oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > Các box về Anime > Thảo luận Anime >

Trả lời
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. Fly Me To The Moon: Nhìn kiểu nào thì cũng quá dễ thương

      Fly Me
      To The Moon
      Nhìn kiểu nào thì cũng quá dễ thương
      Trước thời điểm 4/1954, Bart Howard khi này vẫn còn là một nhạc công, kiêm MC cho một hội quán nổi tiếng tại vùng Manhattan (New York), Blue Angel.

      Ông đã rời nhà khi còn rất trẻ, chỉ trạc tuổi 16, để mơ mộng viết ra những bản OST cho những loạt phim thành công đình đám. Thế nhưng, tuổi càng già, giấc mộng đó dần trở thành hư vô. Ông từng chia sẻ với tờ The New York Times rằng, đôi lúc ông cảm thấy cuộc sống mình thật vô vọng.

      Và rồi, Bart Howard chấp nhận, trở nên vô danh hơn, từ bỏ một giấc mơ lớn, để trở thành một nhạc công chẳng mấy ai biết. Và giấc mơ đó dần nhỏ giọt. Chôn vùi một phần tuổi xuân của Bart Howard trên cây đàn dương cầm.

      Fly Me To The Moon không còn xa lạ gì với công chúng nữa. Hơn 6 thập kỷ trôi qua, sức sống mà nó mang lại chưa bao giờ nguội lạnh, và đã trở thành một trong những ca khúc được cover nhiều nhất trong lịch sử, chỉ sau mỗi My Way của Frank Sinatra (Phổ lời bởi Paul Anka và được sáng tác bởi Jacques Revaux - Một nhạc sĩ cực kì nổi tiếng người Pháp) và Yesterday của The Beatles.

      Thế nhưng, liệu ca khúc này có liên quan gì đến tiêu đề nằm đằng sau Fly Me To The Moon ? Cái tên việt hóa đằng sau nó, có làm các bạn gợi nhớ đến bộ Manga nào hiện nay không ?

      Người viết học tiếng Anh khá kém, nhưng không đến nỗi dịch một cách nhầm lẫn đến ngu ngốc như vậy. Nếu mọi người còn chưa định thần được, thì cái tên việt hóa đấy chính là bắt nguồn từ Tonikaku Kawaii, một bộ Manga ngọt như đường chuẩn bị được chuyển thể vào tháng 10 sắp tới đây.

      Tại sao Kenjiro Hata - tác giả của Tonikaku Kawaii lại có thể nhầm lẫn như vậy. Tại sao lại lấy một cái tên Tiếng Anh hoàn toàn tách biệt so với tiêu đề tên gốc ? Nó hẳn phải có một lý do chính đáng, thế nhưng trước khi bóc tách và làm rõ điều này dựa trên quan điểm của người viết.

      Chúng ta hãy cùng nhìn lại, một chút về lịch sử của Fly Me To The Moon, về những quá khứ mà biết đâu nó gắn liền với những điều chúng ta cần tìm hiểu ngay lúc này.
      Fly Me To The Moon
      Nhấn vào để nghe

      ♦Bay lên cung trăng

      Người đàn ông mà người viết có đề cập đến ở đầu phần bài viết, nói không ngoa chính là cha đẻ của ca khúc Fly Me To The Moon.

      Thật khó tin đúng không. Một người đã gần như chôn vùi cả giấc mơ của mình, và tưởng chừng như đã thất bại, lại sỡ hữu một bản nhạc làm mê đắm lòng người qua rất nhiều thế hệ. Nếu mọi người biết sự thật về thời gian hoàn thành bài hát này, sẽ lại còn cảm thấy sốc hơn nữa.

      Bart Howard

      Bart Howard đã hoàn thành bản nhạc này chỉ vỏn vẹn có … 20 phút. Và bài hát này ban đầu, được đặt cho cái tên là In Other Words. Thế nhưng, khi đang sáng tác, theo yêu cầu kiểu cabaret (nhạc kịch) nhưng đơn giản, và dễ nhớ. Ông lên thử vài nốt, và bao nhiêu ca từ cứ trôi tuôn ra như dòng chảy cảm xúc.

      Và cụm từ Fly Me To The Moon, không nằm ngoại lệ.

