oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > Các box về Anime > Thảo luận Anime >

Xem kết quả Bình chọn: Dự đoán Phim Hoạt Hình Xuất Sắc Nhất của Oscar 2018 ?

Người bình chọn
17. Bình chọn này đã đóng
  • The Boss Baby

    3 17.65%
  • The Breadwinner

    1 5.88%
  • Coco

    9 52.94%
  • Ferdinand

    0 0%
  • Loving Vincent

    4 23.53%
Trả lời
Kết quả 1 đến 10 của 19
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. #1

      Oscar 2018: Toàn cảnh cuộc đua của 26 bộ phim hoạt hình − Phân tích, đánh giá phim và dự đoán kết quả


      Oscar 2018

      myReview #13
      Toàn cảnh cuộc đua của 26 bộ phim hoạt hình
      Phân tích, đánh giá phim và dự đoán kết quả


      Bài viết này được chia làm 3 phần. Ở phần đầu (kỳ 1) là vài dòng tản mạn về tình hình các bộ phim hoạt hình trong năm 2017 vừa qua và về điều luật mới thay đổi của giải Oscar 2018. Phần tiếp theo (kỳ 2) sẽ đi vào phân tích đường đua để thấy rõ các bộ nào có/không có tiềm năng cạnh tranh trong cuộc đua Oscar, đâu là những ứng cử viên sáng giá để được đề cử, và những bộ yếu thế hơn đương nhiên sẽ bị loại. Phần cuối (kỳ 3) sẽ là phần review/đánh giá phim cùng với những lời nhận xét mang tính cá nhân của người viết dành cho top 5 phim hoạt hình đã được Viện Hàn lâm Mỹ đề cử tại Oscar 2018. Dự đoán phim nào sẽ giành chiến thắng ở hạng mục "Phim hoạt hình dài xuất sắc nhất".

      Mời các bạn tham gia nhận xét và đưa ra dự đoán của riêng mình thông qua chức năng bình chọn và bình luận của bài viết này. Xin cảm ơn! (Bình chọn sẽ đóng sau khi Oscar 2018 công bố kết quả vào tháng 3 tới)

      Kỳ 1: Tản mạn về cuộc đua của phim hoạt hình ở giải Oscar 2018
      Kỳ 2: Phân tích "đường đua" 26 bộ phim hoạt hình và dự đoán đề cử
      Kỳ 3: Đánh giá phim hoạt hình đề cử và Dự đoán kết quả


      Kỳ 1

      Tản mạn về cuộc đua của phim hoạt hình ở giải Oscar 2018

      Tháng 1 năm 2018

      2017: Từ một năm ảm đạm của hoạt hình Mỹ...

      Hồi tháng 11 năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố danh sách 26 bộ phim hoạt hình đã nộp đơn tham gia tranh giải Oscar 2018 ở hạng mục dành cho Phim hoạt hình dài xuất sắc nhất (Best Animated Feature Film).

      ★ Danh sách chi tiết:

      Hai mươi sáu. Thật là nhiều, chỉ kém 1 so với kỷ lục 27 phim của Oscar năm ngoái, trong khi vẫn có một số tựa phim đã không tham gia như Leap!, The Nut Job 2, và...à...ừ..."Pony bé nhỏ của tôi" (My Little Pony The Movie), v.v... Thế nhưng số lượng này lại không đi kèm với chất lượng. Thật vậy, năm 2017 có thể xem như một năm đáng thất vọng của các nhà làm phim hoạt hình Hollywood, với đại đa số phim có chất lượng trung bình-khá, không được đánh giá cao cũng như chẳng thể kiếm được một mức doanh thu đúng như kỳ vọng (ngoại trừ bộ phim cuối năm Coco). Họ sa lầy trong một mớ những phim phần tiếp theo hoặc ăn theo nhàm chán. Cars 3 tụt dốc không phanh. Phim Xì trum mới doanh thu chẳng những không tăng mà còn giảm đáng kể so với các phần trước đó. Ăn theo thành công của phim gốc, Lego Ninjago ra đời và tịt ngòi hẳn ở phòng vé... Despicable Me 3The Boss Baby tuy có doanh thu cao đấy (đặc biệt DM3 thu về hơn 1 tỷ đôla toàn cầu) nhưng lại không được đánh giá cao về mặt nội dung.



      Phim mới mẻ như The Emoji Movie lại bị vùi dập không thương tiếc, trở thành thảm họa của năm.

      Điểm lại cả năm 2017 với tâm trạng chán chường bỗng thấy nhớ về một năm trước đó, cái năm mà những khán giả như tôi đã được chiêu đãi thật nhiều những "món ăn" hoạt hình đầy hấp dẫn và mới lạ, phòng vé thì lúc nào cũng "sốt xình xịch" khi những Kung Fu Panda 3, Zootopia, The Secret Life of Pets, Finding Dory, Moana, Sing cứ nối tiếp nhau ra đời, làm nên một năm 2016 cực kỳ thành công và đáng nhớ. Đó đều là những phim được yêu thích và đánh giá cao, gặt hái được trên 500 triệu đôla để nằm trong top 50 phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại, riêng ZootopiaFinding Dory là bộ đôi phim thành công nhất của Disney/Pixar với doanh thu trên 1 tỷ đôla mỗi phim). Đấy là chưa kể đến Your name - bộ phim hoạt hình Nhật Bản cũng ra mắt trong năm 2016 - bất ngờ bùng nổ thành hiện tượng phòng vé với doanh thu khủng khiếp tại nội địa rồi từ đó bắt đầu lan sang các quốc gia khác.

      Quá nhiều bộ phim chất lượng dẫn đến một hệ lụy là cuộc đua đến Oscar 2017 của thể loại hoạt hình trở nên căng thẳng và hấp dẫn hơn cả, thật khó để đoán định Viện Hàn lâm sẽ chọn ai và bỏ sót ai. Đến khi kết quả đề cử được công bố (bao gồm 5 phim: Zootopia, Moana, Kubo and the Two Strings, My Life as a Zucchini, và The Red Turtle − hình bên dưới), đã có rất nhiều fan hoạt hình/anime phản ứng, bày tỏ sự thất vọng và tiếc nuối khi những tác phẩm yêu thích của họ - như Finding Dory, Kung Fu Panda 3, đặc biệt nhất là niềm hy vọng cực kỳ lớn mang tên "Your name" của hoạt hình Nhật Bản cũng bị dập tắt, một cách phũ phàng.




      Cuộc đua đề cử Oscar 2018 sẽ không diễn ra như vậy! Sẽ chẳng có bộ phim nào đủ sức hút để tạo ra một làn sóng phản ứng mạnh của dư luận dẫu có bị trượt đề cử, cho dù đó có thể là Despicable Me 3 hay Lego Batman. Thiết nghĩ, vấn đề đau đầu của Viện Hàn lâm ở giải năm nay không phải là đắn đo chọn ra 5 phim hay nhất nữa, mà có lẽ chỉ là chọn ra phim nào ít dở nhất để trám vào chỗ trống cho đủ 5 đề cử.

      Đến việc điều chỉnh "luật chơi"

      Hồi tháng 4/2017, Viện Hàn lâm đã thông báo về việc thay đổi cơ cấu quy định đề cử ở hạng mục phim hoạt hình, và sẽ được áp dụng cho mùa giải Oscar 2018 trở đi. Theo như các năm trước đây, quyền lựa chọn những phim hoạt hình nào được đề cử sẽ do các thành viên của Ban Phim ngắn và Phim hoạt hình (Short Films and Feature Animation Branch) quyết định, thì nay - theo quy định mới này - quyền bầu chọn sẽ được mở rộng cho cả những thành viên thuộc phân ban khác của Viện Hàn lâm, miễn là họ có ý muốn tham gia vào ủy ban đề cử cho phim hoạt hình, và đảm bảo rằng mình đã xem đủ số lượng phim cần thiết để tiến hành bầu chọn.

      Động thái này của Viện Hàn lâm Mỹ được cho là nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các bộ phim hoạt hình độc lập có kinh phí thấp (đa số đều do nước ngoài sản xuất) tại giải thưởng Oscar. Đơn cử như trường hợp của GKIDS, nhà phát hành phim khu vực Bắc Mỹ này trong vòng 8 năm qua đã giành được tới 9 đề cử Oscar cho các phim hoạt hình nước ngoài mà họ phân phối (trong đó có 2 phim của Nhật là When Marnie Was ThereThe Tale of the Princess Kaguya). Đó hẳn là điều mà các "ông lớn" của Hollywood (như Fox, Sony hay Warner Bros.) cũng phải thèm muốn mà không thể kiếm được cho hầu hết phim hoạt hình của họ.


