Leprechaun



Phân loại
Sinh vật truyền thuyết
Yêu tinh
Tiên
Xuất hiện trong
Văn hóa dân gian
Quốc gia
Ireland
Sống ở
Đồng hoang
Rừng
Hang động
Vườn nhà

Leprechaun
.



Leprechaun (Tiếng Ireland: leipreachán) là một chủng loại tiên/yêu tinh trong văn hóa dân gian Ireland; thường được miêu tả có hình dạng như một người đàn ông thấp bé có râu quai nón, luôn mặc áo choàng, đội mũ nhọn truyền thống và thích bày trò chọc phá người khác. Họ thường sống đơn độc, có biệt tài làm giày và sửa giày, chuyên giấu một hũ vàng ở phía cuối của cầu vồng. Nếu bị con người bắt được, leprechaun sẽ sẵn sàng đổi ba điều ước để lấy lại tự do. Tương tự như các tiên khác trong văn hóa dân gian nước này, leprechaun có lẽ có nguồn gốc từ bộ tộc thần bí Tuatha Dé Danann. Tuy nhiên, sinh vật này vốn rất ít xuất hiện trong thần thoại Ireland và chỉ trở nên nổi bật trong nền văn học dân gian sau này.
Hình tượng leprechaun ở thời hiện đại bị ảnh hưởng rất lớn bởi các bức tranh biếm họa châm biếm hình ảnh đặc trưng của dân tộc Ireland, bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ XIX.



Nguồn gốc tên gọi (ngữ nguyên)

Cái tên leprechaun có nguồn gốc từ chữ leipreachán trong tiếng Ai-len, mà theo Patrick Dineen giải thích là "một chú lùn, một yêu tinh, hoặc một leprechaun". Nguồn gốc sâu xa hơn nữa thì hiện nay chưa được cụ thể; nhưng dựa theo nhiều nguồn thì leipreachán là cách đọc chệch đi chữ luchrupán (tiếng Ireland trung đại), mà chữ này thì lại xuất phát từ chữ luchorpán (tiếng Ireland cổ đại). Luchorpán là từ ghép giữa hai gốc từ lú (có nghĩa là nhỏ bé) và corp (thân hình). Gốc từ corp này - mượn từ tiếng Latin - đã phản ánh sức ảnh hưởng từ sớm của Giáo hội Latin lên tiếng Ireland cổ. Có một cách phát âm khác là leithbrágan, có nguồn gốc dân gian, là kết hợp giữa leith (một nửa) và bróg (giày chuyên dùng đi núi) bởi hình tượng đương đại của leprechaun là đang làm/sửa chỉ có một chiếc giày. Tiếng Anh có một số phát âm khác cho chữ này, như lubrican, leprehaun, và lepreehawn. Một số quyển sách Ireland hiện đại lại dùng chữ lioprachán.



Trong văn hóa dân gian Ireland

Hình tượng leprechaun xuất hiện sớm nhất trong một câu chuyện kể thời trung cổ có tên là Echtra Fergus mac Léti (Chuyến phiêu lưu của Fergus, con trai Léti). Trong đó Fergus mac Léti, Vua xứ Ulster, đã ngủ quên trên bờ biển và khi tỉnh lại thì thấy mình đang bị ba tên lúchorpáin lôi ra phía nước. Fergus quay ngược lại bắt lấy ba tên này và họ đồng ý cho ông ba điều ước để được thả ra.

Leprechaun được miêu tả là một sinh vật thích sống đơn độc với mục đích duy nhất là làm và sửa giày, đồng thời cũng rất thích chọc phá người khác. Theo William Butler Yeats, họ giàu kết sù là vì có được những "kho báu bị chôn vùi trong chiến tranh". Còn theo David Russell McAnally thì leprechaun là con trai của một "ác thần" và một "nàng tiên biến chất" nên thuộc loại "nửa chính nửa tà".



Ngoại hình

Nguyên bản thì leprechaun có ngoại hình tùy thuộc vào từng vùng của Ireland. Trước thế kỉ XX,người ta thường tin rằng họ chuyên mặc màu đỏ chứ không phải lục như miêu tả hiện nay.