      Thế nhưng, khi nhà sản xuất cầm lên phổ nhạc của bài, và để ý thấy tiêu đề, họ cảm thấy cụm từ Fly Me To The Moon có vẻ hơi xa lạ, và yêu cầu Bart Howard nên lấy cái tên Take Me To The Moon.

      Mặc dù đã phản đối kịch liệt, trong một cuộc phỏng vấn của tờ The New Yorks Times vào năm 1998, ông kể lại:

      ‘’Tôi đã thai nghén 20 năm để sáng tác bài này trong 20 phút với tất cả tâm huyết. Nếu thay nó, tôi sẽ không bao giờ có được như ngày hôm nay’’

      Tuy nhiên, bên phía nhà sản xuất vẫn tuồn ‘’hàng nóng’’ ra ngoài với cái tên được chấp thuận lúc đầu là In Other Words.

      Nó được trình diễn lần đầu tiên bởi giọng ca vedette của tửu quán Blue Angel, Felicia Sanders. Tiếng lành đồn xa, ít lâu sau bài In Other Words được nhiều phòng trà hát lại và được công chúng yêu cầu liên tục.

      Đến tháng 4/1954, bài hát này mới chính thức trình làng qua single của nữ danh ca Kaye Ballard và sau đó được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát lại.

      Nhưng bài hát này vẫn chỉ nổi tiếng ở khu vực New York và vẫn chưa vang ra xa. Phải đến năm 1960 khi nữ danh ca Peggy Lee hát trong chương trình ti vi Ed Sullivan show với hàng triệu người xem thì bài hát lập tức trở thành hit.

      Bài hát được yêu thích đến độ Peggy Lee năn nỉ nhạc sĩ Bart Howard cho đổi tựa thành Fly Me To The Moon vì có quá đông công chúng thích cái tên này. Cuối cùng Howard đồng ý và từ đó trở đi, In Other Words trở thành Fly Me To The Moon và chính thức bay đi khắp nơi.

      Peggy Lee và album

      Năm 1963, Peggy Lee, và Joe Harnell, đã cùng dàn nhạc của mình chơi bài hát này với điệu Bossa Nova, và ngay lập tức đoạt giải Grammy, cùng số lượng hơn 500 ngàn đĩa đơn được bán sạch.

      Thế nhưng sức hút của Fly To The Moon, vẫn chưa dừng lại.

      Phải cho đến khi Frank Sinatra - huyền thoại của dòng nhạc Jazz, người đã xuất sắc được khắc tên trên đại lộ danh vọng, thu âm bài hát này vào năm 1964 trong album It Might as Well Be Swing, và được biểu diễn trực tiếp trong nhà hát vào năm 1966 và được thu âm lại cho live album Sinatra At The Sands, Fly Me To The Moon mới thật sự trở thành bất hủ, khi được cộng hưởng bởi danh tiếng của một trong những huyền thoại âm nhạc thế giới.

      Album đã đưa Fly Me To The Moon trở thành bất hủ

      Còn bản thân Bart Howard, mỗi năm tiền bản quyền không dưới 50 ngàn USD, và thậm chí có những năm đắt show, có thể gấp đôi, gấp 3, một con số khủng khiếp của thế kỉ trước.

      Và chỉ mất một quãng thời gian ngắn sau đấy. Từ một người, đã sáng tác ra hơn 50 bài hát, mà chẳng ai biết đến. Nhưng chỉ với Fly Me To The Moon, Bart Howard đã trở thành triệu phú.

      ♦Liệu có một mối lương duyên ?

      Ngày 16/7/1969, tàu Apollo 11 đã thực hiện sứ mệnh không chỉ của Hoa Kì, mà là cả loài người trong công cuộc vĩ đại chinh phục vũ trụ. Và đây cũng là con tàu đầu tiên, đưa 3 người đầu tiên trên thế giới, đặt những bước chân nhỏ bé của con người lên mặt trăng, nhưng là một kỷ niệm đánh dấu cho bước tiến vĩ đại tiếp theo của nhân loại.

