Bài viết này được lấy ý tưởng từ loạt bài bình luận Little Witch Academia của blogger ajthefourth trên trang formeinfullbloom.

Mình có tìm đọc một số cảm nhận, bình luận của fan về Little Witch Academia, có người khen ngợi chất lượng sản xuất của bộ phim, có người chê bai rằng câu chuyện nhiều khuôn sáo và phần nào trẻ con. Nhưng đặc biệt có cô blogger kể trên là đã khơi ra được một góc nhìn mới mẻ, để rồi đặt bộ phim dưới thứ ánh sáng hết sức ấm áp, thân thương. Mình chỉ đơn giản thấy chuyện hay ho thì muốn đem chia sẻ. Vì cô gái nọ cũng là blogger thần tượng của mình nên dĩ nhiên mình không ngại ngần giới thiệu toàn bộ loạt bài ấy (note: gồm 13 post bằng tiếng Anh). Còn ở đây mình chỉ đúc kết lại thành một bài viết, kèm quan sát và cảm nhận cá nhân (note 2: phần dịch tiếng Anh trong bài viết, nếu có, là do mình thực hiện).

Để bắt đầu thì mình cần nhắc lại một chút về sự ra đời của Little Witch Academia, vốn cũng gắn liền với những ngày đầu studio Trigger hoạt động. Nguyên thủy tựa anime này chỉ là một phim ngắn 20 phút, nằm trong chuỗi phim Anime Mirai được chính phủ Nhật tài trợ. Sau đó Little Witch Academia mở rộng thành một movie dài hơn năm 2015 do thành công của dự án Kickstarter, trước khi được định hình thành TV series 25 tập trong năm nay.


Đây là những tiến triển hết sức phấn khởi, nhưng vẫn bị chi phối bởi quy mô khiêm tốn ban đầu của Anime Mirai; nói cách khác, series Little Witch Academia không được đặt nền móng bằng một cốt truyện sâu sắc hay các nhân vật quá sức phức tạp (có vẻ các nhà làm phim không trù tính xa xôi đến thế). Thay vào đó, quá trình đi từ movie đến series là quá trình phát triển của một chủ đề, một ý tưởng, mà may mắn thay ta có thể tìm được chút gợi ý trong bài phỏng vấn đạo diễn Yoshinari Yoh trên Animestyle (2013):

Chúng tôi thảo luận về [ý tưởng] để quyết định hướng mình sẽ xử lý nó. Bởi Anime Mirai là một dự án nhằm nâng đỡ các hoạt họa viên trẻ, nên chúng tôi muốn xây dựng một câu chuyện theo đúng tinh thần ấy. Rồi chúng tôi tự hỏi sao mình không chuyển đổi câu chuyện về người hoạt họa viên non nớt thành một thứ gì khác. Thế nên ý tưởng đầu tiên là về một cô phù thủy tập sự.

[…] Chủ đề nói về một hoạt họa viên trẻ mới bước vào nghề, anh ta hết lòng ngưỡng mộ một bộ anime cô gái phép thuật về khuya mà – xin lỗi phải dùng từ này – rất hạ cấp. Thế là anh chàng bị mọi người xung quanh chế giễu
.
Không nghi ngờ gì nữa, người hoạt họa viên trẻ mà Yoshinari đề cập chính là nguyên mẫu của một Kagari Atsuko (Akko) xông xáo tìm đến thế giới phù thủy vì say mê tài nghệ của cô ảo thuật gia Chariot, để rồi vỡ lẽ ra trong thế giới này, mọi người đều coi khinh thần tượng của mình – tất cả mọi người – đều xem Chariot như một diễn viên tạp kỹ lố lăng, một trò đùa nhạt nhẽo.

Bất kể tiếng chê cười, Akko vẫn một lòng tin tưởng, hùng hồn khẳng định thiên tài Chariot, và giữ khư khư cây Shiny Rod (Claiomh Solais) “của Chariot” trong tay như một báu vật giúp mình gặp lại những phép màu ngày xưa. Trong tập 15 của TV series, Akko tìm gặp vị giáo sư mới là Croix để hỏi về tung tích Chariot, và cuộc đối thoại làm cho đôi mắt cô học trò ngấn nước, phải đưa tay lên quệt đi vì “Kể từ khi em đến đây học, cô là người đầu tiên nói lời khen Chariot”.


