oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > Các box về Anime > Thảo luận Anime >

Bình chọn: Movie nào của đạo diễn Isao Takahata mà bạn thích nhất? (Chọn tối đa 3 phim)

Đây là bình chọn công khai: Thành viên khác có thể thấy sự lựa chọn của bạn.

Trả lời
Kết quả 1 đến 5 của 5
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. #1

      Vĩnh biệt Isao Takahata − Đạo diễn huyền thoại và một nửa linh hồn của Studio Ghibli


      Isao Takahata (1935−2018)



      Kỳ 1

      Vĩnh biệt Isao Takahata,
      Đạo diễn huyền thoại và một nửa linh hồn của Ghibli



      Hồi 1 giờ 19 phút ngày 5-4-2018, Isao Takahata đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Tokyo, sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư phổi khiến ông phải nhiều lần nhập viện kể từ mùa hè năm ngoái. Ông hưởng thọ 82 tuổi.

      Isao Takahata (1935−2018) là đạo diễn phim hoạt hình người Nhật và là người đồng sáng lập nên xưởng phim Studio Ghibli nổi tiếng thế giới. Với hơn 50 năm cống hiến cho ngành công nghiệp, ông đã để lại di sản rất nhiều bộ phim hoạt hình giá trị được công chúng yêu thích, gồm cả điện ảnh lẫn truyền hình; trong số đó nổi bật nhất là hai tác phẩm “Grave of the Fireflies” (1988) và “The Tale of the Princess Kaguya” (2013) − một phim Ghibli đầu tiên và một phim Ghibli cuối cùng do chính ông biên kịch và đạo diễn − có thể xếp vào hàng kiệt tác và được các nhà phê bình trên khắp thế giới hết lời ca ngợi.

      Sự ra đi của Isao Takahata là một cú sốc lớn đối với những người yêu thích phim hoạt hình nói chung, đặc biệt là với fan hâm mộ Ghibli nói riêng.

      Sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin, thông tin đạo diễn Isao Takahata qua đời cũng nhanh chóng xuất hiện trên các trang tin quốc tế lớn (như CNN, BBC, Reuters...), và là một trong những tin tức nổi bật được quan tâm nhiều nhất trên các trang báo điện ảnh nổi tiếng hàng đầu của phương Tây (như New York Times, IndieWire, Variety, The Guardian, Hollywood Reporter...).


      Ngày 6/4, nhằm tri ân đạo diễn vừa mới qua đời, đài truyền hình Nippon TV của Nhật thông báo thay đổi đột xuất chương trình chiếu phim nóng cuối tuần (Friday Roadshow), theo đó ngày 13/4 họ sẽ phát sóng phim hoạt hình “Grave of the Fireflies” của Isao Takahata, thay cho movie "Detective Conan: The Crimson Love Letter" vốn đã lên kế hoạch từ trước đó (sẽ phải dời lại tuần sau, ngày 20/4). Còn bộ phim Hollywood "Pacific Rim" nằm trong kế hoạch phát sóng ngày 20/4 do đó cũng bị dời lại (ngày cụ thể sẽ thông báo sau).

      Cũng trong ngày 6/4, Studio Ghibli đăng "Cáo phó" (xem ở đây) trên trang web của hãng, cho biết tang lễ sẽ chỉ cử hành trong nội bộ gia đình và những người thân thích. Tuy nhiên, một buổi lễ tiễn biệt dành cho công chúng dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15/5 để mọi người tham dự và chia buồn, thông tin cụ thể sẽ được thông báo sau. Cùng với thông tin tiểu sử của Isao Takahata, phía dưới có dẫn lời của ông Toshio Suzuki: “Thật đáng tiếc! Ông ấy vẫn còn nhiều thứ muốn thực hiện. Tôi đã bàn với Hayao Miyazaki và quyết định sẽ tổ chức một buổi lễ tiễn biệt ở Ghibli để đưa tiễn ông”.

      Cập nhật: Ngày 1/5, Studio Ghibli đã có thông báo chính thức (xem ở đây) về buổi lễ tiễn biệt cố đạo diễn/đồng sáng lập Isao Takahata, theo đó sẽ được tổ chức vào ngày 15-05-2018 tại Bảo tàng Ghibli ở thành phố Mitaka, Nhật Bản. Lưu ý là bảo tàng sẽ ngừng hoạt động vào ngày hôm đó nên không cần phải mua vé vào cửa.

      Cập nhật 2: Vào ngày 15/5, Lễ tiễn biệt Isao Takahata đã được tổ chức trọng thể ở Bảo tàng Ghibli với sự chủ trì của Hayao Miyazaki và Toshio Suzuki, cùng với sự có mặt của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ. Theo truyền thông Nhật cho biết, cả ngày hôm đó đã có khoảng 3200 người đến viếng, tiễn đưa ông lần cuối.



      Video



      Bài hát trong video là nhạc phim "Only Yesterday", có tựa là "Ai wa Hana, Kimi wa Sono Tane". Video của BlackCriticGuy



      Là một fan của Ghibli, tôi cảm thấy sốc và buồn biết bao khi biết tin ông đã mất. Bài viết này ra đời cũng với mong muốn dành một chút gì đó để tri ân cố đạo diễn Isao Takahata, một trong những người mà dù tôi không bao giờ có cơ hội tiếp xúc ngoài đời nhưng vẫn dành cho họ sự kính trọng và những tình cảm quý mến đặc biệt.

      Isao Takahata được biết đến với tư cách là người đồng sáng lập nên Studio Ghibli, nhưng nếu chỉ bấy nhiêu không đủ biến ông trở thành một người được mọi người yêu mến và kính trọng, mà trên tất cả, ông còn là một học giả, một người đạo diễn bậc thầy đã cống hiến trọn đời mình dành cho phim hoạt hình, mà với tầm nhìn bao quát, những tư tưởng, triết lý của ông đã được gửi gắm qua không ít những bộ phim xuất sắc, được đánh giá cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật.


