốc gia hư cấu. Hẻm Slug nơi Pazu sống được mô phỏng theo một thị trấn hầm mỏ ở Wales. Miyazaki có lần đi thực địa ở Wales và biết được rằng tại đây đã xảy ra một vụ tranh chấp lao động lớn từ một năm trước. Sự kiện này cùng với cảnh vật của thị trấn mỏ tiêu điều (Miyazaki là cựu chủ tịch của một hiệp hội) đã tác động tới ông và khiến ông đưa cảnh người dân thị trấn chiến đấu với đám không tặc vào phim. Trong nhà ông chủ của Pazu cũng có treo một áp phích nhìn giống như của chủ nghĩa xã hội.

      4) “Laputa” nghĩa là gì?
      “Laputa” là một hòn đảo bay trong cuốn Gulliver's Travels của Jonathan Swift, dẫu Pazu nói Laputa của Swift chỉ là “câu chuyện trong một cuốn sách”, còn Laputa của cậu mới là đồ thật. Trong tiểu thuyết của Swift, những cư dân của đảo Laputa chính xác là những người ‘đầu óc lúc nào cũng bay lượn trên mây”.

      Miyazaki vốn định làm phim về một “Hòn Đảo Kho Báu bay” và mượn cái tên “Laputa” từ tiểu thuyết của Swift. Ông đúng ra đã không nên làm vậy. “Laputa” thực ra là một từ rất tục trong tiếng Tây Ban Nha. Nó có nghĩa là “gái mại dâm” (thậm chí còn tệ hơn thế, nhưng vì tục quá nên xin phép không nói ra ở đây) và Swift biết rõ ý nghĩa của nó khi đặt tên hòn đảo như vậy. Không rõ liệu Miyazaki có biết về nguồn gốc của từ này không, nhưng đúng ra ông đã có thể tránh được vấn đề này nếu cứ làm theo kế hoạch ban đầu – đánh vần tên hòn đảo là “Raputa” (tiếng Nhật không phân biệt giữa “L” và “R). Hiện Disney đã mua quyền phân phối Laputa trên toàn thế giới, không biết họ sẽ quảng cáo bộ phim như thế nào ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha (bao gồm cả Mỹ).

      5) Tại sao Laputa lại bị bỏ hoang?
      Bản nháp đầu tiên của “Laputa” giải thích Laputa lần đầu tiên được nhắc đến trong lịch sử dưới cái tên “Laputatilis” trong cuốn “Sách Trời” về lục địa đã mất của Platon. Platon viết rằng để thoát khỏi chiến tranh, người dân của một nền văn minh máy móc cực kì tiên tiến đã cho xây dựng Laputatilis. Tuy nhiên, họ vì quá phụ thuộc vào công nghệ mà làm suy giảm khả năng sinh tồn của chính mình. Thế rồi một cơn đại dịch ập đến và giết chết hầu hết dân số trên đảo vào khoảng 500 năm TCN. Một số ít người sống sót đã chạy xuống Trái Đất, bỏ lại Laputa. Tuy nhiên, cốt truyện trong phim đã được thay đổi, trong đó Laputa đã bị bỏ hoang từ cách đây 700 năm và phim cũng không giải thích vì sao nó bị bỏ hoang.

      6) Muska gọi phát bắn của Laputa là “mũi tên của Indra trong ‘Ramayana’” là có ý gì?
      “Ramayana” là một sử thi của Ấn Độ, được viết vào thế kỉ thứ 4 TCN, về hoàng tử Rama và vợ chàng là Shita. Indra là một vị thần chuyên tạo ra sấm sét và mưa. Ngài dùng cầu vồng làm cung để bắn những tia chớp xuống trừng phạt loài người, nên từ đó mới có cụm từ “mũi tên của Indra”.