Little Witch Academia là câu chuyện về niềm tin và nguồn cảm hứng. Cũng tinh tế như Croix trong đoạn đối thoại trên, đạo diễn Yoshinari không phê phán cảm hứng của Akko, mà trái lại, bộ phim là cách ông khuyến khích các hoạt họa viên trẻ, “những Akko ở ngoài kia”, hãy nuôi lớn nguồn cảm hứng ban đầu để có thể đi đến những chân trời xa hơn, rộng lớn hơn trong cuộc sống.

Lấy nhà làm phim huyền thoại Miyazaki Hayao ra làm ví dụ, đạo diễn Yoshinari nói tiếp về ý tưởng nền tảng của anime Little Witch Academia:

Nhưng chúng tôi cũng muốn cho thấy rằng sự ngưỡng mộ đó là rất quan trọng. Có chuyện kể rằng Miyazaki Hayao đã gia nhập ngành công nghiệp phim hoạt hình cũng vì quá xúc động trước bộ phim Panda and the Magic Serpent.

[…] Về sau ông xem lại phim này rồi thất vọng vì thấy nó quá dở. Dù vậy, dù cho nó chẳng hay ho gì cho cam, vẫn không thứ gì thay thế được bộ phim trong lòng người khán giả ấy. Cái quan trọng là cảm xúc ta có được khi xem nó, và thực tế rằng ta ngưỡng mộ nó. Đó là chủ đề mà chúng tôi tìm kiếm.
Akko tương ứng với một nhà làm phim, và phép thuật tương ứng với ngành công nghiệp anime. Đây là góc nhìn mà mình muốn chia sẻ. Rất nhiều lần cụm từ “phép thuật” được nhắc đến trong phim, ta có thể linh hoạt thay nó bằng cụm từ “nghệ thuật”, hay hợp hơn nữa: “anime”. Cũng vì thế mà tuy bề ngoài Little Witch Academia giống một thứ hàng nhái Harry Potter, nhưng khi nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy thế giới phù thủy chỉ là cái vỏ ẩn dụ cho chủ đề mà bộ phim thật sự muốn truyền đạt.



Phép thuật đang chết dần. Những con người hiện đại đang mất dần niềm tin vào nó. Bộ phim bắt đầu với việc Akko được học viện Luna Nova chấp nhận cho vào trường, không phải vì Akko có dòng dõi phù thủy, cũng không vì Akko có tài năng thiên bẩm, mà chỉ vì Luna Nova đang lâm vào tình trạng thiếu hụt tài chính trầm trọng. Tình huống này khiến ta liên tưởng đến một ký ức của đạo diễn Yoshinari về thuở mới đầu quân cho studio Gainax:

Nói ra thì có hơi gay gắt, nhưng tôi đã mường tượng rằng hầu hết những ai vào độ tuổi của tôi đều rất tài năng, ấy vậy mà đa phần bọn họ chẳng có chút kiến thức tử tế gì về nghề hoạt họa viên, thật đáng thất vọng. Cảm giác như ngành công nghiệp anime không còn thu hút ai được nữa.

[…] Tôi nghĩ lý do chủ yếu là anime đã bị tẻ nhạt, hoặc đúng hơn, do phần đông mọi người bỗng nhiên không còn trông đợi gì ở anime nữa.
Học viện Luna Nova được quản lý bởi một ban giám hiệu lù đù, chán ngắt. Cô hiệu trưởng thì xuề xòa, còn cô giáo Finnelan thì cổ hủ, cố chấp, bám dính vào truyền thống một cách máy móc. Dàn giáo viên thiếu thực lực đến nỗi không ai đọc được ngôn ngữ cổ, để cho trường học bị nợ ngập đầu vì một giao ước với con rồng Fafnir, và cả trường phải lâm vào khốn đốn mỗi khi Hòn đá Phù thủy bị đe dọa. Sách lịch sử nhắc đến thời đại hoàng kim của phép thuật, nhưng từ sau sự thay đổi chóng mặt của thế giới, niềm tin vào phép thuật bị mất đi, nguồn phép thuật bị co rút lại chỉ còn ở một vài vùng đất nhỏ. Thậm chí, từ giáo viên Luna Nova cho đến phù thủy của dòng họ Cavendish danh giá đều phải khúm núm cầu cạnh trước sự khinh nhờn của giới chính trị gia như hai cha con Andrew.

Để phản ứng lại sự tụt dốc thảm hại đó, Little Witch Academia không cần một villain nào để chiến đấu, mà mục tiêu nó đặt ra cho các nhân vật là: Hãy phá vỡ dấu phong ấn Grand Triskellion. Hãy hồi sinh phép thuật.


