oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > Các box về Anime > Thảo luận Anime >

Trả lời
Kết quả 1 đến 5 của 5
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. - Bình luận về các animation studios Nhật -

      - Bình luận về các animation studio ở Nhật -



      Bài viết này sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát về đa phần animation studio bạn thường hay gặp: từ đại gia, tên tuổi lớn đến những studio mới được thành lập và đang trên đà đi lên (không đề cập đến Ghibli và Comix Wave vì có lẽ ai cũng biết). Điểm mạnh, yếu, một số tác phẩm ấn tượng(chứ không phải tất cả) của mỗi studio và chút đánh giá của bản thân dựa trên kinh nghiệm, kiến thức mình thu thập được từ lúc bắt đầu biết đến anime.


      1/ Trước tiên là studio yêu thích nhất: Kyoto Animation. Đây là studio "lý tưởng" nhất ở Nhật với mô hình kinh doanh đột phá. Hãng luôn đặt 3 yếu tố chính lên hàng đầu, đó là "chất lượng, khán giả và nhân viên". Fun fact: KyoAni là studio có tỉ lệ thành công cao nhất: 90% các tác phẩm họ làm đều bán ra được hơn 3000 bản. Trong khi đó, Madhouse xếp gần chót với tỉ lệ thành công chỉ khoảng 20.6%. (source: https://goo.gl/rPgxd3 )
      KyoAni là số hiếm studio có khả năng làm tác phẩm chuyển thể chất lượng còn hơn hàng gốc nhờ vào chỉ đạo nghệ thuật. Và dù art gốc có xấu cỡ nào, vào tay họ đến gà vịt cũng hóa thành thiên nga. Thế mạnh của họ là về các tác phẩm lãng mạn học đường, hương vị cuộc sống. Bài phân tích đầy đủ về KyoAni tìm đọc tại đây: https://goo.gl/6cPeFN


      2/ Production I.G: một trong những ông lớn, có máu mặt trong ngành anime. Nổi danh với những tác phẩm cực kì chất lượng về mọi mặt với số vốn đầu tư khá cao, không ít trong số đó đã trở thành kinh điển như Ghost In the Shell, Patlabor ... Production I.G có nhiều phân khu, và WIT studio chỉ là một phân khu nhỏ của họ được tách ra để hoạt động "độc lập" nhưng vẫn có liên hệ tài chính trực tiếp đến I.G. Những sản phẩm họ làm rất đa dạng về thể loại. Thế mạnh: mọi mặt, từ chuyển thể đến original, tất nhiên thành công nhất vẫn là các tác phẩm giả tưởng và shounen. Một số tác phẩm đáng chú ý khác: Psycho Pass, Seirei no Moribito, xxxHOLiC, Usagi Drop, Jin-Rou ...
      Sắp đến I.G sẽ đảm nhận phiên bản remake của Ginga Eiyuu Densetsu, rất đáng để trông chờ.


      2.1/ WIT studio: được xem như là studio con của I.G, nhưng hãng lại thử sức với lối đi riêng. Nổi tiếng với Shingeki no Kyojin, do xuất thân từ I.G nên các kỹ thuật hoạt họa, chất lượng tác phẩm của WIT không hề kém cạnh với bất cứ studio nào trong ngành. Hiện nay, WIT đã bắt đầu tự lực hùng vốn trên cương vị NSX để tự tay nắm bản quyền và sản xuất tác phẩm riêng cho họ, Mahoutsukai no Yome sẽ là canh bạc lớn sắp đến. Thế mạnh là hàng chuyển thể với chất lượng cao, original thì hên xui.