      Sự nghiệp của ông là cả một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ, gian nan lẫn vinh quang đều nếm trải. Năm 32 tuổi, ông trở thành đạo diễn hoạt hình và cho ra mắt bộ phim đầu tay: “Hols: Prince of the Sun” (1968), một phim phiêu lưu hành động kể về chuyến hành trình của cậu bé Horus, nhưng lại thất bại nặng ở phòng vé dẫu được giới phê bình khen ngợi. 20 năm sau, từ thành công của bộ phim “Grave of the Fireflies” (Mộ Đom Đóm, 1988) đã đưa tên tuổi ông bay xa, vượt ra khỏi biên giới quốc gia để được nhiều nước phương Tây đón nhận là một trong những đạo diễn hoạt hình tài năng của thế giới.

      Bước ngoặt lớn nhất đời ông là khi ông cùng với Hayao Miyazaki thành lập Studio Ghibli năm 1985, xưởng phim mà từ đó đến nay đã sản xuất ra rất nhiều bộ phim hoạt hình xuất sắc được yêu thích rộng rãi trên khắp thế giới. Về phần mình, ở Ghibli, Isao Takahata đã làm ra tất thảy 5 phim hoạt hình − mà ông vừa là biên kịch vừa là đạo diễn, − bao gồm: “Grave of the Fireflies” (1988), “Only Yesterday” (1991), “Pom Poko” (1994), “My Neighbors The Yamadas” (1999), và “The Tale of the Princess Kaguya” (2013).


      Trong khuôn khổ của bài viết kỳ này, chúng ta sẽ không đi vào đặc điểm của từng phim (Hãy dành nó cho kỳ tới vậy), nhưng nhìn chung có thể nhận thấy phong cách phim của Isao Takahata mang nặng tính hiện thực, chủ yếu miêu tả cuộc sống đời thường của con người, của xã hội với những điều giản dị bằng sự quan sát tỉ mỉ đầy tinh tế. Phim ông có những nét rất riêng và nghệ thuật, tuy nhiên lại không dành cho số đông khán giả, nhất là khán giả nhỏ tuổi. Hẳn bạn sẽ thích những bộ phim của ông, nếu như mục đích bạn xem phim đấy không phải để giải trí, mà là thưởng thức một bộ phim nghệ thuật biết cách nắm bắt và chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem.

      “Only Yesterday” là ví dụ rõ nét nhất, một bộ phim đời thường rất đỗi thanh bình, hầu như không có gì là kịch tính, kể về một cô gái độc thân 27 tuổi rời xa cuộc sống thành thị để đến một vùng quê yên ã, song song với những mảnh hồi ức của cô lúc nhỏ. Nói thẳng ra, với nhiều người đây sẽ là bộ phim chán ngắt. Nhưng có thật vậy không? Dạo gần đây tôi mới có dịp xem lại bộ phim này, và đã có những cảm nhận hoàn toàn khác so với trước kia. Khoảng cách giữa hai lần xem là một quãng thời gian dài, nó đủ dài để biến tôi từ một thanh thiếu niên chẳng phải bận tâm gì nhiều đến cuộc sống, trở thành một người lớn tự bươn trải kiếm sống và bắt đầu lo nghĩ đến tương lai. Lúc này đây phim hay đến lạ, hơn hẳn trước đây, nó cũng làm tôi nhớ nhiều về quá khứ, về tuổi thơ, với thật nhiều hoài niệm...


      Một buổi chiều hoàng hôn đáng nhớ.

      “Grave of the Fireflies” cũng đưa người xem đến với hiện thực, nhưng là hiện thực tàn khốc của khói lửa, của chiến tranh. Bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên xuất bản năm 1967, lấy bối cảnh nước Nhật năm 1945, thời điểm cuối của Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, kể về số phận của hai anh em Seita (14 tuổi) và Setsuko (4 tuổi) sau khi mẹ chúng bị sát hại trong một trận ném bom của Mỹ xuống thành phố cảng Kobe nước Nhật. Phim chiến tranh đấy nhưng không có trận chiến nào cả, cũng chẳng có anh hùng, chỉ có đó cuộc đấu tranh sinh tồn của hai đứa trẻ. Vậy mà, trái ngược hẳn với không khí nhẹ nhàng thanh bình của “Only Yesterday”, từ đầu đến cuối phim, “Grave of the Fireflies” khiến cho người xem phải ngộp thở trong bầu không khí tang thương, đầy mùi chết chóc.


      Một cảnh hoang tàn đổ nát.

      Akiyuki Nosaka, tác giả gốc của truyện ngắn cũng một phần là tự truyện được ông viết dựa trên những trải nghiệm của ông thời chiến tranh, đã phải hai lần ngạc nhiên: Lần đầu khi người ta đề nghị dựng truyện của ông thành phim, vả lại không phải phim người đóng mà là phim hoạt hình. Và ông phải ngạc nhiên lần nữa khi chứng kiến mức độ chân thực của cảnh quan được tái hiện lại trong phim. Nếu không phải là Isao Takahata, − một người cũng giống như Akiyuki Nosaka, − sinh ra và lớn lên giữa chiến tranh, đã từng nếm trải mùi vị bom đạn của kẻ địch, thì liệu mấy ai nghĩ đến việc chuyển thể câu chuyện này thành hoạt hình, − loại phim mà ai cũng nghĩ là dành cho trẻ con, nhưng rõ ràng đây không phải bộ phim dành cho chúng, − cũng như đủ sức biến nó trở thành một tác phẩm bi kịch xuất sắc lên án tội ác của chiến tranh và được đón nhận tích cực ở nhiều nơi trên thế giới.


      Nhân vật chính là một bé gái 4 tuổi, nhưng bi kịch của phim lại không thích hợp với trẻ em.