      Trên con tàu Apollo 11 ngày hôm đó, có ba thành viên gồm Neil Armstrong, Michael Collins, và Edwin Aldrin. Ngày 20/7/1969, sau khi Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên lên mặt trăng, thì người theo sau là Edwin Aldrin, đã mang theo một cái cassette nhỏ, và những giai điệu nồng ấm của Fly Me To The Moon đã phát sóng trực tiếp trên mặt trăng.

      Edwib ''Buzz'' Aldrin

      Kể từ đó trở đi, mối lương duyên tiền định giữa Fly Me To The Moon và Nasa đã gần như gắn chặt với nhau, dù chưa được công nhận chính thức. Bài hát đó, đã được xem như là nhạc hiệu không gian của Nasa, và trong bất cứ sự kiện phóng tàu vũ trụ nào, Fly Me To The Moon một lần nữa, lại được cất lên.

      Nhiều năm sau đó, Nasa, thậm chí còn mời Frank Sinatra biểu diễn trực tiếp Fly Me To The Moon tại khán phòng, để kỉ niệm thời khắc mà Apollo 11 hoàn thành sứ mệnh nhiều năm về trước.

      Live Show được chính Nasa tổ chức

      Trong Tonikaku Kawaii, tên nhân vật chính là Nasa - phỏng theo cơ quan hàng không và vũ trụ của Hoa Kì, và vợ của Nasa lại được tiết lộ là công chúa của mặt trăng - điểm đến của tàu Apollo 11 năm xưa. Liệu việc đặt tên Fly Me To The Moon có còn ngẫu nhiên nữa hay không ?

      Nhất là khi, trong quá khứ và cho đến hiện tại, cái tên Nasa và Fly Me To The Moon đã gần như gắn chặt số mệnh của mình với nhau thông qua câu chuyện của tàu Apollo 11.

      Cũng vậy, nếu bạn nào đã từng theo dõi Kenjiro Hata đủ lâu, sẽ biết anh là một người thích, lấy cảm hứng cho tiêu đề thông qua những bài hát nổi tiếng của thế kỷ trước. Chẳng hạn trong một chapter của Hayate The Combat, đặt tên là What A Wonderful World.

      Đây vốn là tiêu đề cùng tên bài hát được thể hiện bởi Louis Armstrong, và Chap 35 của Hayate The Combat lại có tiêu đề When You Upon A Star - cũng vốn là cái tên tương tự của một ca khúc được thể hiện bởi Cliff Edward.

      Nếu chiếu theo quá khứ thế này, thật chẳng lạ khi Hata lại chọn Fly Me To The Moon, dành cho sáng tác tiếp theo của mình.

      Nhưng những điều này vẫn chưa đủ …

      Thực tế mà nói, nếu bảo sự kiện Apollo 11 ai cũng biết thì … có vẻ láo quá nhỉ. Giả sử như Hata không biết đến thì sao ? Và nếu bảo Fly Me To The Moon, thời điểm trước kia nổi tiếng đến mức người Nhật nào cũng biết thì có vẻ ... nhảm nhí quá nhỉ ?

      Nhưng có đấy, sự xuất hiện của Fly Me To The Moon thật sự rất nổi tiếng ở Nhật, nhưng không phải vì sức lan tỏa của bài hát này từ Mỹ. Nó đến từ một series đình đám được sản xuất bởi Gainax cách đây 25 năm về trước.

      Series đấy chính là Neon Genesis Evangelion. Một trong những tác phẩm hay nhất, và đông fan nhất từng sản xuất trong giới anime về Sci-fic, Mecha.

      Neon Genesis Evangelion

      Không còn gì có thể diễn tả nổi sức thành công của series này trong quá khứ, 150 tỷ yên doanh thu trong suốt giai đoạn từ 1995 - 2007, giành nhiều giải thưởng mà nổi bật Anime Grand Prix vào các năm 1996 và 1997. Rất nhiều những món hàng ăn theo series có giá lên tới 9 trăm đô, và có vinh dự được công viên giải trí Fuji - Q Highland dành hẳn 1460m vuông để xây nên một khu vực dành riêng cho Evangelion, …

      Sức ảnh hưởng lớn như thế, thật không có gì để ngạc nhiên, khi Fly To The Moon - được chọn làm bài ED cho series và được cover lại rất nhiều lần trong suốt khoảng thời gian Neon Genesis Evangelion được công chiếu, khi cứ mỗi tập, lại có một kiểu Fly Me To The Moon khác nhau.