      3/ Madhouse: đại thụ trong ngành, với số lượng đồ sộ các tác phẩm họ làm có thể sẽ khiến bạn ngưỡng mộ. Là studio có uy tín với chất lượng ổn định, thế mạnh là các bản chuyển thể trung thành với nguyên tác (HxH 2011, Tatami Galaxy, Death Note, Monster, etc) và những sản phẩm "original" độc đáo, mang phong cách riêng (Death Parade, Dennou Coil, Kaiba...). Tuy nhiên, chỉ có số ít anime họ làm là đạt lợi nhuận nên những năm gần đây số lượng hàng phong trào, chạy theo thị hiếu tăng mạnh do tình hình tài chính lận đận (Overlord, Mahouka, Alderamin, No Game No Life, etc). Quá khứ huy hoàng đấy nhưng nếu bạn là fan của những tác phẩm original họ làm thì tình hình tương lai ko mấy khả quan lắm. Dù vậy, họ vẫn đặt chất lượng lên hàng đầu. Madhouse có một "lời nguyền": anime họ làm không bao giờ ra season 2. Lời nguyền này dựa trên sự thật rằng phần lớn anime Madhouse thực hiện không có sequel, thực hư thì chỉ có số ít tác phẩm là may mắn được làm tiếp(Chihayafuru, Black Lagoon, Galaxy Angel, etc). Hiện nay, lời nguyền đang yếu dần bởi sequel của những tựa ăn khách như NGNL(movie), Overlord(movie) và đặc biệt là One Punch Man ss2.


      3.1/ MAPPA: được người sáng lập/NSX của Madhouse tách ra để thành lập, nên chắc bạn cũng đoán được thế mạnh của studio là gì: hàng original và chuyển thể trung thành với nguyên tác. Xu hướng kinh doanh cũng không khác lắm với Madhouse, NHƯNG, hãng chú trọng hơn trong việc mạnh dạng "làm liều" sản xuất các tác phẩm original như rage of bahamut(chỉ mượn hình ảnh nv game, plot và story là original), garo, zankyou no terror. Mới đây nhất, canh bạc mạo hiểm đã gặt hái được thành công cực lớn qua Yuri on Ice vốn đang làm bão trên BXH doanh số.


      4/ A-1 Pictures: ông lớn có đại gia chống lưng (Sony, Aniplex), với phương châm miệt mài vắt sữa, vắt nhiệt tình. Chất lượng lên xuống thất thường tùy phong độ và ... tiềm năng của "mặt hàng". Suy cho cùng họ vẫn là nhà "kinh doanh" có đầu óc. Có những tác phẩm làm cực tốt (space brothers, shigatsu, gin no saji, 7sins, working!, shinsekai yori, etc). Còn các bộ họ nhận đơn đặt hàng nhưng thấy không kiếm được tiền thì chỉ làm cho có lệ, qua loa (qualidea codes, denpa kyoushi, etc). Tất nhiên, nếu thấy món hời trước mắt thì họ chẳng ngại đầu tư mạnh như series idol im@s, Sword Art. Thế mạnh: chạy theo thị trường, tốt xấu lẫn lộn nên cần lựa chọn kĩ trước khi xem.


      5/ J.C Staffs: cũng có quá khứ lẫy lừng như Madhouse, đã có thời gian anime họ làm đạt phong độ và chất lượng ổn định (bakuman, nodame cantabile, toradora, honey & clover, etc). Nhưng hiện tại J.C lựa chọn lối đi an toàn với những tựa chạy theo thị hiếu (danmachi, shokugeki), đan xen là những bộ trời ơi đất hỡi. Dù gì lâu lâu, J.C vẫn không quên nhắc người xem rằng họ vẫn còn đó với số ít các anime chất như flying witch, amanchu.


      6/ Shaft: có thể xem như họ là một trong những studio thành công nhất hiện nay bên cạnh KyoAni, Sunrise, A-1. Đứng đằng sau là đạo diễn Shinbo, người đã huấn luyện nên đội ngũ đạo diễn đầy tài năng của riêng Shaft, và bên cạnh vẫn còn con gà đẻ trứng vàng monogatari đang hoạt động hết công suất. Chưa kể siêu phẩm movie thứ 4 của Madoka đang chực chờ ra mắt. Shaft vẫn đang khẳng định tên tuổi của mình trong ngành CN hiện nay qua tác phẩm chuyển thể cực kì xuất sắc 3gatsu no Lion, và sắp đến sẽ là Fate/Extra đình đám. Là số hiếm studio mang phong cách riêng bởi cái nghiêng đầu của nhân vật, đan xen là việc sử dụng gam màu tương phản, phong cảnh trừu tượng trong các cảnh quay. Một thương hiệu rất Shaft mà bạn không thể nhầm lẫn được. "Chất lượng, thành công, đột phá" - cũng như KyoAni, Shaft là hiện thân của những gì một studio thông thường hằng mơ ước. Hãng vẫn sẽ đứng vững trong những năm tháng sắp đến.