      Cùng với Hayao Miyazaki, Isao Takahata đã thiết lập nền móng và bắt đầu gầy dựng nên đế chế Ghibli trong suốt cả giai đoạn đầu từ khi thành lập cho đến những năm cuối thế kỷ 20. Nhưng dấu ấn của ông để lại ở Ghibli đã không dừng lại ở đó. Sau nhiều năm vắng bóng kể từ bộ phim “My Neighbors The Yamadas” (1999), ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy", Isao Takahata vẫn nỗ lực hết sức mình để thực hiện bộ phim mà có thể sẽ là cuối cùng của ông: “The Tale of the Princess Kaguya”. Hoàn thành và ra mắt cuối năm 2013, Isao Takahata lúc này đã 78 tuổi, bộ phim thực sự là một tác phẩm xuất sắc và vô cùng độc đáo, được rất nhiều nhà phê bình trên thế giới đánh giá cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Phim cũng đã được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2015.


      Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích dân gian Nhật Bản “The Tale of the Bamboo Cutter” (Nàng tiên trong ống tre), bộ phim kể lại câu chuyện về nàng công chúa Kaguya từ khi còn tí xíu được vợ chồng ông lão đốn tre nuôi nấng cho đến khi nàng lớn lên trở thành một tuyệt sắc mỹ nhân, được những người quyền quý đến cầu hôn. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ đến, nhưng rồi số phận nàng bắt đầu hé mở những chuyện không ai ngờ tới... Vẫn với lối vẽ đơn giản và màu nước đặc trưng như trong Yamada, câu chuyện cổ tích vốn đã quen thuộc với mọi trẻ em Nhật Bản giờ đây được tái hiện một cách sinh động dưới hình thức mới, thi vị và giàu cảm xúc nhưng cũng không kém phần ly kỳ kịch tính. “The Tale of the Princess Kaguya” giờ đây đã gặt hái thành công, là ví dụ hoàn hảo nhất cho phong cách nghệ thuật mới mẻ và khác biệt của Isao Takahata, mà ngay trong chính Ghibli bạn cũng không thể nào tìm thấy trong phim của một người đạo diễn khác.




      Tiếc thay, nó đã thực sự trở thành bộ phim cuối cùng của ông. Ông mãi mãi ra đi ở tuổi 82 để lại bao tiếc thương cho những người ở lại. Cuộc đời đã chính thức khép lại với người đạo diễn lão thành đáng kính, nhưng giống như câu nói của đại văn hào Lỗ Tấn: “Người chết chỉ chết thật khi họ chết trong lòng người sống”. Ông mất đi, nhưng sẽ vẫn sống mãi trong tim những người yêu mến ông, và những tác phẩm hoạt hình mà ông đã tạo nên vẫn còn ở lại với tôi, với chúng ta như những món quà vô giá.



      Vĩnh biệt Isao Takahata, người đạo diễn hoạt hình mà tôi yêu mến! Cảm ơn ông vì tất cả!


      Tháng 5 năm 2018,
      Viết bài và BBcode: Katepesama

      .:HẾT KỲ 1:.
      (còn tiếp)






      Kỳ 1: Vĩnh biệt Isao Takahata, đạo diễn huyền thoại và một nửa linh hồn của Ghibli

      Tháng 5 năm 2018,
      Viết bài và BBcode: Katepesama

      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 09-06-2018 lúc 07:07.
      Trả lời kèm trích dẫn

    2. #2

      “Tại sao bọn đom đóm lại chết sớm vậy hả anh?”: Bài viết tri ân Isao Takahata

      Kỳ 2

      “Tại sao bọn đom đóm lại chết sớm vậy hả anh?”:
      Bài viết tri ân Isao Takahata
      [1]



      LỜI NGƯỜI DỊCH:

      Thời gian qua đã có không ít bài viết về việc đạo diễn Isao Takahata qua đời xuất hiện trên các trang tin tức lớn nhỏ, trên các diễn đàn cũng như mạng xã hội ở nhiều nơi trên thế giới, có nhiều bài không chỉ thông tin về cái chết của ông, mà còn dành nhiều tâm tư tình cảm viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông, về những bộ phim mà ông đạo diễn. Đây là một trong số đó.

      Lý do tôi quyết định dịch và giới thiệu với các bạn bài viết này cũng một phần vì nó được đăng tải trên RogerEbert.com. Đây vốn là trang web của Roger Ebert, một trong những nhà phê bình phim người Mỹ nổi tiếng nhất, ông từng đoạt giải Pulitzer trong lĩnh vực phê bình vào năm 1975, và là nhà phê bình phim đầu tiên vinh dự được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Có thể nói ông là một trong những nhà phê bình đầu tiên đi tiên phong trong việc giới thiệu phim hoạt hình Nhật Bản − mà cụ thể là những phim của Studio Ghibli mà ông rất thích − đến với khán giả Mỹ. Bộ phim “Grave of the Fireflies” của đạo diễn Isao Takahata được Roger Ebert đánh giá rất cao và đã xếp nó vào danh sách Great Movies (danh mục những bộ phim mà Roger Ebert cho là hay nhất lịch sử điện ảnh, bao gồm nhiều phim rất... cổ có từ năm 1914 trở đi).

      Tất nhiên bài viết này không phải của Roger Ebert, mà tác giả Peter Sobczynski là một trong những nhà phê bình khác trên trang web. Roger Ebert đã qua đời vào năm 2013 vì bệnh ung thư tuyến giáp, hưởng thọ 70 tuổi. Đối với fan của Ghibli, ông xứng đáng nhận được lời cảm ơn cho những đóng góp trong việc mang hoạt hình Ghibli đến với thế giới phương Tây.