      Quả thực, nhờ có series đình đám cộng hưởng, mà Fly Me To The Moon đã cất bay rất cao ở đất nước mặt trời mọc. Và có lẽ phần nhiều Hata biết đến nhạc phẩm này nhờ series của Evangelion hơn, là sự phổ biến từ nước Mỹ.

      Nổi tiếng, và được biết đến nhiều là như thế, bề dày lịch sử, và nhiều chi tiết trùng hợp đến mức khó tin là thế nhưng …

      ♦Điều gì đã làm Fly Me To The Moon trở nên trọn vẹn trong bộ truyện ?

      Kể cả khi không đếm xỉa gì đến bề dày lịch sử của Fly Me To The Moon, thì nội dung của nó, cứ như đặt vào trong tác phẩm còn rất non trẻ của Kenjiro Hata.

      Hãy nhớ, Fly Me To The Moon đâu phải thành công sau khi được gắn liền với cơ quan hàng không và vũ trụ Nasa. Nhạc phẩm của Bart Howard trước đó đã từng làm điên đảo biết bao nhiêu con tim yêu âm nhạc trên đất Mỹ, và bao trùm dần trên cả địa cầu. Việc hợp thức hóa với Nasa chỉ biến Fly Me To The Moon như hổ mọc thêm cánh mà thôi.

      Tonikaku Kawaii

      Trong Fly Me To The Moon, hình ảnh bay cao lên mặt trăng, nô đùa, ngắm nhìn và nhảy múa trên các tinh cầu, chỉ là một hình ảnh ẩn dụ, cho một tình yêu lãng mạn và bay bổng. Nhìn theo một cách khác, đó là những giấc mơ rất phi thực tế trong tình yêu. Nhưng …

      Nếu phải nói theo một kiểu khác, khi yêu nhau, thì chuyện gì dù bất khả thi cũng có thể làm được. Há chẳng phải, khi có người yêu, người ta vẫn thường hay dỗ ngọt người ấy, bằng những giấc mộng tưởng chừng như chẳng bao giờ thực tế đó hay sao ? Và nhiều người cho rằng những nét sến rện ấy, làm cho cuộc sống trở nên hồng hào quá mức.

      Nhưng bạn tôi ơi, Fly Me To The Moon, là một bài hát được sinh ra vào thời đại, mà giá trị của đồng tiền chưa đánh đổ trái tim nhiều như bây giờ. Ngay từ những giây phút đầu tiên đọc Tonikaku Kawaii, tác phẩm của Kenjiro Hata đã làm người viết nhớ về một thời mà người ta vẫn còn tin nhiều vào những điều lãng mạn như thế.

      Tin vào cái tình yêu sét đánh, tin vào một tình yêu đích thực. Vây nên chính những nét đáng yêu như thế, mà thời bây giờ coi là sến súa, lại chính là thứ đã thắp lửa cho tình yêu của thời đại cổ xưa.

      Được cứu, được yêu

      Và này, Fly Me To The Moon, đâu phải chỉ biết nói suông, nếu như thế nhạc phẩm của Bart Howard lại quá vô nghĩa, khi vẽ vời đủ thứ để rồi sau đó bảo rằng, anh là người chẳng đáng tin, thì thật quá đỗi sáo rỗng.

      Khi chia tay Tsukasa ở bến xe buýt ngày hôm đó. Điều gì làm Nasa nghĩ rằng cậu sẽ lại được gặp cô một lần nữa. Trong tương lai, biết bao nhiêu con người lướt qua cuộc đời, và cũng có bấy nhiêu sự kiện chúng ta tham gia vào. Ai biết chắc tình yêu sẽ mãi mãi tồn tại vĩnh cửu như lời hứa ngày đó.

      Và liệu ai có đủ sự tin tưởng, chỉ để trao thân, gửi phận, cho một người con trai chỉ mới gặp đúng có 2 lần trong cuộc đời, và chẳng ba hoa gì về tiền bạc, về cuộc sống.

