Là siêu phẩm dài hơi với sự đồ sộ trong nội dung và tư tưởng, 383 chương truyện của Gantz là tầng tầng những giá trị nhân sinh cùng triết lí cuộc đời. Qua từng chương truyện, theo dõi đến những chương truyện càng trôi về cuối, đặc biệt là phân đoạn nhóm Gantz nói chuyện với người ngoài hành tinh trong căn phòng của sự thật, không ít độc giả giật mình; dường như giá trị nhân sinh cùng triết lí trong Gantz chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Phật giáo.
https://imgur.com/ueTGbTH
*Credit: BKG - Gantzvn
Không thể phủ nhận, với Gantz, Hiroya-sensei gần như đã phản đề lại tất cả niềm tin của con người về tôn giáo hay thần linh, thánh thần. Ngay chính hình ảnh Phật giáo từng xuất hiện trong Gantz cũng không mấy tốt đẹp trong dáng hình một ông sư hổ mang hay những kẻ ngoài hành tinh đội lốt tượng phật. Nhưng đó là mặt trái, cũng là hình ảnh đáng buồn của những người thực thi phật pháp thời hiện đại mà ta vẫn lên án bao lâu nay. Còn triết lí, giáo lí phật pháp nguyên thủy về con người, về ái dục vô minh, về nhân duyên luân hồi ẩn khuất ở Gantz đều là những điều mà đến nay vẫn đáng để con người hiện đại tìm hiểu và trân trọng.
https://imgur.com/JiJFPtP
*Credit: Quykiemsau122
Như đã nói, Gantz phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của một đấng sáng thế hay sự thượng tôn một vị thánh thần; phản đề lại toàn bộ những gì từng là niềm tin, tự hào của loài người. Con người mỗi khi gặp khó khăn, luôn gọi tên Chúa. Loài người luôn tự hào bản thân là sản phẩm đẹp đẽ nhất của tạo hóa, đứa con gần gũi nhất với Chúa Trời. Nhưng Hiroya-sensei lại phủ nhận: Chúa không hề tồn tại và con người chỉ là một sự tổng hợp vật chất có chăng cao cấp hơn máy móc một chút mà thôi. Loài người vẫn tự hào bản thân thượng đẳng hơn mọi chủng loài trên thế giới bởi có tình cảm, có linh hồn. Hiroya-sensei vạch trần sự thật: tình cảm giữa con người chỉ là sự tác động ion và linh hồn thực chất chỉ là 21 gram vật chất.
https://imgur.com/dvcJ9By
https://imgur.com/Q9vCv6k
*Credit: BKg - Gantzvn
Cũng như Phật giáo quan niệm trong thuyết vô tạo giả: không có vị thần linh tối cao tạo ra vũ trụ; thuyết vô ngã khi cho rằng con người cũng chỉ là sự tồn tại vật chất của năm uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức chứ không phải một thực thể lâu dài hay thuyết vô thường khi cho rằng mọi sự vật đều trong quá trình diễn ra, biến đổi, vận động, tiêu diệt không ngừng. Bởi thế, trong vũ trụ bao la với bao điều chưa biết tới vượt ngoài tầm hiểu biết nhân loại, loài người thực ra là một tồn tại hết sức nhỏ bé, chẳng đủ để trở nên thượng đẳng hơn bất cứ chủng loài nào khác.
Bên cạnh đó, Gantz còn là sự thể hiện triết lí: ái dục và vô minh; một trong những triết lí cơ bản của đạo Phật một cách sâu sắc. Trước hết, cần phải nói một chút, vô minh “là không nhận thức thực tướng của vạn pháp hay không thấu đáo hiểu biết chân tướng của chính mình” (1), theo như Đức Phật từng răn dạy: “Vô minh là lớp ảo kiến mịt mù dày đặc trong ấy chúng sanh quây quần lẫn lộn”. Còn ái dục, được dịch theo tiếng Phạn (Tanha) tức chỉ “tất cả những hình thức thèm khát, tham ái, khát vọng, ước mong, dục vong, ham muốn, nóng lòng, bám níu, luyến ái” mà “luôn bao gồm hàm nghĩa vị kỉ” (1). Từ vô minh sinh ra ái dục và ái dục khiến cho con người trở nên vô minh.