      “Grave of the Fireflies” (1988) là 1 trong 3 phim hoạt hình Nhật Bản được Roger Ebert đưa vào danh sách Great Movies.
      Hai phim còn lại là gì? Hãy tự khám phá ở đây.


      Video



      Roger Ebert bình luận về bộ phim “Grave of the Fireflies” của Isao Takahata.






      Isao Takahata vừa qua đời ở tuổi 82. Cái tên ông có thể vẫn còn lạ lẫm với những khán giả bình thường, nhưng tin tức này lại giống như ngọn gió có sức tàn phá đối với những người say mê hoạt họa. Isao Takahata đã đồng sáng lập nên xưởng phim Studio Ghibli huyền thoại cùng với Hayao Miyazaki, và hợp tác với vị đạo diễn huyền thoại này tạo nên một số phim nổi tiếng thế giới, với vai trò của một nhà sản xuất. Chỉ điều này thôi cũng đủ để ông có một chỗ đứng đặc biệt trong ngành hoạt hình. Nhưng Isao Takahata cũng đồng thời là đạo diễn của một số phim đủ sức tạo dựng thành công trên khắp thế giới, bao gồm “Grave of the Fireflies” (1988), bộ phim mà Roger Ebert từng nhận xét là “phải nằm trong danh sách những phim chiến tranh hay nhất từng được làm ra”, và “The Tale of the Princess Kaguya” (2013) đã được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Nếu không có sự đóng góp và nỗ lực của ông suốt mấy chục năm qua, có thể nói rằng ngành công nghiệp phim hoạt hình sẽ trở thành một con quái vật khác hẳn hiện tại, và chắc chắn là đã kém thú vị đi ít nhiều.

      Isao Takahata sinh ngày 29 tháng 10 năm 1935 tại Ujiyamada, Mie, Nhật Bản. Năm 1959, ông tốt nghiệp chuyên ngành Văn học Pháp tại trường Đại Học Tokyo. Nảy sinh hứng thú với hoạt hình từ sau khi xem bộ phim “Le Roi et l’Oiseau” của Pháp[2], nghe theo lời khuyên của một người bạn, ông nộp đơn dự tuyển vào hãng phim Toei Animation và được nhận vào làm trợ lý đạo diễn. Sau một thời gian làm việc tại các vị trí khác nhau cho những dự án phim của hãng − gồm cả điện ảnh lẫn truyền hình, Isao Takahata nhận được cơ hội đạo diễn cho bộ phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của ông: "Hols: Prince of the Sun" (1968). Bản thân Takahata vốn không phải là một họa sĩ/animator, và nhóm sản xuất phim của ông lúc này có cả Yasuo Otsuka (animation director), Youichi Kotabe (key animator) và Hayao Miyazaki (key animator, art designer). Tuy nhiên, kết quả doanh thu thấp của phim đã khiến cho Takahata bị hãng phim cách chức đạo diễn.

      Đến năm 1971, Isao Takahata cùng với Hayao Miyazaki và Youichi Kotabe đều đã rời khỏi Toei Animation. Kế hoạch sản xuất phim hoạt hình cho “Pippi Longstocking” đổ bể[3], ông đến làm việc cho hãng phim Nippon Animation trong một thập niên tiếp theo[4]. Năm 1981, ông làm việc cùng Yasuo Otsuka ở hãng phim Telecom Animation Film và là đạo diễn cho cả hai phần phim điện ảnh lẫn truyền hình của bộ truyện tranh nổi tiếng khi đó là “Jarinko Chie” (tựa tiếng Việt: "Chie - Cô bé hạt tiêu"). Sau đó, Takahata được thuê làm đạo diễn cho “Little Nemo”, phim hoạt hình mà Disney bắt tay cùng với Telecom thực hiện, nhưng rồi dự án phải hủy bỏ đồng thời cũng khiến ông rời khỏi Telecom.


      [ND: Isao Takahata trở thành nhà sản xuất cho hai phim nổi tiếng của đạo diễn Hayao Miyazaki]
      Nhưng Isao Takahata cũng nhanh chóng bật mình trở lại khi nhận lời mời của Hayao Miyazaki để thành lập hãng phim mới mà ông đang ấp ủ, Studio Ghibli. Bộ phim đầu tiên đánh dấu sự hợp tác bước ngoặt của cả hai, do Miyazaki đạo diễn và Takahata làm nhà sản xuất, “Nausicaa of the Valley of the Wind” (1984) tuy vẫn thường được xem như là một phim của Ghibli, nhưng thật ra nó được sản xuất trước khi studio mới được khai sinh, và do Toei Company phát hành. Bộ phim thành công cả về thương mại lẫn phê bình, đến nay vẫn được xem là một trong những phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại. Vẫn vậy, lần hợp tác tiếp theo của cả hai, “Castle in the Sky” (1986), chính cống là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Studio Ghibli, là minh chứng cho sự thành công đó.


      Năm 1988, Takahata ra mắt bộ phim đầu tiên ông đạo diễn cho Ghibli, “Grave of the Fireflies” (Mộ Đom Đóm), trở thành một trong những tác phẩm mạnh mẽ nhất cho bất kỳ thể loại phim nào được phát hành trong suốt một thập kỷ. Dựa trên truyện ngắn của Akiyuki Nosaka, phim kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của hai anh em Seita và Setsuko vào những ngày tàn của Thế chiến 2, khi mà quân đội Mỹ dội bom xuống nước Nhật đã khiến ngôi nhà của chúng ở Kobe bị phá hủy, đồng thời cướp đi sinh mạng của người mẹ. Ban đầu chúng ở nhờ nhà của người dì, nhưng lại làm bà phật lòng vì khẩu phần ăn của cả nhà mình bị vơi bớt, hai anh em trốn khỏi đó và đến trú ngụ trong một cái hang nhỏ nơi sườn đồi. Ở đây, Seita cố gắng tìm kiếm thức ăn cho cả hai anh em, và cậu cũng phải trả lời những câu hỏi khó của đứa em gái nhỏ Setsuko về chuyện gì đang xảy ra và cha mẹ của chúng đang ở đâu.