      Nhưng, cũng như cách Bart Howard để cho người nghe bay lên cung trăng (Fly Me To The Moon), khiêu vũ giữa những vì tinh tú (dance among the stars), để anh thấy mùa xuân ra sao (let’s me see what spring is like), trên mộc tinh và hỏa tinh (On jupiter and mars).

      Những ước muốn tưởng chừng xa vời, và đầy thiếu tính thực tế đấy chính là đòn bẩy để khiến tình yêu thêm phần, và bội phần hạnh phúc.

      Giá trị của tình yêu không nằm ở giá trị vật chất

      Bạn có nhớ không, khi Nasa đòi mua cho bằng được một chiếc nhẫn kim cương làm quà đính hôn cho Tsukasa, đó là một món vật chất đắt tiền dễ làm làm con người ta bị sốc và bủn rủn tay chân. Cuối cùng họ chọn một cặp nhẫn rẻ tiền nhất có thể, nhưng khiến cho cả hai hạnh phúc biết bao.

      Nasa tin tưởng Tsukasa, để cho cô có toàn quyền quyết định, xem nên chi, và nên mua cái gì. Và ngược lại, cô muốn cho Nasa thấy được thực tế rằng, những món quà như thế là không phù hợp với tình hình tài chính của cả hai, và tình yêu đâu cần phải đong đếm bằng cách xa xỉ như vậy.

      Bởi vậy nên chỉ cần tin tưởng, tôn thờ, và dành trọn sự yêu mến cho nhau. Một món quà rẻ tiền, cũng có thể trở nên vô giá với người mà nó được trao một cách trọn vẹn.

      Đặc biệt là với chi tiết đắt giá của bộ truyện về nghi vấn của người bà dành cho Nasa.

      Sự tin tưởng tuyệt đối mà Nasa dành cho Tsukasa

      Anh đâu có ngờ nghệch đến mức không nhận ra sự kì lạ, và bất thường của Tsukasa ngay từ lần đầu gặp mặt. Nhưng, điều đó đâu có quan trọng, anh chấp nhận mọi thứ từ cô, và còn cảm thấy may mắn vì sự đặc biệt đó.

      Họ hiểu nhau, và tin tưởng nhau như thế, thì bảo sao tập nào chẳng ngọt. Không một lời cãi vã, chỉ có sự thấu hiểu là ở lại

      Fly Me To The Moon cũng có câu

      "In Other Words, Hold My Hand
      In Other Words, Baby Kiss Me''

      Sau tất cả những ước mơ vượt tầm với của bầu khí quyển, chẳng lẽ lại cứ xuôi theo mà làm, không một lời động viên, trấn an. Người ta có câu con trai yêu bằng mắt, còn con gái yêu bằng tai, dù rằng ở thời hiện đại, điều này nhiều khi không còn đúng nữa.

      Nhưng, nếu là vào thế kỉ trước, thì có lẽ lại khác, thời điểm mà chiến tranh diễn ra khắp mặt đất, chứng kiến biết bao nhiêu đôi lứa yêu nhau nồng nàn, nhưng bị chia cắt tạm thời hoặc vĩnh viễn trên nền đất nhuốm mùi bom rơi, đạn lạc.

      Họ chỉ còn cách trấn an người thương, và chạnh lòng nhắn nhủ rằng, đừng lo rồi anh sẽ trở về.

      Điều tương tự cũng xảy ra với Fly Me To The Moon, đứng trước một khó khăn lớn lao như thế, chúng ta chỉ còn cách trấn an một cách bộc trực rằng, đừng lo, nắm chặt tay anh, và này em yêu, hãy hôn anh đi. Bởi trước những ao ước diệu vợi như thế, nếu không tựa vào nhau, thì hạnh phúc đâu mà đến.

      Đó chẳng phải là những thách thức mà Nasa và Tsukasa cũng vướng phải đấy sao. Nếu thời ngày trước là chiến tranh, hay những khát vọng xa vời. Thì Tonikaku Kawaii, đã sửa lại những thách thức đấy sao cho phù hợp với thời đại ngày nay.