Samuel Lover đã miêu tả leprechaun trong một bài viết vào năm 1831 như sau, "... khá bảnh với bộ trang phục của mình, bởi hắn mặc một chiếc áo khoác khổ vuông màu đỏ có viền rất nhiều vàng rất khó tả, đội một chiếc mũ ba góc không vành, mang một đôi giày và cái thắt lưng cũng y như vậy." ( ... quite a beau in his dress, notwithstanding, for he wears a red square-cut coat, richly laced with gold, and inexpressible of the same, cocked hat, shoes and buckles)

Còn theo Yeats, "các yêu tinh đơn độc - như leprechaun - thường mặc màu đỏ, còn yêu tinh "theo đoàn" mặc màu lục. Ở bờ Tây, leprechaun có khoác thêm một chiếc áo len bên ngoài áo choàng đỏ. Ở Ulster, leprechaun có mang thêm một chiếc mũ ba góc. Khi sắp thực hiện một trò nghịch nào đó, hắn nhảy lên một bức tường và bắt đầu xoay tròn, rồi tự giữ thăng bằng theo tư thế chổng ngược, chóp mũ là điểm tựa và gót giày giơ lên cao".

McAnally thì cho rằng, "Hắn cao khoảng 3 ft (~90cm), mặc một chiếc áo khoác nhỏ màu đỏ, quần chẽn dài tới đầu gối, vớ màu xám hoặc đen, và đội một chiếc mũ làm theo kiểu của thế kỉ trước, phía dưới mũ là một khuôn mặt già cỗi nhỏ nhắn. Quanh cổ hắn là kiểu vòng thời Elizabeth, còn quanh cổ tay có viền ren kiểu cách. Ở vùng đất phía tây, nơi mà những luồng gió từ Đại Tây Dương liên tục mang mưa tới, hắn bỏ hết phần ren vào cổ áo rườm rà, thay vào đó là khoác một chiếc áo len bên ngoài chiếc áo khoác đẹp đẽ. Vì thế, trừ phi nhìn kĩ vào chiếc nón, bạn có thể đi ngang qua một Leprechawn trên đường mà không hề biết gì".

Tuy nhiên, bộ trang phục này cũng sẽ thay đổi theo từng vùng miền, mà theo như ghi chép của McAnally là:
- Leprechaun, hoặc Logheryman (bắc Ireland) mặc "áo khoác quân đội màu đỏ, quần chẽn màu trắng, với chiếc mũ nhọn rộng vành mà hắn thường dùng để giữ thăng bằng khi chổng ngược". ( "military red coat and white breeches, with a broad-brimmed, high, pointed hat, on which he would sometimes stand upside down")
- Lurigadawne ở Tipperary (trung tâm Ireland mặc "áo khoác xẻ tà kiểu cổ màu đỏ, đội mũ lưỡi trai, luôn mang theo một thanh kiếm mà hắn dùng như đũa phép". ( "antique slashed jacket of red, with peaks all round and a jockey cap, also sporting a sword, which he uses as a magic wand")
- Luricawne ở Kerry (tây nam Ireland): có "một thân hình to béo với khuôn mặt tròn tròn trông rất khỏe mạnh, hồng hào tới mức có thể so với màu đỏ của chiếc áo khoác hắn mặc, chiếc áo này luôn có 7 hàng nút, mỗi hàng lại có 7 chiếc nút". ( "fat, pursy little fellow whose jolly round face rivals in redness the cut-a-way jacket he wears, that always has seven rows of seven buttons in each row")
- Cluricawne ở Monaghan (đông bắc Ireland): mặc "một chiếc áo khoác đỏ đuôi én, bên trong là áo khỉ màu lục, quần chẽn trắng, vớ đen, bên dưới là đôi giày bóng lộn, và bên trên là một chiếc nón chóp không vành". ( "a swallow-tailed evening coat of red with green vest, white breeches, black stockings," shiny shoes, and a "long cone hat without a brim,").



Nguồn: Wikipedia.Org | Dịch: Johanna A.P.| Website: Vn-Sharing.Net
Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.
Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic hồi báo, góp ý.