Tiếp tục đà phân tích này, theo thiển nghĩ của mình, 7 câu thần chú mà Akko phải niệm chính là 7 lời khuyên đạo diễn gửi gắm đến những nhà làm phim trẻ.
  • Noctu Orfei Aude Fraetor: Những ai muốn đạt thành mơ ước đều phải trải qua nhiều gian khổ. Sẽ có lúc ta thất bại và mất dấu mơ ước ấy. Nhưng ta không bao giờ được phép để cho ngọn lửa trong tim tắt ngóm. Thổi bừng ngọn lửa ấy, và hãy vươn đến chân trời lý tưởng.
  • Phaidoari Afairynghor: Thứ ta chỉ mơ ước là thứ không thể nắm bắt, nhưng cứ phấn đấu để đạt đến nó, ngày qua ngày, rồi ta sẽ có nó trong tay.
  • Arae Aryrha: Đừng so sánh bản thân với người khác, hãy làm những việc chỉ mình ta có thể làm được.
  • Mayenab Dysheebudo: Để đi đến tận cùng, quan trọng là phải kiên nhẫn.
  • Sybilladura Lelladybura: Khi quyền năng của truyền thống dung hòa với hiện đại, cánh cổng dẫn đến một thế giới chưa từng thấy sẽ mở ra.
  • Lyonne: Hãy nói lời cảm ơn.
  • Phasansheer Shearylla: Kết nối với người khác, rồi mơ ước của ta sẽ lớn dần lên.

Cô phù thủy Akko – nhà làm phim trẻ – đã trải qua những thử thách để rèn luyện tâm tính, mà khí thế hừng hực chưa phải là tất cả, đôi khi cô còn phải kiềm chế và cần đến những khoảng lặng. Trong tập 16, Akko đối mặt với nhiệm vụ bào chế thuốc chẳng khác gì người đạo diễn cần dàn dựng một tập phim. Bất kể bị “deadline” dí sát đít, cô vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi hứng bông tuyết và lá cây rơi (và phân tuần lộc), rồi còn nhẫn nại dỗ dành một nghệ sĩ người tuyết hoàn thành nghệ phẩm (hãy liên tưởng đến một hoạt họa viên bị giao vẽ đi vẽ lại cho đến khi khung hình đạt chuẩn mới thôi).


Nếu đã quen với góc nhìn này, sẽ không lạ gì khi ta thấy TV series và movie Enchanted Parade về cơ bản có cùng một lối kết thúc: dùng đến sức mạnh niềm tin của cộng đồng. Khi nguồn phép thuật cạn kiệt, chỉ có niềm tin của mỗi người trên mặt đất mới góp thành một khối năng lượng cho phép Akko chiến đấu chống con quái vật nguy hiểm. Đây không phải là cách giải quyết gì mới mẻ, rất nhiều phim truyện đã từng áp dụng phương pháp này trước Little Witch Academia, nhưng đặt trong bối cảnh so sánh song song của bài viết nãy giờ, kết thúc của anime là cách để studio Trigger gửi lời tri ân đến khán giả. Chính khán giả, những người dám tin tưởng, là những người đã đem đến thành công rực rỡ cho dự án góp vốn cộng đồng Kickstarter và tạo điều kiện cho tựa anime đạt đến thành quả của nó hôm nay.

Để khép lại một chặng đường phim cam go, đội ngũ làm Little Witch Academia đã tung lên màn hình mọi phép thuật lung linh nhất trong tập 25, làm thành một trận chiến nghẹt thở và đầy biến hóa. Về mặt nội dung, đây là phép thuật mà các nhân vật đã giành lại được cho thế giới. Về mặt hình thức, đây cũng là phép thuật mà Trigger đã tái hiện lại cho khán giả chiêm ngưỡng. Một tập phim với những chuyển động thật mượt mà, thật đẹp mắt, không dám gọi là sâu sắc gì, nhưng nó đầy đam mê và ngập tràn hứng khởi.

Ở Little Witch Academia có cái đẹp thuần túy của hoạt họa để làm vui mắt người xem, để họ nở nụ cười, không nhằm phục vụ cho mục tiêu triết lý cao xa nào, nhưng nó đem lại niềm tin và cảm hứng, biết đâu rồi sẽ như phép màu của Shiny Chariot dẫn lối cho sự trưởng thành của cô phù thủy nhỏ Akko.