      Hai phim hoạt hình mới nhất của Ghibli do GKIDS phân phối đều giành được đề cử Oscar.
      » Xem thêm: Tản mạn về phim hoạt hình "When Marnie Was There" và đề cử tại Oscar 2016

      Với quy định mới thay đổi, từ giờ chiến dịch tranh giải Oscar của các bộ phim hoạt hình độc lập nhỏ sẽ còn gian nan hơn trước, còn các hãng phim lớn của Hollywood thì được hưởng lợi. Ủy ban đề cử mới mở rộng này (với số lượng người có quyền bầu chọn lớn hơn trước, và đa dạng thành phần ở nhiều chuyên môn/lĩnh vực khác nhau) có thể sẽ thiên vị hơn đối với phim hoạt hình nội địa Mỹ vốn được công chiếu rộng rãi cùng với khoản chi ngân sách lớn cho các chiến dịch quảng bá. Liệu điều chỉnh này sẽ tác động như thế nào đến cuộc đua tranh giải lần này, khi mà hoạt hình Mỹ năm vừa rồi quả thật là không có nhiều ứng viên sáng giá để lựa chọn (ngoại trừ Coco), hẳn là chúng ta phải chờ đến khi công bố đề cử mới biết chắc được.


      .:HẾT KỲ 1:.
      (còn tiếp)

      Viết bài và BBcode: Katepesama




      Oscar 2018: Toàn cảnh cuộc đua của 26 bộ phim hoạt hình − Phân tích, đánh giá phim và dự đoán kết quả

      Kỳ 1: Tản mạn về cuộc đua của phim hoạt hình ở giải Oscar 2018

      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 14-02-2018 lúc 05:06.
      Trả lời kèm trích dẫn

    2. #2

      Kỳ 2: Phân tích "đường đua" 26 bộ phim hoạt hình và dự đoán đề cử

      Kỳ 2

      Phân tích "đường đua" 26 bộ phim hoạt hình và dự đoán đề cử


      Chiếu theo điều luật của Oscar, với việc có đến 26 phim hoạt hình đều đủ điều kiện tranh giải năm nay thì Viện Hàn lâm sẽ phải đề cử 5 phim. Để tiện cho việc phân tích/dự đoán, mình sẽ chia 26 ứng viên này thành hai nhóm:

      ★ Nhóm phim hoạt hình Hollywood

      Nhóm này bao gồm 11 phim hoạt hình đều là 3D CG được sản xuất và phân phối bởi các hãng phim lớn của Hollywood. Trong số này ngoài The Star ra thì mình đã xem tất cả các phim còn lại, con số bên cạnh là điểm đánh giá của mình đối với từng phim.


      8.5/10
      Coco
      Pixar Animation Studios, Walt Disney Pictures
      7/10
      Cars 3
      Pixar Animation Studios, Walt Disney Pictures
      6/10
      Despicable Me 3
      llumination Entertainment, Universal Pictures
      5/10
      Captain Underpants The First Epic Movie
      DreamWorks Animation, 20th Century Fox
      6.5/10
      The Boss Baby
      DreamWorks Animation, 20th Century Fox
      6/10
      The Lego Batman Movie
      Warner Bros. Pictures
      5/10
      The Lego Ninjago Movie
      Warner Bros. Pictures
      7/10
      Ferdinand
      Blue Sky Studios, 20th Century Fox
      6/10
      Smurfs: The Lost Village
      Sony Pictures Animation, Columbia Pictures
      4/10
      The Emoji Movie
      Sony Pictures Animation, Columbia Pictures
      The Star
      Sony Pictures Animation, Columbia Pictures


      Trong suốt một năm mà phim hoạt hình Mỹ kém hấp dẫn với nhiều bộ phim có chất lượng trung bình (thể hiện phần nào qua điểm số của mình bên trên) cùng với doanh thu èo uột, thì may mắn thay, Coco xuất hiện như một tia sáng bất chợt lóe lên vào thời điểm cuối năm, tạo được dấu ấn với khán giả lẫn giới phê bình. Đừng nói là đề cử, phim hoạt hình của Pixar này gần như chắc chắn sẽ ghi bàn thắng tại giải Oscar lần này. Thu được 681,7 triệu đôla sau 10 tuần công chiếu (sẽ tiếp tục tăng do vẫn còn đang chiếu, phim cũng chưa ra rạp ở thị trường lớn là Nhật), Coco đã vượt qua doanh thu của The Boss Baby (498,9 triệu đôla) để giữ vị trí thứ hai, xếp sau bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất năm là Despicable Me 3 (1,035 tỷ đôla).



      Coco là dòng nước mát duy nhất tưới xuống một năm đáng thất vọng của hoạt hình Hollywood.

      Công chiếu cùng ngày (31-03-2017), The Boss Baby của DreamWorks hoàn toàn đánh bại Ghost in the Shell − phim live-action Hollywood chuyển thể từ manga/anime cùng tên − tại phòng vé, nhanh chóng biến thành "trùm" rạp chiếu trong vài tuần, với doanh thu mở màn cao gấp đôi (50 triệu đôla so với 19 triệu), và thậm chí nhóc cũng đè bẹp luôn cả bọn xì trum nhỏ xíu mà Sony mang ra rạp một tuần sau đó (với doanh thu mở màn thấp một cách đáng thương: 14 triệu đôla). May mắn là ở Việt Nam, nhà phát hành đã tính toán cả khi đem phim "Xì trum: Ngôi làng kỳ bí" công chiếu vào cuối tháng 4 − thời điểm mà "nhóc trùm" đã chịu xách vali về nước − với thông điệp quảng cáo rất biết...dụ dỗ: "Phim hoạt hình duy nhất mùa lễ 30/4".

      Mình đến rạp xem The Boss Baby một tuần sau khi bị thất vọng bởi quả bom xịt Ghost in the Shell (mà mình từng viết một bài review sau đó), để rồi rút ra một kết luận phũ phàng rằng lý do mà nhóc có thể làm trùm phòng vé không phải vì phim của nhóc hay hơn, mà chỉ vì trong cái đám phim khi ấy thì đây là phim ít dở nhất. Một bộ phim gia đình hài hước dẫu sao cũng thân thiện với công chúng hơn là một bộ phim hành động với nội dung chấp vá khá phức tạp với những ai chưa từng biết đến manga/anime gốc.



      Trong phim thằng nhóc bảo: "Bánh quy không dành cho sửu nhi".
      Cái bánh này không ngon nhưng vẫn ít dở và dễ nuốt trôi hơn một vài cái khác.

      » Xem thêm: [Review] Đánh giá phim live-action "Ghost in the Shell" (Vỏ Bọc Ma) dưới góc nhìn của một fan anime: Không hay mà cũng chẳng dở

      Vậy phim về lũ xì trum có hay không? Xin trả lời: Cũng không! Smurfs: The Lost Village có thể xem là phần thứ 3 trong loạt phim về những người tí hon xanh lè dựa trên loạt truyện tranh cùng tên của Bỉ, chỉ khác là phần này được Sony thực hiện 100% bằng kỹ thuật hoạt hình 3DCG. Thực ra mình thích hai phần phim trước hơn, nó là phim kết hợp giữa hoạt hình và live-action, tuy rằng lão Gà Mên trông có vẻ tưng tưng còn con mèo thì thật là ngốc ngếch, nhưng nó lại thú vị hơn rất nhiều so với lốt hoạt hình của phần này. Với một cốt truyện nhạt nhẽo, trẻ con và dễ đoán, phim không được mình đánh giá cao và cũng không nghĩ là có khả năng để xì trum Oscar. Sau 3 phần phim với doanh thu liên tục giảm sút, cho dù kỹ thuật làm phim có thay đổi, thì câu chuyện của làng xì trum với các nhân vật thân thuộc như Tí Cô Nương, Tí Vụng Về, Tí Cận, Tí Vua... cũng không còn đủ sức hút lôi kéo khán giả, có lẽ đã đến lúc Sony toan tính đến chuyện chấm dứt loạt phim này. Thật là xì trum mà!



      Nhìn lão Gà Mên 3D này mà xem, có phải là "dễ xương" hơn thằng nhóc ở trên không???

      Trong năm 2017, ngoài "Xì Trum" thì Sony còn tung ra hai phim hoạt hình khác nữa, nhưng phải hứng chịu một số phận còn... bi đát hơn: The Emoji Movie (Đội Quân Cảm Xúc) bị giới phê bình và khán giả vùi dập không thương tiếc, thậm chí một số nhận xét dứt khoát rằng đây là một bộ phim...rác rưởi. Với mình, đây quả thực là một phim rất tệ, một câu chuyện nhàm chán được kể thông qua các nhân vật xấu xí đến khó coi. Còn The Star công chiếu vào giữa tháng 11 (không chiếu ở Việt Nam), nhưng đứng trước một Coco có màn trình diễn quá ư xuất sắc, bộ phim với kinh phí ít ỏi (chỉ 20 triệu đôla) của Sony đã hoàn toàn mất dạng. Theo số liệu thống kê, sau 10 tuần ra rạp, doanh thu của phim hiện là 61,7 triệu đôla, chỉ khoảng 9% so với số tiền mà Coco kiếm được trong cùng khoảng thời gian.