      Khỏi phải nói, câu chuyện không có kết thúc tốt đẹp—bộ phim thực ra có kết cấu như là hồi ức của linh hồn Seita—và khiến khán giả Mỹ tin rằng tất thảy phim hoạt hình đều dành cho mọi lứa tuổi, để xem một hình thái nghệ thuật mà họ không thể hình dung được rằng lại có lối kể chuyện đau đớn, buồn bã và khá sốc đến vậy. Việc sử dụng hình thức hoạt hình để kể chuyện đã chứng minh đấy là lựa chọn đúng đắn. Phong cách trực quan này đã khiến cho khán giả rũ bỏ đi việc soi xét nhiều đến những cái bẫy của một bộ phim—bối cảnh, kỹ xảo, cùng những pha hành động dồn dập—để chú ý tập trung vào nền móng giàu cảm xúc của câu chuyện. (Lúc nhỏ, cả Takahata và Nosaka đều may mắn thoát chết trong những cuộc không kích của Mỹ; bạn có thể cảm nhận được nỗi đau này và tự hỏi phải chăng chính họ đã trải qua điều đó.) Cùng lúc đó là khoảnh khắc đặc biệt trong một cảnh tượng đẹp đẽ mà đã trở nên nổi tiếng, khi hai anh em bắt những con đom đóm và thả chúng bay ra thắp sáng cái hang nơi mình ở. Phải, đây là một trong những bộ phim có kết thúc buồn bã nhất trong số những phim bạn mà được xem từ trước đến nay. Nhưng nó đưa bạn ra khỏi cảm giác phấn khích này bằng việc chứng kiến một cảnh tượng, cho dù nghiệt ngã, trong một bộ phim vốn được làm hoàn hảo cho điều đó.


      Những bộ phim tiếp sau đó của Isao Takahata, cho dù không tàn khốc như trong “Grave of the Fireflies”, tuy nhiên vẫn mang tính thách thức với những quy ước thông thường vốn có trong cách kể chuyện mà người ta có thể làm với thể loại hoạt hình. “Only Yesterday” (1991) là một ví dụ, bộ phim tâm lý nhẹ nhàng xoay quanh một cô gái 27 tuổi vẫn chưa kết hôn tên là Taeko. Cô đã bỏ ra vài ngày trong cuộc sống thành thị của mình để đi đến vùng nông thôn giúp đỡ gia đình một người họ hàng trong mùa thu hoạch hoa rum, và nhớ lại những ký ức thời thơ ấu năm 1966. Một lần nữa, đó là sự lựa chọn đề tài kỳ quặc đối với phim hoạt hình. Nhưng Takahata đã khéo léo điều chỉnh phong cách bằng những cảnh hiện đại, với nhân vật chính không mang tính đặc trưng điển hình, trong khi tuổi thơ của cô thì lại tuân theo những quy ước thông thường của anime.

      Chính điều đó kết hợp cùng với lối kể truyền cảm, câu chuyện của phim là sự hồi tưởng của Taeko về cái thời thơ bé có-đôi-khi-vô-tâm của bản thân, đặt cạnh với Taeko của hiện tại vẫn còn bận tâm về tương lai của mình, đã tạo ra thêm một tác phẩm ấn tượng sâu sắc và mê hoặc khán giả khiến nó vô cùng phổ biến ở Nhật (là phim nội địa có doanh thu cao nhất năm 1991), và được ca ngợi như một kiệt tác bởi các nhà phê bình.


      Duy chỉ một nơi mà phim không được ca ngợi, là trên đất Mỹ, bởi lẽ nó chưa từng được phát hành ở đây, ngoại trừ được chiếu ở liên hoan phim và được phát trên kênh Turner Movie Classics năm 2006. Chuyện là do Disney, đơn vị nắm giữ quyền phân phối các phim của Ghibli tại Mỹ rất nhiều năm trước đây, không thích đoạn nói về...kinh nguyệt của Taeko[5] , nhưng lại không thể tự ý cắt bỏ do đã thỏa thuận hợp đồng với Ghibli, nên họ quyết định thà không chiếu cho xong[6]. (Thật may mắn, GKIDS đã có được quyền phân phối phim này của Ghibli vào năm 2015 và đã phát hành tại Mỹ một năm sau đó, với giọng lồng tiếng của Daisy Ridley và Dev Patel, khá là vui!)[7]


      [ND: Toàn bộ 5 phim của Isao Takahata ở Ghibli, bao gồm cả Pom PokoYamada, đều được GKIDS mua bản quyền phát hành tại Mỹ]

      “Pom Poko” (1994) là một kiểu phim hoạt hình tưởng tượng kể về bầy tanuki có phép biến hình, trong nỗ lực ngăn chặn loài người phá hủy khu rừng nơi chúng sinh sống để xây dựng đô thị. Hài hước vui nhộn, nhưng không vì thế mà rỗng tuếch—đôi khi lại khá nghiêm túc. Và cũng khá an toàn với trẻ em, những con tanuki nhân vật chính không được tạo dáng sao cho...tinh hoàn của chúng trở thành vấn đề trọng tâm trong thiết kế lẫn tình tiết phim[8]. “My Neighbors The Yamadas” (1999) là một phim tâm lý hài hước khác, với cấu trúc một chuỗi mẫu truyện nhỏ bao quanh những vấn đề từ ngớ ngẩn cho đến nghiêm túc của một gia đình trung lưu điển hình ở Tokyo, nghe có vẻ thật và phù hợp với khán giả mọi lứa tuổi ở mọi quốc gia. Năm 2003, ông góp một đoạn hoạt hình ngắn cho “Winter Days”, phim tập hợp thơ lấy cảm hứng về những ngày mùa đông ở Nhật.