Trong Gantz có rất nhiều hình ảnh cũng như hình tượng dễ gợi cho người đọc đến khía cạnh này của Phật giáo. Đặc biệt là căn phòng bí ẩn nơi chứa đựng quả cầu Gantz. Nơi căn phòng Gantz chật hẹp không lối thoát ấy, dường như bao cái xấu, cái đê hèn, ti tiện, bao “thèm khát, tham ái, khát vọng, ước mong, dục vọng, ham muốn, nóng lòng, bám víu, luyến ái” của con người đều được phơi bày một cách trần trụi. Không ai quên được ngay những chương truyện đầu tiên, khi Kishimoto xuất hiện đã có những ánh mắt đầy thèm khát khi nhìn vào cơ thể không mảnh vải của cô để rồi những kẻ đó tự buông xuôi bản thân theo bản năng dục vọng. Cũng chính trong căn phòng đó, có sự ích kỉ đến hèn hạ của Nishi khi hắn là người rành rẽ nhất về Gantz nhưng lại không giải thích cho người khác để có thể ôm trọn điểm số. Hay như đó là sự nóng lòng thể hiện bản thân với lòng luyến ái của Kurono dành cho Kishimoto đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nhưng cũng chính ở Gantz, những người đã chết một lần nuôi dưỡng ước vọng hồi sinh để mạnh mẽ chiến đấu; trong căn phòng chật hẹp như ám mùi tử khí đã nảy sinh những mối tình giữa nam và nữ hay những mối dây liên kết người với người đáng để trân trọng. Có thể nói chăng, căn phòng Gantz ấy như là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội loài người với đầy đủ những gì là xấu xa, bỉ ổi song không phải không có điểm sáng để con người bám víu vươn lên. Cũng như ái dục dẫn tới vô minh và từ vô minh dẫn tới bao hệ lụy song con người, mấy ai bỏ được thứ ái dục có phần vị kỉ đó?
Ngoài ra, Gantz còn chuyên chở triết lí về nghiệp và luân hồi. Trước hết, phải khẳng định rằng, không phải chỉ riêng Phật giáo và giáo lí nhà Phật mới nhắc đến hai chữ luân hồi này. Trong giáo lí của Ấn Độ giáo cũng thừa nhận hiện tượng thành, trụ, hoại và diệt của thế giới là một hiện tượng theo chu kì. Nhưng gắn luân hồi với nghiệp, có lẽ chỉ có trong hệ thống tư tưởng Phật giáo. Theo giáo lí nhà Phật, nghiệp xuất phát từ lòng ham muốn. Ham muốn không dứt thì nghiệp không dứt, nghiệp không dứt thì luân hồi mãi mãi. Đó là món nợ truyền từ kiếp này sang kiếp khác do lòng ham muốn tạo nên. Hay ta vẫn gọi lòng ham muốn đó là chấp niệm của con người.
Chính vì một lòng chấp niệm mà trong căn phòng sáng thế, những người ngoài hành tinh đã nhắc đến vòng luân hồi của Reikia, Kurono #2 và Kishimono: Reika trở thành mẹ của Kurono, Kishimoto và Kurono trở thành hai anh em cùng chung một nhà. Vì một ham muốn yêu thương mà Reika đã hồi sinh lần nữa cho Kurono với mong muốn có được trái tim anh. Nhưng luân hồi và theo nghiệp để những người yêu nhau có thể tìm đến được với nhau, dù hình thức này hay hình thức khác, bản thân họ phải đã phải mang bao ham muốn và phải có nhân duyên như thế nào?
https://imgur.com/1dFPOww
*Credit: BKG – Gantzvn
Vì thế, Gantz còn là một câu chuyện mang theo thuyết nhân duyên: “các pháp đều do nhân duyên mà có”, tâm sinh ra nhân duyên, nhân duyên sinh ra vạn vật. Phàm là những người có duyên với nhau mới có thể gặp được nhau. Bởi vậy, có lẽ chăng, ngay chính sự gặp gỡ của Kurono với Kato ở chương truyện đầu tiên để mở ra thế giới Gantz, là một sự tình cờ song hẳn cũng là một sự sắp đặt của nhân duyên, tạo hóa.
Được sáng tác trong 13 năm và đến nay đã kết thúc 5 năm nhưng chưa bao giờ, Gantz thôi được nhắc đến với hai chữ “siêu phẩm” khi đề cập tới các tác phẩm hay nhất của dòng manga seinen. Soi chiếu tình tiết, nội dung của Gantz dưới góc nhìn từ một số triết lí Phật giáo cũng chỉ là một cách thức để tiếp cận bộ truyện với tầng tầng ý nghĩa cùng giá trị nhân sinh này của tác giả Hiroya Oku.

(1) Nguồn: https://hoavouu.com/a6865/ai-duc-la-gi