      Khả năng được đề cử của hai phim trên là rất thấp, nếu không muốn nói là... zero.



      Meh~ Đây đúng là khuôn mặt biểu cảm của mình khi xem bộ phim hoạt hình dở nhất năm. Meh~

      Cũng chiếu vào dịp cuối năm − cận lễ Giáng sinh − tình hình doanh thu của chú bò tót Ferdinand cũng không được khả quan lắm khi vấp phải quả bom tấn cuối năm của Luke Skywalker. Sư phụ Jedi được cho là cuối cùng này bước đến rạp nào là nát phòng vé rạp đó, đến khi chốt sổ doanh thu cả năm thì ngôi vương của người đẹp Belle và con quái vật tên là...Quái vật đã bị qua mặt mất rồi. Hoan hô!!! Trở lại với chú bò, sau 7 tuần ra rạp thì cũng đã kiếm được hơn 257 triệu đôla, một phần nhờ hiệu ứng từ đề cử Quả cầu vàng. Mặt khác phim có nội dung dễ xem, hài hước và phù hợp với trẻ nhỏ. Vậy nên nếu nói phim có khả năng nhận đề cử Oscar cũng là có cơ sở.



      Được Quả cầu vàng buff cho liều thuốc, bò ta hăm hở đua nước rút cuối năm nhưng lại bị... Luke Skywalker chắn lối.

      2 phim Lego ra mắt trong cùng một năm. Hừ! Nỗi đau năm nào khi cái bộ Lego nguyên bản bị đánh trượt đề cử chắc hẳn là vẫn chưa nguôi, nên giờ Warner Bros muốn thu hút sự chú ý của Viện Hàn lâm đây mà! (Cái này ít người biết, chiếu theo lịch trình công bố ban đầu thì Ninjago phải ra mắt từ năm 2016) Nhưng Warner Bros đã tính lầm! Một phim hài, châm biếm, đá đểu các kiểu con đà điểu thì được giới phê bình ca tụng và đồn đoán sẽ được đề cử (Riêng mình thì mình không tin đâu!), và làm ăn cũng tạm ổn (doanh thu toàn cầu 312 triệu đôla, kinh phí 80 triệu). Còn một phim thì nội dung y như phim con nít, dở không chịu được, đúng tầm của một phim xây dựng từ đống đồ chơi mà ra, ế đến nỗi chẳng mấy ai thèm ra rạp (chỉ thu về 123 triệu đôla trong khi kinh phí là 70 triệu).



      Batman phiên bản đồ chơi này đá đểu luôn cả Marvel: "Iron Man sucks".

      Không hẹn mà gặp, cả hai đối thủ duyên nợ Pixar và Illumination đều tung ra phần thứ 3 của thương hiệu đình đám Cars và Despicable Me trong tháng 6. Cuộc chiến không khoan nhượng của mùa hè diễn ra thật là nóng bỏng. Thừa thắng từ những phần phim trước cũng như phần phim riêng về mình, binh đoàn Minions vẫn tiếp tục tiến lên và đánh chiếm rạp chiếu ở mọi quốc gia, trong khi những chiếc xe già nua biết nói thì ì ạch rớt lại ở phía sau. Với 80 triệu đôla kinh phí, Despicable Me 3 tiếp tục mang về lợi nhuận khổng lồ cho hãng, khi trở thành phim hoạt hình duy nhất năm 2017 vượt mốc doanh thu 1 tỷ đôla. Dù cốt truyện phần này mình đánh giá là nhạt nhẽo, không còn hay như các phần trước, nhưng có lẽ sức hút mê hoặc của lũ Minions hài hước dễ thương vẫn còn đủ lớn để phim tiếp tục gây sốt phòng vé. Tin tôi đi, Illumination vẫn sẽ tiếp tục "vắt sữa" thương hiệu/nhân vật tỷ đô này của mình ít nhất là năm-mười năm nữa. À, nghe nói Minions 2 được lên lịch cho năm 2020 rồi đó. Còn Despicable Me 4 chắc là cũng đang... rục rịch.



      Tiến lên chiếm rạp nào các anh em!!!

      Thương hiệu Cars của Pixar thì không còn được như xưa. Phần 3 tiếp tục chứng kiến các tay đua tụt dốc doanh thu. Bộ phim đã thu về tổng cộng 383,8 triệu đôla toàn cầu, không thể gọi là thành công nếu xét trên kinh phí sản xuất lên đến 175 triệu mà Disney/Pixar đã bỏ ra (nhìn DM3 mà xem!), cũng như khi so với các tác phẩm hoạt hình trước đây của hãng. Mình rất thích phần Cars đầu tiên, nó mang đến một câu chuyện đầy ý nghĩa phần nào phản ánh xã hội loài người thông qua những chiếc xe biết nói. Nhưng từ khi Pixar "bẻ lái" các tay đua thành một bộ phim hình sự tội phạm trong Cars 2 (anh bạn xe kéo Mater trở thành điệp viên bất đắc dĩ), thì nó đã mất đi vị thế trong lòng khán giả, bao gồm cả mình. Sau 6 năm, Cars 3 cũng ra đời, thật vui vì Pixar cũng đã đưa bộ phim trở về đúng cốt lõi ban đầu của nó, với cốt truyện lần này có vẻ già dặn và buồn bã hơn. Ôi cái cốt truyện sao mà đời thực đến thế. Ngẫm nghĩ mình lại thấy Cars 3 là một câu chuyện thật ý nghĩa để có thể khép lại cho chuyến hành trình dài của cá nhân McQueen và của cả loạt phim. Chỉ là không biết Pixar còn muốn tiếp tục để những chiếc xe già cỗi của mình tham gia các cuộc đua nữa hay không?



      Với Cars 3, Lightning McQueen và cả Pixar đều gặp tai nạn để rồi bị bỏ lại trong cuộc cạnh tranh với những tay đua trẻ mới nổi.



      ★ Nhóm phim hoạt hình độc lập

      15 phim tranh giải còn lại chủ yếu đến từ các hãng phim độc lập của nước ngoài (ngoại trừ My Entire High School Sinking into the Sea là của Mỹ), trong đó có 5 phim hoạt hình của Nhật, bao gồm: Mary and the Witch’s Flower, Napping Princess, In This Corner of the World, A Silent Voice, và Sword Art Online The Movie: Ordinal Scale.

      The Big Bad Fox & Other Tales
      GKIDS, hoạt hình Pháp
      Birdboy: The Forgotten Children
      GKIDS, hoạt hình Tây Ban Nha
      The Breadwinner
      GKIDS, Cartoon Saloon, hoạt hình Ailen - Canada
      The Girl without Hands
      GKIDS, hoạt hình Pháp
      My Entire High School Sinking into the Sea
      GKIDS, hoạt hình Mỹ
      Mary and the Witch’s Flower
      GKIDS, Studio Ponoc, hoạt hình Nhật Bản
      7/10
      Napping Princess
      GKIDS, Signal.MD, hoạt hình Nhật Bản
      8/10
      In This Corner of the World
      Shout! Factory, MAPPA, hoạt hình Nhật Bản
      7.5/10
      A Silent Voice
      Eleven Arts, Kyoto Animation, hoạt hình Nhật Bản
      8/10
      Sword Art Online: Ordinal Scale
      Aniplex, Eleven Arts, A-1 Pictures, hoạt hình Nhật Bản
      7.5/10
      Loving Vincent
      Good Deed Entertainment, BreakThru Productions, hoạt hình Ba Lan - Anh
      Cinderella the Cat
      hoạt hình Ý
      Ethel & Ernest
      hoạt hình Anh
      Moomins and the Winter Wonderland
      hoạt hình Phần Lan - Ba Lan
      Window Horses
      aka "Window Horses: The Poetic Persian Epiphany of Rosie Ming", hoạt hình Canada


      7 phim đầu là các phim do GKIDS phân phối , và tỏ ra có ưu thế hơn hẳn những phim khác. Những năm qua GKIDS đã tạo dựng được danh tiếng tốt với khán giả Bắc Mỹ cũng như với Viện Hàn lâm, bằng chứng là họ đã kiếm được tổng cộng 9 đề cử Oscar chỉ trong vòng 8 năm. Với chiến thuật dựa vào số đông, chiếm đến 1/4 bảng danh sách hoạt hình tranh giải, dù chỉ là phim nhỏ thì cũng có thể thu hút sự chú ý của các thành viên ủy ban đề cử. GKIDS vẫn lộ rõ tham vọng kiếm được đề cử, trong bối cảnh mà Viện Hàn lâm vừa mới thay đổi "luật chơi" hòng làm khó các hãng phim nhỏ lẻ.



      Đội hình 7 phim mà GKIDS mang đi thi đấu ở giải năm nay. Trong đó The Breadwinner sẽ là bộ phim dẫn đầu.