Little Witch Academia là một món quà cho các nghệ sĩ và cho khán giả. Bộ phim có Chariot du Nord trong vai một nghệ sĩ hết thời, tham gia “showbiz” và phải chịu áp lực làm mới liên tục những trò biểu diễn chiều chuộng thị trường, để rồi trong một nỗ lực tuyệt vọng muốn duy trì danh tiếng, Chariot nhắm bắn mặt trăng, làm mất đi phép màu của Claiomh Solais. Khi series diễn ra, Chariot chỉ còn là vai phụ truyền lại ngọn lửa của mình cho cô học trò Akko.

Akko, trích nguyên văn lời đạo diễn Yoshinari, “giống như người mới vào nghề vì đam mê nung nấu mà không có kỹ năng thực thụ, nên không thể đi nét sạch sẽ khi gia công hoạt họa; dẫu vậy cô vẫn dương dương tự đắc cho rằng mình có khả năng vẽ key frame rất tốt.” Đối lại với Akko là Diana, cô tiểu thư con nhà nòi thông thái và kín kẽ, được mọi người trọng vọng, cậy nhờ, cũng ấp ủ một mơ ước nhưng nhiều khi lại quá thận trọng và tự bó buộc mình.

Little Witch Academia còn có Lotte Yansson, người bạn mọt sách của Akko, giúp bao quát nốt vai trò của khán giả/người đón nhận, đối xứng lại vai trò của nghệ sĩ/nhà sáng tạo trong một bộ phim nhiều ngụ ý. Ở tập 4, series cho biết Lotte là fan cuồng của bộ tiểu thuyết Nightfall lâu đời, đến nỗi thuộc làu làu chi tiết và giành phần thắng trong cuộc thi kiến thức cho fan. Ở một khúc quanh không lường trước của câu chuyện, Lotte được giao kế tục bút danh Annabel để viết tiếp tác phẩm mà cô hằng yêu quý. Nhưng Lotte không muốn đặt mình vào vai trò sáng tác; trước sự ủng hộ của Akko, cô đáp lại:

Tớ hiểu tại sao Akko muốn giống Chariot, nhưng tớ chưa bao giờ muốn mình giống Annabel. Tớ không muốn làm những thứ giống như người mà tớ ngưỡng mộ làm. Cô ấy làm được những điều mà tớ không thể. Chỉ ủng hộ người khác thế thôi là tớ rất vui lòng rồi.


Nếu Shiny Chariot của Akko bị giới phù thủy chê cười, thì bộ tiểu thuyết làm Lotte đắm đuối cũng tựa hồ một mớ bòng bong. Là tựa truyện nhại lại Twilight, bộ tiểu thuyết Nightfall qua lời kể của Lotte vừa lủng củng dài dòng, vừa ngô nghê lộn xộn. Nhưng đó là khía cạnh kỳ khôi của cảm hứng, điều quan trọng nhất là tác phẩm đã khơi dậy cảm xúc gì trong ta, bất kể nhiều khi bản thân tác phẩm ấy không đạt đến tầm cao xuất sắc. Đôi khi ta gặp khó khăn, xấu hổ vì phải thừa nhận điều này, nhưng sự thật cảm hứng là một thứ gì đó mang đậm tính cá nhân, không cần phân biệt ngọn nguồn của nó là cao cấp hay hạ cấp. Cảm hứng nằm chìm ẩn trong một tiểu thuyết tình cảm ba xu, cũng như trong một kiệt tác văn chương kinh điển; nó xuất hiện trong bài hát trôi nổi online của một ca sĩ vô danh, cũng như trong một buổi hòa nhạc thính phòng sang trọng. Và chắc chắn, cảm hứng cũng có thể đến từ anime nữa.

Thế giới anime đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng dẫu có ở vào thời kỳ nào, nó cũng cần đến niềm tin để có thể làm nên những điều kỳ diệu. Người yêu quý anime có thể muốn tham gia sáng tạo anime, có thể không, song khả năng rất cao chúng ta nằm trong số những người đã chứng kiến được phép màu của phương tiện kể chuyện này, được phép màu ấy khơi dậy cảm xúc say mê khó tả. Little Witch Academia là món quà để studio Trigger và đạo diễn Yoshinari Yoh giúp lan rộng phép màu kỳ diệu, vươn xa rồi đánh thức thêm nhiều người hơn nữa. Bộ phim đáp lại tiếng lòng người hâm mộ, khi thế giới anime cần: Chúng ta không thể để phép màu biến mất.