      Những khó khăn về tài chính

      Là chuyện tài chính, chuyện chỗ ở, là lo lắng, muộn phiền cho một cuộc sống không vương giả dành cho Tsukasa. Là chuyện nhẫn cưới như một thông lệ cho tình yêu bền vững nhưng quá đắt đỏ, hay khi bà của Tsukasa đặt nghi vấn rằng liệu Nasa có đang nghi ngờ thân phận thật sự của cô hay không ?

      Và dù bằng cách này hay cách khác, cả hai người đã đặt trọn niềm tin để vượt qua những thử thách, gian nan.

      Khi Bart Howard chấp bút cho lời nhạc. Ông viết rằng, muốn lấp đầy khoảng trống trong trái tim, bằng những lời ca và tiếng hát, để anh có thể cất vang mãi mãi.

      Hiểu theo nghĩa bóng, điều mà ông muốn nhắc đến đó chính là hạnh phúc. Nhưng Bart Howard không chủ ý nhắc đến từ Happy mà lại mượn Song, để thay thế. Không chỉ vì nó xuôi tai, mà còn vì ngại quá, nên làm sao mà nhắc đến trực tiếp được.

      Giống y hệt cách mà Nasa cứ ấp a ấp úng, khi muốn đụng chạm, và làm những chuyện lãng mạn với Tsukasa.

      Nhưng vì nhát quá, nên cứ nói trống không. Khi muốn đút cho cô ăn, anh lại bảo muốn làm những chuyện xấu hổ, khi muốn hôn Tsukasa, anh lại dẫn cô vào một con đường tương đối vắng vẻ, rồi sau đó mới chịu thừa nhận, khi muốn hẹn hò thì lại đá sang bảo muốn đi chơi thủy cung.

      Giầu đòi lòi đuôi phiên bản đáng yêu

      Còn vô số những lần khác, như khi muốn ôm Tsukasa khi đang ngủ thì lại rón rén cứ như tên trộm tình, hay muốn làm chuyện này chuyện nọ xa hơn, lại đặt ra cả cái kịch bản dài loằng ngoằng để rồi, bất giác làm theo cảm tính, và thậm chí còn sờ mó lung tung nữa cơ.

      Nhưng chưa hết đâu nhé, Tsukasa cũng vậy đấy, cô ghen tị với chú mèo, khi cảm thấy bị đe dọa về vị trí, cô bảo vệ chồng mình khi tưởng đàn em của Nasa là đầu gấu đến kiếm chuyện. Và cô rất tinh ý trong việc đọc vị cảm xúc của Nasa.

      Những lần anh ấp úng về dự định thật sự của mình, Tsukasa biết hết, cô luôn mở lời sau đó, để trấn an, chiều theo ý muốn của người mình yêu.

      Cả hai người họ đã thật sự trải qua một quãng thời gian dài, bên cạnh nhau và yêu nhau.

      Nói theo một cách khác, cả hai đều đã luôn tôn sùng (worship) nhau.

      Bởi vì với Tsukasa, Nasa là một chàng trai đáng tin cậy, thông mình, một Tony Stark bước ra từ những trang truyện.

      Với Nasa, Tsukasa là cô gái đáng yêu và dễ thương nhất trên đời.

      Cả hai đã cùng chờ đợi, trước cả khi cuộc sống hôn nhân cập bến về một lời hứa về tình yêu.

      Lời hứa giữa cả hai

      Họ đã luôn mong chờ lẫn nhau (long for), và cùng nhau vượt qua quãng thời gian không có mặt nhau, để giữ cho trái tim luôn hướng về đối phương.

      Nếu nhìn từ góc nhìn này, cả hai đã dành cho nhau đầy đủ sự tin tưởng, tình yêu, thấu hiểu, còn trước cả khi ở chung một nhà. Và sự thật rằng

      "In Other Words
      Please be true''

      Họ đã luôn chung thủy với nhau, dù chưa một lần được tận hưởng cảm giác được ở cạnh bên nhau mãi mãi. Và sau này khi ở cạnh nhau, cả hai người lại còn quấn quýt với nhau như sam. Và họ dù bị cám dỗ, như khi Nasa vào dạy tại một trường nữ sinh. Anh chẳng màng đến những cô gái dễ thương đấy.