      7/ Bones: những siêu phẩm hành động chất lượng một thời đã tạo nên tên tuổi Bones (fullmetal alchemist, eureka 7, soul eater, darker than back, etc), công lớn nhờ vào bậc thầy về biên đạo võ thuật Nakamura. Tuy vậy, Bones đã có thời gian suy sụp về chất lượng lẫn tài chính vào giai đoạn cuối 2011~2014 (cảnh action trong soul eater not có lẽ sẽ vẫn là vết nhơ khó rửa lên danh tiếng của Bones: http://i.imgur.com/5TexUow.gifv ). Đến 2015 thì hãng hồi sinh mạnh mẽ với Kekkai Sensen, một sự trở lại đầy ngoạn mục, sau đấy là combo Mob Psycho và boku no hero academia. Bones đã quay trở lại đúng với sở trường của mình.


      8/ Ufotable: nếu studio là những con người thật sự thì có lẽ ufo đã chính thức kết hôn với Type-Moon <("). Màn song kiếm hợp bích của đôi uyên ương này luôn làm chao đảo cộng đồng. Ufo nổi danh trong việc kết hợp CGI vào hoạt họa truyền thống, tạo ra những kỷ xảo hiệu ứng đẹp mắt với chất lượng hoạt họa không hề kém cạnh. Tuy nhiên, các tác phẩm của Ufo chỉ đạt chất lượng "đồng đều" khi chuyển thể hàng của người tình TM (fate series, kara no kyoukai). Còn những thứ khác thì chỉ đẹp mắt thôi.


      9/ Sunrise: cũng như madhouse, họ là cây đại thụ trong ngành CN có mặt từ rất sớm, một trong những studio lớn nhất, giàu nhất trong ngành với chiến lược kinh doanh tài tình (là tập đoàn con của Bandai Namco). Các bộ họ sản xuất đã thay đổi phần nào bộ mặt của ngành CN và cả ... lịch sử, như mobile suit gundam ra mắt vào 1979 đã đem lại định nghĩa cho thể loại real-robot trong bối cảnh chiến tranh thực tế, cho đến ngày nay thì Gundam đã trở thành franchise lớn với khắp các fan trên toàn cầu. Thế mạnh là các sản phẩm mecha, scifi và ... idol, họ còn chuyển thể tựa shounen khá thành công là Gintama. Cũng như I.G thì những sản phẩm họ làm đều có chất lượng ổn định với số vốn đầu tư cao, kể cả những bộ trainwreck (Cross Ange was great). Animation, nhạc nhẽo hoành tráng, mechs được chăm chút kĩ lưỡng dù có là CGI. Sắp đến sẽ là siêu phẩm Code Geass ss3 đang chực chờ tạo bão, Sunrise như một cỗ máy in tiền không ngừng nghỉ.


      10/ Gainax: một trong những studio danh tiếng với siêu phẩm NGE đã định hình lại ngành CN anime, viết nên lịch sử mà những ảnh hưởng của tác phẩm vẫn còn rõ cho đến ngày hôm nay. Sở trường là những tác phẩm original mang tính độc đáo và khá "dị" (FLCL, gunbuster, panty & stocking). Nhưng hiện nay, Gainax chỉ đang sống vật vờ sau cái bóng quá lớn hãng đã tạo dựng. Hỡi ôi, thời hoàng kim nay còn đâu? Gurren Lagann sẽ luôn được nhớ như là ngôi sao sáng trên bầu trời đã chính thức khép lại quá khứ huy hoàng của Gainax. Hãng là minh chứng cho mô hình kinh doanh và chiến lược đường lối thất bại (nhất là trong việc đối xử với nhân viên), sụp đổ dưới sức nặng của chính danh tiếng. Tương lai? Mù mịt và tăm tối.