      7) Dola nói Sheeta nhìn y như mình hồi trẻ, có thật không vậy?
      À thì đôi khi thời gian cũng tàn nhẫn lắm. Dola có treo trong phòng ngủ bức tranh vẽ một cô gái cột tóc đuôi sam. Cô bé đó (Dola) khá xinh xắn và nom hơi giống Sheeta. Quan trọng hơn là ở Sheeta cũng có sự kiên cường, dũng cảm và trí thông minh đã giúp Dola trở thành một không tặc tài ba. Ngoài ra, người chồng quá cố của Dola (một số bản fansub tưởng ông kỹ sư già là chồng của Dola, nhưng thực ra họ chỉ là bạn tốt của nhau) là một kỹ sư thiên tài. Ông đã chế tạo ra những chiếc flapter (mấy cỗ máy giống con rồng mà đội không tặc sử dụng). Pazu, người có ước mơ trở thành một kỹ sư, đã tự chế tạo máy bay trong nhà. Việc Sheeta có trở nên giống Dola hay không thì… cái này thời gian sẽ trả lời. Anh của Miyazaki nói mẹ của họ cũng có tinh thần thép như Dola.

      8) Ai là người đã thiết kế mấy con rôbôt ở Laputa?
      Chính là Miyazaki. Thực ra chúng rất giống với mẫu thiết kế rôbôt trong anime Farewell Beloved Lupin , do ông viết kịch bản và đạo diễn vào năm 1980. Bản thân Farewell Beloved Lupin, lại là một cách ông tưởng nhớ nhân vật Superman của anh em nhà Fleischer (bộ phim thứ 2, “The Mechanical Monster, 1941).

      9) Trong Laputa có chi tiết hài nào không?
      Những chú sóc cáo (trong Nausicaä) đã xuất hiện trong khu vườn của Laputa.

      10) Laputa có bản thuyết minh tiếng Anh đúng không?
      Đúng thế. Laputa vốn được thuyết minh bằng tiếng Anh, nhưng không phải do hãng Streamline Pictures làm như nhiều người nhầm tưởng. Fred Patton từ Streamline Pictures nói:

      “Streamline Picturers đã chiếu phiên bản thuyết minh tiếng Anh của Laputa tại các rạp từ ngày 24/03/1989 đến hết năm sau, nhưng Streamline chưa bao giờ thuyết minh cho bộ phim này. Streamline mua bản quyền của Laputa từ Tokuma Shoten vào cuối năm 1988 hay đầu 1989 gì đó, rồi được phía Nhật Bản gửi cho một bản in đã được thuyết minh sẵn bằng tiếng Anh, vốn được dùng để chiếu trên các chuyến bay đi Thái Bình Dương của hãng Hàng Không Nhật Bản. Chúng tôi chẳng biết thực ra ai đã thuyết minh nó.”

      Bản thuyết minh này đã được chiếu tại một số rạp phim nghệ thuật ở Mỹ và ít nhất hai lần trên truyền hình Anh Quốc, dẫu vài cảnh đã bị cắt. Đây là một bản thuyết minh tạm Ổn và chỉ có thể được tìm thấy trong Ghibli LD Box Set và DVD cho khu vực 2.

      Disney đã tái thuyết minh cho Laputa và nhờ Joe Hisaishi bổ sung phần nhạc nền, những thay đổi này đều có trong DVD cho khu vực 1.

      11) Có phải đĩa Lade Laputa của Nhật không được letterbox* kĩ càng?
      Phải. Tỉ lệ letterbox của đĩa lade đó là vào khoảng 1.66:1, trong khi đúng ra phải là 1.85:1. Hai đầu bộ phim đều bị cắt mất. Tuy nhiên, các đĩa lade trong Ghibli LD Box Set đều đã được khắc phục lỗi này.

      *letterbox: kỹ thuật chuyển đổi phim ảnh đã quay theo định dạng màn ảnh rộng (widescreen) sang kích thước thông thường (standard) để coi trên TV trong các gia đình, mà vẫn giữ được tỷ lệ (aspect ratio) nguyên thủy.

      |Trở về Mục Lục|


      Nguồn: EnWiki - nausicaa.net - studio-ghibli | Dịch: ~Sahara Mizu~ | Website: Vn-Sharing.Net
      Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.
      Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic hồi báo, góp ý.


      Sửa lần cuối bởi ~Sahara Mizu~; 15-12-2015 lúc 15:59.

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 15:41.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.