      Còn với Tsukasa, dù ban đầu bị gây áp lực bởi cô em gái vì chuyện tài chính của Nasa, nhưng cô đã không vì đồng tiền, bỏ rơi chàng trai của mình, mà còn cố cân bằng điều đó, và chẳng bao giờ đòi hỏi gì ở Nasa ngoài tình yêu.

      Cả Fly Me To The Moon, lẫn Tonikaku Kawaii, còn một điểm chung nữa. Là cả hai đều luôn cầu thị được nói câu anh/em yêu em/anh.

      Tsukasa luôn là một cô gái rất ngại ngùng, nhưng luôn làm mặt lạnh lùng để che dấu điều đó. Khác với vẻ chín chắn trong việc chu toàn cuộc sống hôn nhân, thì Tsukasa lại rất bối rối, và e thẹn mỗi khi muốn nói lên cảm xúc của mình với đối phương

      Ẩn sau vẻ lạnh lùng, lại rất ngại ngùng, đáng yêu

      Nasa lại rất mạnh dạn trong chuyện này, vô số lần anh nói cô dễ thương nhất, hay anh yêu em. Và chỉ cạy miệng Tsukasa được mỗi khi anh thẳng thắn hỏi cô về điều đó.

      Fly Me To The Moon cũng khao khát được cất lên những lời như thế. Bởi sau tất cả, I Love You là một câu chốt, ngắn gọn, súc tích nhất cho tình cảm mà hai phía dành cho nhau. Hơn hết thảy, những câu nói dài đằng đẵng về sự tin tưởng, chung thủy, hay tôn thờ.

      Love bao gồm tất cả những điều đó. Mà sau này, một ca/nhạc sĩ vĩ đại khác cũng thừa hưởng nét đẹp đấy, đó là Hello của Lionel Richie.

      Họ luôn cầu thị được nói câu anh yêu em và em yêu anh

      Nhưng thậm chí Tonikaku Kawaii còn hơn Fly Me To The Moon ở khía cạnh nhân văn.

      Dù tình yêu của Nasa - Tsukasa đáng yêu và dễ thương như thế đó không phải chỉ vì họ yêu nhau nồng nàn và lãng mạn như thế nào. Mà còn là sự ủng hộ, tác hợp của gia đình, của bạn bè. Và trên chặng đường tình yêu đó, không thể thiếu những tình cảm rất đỗi thân thuộc, gắn chặt họ với những giá trị truyền thống của cuộc sống. Nơi gia đình và bạn bè là những nền tảng quan trọng.

      Đương nhiên không phải ai cũng từng chấp nhận mối quan hệ giữa Nasa - Tsukasa. Nhưng bằng tình yêu chân thành, họ đã cảm hóa được những con tim.

      Aya từng rất ghen tị, và có phần hơi bộp chộp khi tình yêu đầu đời của cô đã kết hôn, cùng một người con gái mà cô còn chưa từng thấy mặt bao giờ. Sự ngờ vực đó, đã dần dần tan biến. Không đao to búa lớn trong các tình huống chạm mặt, mà thông qua sinh hoạt hằng ngày cùng Tsukasa, cô dần hiểu ra được rằng tại sao Nasa lại chọn cô gái ấy làm vợ của mình.

      Còn cô em gái của Tsukasa, từng rất phản đối, nhưng dần dà chính cô bé cũng nhận thấy được những tiềm năng to lớn bên trong Nasa, và cả sự chân thành chỉ luôn hướng về một người duy nhất. Chính những cảm xúc thật thà, cùng một trái tim dũng cảm mà cô bé đã dần không còn những định kiến như vậy nữa.

      Sự tin tưởng của bạn bè, nơi họ tụ họp để chúc phúc cho cả hai

      Đó là những giá trị nhân văn mà bản thân một tác phẩm ngắn gọn về cô đọng về tình tiết như Fly Me To The Moon của Bart Howard không thể nào lột tả hết được. Bởi thế giới quan của một bài hát, và một bộ truyện có phạm vi quá khác biệt nhau.

      Và như vậy, tuy hai tác phẩm đồng bộ với nhau về cách tiếp cận, khi nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, đáng yêu, lãng mạn, hạnh phúc. Nhưng bản thân đứa con tinh thần của Kenjiro Hata đã vượt trội hơn người đàn anh ở những tình tiết nhằm gắn kết giữa con người và con người với nhau.