      10.1/ Studio Khara: được thành lập bởi đạo diễn Anno Hideaki (cựu nhân viên của Gainax, đạo diễn NGE) với mục đích chính là remake siêu phẩm NGE dưới hình thức movie. Tất nhiên đây vẫn là studio "hoàn chỉnh", đảm nhận các công việc gia công cho rất nhiều tác phẩm lớn. Tuy vẫn còn bắt tay hợp tác với Gainax đấy, nhưng mối quan hệ của Anno không mấy mặn mà. Vừa rồi là scandal Gainax không chịu trả tiền nợ và lợi nhuận cho Khara: https://goo.gl/UoYBKq


      10.2/ Studio Trigger: được thành lập bởi cựu nhân viên Gainax, một lần nữa như giọt nước tràn ly đánh mạnh vào danh tiếng của Gainax khi những nhân viên tài năng bất đồng về đường lối hoạt động mà bỏ đi lập studio riêng. Trigger đã có sự khởi đầu ấn tượng với một project được chính phủ tài trợ(anime mirai) là little witch academia, sau đó nhờ vào số vốn thu được từ kickstarter, hãng đã làm tiếp movie nữa cho LWA và nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả và các nhà phê bình. Đang trên đà thành công, Trigger lại tiếp tục dội bom với siêu phẩm Kill la Kill làm chao đảo cộng đồng, chứng minh sự đột phá về mặt ý tưởng, phong cách không hề kém cạnh Gainax trong những năm tháng huy hoàng. Ngày ấy và bây giờ? Studio vẫn đang chứng minh vị thế của mình trong ngành với tác phẩm dài tập đang công chiếu LWA, như để khẳng định: những tinh hoa của Gainax đã hồi sinh qua Trigger nhưng với bước đi đúng đắn hơn.


      11/ P.A Works: được thành lập vào năm 2000, nhưng đến 2008 mới sản xuất tác phẩm đầu tiên là True Tears. P.A Works nhanh chóng tạo chỗ đứng trên thị trường và cả trong cộng đồng người hâm mộ qua các tác phẩm có mặt hình ảnh, đồ họa ấn tượng, với chất lượng art/animation được đầu tư tỉ mỉ, nhất là cảnh nền không hề thua kém các studio tên tuổi hàng đầu. Vào 2010, hãng đã tạo ra cơn bão Angel Beats! thống trị BXH nhiều mùa (original với sự hợp tác của Jun Maeda – writer của Key). Trên đà thắng thế, Hanasaku Iroha và Tari Tari là những anime theo sau khẳng định nên thương hiệu của P.A. Dần dần, họ tìm ra thế mạnh và phong cách của mình qua thể loại anime tình cảm học đường(chèn love-polygon, drama nhẹ), pha chút yếu tố giả tưởng (Nagi no Asukara), hương vị cuộc sống và đặc biệt là phổ biến hơn thể loại work com cùng cute girls qua original Shirobako (thắng lớn và được đón nhận trong lẫn ngoài nước), nếu bạn thích tìm hiểu về ngành CN anime thì Shirobako là tác phẩm không thể bỏ qua. Anime họ làm đa phần đều đạt chất lượng khá tốt, duy chỉ có 2 anime mình khuyên nên tránh là Glasslip và RDG. Cần nói thêm, P.A Works là một trong 3 studios hàng đầu (cùng với Ufotable và Kyoto Animation) trong lĩnh vực tích hợp CGI vào 2D animation.


      12/ Studio Pierrot: một cây đại thụ nổi danh với những sản phẩm mainstream phổ biến thế giới như Naruto, Bleach, Yu Yu Hakusho và rất nhiều anime dài tập khác với số lượng không hề kém cạnh Madhouse … nhưng chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi chuyển thể khá tệ, trộn nhiều fillers. Và hẳn đa phần khán giả đều quá quen thuộc với thảm họa Tokyo Ghoul RootA. Tuy vậy, Pierrot vẫn sở hữu số ít các tựa chất lượng như Onizuka, Osomatsu-san, Akatsuki no Yona, Emma: A Victorian Romance,etc. Nhìn chung, nên tránh xa, chỉ xem khi đã chọn lựa thật kĩ hoặc nếu bạn là fan của mainstream và không ngại filler.