      Ứng viên tiềm năng nhất trong số này là bộ phim The Breadwinner được sản xuất bởi Cartoon Saloon, hãng phim độc lập đến từ Ailen này đã từng 2 lần được đề cử Oscar cho phim hoạt hình The Secret of Kells (Oscar 2010) và Song of the Sea (Oscar 2015). Lợi thế của phim còn nằm ở việc phim có sự góp mặt của Angelina Jolie − chắc bạn cũng biết bà là một trong những minh tinh quyền lực nổi tiếng của Hollywood − trong vai trò giám đốc sản xuất. Đó là về mặt danh tiếng, còn nói về chất lượng, phim nhận được những đánh giá tích cực khi có buổi chiếu ra mắt ở Liên hoan phim Quốc tế Toronto hồi tháng 9/2017, và sau đó tại Liên hoan "Animation is Film Festival" (af) tổ chức vào tháng 10, The Breadwinner đã giành chiến thắng cả hai giải Grand Prize (giải lớn nhất do ban giám khảo bình chọn) và Audience Award (do khán giả bình chọn). Phim cũng đã được đề cử tại giải Quả cầu vàng năm nay (nhưng Coco là phim thắng giải); và nhận được tới 8 đề cử (khá nhiều, chỉ xếp sau Coco với 10 đề cử), trong đó có hạng mục "Phim hoạt hình độc lập xuất sắc", tại giải thưởng dành riêng cho phim hoạt hình là Annie Awards, kết quả sẽ được công bố vào tháng 2 tới. Có thể nhận định GKIDS sẽ cố gắng tận dụng tốt con át chủ bài chiến lược này của mình để đối phó lại với việc thay đổi luật của Viện Hàn lâm.



      Angelina Jolie và đoàn làm phim The Breadwinner chụp ảnh tại Liên hoan phim hoạt hình af.
      Đứng bên cạnh bà là nữ đạo diễn Nora Twomey, và cô bé Saara Chaudry lồng tiếng cho nhân vật chính của phim.

      Những phim hoạt hình khác trong danh mục GKIDS cũng đặc sắc không kém. Tiêu biểu như The Big Bad Fox & Other Tales với cách kể chuyện dí dỏm như một câu chuyện ngụ ngôn, phim này đã thắng giải Special Jury Award (giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo) tại liên hoan Animation is Film Festival, và cũng được đề cử tại giải Annie Awards. The Girl without Hands dựa trên một câu truyện cổ của anh em nhà Grimm, mang một màu sắc u tối kể về một cô gái bị mất đi đôi tay khi cố chạy trốn khỏi một con quỷ độc ác, phim đã được trao giải Jury Award tại Liên hoan phim hoạt hình Annecy năm 2016. Cả hai đều là phim hoạt hình của Pháp...


      Loving Vincent là bộ phim hoạt hình của Ba Lan ngay từ khi ra mắt đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của công chúng - đặc biệt là những người yêu hội họa, khi thuật lại những năm tháng cuối đời của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh cùng với cái chết đầy bí ẩn của ông. Là bộ phim hoạt hình đầu tiên được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức vẽ tranh sơn dầu, phim được khán giả lẫn giới phê bình yêu mến và được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Cùng với The Breadwinner, Loving Vincent nổi lên như là ứng viên phim độc lập sáng giá để có thể giành được đề cử của Viện Hàn lâm. Phim cũng đã được đề cử ở các giải thưởng uy tín khác như Quả cầu vàng, Annie Awards, và là phim hoạt hình chiến thắng ở giải thưởng phim châu Âu - European Film Awards năm 2017 tổ chức ở thủ đô Berlin, nước Đức.


      Về phía phim hoạt hình Nhật Bản, 2017 ghi nhận một kỷ lục lên đến 5 phim tham gia tranh giải (năm 2016 là 3 phim). Bản thân mình cũng đã xem được 4/5 phim (dự định sẽ xem Mary and the Witch’s Flower nếu phim được phát hành ở VN trong thời gian tới) và có thể nhận xét rằng đây đều là những anime movie đủ hay và đủ tốt của năm 2017, nhưng để có thể làm nên chuyện tại các "giải thưởng xứ người" vẫn là điều khó khăn. Giả dụ như câu chuyện về việc "Your name" bị trượt đề cử của năm vừa rồi, kể cả khi bộ phim là hiện tượng phòng vé này bùng nổ tại các rạp chiếu phim Nhật Bản và lan sang các nước trong khu vực, thì phim vẫn tỏ ra yếu thế ở xứ sở cờ hoa trong cuộc đua đề cử Oscar 2017. Phim đã không nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia dự đoán, trong một năm mà có hàng loạt những bộ phim hoạt hình hấp dẫn và sáng giá để có thể được đề cử, từ Hollywood cho đến phim độc lập, thì việc bộ phim đình đám này của Nhật bị loại khỏi đường đua vốn đã là điều có thể dự báo trước.


      Đó cũng chính là vấn đề chung mà In This Corner of the World cũng như các anime khác vấp phải ở giải năm nay, dù cho bộ phim xây dựng trên bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai này có tầm vóc xứng đáng đủ để vượt lên các bộ phim khác trong năm (Your name, A Silent Voice, ...) để thắng giải Phim hoạt hình hay nhất năm 2016 của Viện Hàn lâm Nhật Bản. Và khoảng cách đó sẽ càng nới rộng hơn với A Silent Voice và SAO OS.



      In This Corner of the World (hay Kono Sekai no Katasumi ni) từng được mang về công chiếu ở VN với tên là "Góc Khuất Của Thế Giới".

      Chút cảm nhận về phim: Cùng miêu tả cuộc sống của người dân Nhật vào Thế chiến 2, nhưng không mang màu sắc u ám đen tối như trong Grave of the Fireflies (Hotaru no Haka), câu chuyện trong In This Corner of the World diễn ra thanh bình, nhẹ nhàng hơn, hay nói cách khác là theo dõi phim cho mình cảm giác "dễ thở" hơn, ít nhất là hơn nửa đầu của phim khi tập trung vào cuộc sống của nhân vật chính Suzu từ lúc nhỏ cho đến khi lấy chồng xa, với nhiều những tình huống hài hước. Khoản này có lẽ những ai thích xem anime slice of life (như mình) sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, còn những ai chỉ khoái coi phim action này nọ có lẽ sẽ khó nuốt trôi được đoạn đầu của phim.

      Không khí phim chỉ dần trở nên nặng nề ở gần cuối phim (có lẽ là 30-40 phút cuối), theo trình tự thời gian cũng là lúc cuộc chiến Mỹ-Nhật bước vào giai đoạn khốc liệt, khi mà quân Nhật đã gần như bị áp đảo trên chiến trường (1944). Mình nhớ tiếng còi báo động các cuộc không kích, cảnh máy bay quần thảo ném bom trên bầu trời nước Nhật coi mà rợn người (chắc cũng nhờ coi ở rạp mới có cảm giác này).

      Nói chung theo mình đây là một phim khá hay, mà phải đến tận bây giờ sau khi được xem phim mình mới hiểu cái lý do vì sao phim vượt lên những bộ phim tiềm năng khác để ẵm giải Phim hoạt hình hay nhất năm nay của Viện hàn lâm Nhật. Với mình, cảm nhận cái hay của phim này nó khác hoàn toàn với cách mà bạn cảm nhận cái hay của những Your name hay Koe no Katachi, nó gần giống với Hotaru no Haka hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật (cá nhân mình thích phim này của Ghibli hơn), thế nên giải thưởng của phim theo mình là hoàn toàn xứng đáng...

      A Silent Voice được chuyển thể từ manga Koe no Katachi (hay Dáng hình thanh âm) là bộ phim tâm lý tình cảm lấy chủ đề về nạn bắt nạt học đường, kể câu chuyện về một cô bé khiếm thính bẩm sinh, chính sự "khác người" trong cách giao tiếp và giọng nói khó nghe khiến cô bé bị các bạn trong lớp bắt nạt, mà đầu tiêu là cậu bé nhân vật chính của phim, người mà sau đó cũng trở thành nạn nhân cho chính những sai lầm của mình lúc nhỏ. Mạch phim lúc đầu khi các nhân vật còn nhỏ rất truyền cảm và tác động mạnh đến cảm xúc mình, nhưng lại có phần vội vã, đứt quãng và chệch hướng về sau. Nhìn chung anime movie đã tạo được thành công nhất định nhưng vẫn chưa thể hiện hết tinh thần của tác phẩm gốc, mà bản thân mình nghĩ nếu như ban đầu Kyoto Animation xây dựng thành một anime truyền hình, như sở trường trước giờ của họ, thì câu chuyện của phim sẽ càng thể hiện sâu sắc và vượt trội hơn nữa.