      Sự tin tưởng của gia đình

      Mang Hơi Thở Của
      Một Thời Đại
      Khi cuộc sống con người ngày càng bận rộn, người ta lại tìm về những thứ hoài cổ, mong chờ vào sự muộn phiền sẽ bay đi.

      Giới trẻ ngày này đang có một trào lưu mới, họ nghe lại những bản nhạc tình xưa, và lắng đọng con tim, đề tìm bản ngã của chính mình trong lời hát. Và như thế rất nhiều những nhạc phẩm của thập niên tước dần quay trở lại, và thắp lên một tình yêu của thời đại tưởng chừng như đã bị lãng quên.

      Đó là những I’ve got a world on a string, Hello, Can’t take my eyes off you, The winner takes it all, Rhythm of the rain,… và còn nhiều nữa cứ lũ lượt trở về, qua tiếng hát của những dân nghiệp dư cover lại. Qua tiếng đàn Piano của những kênh tutorial ngày nay.

      Chao ôi, hơi thở của thời đại xưa kia, đang dần được hâm nóng trở lại, trong hàng sa số những bản nhạc tân thời, chạy theo thị trường.

      Và Fly Me To The Moon là một trong số những đại diện ưu tú như thế.

      Dù đã hơn 60 năm trôi qua, Fly Me To The Moon, vẫn vút bay trên không trung, vượt ngoài tầm với của bầu khí quyển xa xôi mỗi đợt phóng tàu vũ trụ. Trong khi đó, Bart Howard sau khi trở thành triệu phú, đã dần rời xa thế giới biểu diễn, và sống quãng đời còn lại an nhàn, và hưởng thụ cho đến cuối đời.

      Dù vậy, nhạc phẩm của ông vẫn có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng yêu nhạc, và lại càng bất ngờ hơn khi giờ đây có một tác phẩm truyện tranh đến từ phương Đông đã mượn cái tên của bản nhạc, nhằm giải bày nội dung một cách cô đọng nhất.

      Trước kia, người viết luôn thắc mắc, tại sao Hata lại chọn một cái tên quá khác biệt so với tên gốc vậy nhỉ ? Và khi đọc dần, đọc dần, người viết chợt hiểu ra lý do tại sao. Và nếu nói không ngoa, nó thể hiện nội dung của truyện còn đầy đủ hơn cả tên gốc tiếng Nhật.

      Cả hai tác phẩm, từ hai nền văn hóa khác nhau, lại đang vô tình hòa quyện cùng nhau, bổ sung cho nhau. Tạo nên mối lương duyên chưa được công nhận, nhưng hãy cứ tin rằng, chúng sinh ra là dành cho nhau.

      Tonikaku Kawaii hợp với Fly Me To The Moon hợp cũng là vì thế, một bộ truyện, mang những giá trị xưa cũ về lại với thời đại mà nhiều tác phẩm thị trường cứ ra hàng loạt.

      Suốt một thời gian dài, lĩnh vực anime - manga cũng đã phải chịu tình cảnh tương tự như vậy. Sự nổi lên của hàng loạt các thể loại thị trường như isekai, harem, ecchi, … cứ nhan nhản xuất hiện mỗi mùa.

      Tác phẩm của Kenjiro Hata, cứ như một dòng suối mát, chảy qua con đường đầy khô cằn ấy. Mang những nét đáng yêu, và lãng mạn, mà từ lâu, chúng ta ít thấy xuất hiện, hoặc xuất hiện rất nhỏ giọt qua từng mùa.

      Tháng 10 sắp tới đây, Tonikaku Kawaii sẽ được chuyển thể thành anime. Mong rằng, bản chuyển thể này sẽ không làm người xem thất vọng. Hi vọng nó vẫn giữ nguyên tinh thần của nguyên tác gốc.

      Nơi mà cả Tonikaku Kawaii và Fly Me To The Moon đều cùng tỏa sáng.
      Sửa lần cuối bởi Lolicon Sến Sẻ; 12-07-2020 lúc 17:33.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Tag của Chủ đề này

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 17:44.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.