      13/ Toei Animation: vâng, nếu xét đến tầm vóc và bề dày lịch sử thì Toei là animation studio có mặt sớm nhất (mà đến giờ vẫn còn hoạt động), là cái nôi của ngành công nghiệp. Là ngôi nhà đầu tiên của Osamu Tezuka cho đến Hayao Miyazaki và những tên tuổi huyền thoại khác. Nắm trong tay khối tài sản khổng lồ với lợi nhuận đến cả Ghibli, Sunrise, TMS Entertainment cũng không thể sánh được. Mà thôi, quay trở lại studio, cũng như Pierrot thì họ nổi tiếng với những sản phẩm mainstream shounen phổ biến cả thế giới như One Piece, Dragon Ball, Slam Dunk và những anime phục vụ thiếu nhi. Bạn có thể pick Mononoke, Kuuchuu Buranko hoặc số ít non-mainstream anime hiếm hoi khác (nhưng chất lượng) nếu bạn tìm ra <(“). Nếu không quan tâm mainstream mà chỉ chú ý đến late-night anime thì chẳng cần chú ý đến Toei làm gì.


      14/ White Fox: tuy chỉ mới được thành lập cách đây vỏn vẹn 10 năm, nhưng White Fox đã nhanh chóng đưa tên tuổi của mình lên hàng ngũ lão làng, dày dặn kinh nghiệm với các siêu phẩm như Katanagatari, Steins;Gate (một trong những tác phẩm chuyển thể xuất sắc nhất sau 2010) , Hataraku Maou-sama. Những anime họ làm có tỉ lệ thành công cao, đa dạng về thể loại. Từ giả tưởng, chiến tranh, hài hước, cổ xưa cho đến moe show (GochiUsa). Khả năng tạo hit rất lớn, gần đây nhất là Re:Zero đã cuốn đi cộng đồng năm ngoái. Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những bộ thất bại như Akame ga Kill (they butchered my favourite manga T_T ), Utawarerumono ss2, Soushin Shoujo Matoi. Grimoire of Zero đang công chiếu cũng không thật sự tạo ấn tượng lắm. Phong độ sẽ là yếu tố quyết định cho danh tiếng và vị trí của White Fox bên cạnh các đàn anh trong tương lai. Studio đã cho thấy khả năng chuyển thể với chất lượng sánh ngang các studio tên tuổi hàng đầu . Sắp đến, siêu phẩm Steins;Gate 0 sẽ là một thử thách nữa trên chặng đường trước mắt. Liệu White Fox có lập lại được kì tích như họ đã làm trước đó? Hãy cùng chờ xem. Tương lai sáng sủa đang chào mừng họ.


      15/ DEEN: là studio rất nhiều người ghét kể từ khi anh bị ntr… Erm, từ khi Ufo và Type-Moon cho ra mắt đứa con cưng Fate/Zero. Anh bị trở mặt đến nỗi người tình xưa TM chả thèm nhìn mặt, bỏ đi FSN của DEEN trên dòng thời gian ăn mừng sinh nhất lần thứ 10 của Fate franchise (source: https://goo.gl/qkQv65). DEEN đã có quá khứ huy hoàng với số lượng anime không hề kém cạnh các studio đại thụ. Trong số đó nổi bật là Rurouni Kenshin (Tsuioku-hen là 4 OVA bạn không thể bỏ qua, rất hay), Higurashi, Maria-sama, Hell Girl, etc. Hiện nay, DEEN vẫn có khả năng tạo hit như đã thể hiện với Konosuba. Đặc biệt là tác phẩm chuyển thể Shouwa Genroku - theo ý kiến cá nhân thì đây là một trong những tuyệt tác hay nhất DEEN từng làm bên cạnh Kenshin Tsuioku-hen, và một trong số ít tuyệt phẩm sau 2010. Hell Girl season4 sẽ là anime đáng để mắt trong thời gian sắp đến. Bạn có thể dè chừng, nhưng hãy cho DEEN một cơ hội.