      Bộ phim cuối cùng mà Isao Takahata đạo diễn, “The Tale of the Princess Kaguya” (2013) là câu chuyện cổ tích đầy hứng khởi bắt đầu với việc đôi vợ chồng già nọ nhặt được một bé gái tí hon nằm bên trong búp măng tre và đem về nuôi. Cô bé tên là Kaguya, lớn lên với vóc dáng như người thường và lại vô cùng xinh đẹp, đến nỗi ai bắt gặp nàng cũng phải xiêu lòng. Năm người con của năm gia tộc quyền quý đều đến cầu hôn, nhưng khi nàng yêu cầu bọn họ tìm cho nàng những vật phẩm quý hiếm làm sính lễ, tất cả đều thất bại. Cho đến khi Đức Vua xuất hiện và ngỏ lời cầu hôn, dẫn đến hàng loạt những tình huống buộc Kaguya phải chất vấn bản thân và bố mẹ về thân phận thực sự của mình. Bộ phim vô cùng đặc biệt về mọi mặt—hình ảnh rất tuyệt, nội dung sâu sắc đầy kịch tính mà không khiên cưỡng nhàm chán—khiến nó dễ dàng trở thành một trong những bộ phim hay nhất của Studio Ghibli và là tác phẩm xuất sắc nhất của Isao Takahata kể từ “Grave of the Fireflies”. Bộ phim đã nhận được nhiều giải thưởng trên khắp thế giới, thậm chí được đề cử Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất, nhưng vuột mất chiến thắng về tay “Big Hero 6” của hãng Disney[9].

      Dự án phim cuối cùng mà ông tham gia sản xuất là “The Red Turtle” (2016), câu chuyện tưởng tượng rất sáng tạo về mối quan hệ thú vị giữa một người thủy thủ bị đắm tàu và một con rùa màu đỏ bí ẩn xuất hiện tại hòn đảo nhiệt đới nhỏ nơi ông ta trôi dạt đến. Nếu tôi kể với bạn chuyện gì xảy ra tiếp theo, bạn sẽ bảo rằng tôi đùa, nhưng chỉ vậy thôi. Bộ phim cũng nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm cả đề cử Oscar[10]. Có tin đồn rằng ông đang làm gì đó mới, nhưng ông gặp vấn đề về tim mạch và sức khỏe ông yếu đi kể từ năm ngoái.

      Tất nhiên, khi nói về chủ đề những nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản xuất sắc, Hayao Miyazaki sẽ là cái tên mà hầu hết mọi người nghĩ đến, tương tự như cách mà người Mỹ vẫn thường gợi nhắc đến Walt Disney. Tuy nhiên, Isao Takahata không phải là Saleri với lời nguyền luôn phải nấp mình trong bóng tối. Ông là bậc thầy của nghệ thuật hoạt hình và những đóng góp của ông cho thể loại này không hề phóng đại. Cách tốt nhất để kiểm chứng điều đó, tất nhiên, hãy bước ra ngoài và tự mình trải nghiệm những bộ phim của ông. Không chỉ bằng những đĩa phim DVD hay Blu-ray rất đẹp của Ghibli đang có sẵn tại các quầy băng đĩa, sắp tới đây khán giả Mỹ còn có cơ hội được xem “Pom Poko”“Grave of the Fireflies” trên màn ảnh rộng, như một phần của của chương trình chiếu phim Ghibli hàng tháng tại rạp vào mùa hè này—phim đầu chiếu vào ngày 17, 18, 20 tháng 6, phim sau sẽ chiếu vào ngày 12, 13 và 15 tháng 8. Có sự tri ân Takahata nào ý nghĩa hơn việc đi xem những phim này và trải nghiệm phép màu mà ông tạo ra sao lại dễ dàng đến vậy. Mà này, nếu bạn đi xem “Grave of the Fireflies”, đừng quên mang theo thật nhiều khăn giấy đấy!



      Chú thích

      CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH:

      [1] Đây là câu hỏi của nhân vật Setsuko trong phim “Grave of the Fireflies”. Tựa đề gốc của bài viết: “Why Do Fireflies Have To Die So Soon?”: A Tribute to Isao Takahata, 1935-2018

      [2] “Le Roi et l’Oiseau” (tựa tiếng Anh: “The King and the Mockingbird”) là phim hoạt hình của đạo diễn người Pháp Paul Grimault. Sau hơn 30 năm, mãi đến năm 1980 phim mới thực sự hoàn thành, bản mà Isao Takahata xem khi đó có thể là phiên bản chưa hoàn chỉnh xuất hiện vào năm 1952.

      [3] “Pippi Longstocking” (tựa tiếng Việt: Pippi Tất Dài) là tên quyển truyện nổi tiếng dành cho thiếu nhi của nhà văn người Thụy Điển Astrid Lindgren. Năm 1971, Isao Takahata và Hayao Miyazaki lên kế hoạch chuyển thể thành phim hoạt hình, tuy nhiên dự án phải hủy bỏ do bị tác giả từ chối.

      [4] Đây là quãng thời gian ông làm đạo diễn cho 3 bộ anime truyền hình dài tập nổi tiếng của Nippon Animation, được chuyển thể từ 3 tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng, bao gồm Heidi, Marco và Anne tóc đỏ.

      [5] Thực ra đây là đoạn đối thoại giữa các nhân vật, chứ không phải "cảnh nóng" đâu nhé.

      [6] Có một giai thoại kể rằng khi Disney mua bản quyền chiếu "Princess Mononoke" (1997) ở Mỹ, họ đã đề nghị cắt một vài cảnh phim, và Ghibli đã trả lời bằng cách gửi sang một thanh katana (kiếm Nhật) kèm với thông điệp ngắn: "Không cắt!". Đây được xem là bắt nguồn của thỏa thuận trên.