      Sword Art Online The Movie: Ordinal Scale (SAO OS) thật ra đã thua ngay từ đầu. Bản thân nó không phải là một câu chuyện riêng biệt hoàn chỉnh, mà có thể xem như sequel tiếp nối những tập anime truyền hình trước đó. Có thể nói movie này là một món quà chất lượng mà A-1 Pictures dành tặng cho những ai là fan của series SAO với một sự đầu tư nghiêm túc, vẫn studio đó, vẫn dàn staff đó, nhưng bộ phim mà lần này các bạn được xem trên màn ảnh rộng đã được nâng cấp đáng kể với hình ảnh/animation tuyệt đẹp và âm thanh sống động. Những bản nhạc êm dịu do Yuki Kajiura sáng tác, cùng với giọng hát mê hoặc quyến rũ của Yuna (Sayaka Kanda). Nhưng điều đáng nói nhất trong SAO OS chính là kịch bản phim hấp dẫn, lôi cuốn với những tình tiết thắt mở rõ ràng hợp lý, do chính Reki Kawahara, tác giả light novel SAO đã chấp bút cùng với đạo diễn Tomohiko Itou, mang đến một movie vừa nối kết lại các điểm quá khứ vừa mang tầm nhìn hướng đến tương lai.


      Thế nhưng, Viện Hàn lâm sẽ chẳng bao giờ để mắt tới bộ phim này. Aniplex chắc cũng hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Việc nộp đơn tham gia Oscar thật ra chỉ là một hình thức đánh bóng mà thôi, nó thu hút sự chú ý của dư luận và cũng để ghi dấu ấn thành công cho phim của họ: Từ trước đến nay, rất hiếm movie nào có gốc rễ bắt nguồn từ late-night anime (những series anime truyền hình chiếu vào ban đêm muộn) kiếm được hơn 2 tỷ yên ở phòng vé nội địa. (Trước SAO OS, chỉ mới có movie của Madoka Magica, Love Live!Girls und Panzer là đạt được mốc doanh thu này). Chuyện cũ thôi, bạn có biết rằng movie thứ 3 của series Madoka Magica (Puella Magi Madoka Magica the Movie: Rebellion) cũng đã từng nộp đơn tham gia Oscar 2014 sau khi đạt thành công ở Nhật với doanh thu 2,08 tỷ yên. Hẳn là phim cũng chẳng được Viện Hàn lâm để mắt tới đâu (năm đó The Wind Rises của Studio Ghibli được đề cử). Thì giờ đây, với 2,52 tỷ yên mà SAO OS kiếm được ở Nhật, và 4,3 tỷ yên tính gộp doanh thu toàn cầu trong năm vừa rồi, Aniplex chỉ là đang làm lại chuyện cũ thôi. Họ nộp đơn cho có lệ, chứ cũng chả hy vọng gì, chắc vậy!?

      Sau khi có được quyền phân phối Mary and the Witch’s FlowerNapping Princess tại Bắc Mỹ, GKIDS đã nhanh chóng đưa 2 tác phẩm hoạt hình Nhật này gia nhập nhóm những phim mà họ mang đến đường đua Oscar.



      Napping Princess còn có tên tiếng Anh khác là "Ancien and the Magic Tablet", từng được mang về công chiếu ở VN với tên là "Giải Mã Giấc Mơ".

      Khúc đầu hơi khó hiểu với có vẻ trẻ con một chút (cổ tích nàng công chúa @_@), nhưng vẫn enjoy tốt tới tận cuối phim. Lúc xuất hiện credit vẫn cố ngồi xem cho đến hết chuyện tình của 2 nhân vật, vài phút ngắn thôi mà enjoy nhất phim, và nhạc nền cũng khá hay. Cá nhân mình enjoy nhất bộ này là khoản nhạc nền rồi mới đến mạch phim. Phim xem giải trí khá ổn, có mấy đoạn khá là hài, cốt truyện mới lạ, đan xen lúc thực tại lúc thì trong mơ nhưng có liên kết với nhau, nhưng drama thì thấy không được tốt lắm, không mang lại nhiều cảm xúc. Điểm kém thu hút ở bộ này có lẽ là nhân vật, kém nổi bật đã thế lại thiết kế khá lạ với những ai đã quen với mấy kiểu nhân vật long lanh moe hiện tại, nhìn nó cổ nhưng thực. Bộ này không hay lắm nhưng chả phải dở, nếu chấm điểm thì mình cho 7/10.

      Napping Princess là một cuộc phiêu lưu thú vị pha lẫn giữa hiện thực và giấc mơ, nhưng xét về ưu thế tại giải Oscar thì Mary and the Witch’s Flower mới là phim có nhiều cơ hội hơn so với 4 anime còn lại.

      Ưu thế này tất nhiên nhờ vào danh tiếng của Studio Ghibli trên đất Mỹ. Mary and the Witch’s Flower không phải là phim của Ghibli, nhưng với việc đội ngũ sản xuất phim vốn là những họa sĩ/animator xuất thân từ Studio Ghibli, bao gồm cả hai nhân vật được chú ý nhất là nhà sản xuất và đạo diễn, cũng không khó để bộ phim thu hút sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ fan của xưởng phim hoạt hình này. Một lợi điểm nữa của Mary mà có thể sẽ được nhiều thành viên Viện Hàn lâm chú ý đến, là việc nhà sản xuất Yoshiaki Nishimura và đạo diễn Hiromasa Yonebayashi đã từng một lần được bước chân trên thảm đỏ Oscar, hai năm trước đây tại Oscar 2016, với đề cử cho phim hoạt hình When Marnie Was There của Studio Ghibli.



      Mary là cái tên thứ ba mà Viện Hàn lâm sẽ phải để mắt tới trong nhóm phim hoạt hình độc lập, sau The BreadwinnerLoving Vincent.



      ★ DỰ ĐOÁN ĐỀ CỬ ★

      Càng về cuối cuộc đua đề cử thì chân tướng các ứng viên càng lộ rõ hơn bao giờ hết. Nếu ai chịu khó theo dõi các giải thưởng tiền Oscar thì không khó để nhận ra 3 cái tên nổi cộm nhất, là Coco - The Breadwinner - Loving Vincent, liên tục được gọi tên vào danh sách đề cử của các giải thưởng quan trọng này. Cùng điểm qua một số: (mình tô đậm và đưa lên đầu danh sách để tiện theo dõi)

      ★ Đề cử Satellite Awards, hạng mục phim hoạt hình:
      • Coco
      • The Breadwinner
      • Loving Vincent
      • Birdboy: The Forgotten Children
      • Cars 3
      • The Boss Baby
      • The Lego Batman Movie

      ★ Đề cử Critics' Choice Awards, hạng mục phim hoạt hình:
      • Coco
      • The Breadwinner
      • Loving Vincent
      • Despicable Me 3
      • The LEGO Batman Movie

      ★ Đề cử Quả Cầu Vàng 2018, hạng mục phim hoạt hình:
      • Coco
      • The Breadwinner
      • Loving Vincent
      • The Boss Baby
      • Ferdinand

      ★ Đề cử Annie Awards, hạng mục phim hoạt hình lớn:
      • Coco
      • Captain Underpants: The First Epic Movie
      • Cars 3
      • Despicable Me 3
      • The Boss Baby

      ★ Đề cử Annie Awards, hạng mục phim hoạt hình độc lập:
      • The Breadwinner
      • Loving Vincent
      • The Big Bad Fox & Other Tales
      • Napping Princess
      • In This Corner of the World

      (Hai anime movie trên được đề cử ở hạng mục chính dành cho Phim hoạt hình độc lập xuất sắc của giải thưởng Annie Awards, Mary and the Witch’s Flower thì có tên ở 2 hạng mục dành cho Thiết kế sản xuất và Kịch bản phim xuất sắc)

      Như vậy đã có thể thấy rõ 3 ứng cử viên sáng giá hàng đầu cho đề cử Oscar. Coco là đại diện hiển nhiên của dòng phim Hollywood, cùng với 2 đại diện của dòng phim hoạt hình độc lập là The BreadwinnerLoving Vincent. Hai lựa chọn còn lại thì không có sự đồng thuận giữa các giải thưởng, bởi vì như đã nói, đó chỉ là những phim ít dở nhất để trám vào cho đủ số đề cử mà thôi. Viện Hàn lâm sẽ phải chọn ra 2 trong số 5 phim Hollywood sau với ưu thế cạnh tranh hơn cả trong cuộc đua, đó là: Cars 3, Despicable Me 3, The Boss Baby, The LEGO Batman Movie, và Ferdinand. Cơ hội để có thêm ít nhất 1 tựa phim độc lập được chọn sẽ rất thấp, bởi vì "luật chơi" vốn đã thay đổi để hạn chế kỳ tích kiểu này mà, phải không!?.