      16/ Diomedea: thuộc thế hệ các studio mới, nhưng rất tiếc những anime họ làm vẫn chưa tạo được ấn tượng mạnh như White Fox (dù được thành lập sớm hơn 2 năm). Cũng như A-1 Pictures, Diomedea là studio thích đón đầu và chạy theo xu hướng thị trường. Trong số đó có anime ăn khách KanColle được chuyển thể từ game, các anime đáng chú ý khác là Mondaiji, Ika Musume, Girlish Number, Nogizaka Haruka… Tất nhiên vẫn chưa có tác phẩm nào được đánh giá cao trong mắt cộng đồng. Thế mạnh: hàng chuyển thể thị trường nhưng chỉ có số ít là chất lượng. Nên duyệt kĩ trước khi xem để tránh phí thời gian. Có thể xem như anh là bản sao của A-1 nhưng tệ hơn .


      17/ Dogakobo: tuy đã có mặt từ khá lâu với tuổi thọ còn lâu đời hơn Ghibli (không nói chắc chả ai tin) nhưng chỉ 5 năm trở lại đây tiếng tăm của Dogakobo mới phổ biến đến nhiều người. Giai đoạn đầu là studio gia công, trong những năm gần đây họ đã có sự lột mình và chuyển biến mạnh trong hàng ngũ nhân viên, trẻ trung và năng động hơn. Từ đấy phong cách của họ cũng thay đổi theo. Nếu như Kyoto Animation đã có thời gian độc chiếm thị trường comedy, SoL, moe, CGDCT thì giờ đây Dogakobo được xem như là đối thủ đáng gờm nhất của họ. Thế mạnh của Dogakobo là những moe show hài hước, giải trí, hương vị cuộc sống (SoL) với chất lượng animation mượt mà, uyển chuyển, nét art và màu sắc tươi tắn dễ nhìn (Yuru Yuri, New Game, GJ-Bu, Mikakunin de Shinkoukei, etc), sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến Gekkan Shoujo Nozaki vốn được cộng đồng nhiệt liệt đón nhận.


      18/ Manglobe: Gainax tuy thất bại trong đường lối phát triển, nhưng ít nhất họ vẫn còn NGE cùng Gurren Lagann để làm phao cứu sinh (NGE đến giờ vẫn còn đẻ ra lợi nhuận). Manglobe thì lại không được may mắn như thế. Lí do rất đơn giản: tất cả những sản phẩm họ làm đều không hề tạo ra lợi nhuận. Chỉ có 2 trong 14 series sản xuất có số sales trên 3000 với tỉ lệ thành công là 14.3%. Số ít tác phẩm original nổi bật của họ là Samurai Champloo, Ergo Proxy (sales 2 bộ này đều cực thảm). Các show đáng chú ý khác là Michiko to Hatchin, Saraiya Goyou, Gangsta. Manglobe đi đến phá sản vào năm 2015. Thế mạnh: original, chuyển thể non-mainstream.


      19/ Satelight: là một cựu binh đã tạo ra chỗ đứng trong ngành với lượng fan trung thành dồi dào. Fan họ thì lại có taste rất … riêng biệt: thích xem idol hát hò trong vòng lửa đạn với những cỗ máy chiến đấu không ngừng nghỉ. Yeap, nổi bật là franchise Macross và Symphogear. Thế mạnh: mechs dung hợp với idol. Đôi khi cũng có vài show chuyển thể tốt (Log Horizon ss1, White Album 2, Sukasuka, Ikoku no Croisee), original bạn có thể check: Noein. Tóm lại, cần kiểm duyệt xem có hợp taste không rồi hẵng xem. Nếu dính taste rồi thì sẽ cuồng (I knew some die-hard symphogear fans, dudes are insane).