      [7] Daisy Ridley là nữ diễn viên nổi tiếng với vai chính Rey trong bộ phim bom tấn "Star Wars: The Force Awakens" (2015). Dev Patel là nam diễn viên từng đóng vai chính trong bộ phim đoạt giải Oscar "Triệu phú khu ổ chuột" (2008).

      [8] Tanuki là một loài chồn đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản, thường được miêu tả trong tranh ảnh với bìu dài và "hai viên bi" rất to. Trong "Pom Poko", các cảnh như vậy vẫn có nhưng không nhiều và làm ảnh hưởng lớn đến phim.

      [9] Xem thêm trong bài: Bộ phim "Princess Kaguya" của Isao Takahata và Studio Ghibli được đề cử giải Oscar

      [10] Isao Takahata là nhà sản xuất nghệ thuật (tiếng Anh: artistic producer) cho phim. Xem thêm trong bài: Tản mạn về "The Red Turtle" − Bộ phim hoạt hình do Studio Ghibli cùng Wild Bunch sản xuất và đề cử tại Oscar 2017


      Tháng 4 năm 2018,
      Tác giả bài viết: Peter Sobczynski
      Dịch và chú thích: Katepesama
      Nguồn: RogerEbert



      .:HẾT KỲ 2:.
      (còn tiếp)




      Tháng 4 năm 2018,

      Kỳ 2: “Tại sao bọn đom đóm lại chết sớm vậy hả anh?”: Bài viết tri ân Isao Takahata

      Tựa đề bài gốc: “Why Do Fireflies Have To Die So Soon?”: A Tribute to Isao Takahata, 1935-2018
      Tác giả bài viết: Peter Sobczynski
      Dịch, chú thích và BBcode: Katepesama
      Nguồn: RogerEbert

      https://www.rogerebert.com/balder-an...hata-1935-2018
      http://vnsharing.site/forum/showthread.php?t=151602

      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 09-06-2018 lúc 07:17.
      Trả lời kèm trích dẫn

    3. #3

      Những lời chia buồn tới Isao Takahata


      Kỳ 3

      Những lời chia buồn tới Isao Takahata


      Anh Yoshiaki Nishimura (40 tuổi), hiện đang là nhà sản xuất và là người sáng lập Studio Ponoc nói:

      “Ông Takahata là người mang đến cho tôi những kinh nghiệm sống quý báu nhất. Gặp mặt, ở bên nhau, cùng trò chuyện, cười đùa, và cả những khi giận dữ. Tôi sẽ không bao giờ quên những niềm vui mà chúng tôi có khi cùng nhau thực hiện bộ phim. Thật sự cảm ơn ông rất nhiều. Ông Takahata là đạo diễn hoạt hình vĩ đại của thế giới và sẽ mãi là người thầy của tôi.”


      Trước đây khi còn ở Studio Ghibli, anh từng là nhà sản xuất (producer) cho bộ phim “The Tale of the Princess Kaguya”. Quá trình sản xuất và tiền-sản-xuất của phim đã phải mất gần 8 năm mới hoàn thành, mà trong suốt quãng thời gian đó Yoshiaki Nishimura gần như dính chặt với Isao Takahata không rời. Có thể nói bản thân anh cũng là một người hâm mộ và quý mến Takahata, anh vẫn thường nói trước đây: “Tôi thực sự rất muốn xem bộ phim cuối cùng của ông ấy”. 8 năm của anh đã không hề uổng phí, bởi thành công của bộ phim đầu tiên mà anh phục vụ trong vai trò nhà sản xuất ấy đã mang lại cho anh rất nhiều danh tiếng trong sự nghiệp, bao gồm cả một đề cử Oscar.


      Yoshiaki Nishimura và Isao Takahata tại lễ trao giải Oscar 2015.

      Studio Ponoc cũng đồng thời gửi lời chia buồn và cảm ơn Takahata-san trên trang Twitter của hãng:


      Nữ diễn viên điện ảnh Aki Asakura, − người lồng tiếng cho công chúa Kaguya − chia sẻ cảm xúc của mình:

      “Tôi cứ nghĩ sẽ lại được nghe thêm nhiều câu chuyện nữa từ giọng nói hiền hòa của ông. Thật là xấu hổ. Giờ đây tôi chìm ngập cảm giác cô đơn. Như thể đã có một ngôi sao tỏa sáng lấp lánh trong tim tôi kể từ khi tôi gặp được ông. Kể cả khi lo lắng, tôi vẫn lấy lại được sự can đảm bởi tin chắc rằng một ngày nào đó mình sẽ tới được ánh sáng kia. Tôi không thể nào quên ánh mắt trầm lặng của ông khi chăm chú nhìn vào màn ảnh phim “The Tale of the Princess Kaguya”, và nước mắt tôi tuôn ra khi nhớ lại nụ cười dịu của ông trong buổi chiếu ra mắt khi đó. Mong ông hãy an nghỉ. Tôi cầu nguyện cho linh hồn ông từ tận đáy lòng mình.”

      Aki Asakura được chọn sau buổi thử giọng với khoảng 100 người. Isao Takahata thích giọng nói của cô và nghĩ rằng nó rất thích hợp với vai nhân vật chính của phim.


      Aki Asakura và Yoshiaki Nishimura ngồi cạnh Isao Takahata trong buổi chiếu ra mắt phim.

      Ca sĩ Kazumi Nikaido, người trình bày ca khúc chủ đề “Inochi no Kioku” trong bộ phim “The Tale of the Princess Kaguya” nói trên Twitter:

      “Sáng nay chồng tôi xem tin tức và báo với tôi Takahata-san đã qua đời. Dù đã đôi lần nghĩ đến trước đây, nhưng tôi vẫn nghĩ cái ngày này sẽ không bao giờ đến lúc này nhưng giờ thì nó lại xảy ra. Trời mưa.”