      .:HẾT KỲ 2:.
      (còn tiếp)

      Viết bài và BBcode: Katepesama




      Oscar 2018: Toàn cảnh cuộc đua của 26 bộ phim hoạt hình − Phân tích, đánh giá phim và dự đoán kết quả

      Kỳ 2: Phân tích "đường đua" 26 bộ phim hoạt hình và dự đoán đề cử

      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 24-02-2018 lúc 21:14.
      Trả lời kèm trích dẫn

    3. #3

      Kỳ 3: Đánh giá phim hoạt hình đề cử và Dự đoán kết quả


      Kỳ 3


      Đánh giá phim hoạt hình đề cử và Dự đoán kết quả

      And the nominees are ...



      Vậy là cuối cùng sau bao chờ đợi, Viện Hàn lâm cũng đã công bố đề cử cho tất cả các hạng mục của Oscar 2018.

      Thấy gì từ đề cử của phim hoạt hình? Không có bất ngờ, một chút không hài lòng, nhưng có thể chấp nhận được.



      Oscar lần này giống y hệt với đề cử Quả cầu vàng

      Như những gì đã đề cập trong phần trước của bài viết, Coco - The Breadwinner - Loving Vincent là 3 ứng cử viên sáng giá hàng đầu, và tất nhiên đều đã nhận đề cử một cách xứng đáng. Hai cái tên khác mà Viện Hàn lâm khả dĩ phải lựa chọn trong số những cái tên không lấy làm sáng giá cho lắm, để trám vào cho đủ 5 đề cử: The Boss BabyFerdinand.

      Cảm thấy tiếc vì không có anime nào được đề cử, mà theo mình nhận xét đều là những bộ phim hay và xứng đáng, nếu chỉ xét về điểm đánh giá/cảm nhận của cá nhân mình thì có thể thấy chúng cũng không hề kém cạnh gì 5 đề cử trên là bao. Nhưng đó cũng là điều đã dự đoán được từ trước, khi mà đây là giải thưởng điện ảnh của nước Mỹ, cộng với việc họ vừa điều chỉnh luật chơi hòng tạo thêm lợi thế cho dòng phim nội địa − mà nếu dựa vào luật cũ, việc dòng phim độc lập có thêm 1 đại diện hoặc là GKIDS kiếm được cùng lúc 2 đề cử trong năm nay (giống như trước đây), vẫn có khả năng xảy ra.

      Nhưng thôi tạm gác chuyện đó sang một bên. Phần chính của bài viết kỳ này sẽ đi vào việc chia sẻ cảm nhận và đánh giá của mình đối với 5 bộ phim được đề cử, mà ở trong bài phân tích kỳ trước mình mới chỉ nói lướt qua thôi.

      Đầu tiên là mong các bạn thông cảm vì mình sẽ bỏ qua The Breadwinner, bởi vì chưa xem phim này nên không thể đưa ra đánh giá chủ quan về nó được. Chắc hẳn nhiều bạn ở đây cũng chưa xem giống mình. Không dễ để mọi người tiếp cận các phim hoạt hình độc lập của nước ngoài, do mức độ quan tâm của công chúng cũng như ngân sách eo hẹp mà kể cả khi tranh giải ở Mỹ thì những phim đó cũng chỉ được công chiếu giới hạn mà thôi, chứ không phổ biến rộng rãi như các bộ phim của Hollywood.

      Như đã biết, The Breadwinner nổi lên như là một ứng viên sáng giá của dòng phim hoạt hình độc lập trong cuộc chạy đua giải thưởng năm nay. Trước khi được đề cử Oscar, phim của hãng Cartoon Saloon mà GKIDS phân phối này cũng đã có tên ở đề cử của Quả cầu vàng (thua Coco), và mới đây phim cũng đã giành chiến thắng ở giải thưởng Annie Awards cho hạng mục "Phim hoạt hình độc lập xuất sắc nhất". Bối cảnh phim được đặt ở đất nước Afghanistan dưới chế độ Taliban, nội dung xoay quanh cô bé 11 tuổi tên là Parvana đã phải cải trang thành con trai để kiếm tiền nuôi mẹ và em gái, sau khi người cha - trụ cột của gia đình - bị quân đội Taliban vô cớ bắt giam. (Chú thích một chút: Dưới thời Taliban, phụ nữ bị đối xử rất tệ, họ bị cấm làm việc và học hành, khi bước ra đường đều phải mặc đồ che kín mặt).


      Đánh giá: (nope!)


      Loving Vincent gây ấn tượng với tôi chủ yếu về mặt nghệ thuật, sự kỳ công mà bộ phim mang lại, hơn là về mặt nội dung. Nó là phim hoạt hình bằng tranh sơn dầu đầu tiên trên thế giới, được làm để tôn vinh cố danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh. Đoàn làm phim đã cố ý sử dụng kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu để gợi lại cảm giác quen thuộc như chính những bức tranh mà Van Gogh đã vẽ nên. Thể hiện trong 94 phút phim hoạt hình mà tốc độ chuyển động chỉ là 12 hình mỗi giây đó, là cả sự kỳ công mà chúng ta được chiêm ngưỡng 65.000 bức vẽ sơn dầu trên nền vải đã được 125 họa sĩ - những người yêu mến Van Gogh - miệt mài tạo nên, vẽ mô phỏng lại từ những cảnh quay người thật đóng. Thật ra thì tôi không phải là người đam mê hội họa, chỉ là một khán giả bình thường yêu thích điện ảnh nói chung và thể loại hoạt hình nói riêng, nên tôi cũng chẳng có sự sùng bái gì đặc biệt với vị danh họa Van Gogh, ấy vậy mà vẫn bị phim làm cho ấn tượng. Có thể cũng một phần vì tôi yêu thích trinh thám chăng, nên khi xem phim tôi đã bị cuốn hút vào, dõi theo bước chân của nhân vật Roulin để đi tìm lời giải cho cái chết đầy bí ẩn của Van Gogh, hai năm sau ngày mà người họa sĩ 37 tuổi này được cho là đã tự sát bằng một khẩu súng. Loving Vincent, phim hoạt hình trinh thám-tiểu sử này cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra giả thuyết mà không có kết luận nào cụ thể, cũng hợp lý thôi vì chính cái bi kịch xảy đến với Van Gogh hãy còn là bí ẩn mà đến ngày nay người ta vẫn còn tranh cãi, thì kịch bản phim cũng chẳng dám tiến xa hơn. Nó dừng lại ở đó, lưng chừng như chính vận mệnh cuộc đời của Van Gogh vậy, như thầm thì nói với khán giả một lời ở cuối phim, rằng... "Vincent thương mến!"


      Đánh giá: 7.5/10


      Phản ứng đầu tiên của dư luận − nhưng không ồn ào cho lắm − sau khi Viện Hàn lâm công bố đề cử, chủ yếu xoay quanh The Boss Baby không xứng đáng, bởi bộ phim hoạt hình hài (nhưng hơi nhảm) này của hãng DreamWorks có vẻ như không được phần đông khán giả và giới phê bình yêu thích cho lắm (52% trên Rotten Tomatoes và 6.4 trên IMDB). Thay vào đó, tất-cả-họ tập trung sự yêu thích dành cho bộ phim về người anh hùng của thành phố Gotham − lại nữa, nhưng mà là đồ chơi −, The Lego Batman Movie, và mong muốn/dự đoán sẽ được đề cử. Nhưng lại bị đánh trượt! Một lần nữa Viện Hàn lâm Mỹ dứt khoát nói Không với những phim mang nhãn mác siêu anh hùng ghi tên vào các hạng mục chính của Oscar. Từ sau cái vụ ồn ào rùm ben việc The Lego Movie bị "đá văng" 3 năm trước, hoặc là do quen rồi, hoặc là do cái phim Lego Batman này cũng chả phải hay ho xuất sắc gì cho cam, nên cũng chẳng mấy ai phản ứng dữ dội hay thái quá lên nữa. Vụ này coi như chìm!


      Nếu có cô cậu nhóc tì nào thắc mắc "Em bé được sinh ra từ đâu?", thì khi xem The Boss Baby sẽ cho chúng một câu trả lời "hại não" đến tận cuối phim: Tất thảy mọi em bé đều được "sản xuất" bởi Tập Đoàn Em Bé (Baby Corp.) có trụ sở ở... trên trời; và được "vận chuyển" đến từng nhà bằng một chiếc taxi @_@. Hài hước là điểm mạnh của phim, dù cũng có một số tình tiết chọc cười khá nhảm. The Boss Baby mang thông điệp về tình cảm gia đình, trong đó nhấn mạnh đến tình anh em, nhưng cách truyền tải thông điệp của phim không đủ lôi cuốn để có thể lưu lại ấn tượng gì đặc biệt, ngoài việc khiến người xem có cảm giác như đây đơn giản chỉ là một sự giành giật tình cảm của hai anh em, ehh, và sau đó là hai cộng sự cùng nhau thực thi nhiệm vụ để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng dẫu sao, cái kết của phim vẫn mang lại một chút ý nghĩa ngọt ngào về tình thân.