      19.1/ 8-bit: ex-staff của Satelight tách ra thành lập. Vẫn có quan hệ hợp tác với Satelight nhưng đa phần chỉ sản xuất anime chạy theo thị trường (Infinite Stratos, Absolute Duo, etc). Hàng chuyển thể phần lớn khá tệ, không hy vọng gì nhiều (nhất là Rewrite). Một số ít thuộc dạng tạm tạm (Tokyo Raven, có lẽ là Grisaia nhưng mình ko enjoy show này lắm). Nên tránh xa.


      19.2/ GoHands: ex-staff Satelight tách ra thành lập (2008), thế mạnh là fanservice anime với đồ họa chất, có đầu tư mạnh (Princess Lover, Seitokai Yakuindomo). Ngoài ra họ cũng tạo ấn tượng tốt với series K qua art/animation không thua kém những studio hàng đầu, ít nhất là cho đến khi … Hand Shakers ra mắt, đây là show có những kỹ thuật hoạt họa vượt bật mang lại cho người xem những cảm giác rất Yomost như chóng mặt, nhức mắt, buồn nôn, đến cả Ufo cũng ko thể bắt chước. Anime chuyển thể duy nhất của họ bạn nên chú ý: Mardock Scramble, nếu bạn xem được sex jokes thì Seitokai Yakuindomo không phải là lựa chọn tồi.


      20/ Silver Link: thành lập cùng lúc với White Fox và đã gặt hái được khá nhiều thành công trên thị trường. Thế mạnh là các sản phẩm chuyển thể (Fate Illya, Baka to test, Non Non Biyori, Kokoro Connect, Rakudai). Tất nhiên trong số đó hàng chuyển thể kém cũng không ít. Nhưng những bộ được đầu tư mạnh thì chất lượng duy trì ổn định, và nếu thành công thì khả năng ra sequel cũng không thấp. Phương châm của hãng: loli rules the world.


      21/ Brain’s Base: Một trong những studio bạn có thể yên tâm về chất lượng chuyển thể ... trong quá khứ bên cạnh những studio tên tuổi khác (Madhouse, I.G, KyoAni, Shaft, etc). Hãng đã có những tác phẩm khẳng định danh tiếng trong quá khứ như Durarara, Hotarubi no Mori e, Spice and Wolf, Natsume Yuujinchou, etc. Thế mạnh là sản phẩm chuyển thể với chất lượng ổn định, đầu tư mạnh tay. Brain’s Base sẽ tiếp tục là studio mình yêu thích nếu như … vâng, NẾU NHƯ Brain’s Base không đổi hứng mà đi chuyển thể fujoshi baits quá nhiều trong mấy năm gần đây. Servamp, Cheer Danshi, Enride, Aoharu x Kikanjuu … Lời khuyên: nếu có xem thì hãy chọn những anime chuyển thể từ 2014 trở xuống (D-Frag, Isshuukan Friends, Bokura wa Minna, etc).


      21.1/ Studio Shuka: dàn staffs của Brain’s Base tách ra lập studio riêng với mục đích làm tiếp Durarara, và có vẻ họ đã lựa chọn hướng đi riêng cho mình như Trigger đã làm với Gainax. Đây có thể xem như lời giải thích vì sao thời gian gần đây Brain’s Base lại chỉ đi adapt fujoshi baits … Hmm, thôi tốt nhất là ko nên vội suy luận khi chưa có căn cứ trong tay. Shuka do chỉ mới thành lập nên sản phẩm ban đầu (nhất là Durarara Shou, Ten, Ketsu) có animation và art khá thảm hại dù lối chỉ đạo không đến nỗi nào. Nhưng Shuka nhanh chóng cho thấy khả năng của họ qua bộ original đầu tay “tương đối” chất là 91 Days. Hiện là studio nắm tiếp quyền chuyển thể Natsume, hy vọng trong tương lai họ sẽ mở rộng thêm các tựa mới.