      Ảnh chụp Isao Takahata cùng các diễn viên lồng tiếng của phim.
      (Kazumi Nikaido đứng ở bìa trái; Aki Asakura mặc áo đỏ đứng cạnh ông)

      Nhà biên kịch và đạo diễn phim Shunji Iwai (55 tuổi) ghi nhận Takahata là người đã đưa ông đến với ngành công nghiệp anime. Ông nói trên Twitter:



      The Case of Hana & Alice (2015)
      “Tôi từng có cơ hội nghe ông diễn thuyết ở trường Đại học, và nó trở thành điểm khởi đầu của tôi. Khi tôi thử thách mình với phim hoạt hình, nó vẫn là câu chuyện quý giá. Lần cuối cùng chúng tôi trò chuyện là về Kenji Miyazawa ở Hanamaki. Bậc thầy của phim hoạt hình thế giới hơn tôi rất nhiều. Tôi cầu nguyện cho linh hồn ông.”

      Sự nghiệp của Shunji Iwai vốn nổi tiếng với những bộ phim người đóng (live-action) mà ông vừa viết kịch bản vừa là đạo diễn. Anime movie “Pháo Hoa, Nên Ngắm Từ Dưới Hay Bên Cạnh?” mà năm ngoái các bạn được xem vốn dựa trên bộ phim live-action cùng tên năm 1993 của ông. Năm 2015, Shunji Iwai cho ra mắt phim hoạt hình đầu tiên ông đạo diễn, “The Case of Hana & Alice”, và nhận được những đánh giá tích cực từ khán giả.

      Họa sĩ Yoshitomo Nara, người có mối quan hệ gần gũi với Isao Takahata, phát biểu: “Cảm ơn ông, Takahata-san. Cảm ơn cho những tác phẩm không thể nào quên được, và được quen biết ông là một món quà quý báu.”

      Không chỉ ở Nhật, các nhà làm phim ở phương Tây cũng gởi những lời chia buồn của họ trên mạng xã hội. Đạo diễn Lee Unkrich của Pixar và bộ phim hoạt hình “Coco” vừa đoạt giải Oscar 2018, đã viết trên Twitter:

      “Thật buồn khi nghe tin báo qua đời của Isao Takahata, đồng sáng lập Studio Ghibli. “Grave of the Fireflies” là một phim đáng ngạc nhiên và cảm động. Và “My Neighbors the Yamadas” có sức cuốn hút không ngờ. Nó có ảnh hưởng lớn đến kịch bản phim “Little Miss Sunshine” của Michael Arndt.”


      Jorge R. Gutierrez, đạo diễn của phim hoạt hình “The Book of Life”, nói về bộ phim “Grave of the Fireflies” trên Twitter: “Không có phim hoạt hình nào làm tôi khóc nhiều như bộ phim đẹp đẽ, sâu sắc, cảm động và bước ngoặt này. Người khổng lồ của loại hình nghệ thuật này đã rời bỏ chúng ta. Mong ông yên nghỉ, Isao Takahata.”


      ★ Tổng hợp những lời chia buồn khác của các công ty, tổ chức hoặc cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp:





      Viết và dịch: Katepesama
      Nguồn tham khảo: ANN, CB

      .:HẾT KỲ 3:.
      (còn tiếp)






      Kỳ 3: Những lời chia buồn tới Isao Takahata

      Viết, dịch, tổng hợp và BBcode: Katepesama

      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 09-06-2018 lúc 10:36.
      Trả lời kèm trích dẫn

    4. #4


      updating...
      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 02-06-2018 lúc 20:06.
      Trả lời kèm trích dẫn

    5. #5


      Tên phim: Pom Poko (aka: Heisei Tanuki Gassen Ponpoko)

      Giới thiệu: Movie năm 1994 của Studio Ghibli, được biên kịch và đạo diễn bởi Isao Takahata. Bộ phim hoạt hình kỳ ảo và rất vui nhộn này kể về cuộc chiến của bầy tanuki (một loài chồn đặc trưng trong văn hóa của người Nhật) chống lại loài người đang tàn phá môi trường sống của chúng trong quá trình đô thị hóa. Những con tanuki này có phép thuật biến hình có thể biến ra đủ mọi hình dạng mà chúng muốn, thậm chí là biến thành con người để trà trộn vào cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

      Một bộ phim hoạt hình thuộc thể loại fantasy hiếm hoi của đạo diễn Isao Takahata và là một thành công cả về thương mại lẫn phê bình. Ngoài việc là phim điện ảnh Nhật có doanh thu cao nhất tại phòng vé nội địa năm 1994, Pom Poko còn là phim hoạt hình hay nhất của giải thưởng Mainichi Film Awards năm đó, và giành giải cao nhất tại Liên hoan Phim hoạt hình Quốc tế Annecy tổ chức tại Pháp năm 1995. Phim hoạt hình này còn được chọn làm đại diện cho điện ảnh Nhật gửi đi tham dự giải Oscar ở hạng mục "Phim nước ngoài xuất sắc" năm 1995. ("Best Foreign Language Film", thường chỉ có những phim live-action tham dự).

      Bên lề: Nằm trong chương trình Studio Fest 2018, hôm nay 17/6 bộ phim Pom Poko sẽ được khởi chiếu tại các rạp chiếu phim ở Mỹ.
      sắp tới đây khán giả Mỹ còn có cơ hội được xem “Pom Poko” và “Grave of the Fireflies” trên màn ảnh rộng, như một phần của của chương trình chiếu phim Ghibli hàng tháng tại rạp vào mùa hè này—phim đầu chiếu vào ngày 17, 18, 20 tháng 6, phim sau sẽ chiếu vào ngày 12, 13 và 15 tháng 8.

      Trailer:


      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 17-06-2018 lúc 18:50.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 19:02.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.