      Sau khi có được "cái bô" bằng vàng, Nhóc trùm liệu có thể chạm... mông tới tượng vàng Oscar?
      Đánh giá: 6.5/10


      Ferdinand may mắn thoát khỏi vòng xoáy dư luận đó. Một phần vì chất lượng phim cũng tương đối ổn dù không hay lắm, phần nữa có thể vì phim mới ra rạp chưa lâu nên vẫn còn nhiều người chưa xem/không muốn xem. Giữa tháng 12 là thời điểm mà khán giả đa phần kéo đến rạp để xem phần 8 của thương hiệu tỷ đô Star Wars, cũng như đang quan tâm đến việc "ném đá", hạ thấp điểm rating của bộ phim bom tấn nhà Disney/Lucasfilm. Về phía phim hoạt hình thì Coco của Disney/Pixar vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn đáng đồng tiền cho khán giả gia đình tại các rạp chiếu.

      Nhân vật chính của phim là một con bò tót Tây Ban Nha tên là Ferdinand. Không như những con bò tót bình thường khác, nó không thích "cái nghề" mà giống loài mình được nuôi dưỡng để thực hiện: đấu bò. Giống như câu tagline của phim ở VN: "Tướng vạm vỡ, tim ngây thơ", con bò kỳ quặc này không ưa gì bạo lực mà lại thích ngửi hoa. Một ngày, cha của nó thắng trong một cuộc tranh đấu với những con bò khác và được lựa chọn để tham gia một trận đấu bò. Ferdinand, lúc này hãy còn là một con bê bé nhỏ, nào đâu biết rằng đó cũng là khoảnh khắc cuối mình nhìn thấy cha. Sợ hãi hoang mang vì không thấy cha trở về sau trận đấu, chú bê con chạy trốn khỏi trang trại nuôi bò tót và định mệnh khiến nó lưu lạc đến với gia đình cô bé Nina, nơi mà Ferdinand lớn lên trong sự yêu thương, trở thành một con bò với dáng hình to lớn − nhưng vẫn yêu hoa đầy ngộ nghĩnh. Đó cũng chính là khoảnh khắc gia đình ấm áp hiếm hoi của phim, diễn ra chỉ vài phút ngắn ngủi mà tôi được thả trôi theo giai điệu ngọt ngào của ca khúc "Home" do Nick Jonas thể hiện.


      Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu, toàn bộ phần thời lượng còn lại của phim là sự tương tác hài hước nhưng có phần mệt mỏi giữa những con vật với nhau, giống như kiểu của những series phim mà Blue Sky vẫn thường làm trước đây (Ice Age, Rio). Ngoài Ferdinand, phim mang đến một lô động vật gồm 5 con bò tót khác hẳn nhau, 3 con ngựa ngớ ngẩn, 3 con nhím lém lỉnh, và 1 con dê cái lắm mồm. Phim kể một câu chuyện đơn giản, dễ hiểu rất thích hợp với trẻ em, mà điểm cộng lớn chính là yếu tố hài hước, nhưng lại thiếu sâu sắc cần thiết để có thể làm hài lòng những khán giả lớn tuổi hơn. Thú thật là tôi đã thất vọng khi phim đã không khai thác sâu vào tình cảm mà cô bé Nina và Ferdinand dành cho nhau, mà lại lướt qua rất nhanh ở phần đầu và một chút ở đoạn kết, không giống như những gì tôi mong đợi khi nhìn vào poster của phim.


      Ferdinand có thể sẽ không chiến thắng Oscar, như khi tác phẩm hoạt hình ngắn có cùng đề tài này đã từng làm được trước đây1, thì với Blue Sky việc được đề cử lần này đối với họ cũng đã là niềm vui to lớn: Đã 15 năm rồi họ mới có đề cử thứ hai, kể từ khi Ice Age - bộ phim hoạt hình dài đầu tiên của hãng - nhận được đề cử ở Oscar 2003 (nhưng thua Spirited Away), trải qua biết bao nhiêu năm "vắt sữa" Kỷ băng hà mãi không biết chán (phim Ice Age mới nhất là phần 5, 2016), rồi thì 2 phần phim Rio và một số tựa phim khác, tất cả đều bị Viện Hàn lâm ngó lơ đi chỗ khác; nhất là trong bối cảnh mà tương lai của hãng phim vẫn đang bị bỏ ngỏ, sau "cú sốc" tập đoàn mẹ 21st Century Fox đã bị Walt Disney thâu tóm cuối năm vừa rồi, chỉ vài ngày trước khi phim chính thức ra rạp. Disney đã có trong tay 2 xưởng phim hoạt hình bề thế và vững mạnh ở Hollywood (Walt Disney Animation Studios và Pixar), liệu họ có cần phải duy trì thêm một xưởng phim thứ ba nữa hay không?

      Sau hơn 8 thập kỷ, một lần nữa câu chuyện ý nghĩa về chú bò yêu hoa này lại được cất lên, gửi gắm thông điệp có tính phê phán về một tập tục truyền thống mang tính bạo lực đẫm máu của người Tây Ban Nha, nơi những con bò tót được nuôi dưỡng để tham gia vào những trận đấu bò nhằm phục vụ cho mục đích mua vui của con người, kèm theo đó là cái chết hiển nhiên đã được định sẵn dành cho chúng2.

      Chú thích: (1)Ferdinand the Bull (1938) của hãng Walt Disney đã thắng giải Oscar năm đó ở hạng mục "Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất". Cũng giống như phim hoạt hình dài Ferdinand (2017), cả hai đều là chuyển thể từ quyển truyện "The Story of Ferdinand" năm 1936 của tác giả Munro Leaf. (2) Cuối mỗi trận đấu, con bò bị mất máu và kiệt sức sẽ bị võ sĩ đấu bò dùng kiếm đâm chết, trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả.


      Đánh giá: 7/10


      Trong một năm mà hoạt hình Mỹ tưởng chừng như vô vọng đó, Pixar cho ra mắt Coco vào dịp cuối năm, ghi điểm cả về doanh thu lẫn chất lượng phim, trở thành ứng cử viên sáng giá gần như cầm chắc giải Oscar.

      Nếu như Ferdinand lấy bối cảnh Tây Ban Nha, còn Kubo and the Two Strings (đề cử năm ngoái) chọn những thứ gắn với nền văn hóa Nhật Bản thời cổ, thì Coco lại đưa người xem đến một đất nước mới, rất gần nước Mỹ: đó là Mexico.


      Câu chuyện trong Coco lấy cảm hứng từ Lễ hội người chết (Día de Muertos), một nghi lễ truyền thống của người Mexico để tưởng nhớ những người thân, bạn bè đã khuất, được tổ chức vào ngày 2/11 hàng năm. Gần đây từng có một bộ phim hoạt hình lấy bối cảnh tương tự là The Book of Life (2014), mà nếu bạn nào đã xem qua có thể thấy ở Coco một vài nét quen thuộc. Nhưng nếu chưa xem thì cũng đừng lo lắng, chẳng có vấn đề gì vì hai bộ phim tuy cùng một bối cảnh nhưng lại kể hai câu chuyện rất khác nhau. The Book of Life là một câu chuyện kể về tình yêu tay ba giữa 3 người bạn thân lớn lên cùng nhau, đặt trong một thế giới hư cấu giả tưởng. Còn trong Coco, hình tượng nhân vật và đất nước Mexico hiện lên sát với thực tế hơn, với những đặc điểm văn hóa rất cụ thể, như trang phục, ẩm thực, giọng nói và phong cách âm nhạc. Đặc biệt hơn cả, Pixar đã khắc họa một cách tỉ mỉ tài tình Lễ hội người chết của người Mexico vào bộ phim của họ, nó chỉ là bối cảnh cho câu chuyện của phim − như The Book of Life, − nhưng nó lại là chủ thể nổi bật nhất của phim, được miêu tả chân thực và sống động để rồi sau bộ phim bạn sẽ còn nhớ tới khá lâu, chứ không chỉ là bối cảnh nền bề nổi mà bạn có thể quên đi nhanh chóng như bộ phim kia. Đạo diễn và tác giả kịch bản của phim đã nhiều lần đến thăm, sinh sống ở đất nước Trung Mỹ này, để tìm hiểu một cách tường tận về văn hóa Mexico, họ trực tiếp chứng kiến lễ hội trong nhiều năm và gần như hòa mình vào đó. Với Coco, Pixar không chỉ làm ra một bộ phim mang tính giải trí đơn thuần, mà nó còn là một tác phẩm giá trị để tôn vinh nét đẹp văn hóa của người dân Mexico.

      Coco đã thật sự lay động trái tim tôi. Có lẽ đã lâu lắm không có bộ phim hoạt hình Mỹ nào khiến tôi xúc động nhiều như vậy, khi viết những dòng này bất chợt tôi nhớ về Up, bộ phim hoạt hình của Pixar đã khiến tôi rơi nước mắt vì cảm động − 8 năm trước, trái tim tôi khá nhỏ bé và mong manh.


      Nội dung phim xoay quanh Miguel, như một người dân Mexico chính cống, cậu bé 12 tuổi này rất yêu âm nhạc và vô cùng sùng bái thần tượng Ernesto de la Cruz, vốn là một diễn viên/ca sĩ nổi tiếng đã qua đời hàng chục năm trước đấy. Nhưng gia đình vốn có truyền thống làm nghề đóng giày của Miguel lại rất ghét âm nhạc, tất cả thành viên gia đình đều bị cấm đoán việc hát hò thậm chí là nghe nhạc, mà lý do sâu xa của việc này ngay từ phút đầu phim đã được Miguel tiết lộ một cách dí dỏm khi giới thiệu cả gia phả nhà mình^.^ Vào đúng ngày Lễ hội người chết, Miguel xung đột với cả gia đình mình cũng vì đam mê âm nhạc, và sau đó toàn bộ phim là chuyến hành trình tìm đường về dương gian của Miguel sau khi bị lưu lạc đến Vùng đất của người đã chết − một thế giới tráng lệ với hình thái tổ chức xã hội của những... bộ xương biết nói, biết ca hát và nhảy múa...


      Khoan đã, đoạn đến đây có gợi cho bạn chút quen thuộc nào không? Có làm bạn liên tưởng đến Spirited Away (hay còn được biết đến với cái tên không chính thức là "Vùng đất linh hồn" ở Việt Nam) của Studio Ghibli? Đấy là điều mà tôi đã ngờ ngợ từ lâu trước khi Coco chính thức ra mắt − khi tựa tiếng Việt được ghi là "Vùng đất linh hồn", có lẽ nhằm thu hút sự chú ý lúc đầu, (lưu ý là tên này đã bị xóa bỏ khi phim công chiếu chính thức ở Việt Nam, tựa tiếng Việt của phim không dịch mà vẫn giữ nguyên là Coco). Và đến khi ngồi xem phim thì cảm giác quen thuộc ấy chợt ùa về. Tìm hiểu một chút thì quả thật mình không hề nhầm lẫn: chính Harvey Jessup, người nắm giữ vai trò thiết kế sản xuất (production designer) của Coco, đã xác nhận trong một bài phỏng vấn, rằng bộ phim lần này của Pixar được lấy cảm hứng từ hai tác phẩm hoạt hình Spirited AwayHowl’s Moving Castle của đạo diễn Hayao Miyazaki.


      Cái hay nhất của Coco chính là thông qua chuyến hành trình thú vị lôi cuốn khán giả ấy để truyền tải câu chuyện xúc động và ý nghĩa về tình cảm gia đình, trong đó nổi trội nhất là tình cảm cha-con ấm áp tràn ngập yêu thương (với đoạn cuối phim khiến tôi vô cùng xúc động).

      ♫♫ "Remember me
      Though I have to say goodbye
      Remember me
      Don't let it make you cry" ♪♪

      "Remember me", "Hãy nhớ về cha", Miguel cất hát lên một cách tha thiết ngẹn ngào bằng cả tấm lòng hòa cùng với tiếng đàn guitar điệu nghệ, bài hát vốn được lặp lại nhiều lần trước đó, nhưng lúc này mới thật sự thể hiện hết ý nghĩa trong ca từ của nó, mới thật sự chạm đến trái tim tôi cũng như những khán giả lớn tuổi khác, có lẽ giọt nước mắt của ai đó đã rơi, còn tôi thì kiềm lại được.

      Chú ý: Đừng nghe video này nếu bạn chưa xem Coco


      Đánh giá: 8.5/10


      TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ:

      8.5/10
      Coco
      Pixar Animation Studios, Walt Disney Pictures
      7.5/10
      Loving Vincent
      Good Deed Entertainment, BreakThru Productions, hoạt hình Ba Lan - Anh
      ?/10
      The Breadwinner
      GKIDS, Cartoon Saloon, hoạt hình Ailen - Canada
      7/10
      Ferdinand
      Blue Sky Studios, 20th Century Fox
      6.5/10
      The Boss Baby
      DreamWorks Animation, 20th Century Fox


      DỰ ĐOÁN PHIM CHIẾN THẮNG:


      COCO


      HẾT


      Viết bài và BBcode: Katepesama




      Oscar 2018: Toàn cảnh cuộc đua của 26 bộ phim hoạt hình − Phân tích, đánh giá phim và dự đoán kết quả

      Kỳ 3: Đánh giá phim hoạt hình đề cử và Dự đoán kết quả

      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 25-02-2018 lúc 19:06.
      Trả lời kèm trích dẫn

    4. Không phải tự nhiên, với mình thấy nhắc tới hoạt hình thì chỉ là Disney, Pixar. Nhắc tới anime mới nghĩ tới các hãng khác. Quá phũ cho team JAV.
      Trả lời kèm trích dẫn

    5. #5
      Phù, trễ mất vài tuần so với dự định nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành xong bài này :thởphào:

      =====================

      * BBcode bài này có một số chỗ bị lỗi khi hiển thị trên theme Tết đỏ chói của forum (Lunar New Year).



      Cách khắc phục: đổi sang theme khác (kéo xuống cuối trang, chọn theme ở mục Thay Skin)



      * Sửa một vài lỗi chính tả.

      =====================

      Lễ trao giải Oscar 2018 (Academy Awards lần thứ 90) sẽ diễn ra ở nhà hát Dolby Theatre nước Mỹ vào lúc 20h ngày 04-03-2018 (tức 8h sáng ngày 5/3 theo giờ Việt Nam)
      Sửa lần cuối bởi Katepesama; 25-02-2018 lúc 19:14.
      Trả lời kèm trích dẫn

    6. #6
      Tham gia ngày
      28-11-2014
      Bài viết
      851
      Cấp độ
      435
      Reps
      21688

      bao năm nay phim Nippon có đc giải nào đâu, đã nặng tính thương mại thì giải nào cũng như giải nào, người mỹ ưu tiên hàng mỹ, thỉnh thoảng cho dăm ba cái phim ở đẩu ở đâu nhét vào cho có vẻ hàn lâm đíp đắc tí
      Trả lời kèm trích dẫn

    7. #7
      Cảm ơn đã chia sẻ
      Thẩm Mỹ Viện Sothic

      Chuyên điều trị mụn - nám - sẹo rỗ

      Website: https://biquyetdep.info
      Trả lời kèm trích dẫn

    8. #8
      Tham gia ngày
      13-11-2014
      Bài viết
      311
      Cấp độ
      1
      Reps
      28
      Trong các phim được đề cử thì chưa xem Breadwinner & Ferdinand. Dự là chỉ có Breadwinner mới dễ lật kèo Coco của nhà Disney vì Loving Vincent, dù mang tính "hàn lâm" và rất hợp khẩu vị của mấy ông bà cầm cân nảy mực của Oscar, lại có yếu tố sử dụng diễn viên nguời đóng (giới hạn trong một số đoạn). Cả Coco và Breadwinner đều có lợi thế là mang yếu tố chính trị và thời sự (với Coco là văn hóa Mexico, quốc gia lùm xùm nhiều nhất về nạn nhập cư trái phép vào Mỹ và là mục tiêu chính của chính quyền Donald Trump).

      Nhìn cái poster của Breadwinner mà cứ liên tưởng tới truyện Otoyomegatari, nghĩ ngợi phải chi có studio nào của Nhật cứng cứng tay, lấy nguyên câu chuyện của 2 nv chính trong bộ này (cô vợ Amir và "anh" chồng Karluk) viết gọn lại thành 1 kịch bản 90-100 phút rồi làm thành movie anime thì nhiều khi có cơ thắng Oscar ấy chứ
      Trả lời kèm trích dẫn

    9. #9
      Biết phim Coco qua gif con chó trên fb Mấy phim kia nhìn chán quá. Despicable me 3 mình xem rồi nhưng còn ko nhớ nổi nội dung nói về cái gì nữa này. Thất vọng, chỉ có phần 1 là hay nhất. Minions cũng chán.
      Trả lời kèm trích dẫn

    10. #10
      Archangel
      SP: 368
      Tham gia ngày
      22-08-2016
      Bài viết
      495
      Blog Entries
      2
      Cấp độ
      126
      Reps
      6299
      Loving Vincent thì xem được 30s phải tắt vì phim quá đặc thù, quá kén người. Coco thì 2/3 phim mình bị tra tấn bởi nhân vật chính và thái độ, ứng xử của câu ta. Trẻ con thì trẻ con, có những ranh giới không nên vượt qua. Được cái 1/3 cuối phim khá hấp dẫn. Breadwinner chưa xem. Xem qua thấy Angelina Jolie tham gia sản xuất thì đã thấy đậm màu sắc chính trị. E rằng khán giả phổ thông như mình sẽ thấy dội.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 17:11.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.