      22/ feel. : được ex staffs của Pierrot thành lập, thời gian ban đầu là gia công nhưng sau đó feel nhanh chóng tham gia sản xuất anime trực tiếp (đa phần là hàng chuyển thể từ VN vd như series Da Capo, Yosuga no Sora đầy tai tiếng, etc). Tuy vậy, feel cuối cùng cũng chiếm lấy cảm tình người xem với tác phẩm chuyển thể khá thành công là Yahari Ore Zoku (ss2). Tsuki ga Kirei là một original khác mới đây cũng đáng chú ý đến. Trong thời gian gần đây, có những anime họ làm rất được chăm chút đầu tư (Kono Bijutsubu là vd). Mayo Chiki, Outbreak Company có thể là những tựa khác bạn sẽ thích. Với những gì feel thể hiện thì thành công nhất vẫn là thể loại hài hước, tình cảm học đường(rom-com) kèm chút drama nhẹ, hy vọng họ sẽ tiếp tục con đường này.


      23/ Polygon: thành lập từ rất sớm nhưng chỉ gần đây họ mới bước chân vào lĩnh vực sản xuất anime chính thức dưới tư cách là 3D CGI studio trong ngành. Tuy CGI trong anime không được coi trọng lắm nhưng qua Sidonia no Kishi, Ajin và gần đây nhất là movie Blame!, studio Polygon đã chứng minh vị thế và thay đổi suy nghĩ của không ít khán giả, lẫn người trong ngành về 3D animation trong anime. Ngoài ra, họ còn là studio muốn đi tiên phong trong công cuộc thay đổi guồng máy hoạt động truyền thống nhưng cũ kĩ của studio Nhật. (source: https://goo.gl/MijKi6). Thế mạnh là sản phẩm giả tưởng, kỹ xão hiệu ứng CGI và mô hình người không thua gì vẽ tay 2d truyền thống(http://imgur.com/nKROOlr).


      24/ David production: thuộc thế hệ các studio mới cùng lúc với White Fox, Silver Link nhưng mãi đến khi chuyển thể JoJo mới tạo được ấn tượng trong cộng đồng fan. Tuy cũng có một số anime chuyển thể tốt (Inu x Boku, Ben-to, Planetarian, etc) nhưng chất lượng nhất vẫn là JoJo và memes.


      25/ studio 3Hz: studio mới thành lập không lâu nhưng các sản phẩm họ làm có chất lượng art và animation cực kì uyển chuyển, thể hiện qua Sora no Method và Dimension W. Flip Flappers là sản phẩm gần đây nhất tạo khá nhiều ấn tượng trong cộng đồng quốc tế với phong cách, nghệ thuật ẩn dụ và khả năng sáng tạo không hề kém cạnh old Gainax (có người đã viết đến 50 trang words để phân tích hết show này ¯\_(ツ)_/¯ ). Tuy nhiên, cả 3 bộ anime này đều không đạt được mấy thành công về mặt doanh thu, khá tiếc. 3Hz là cái tên nên chú ý về sau nếu bạn thích original độc đáo và mới lạ. Chỉ hy vọng họ sẽ không đi theo bước xe đổ của Manglobe.


      26/ Xebec: tuy cùng chung “chủ” với Production I.G, nhưng hoạt động độc lập. Xebec nổi tiếng với những bộ ecchi, fanservice như To Love Ru, Love Hina, Shuffle. Họ có hợp tác sản xuất số ít các tác phẩm chất như Uchuu Senkan Yamato 2199, Break Blade movies (nếu ko quan tâm đến ecchi fanservice show thì pick 2 bộ này là đủ).


      27/ Actas: được thành lập từ lâu nhưng chỉ gần đây họ mới nổi lên với cơn bão Girls Und Panzer độc chiếm BXH nhiều mùa. Actas đã tìm ra vũ khí hủy diệt của mình. Điểm mạnh: loli và xe tăng, CGI mát mắt, lửa đạn um sùm hoành tráng. Điểm yếu: hay delay, không chiếu đúng thời hạn.


      28/ Gonzo: được cựu staff của Gainax tách ra và thành lập (1992), Gonzo xây dựng danh tiếng qua những anime chuyển thể chất lượng cao (Welcome to the NHK, Gankutsuou, Bokurano, Chrono Crusade, etc). Original họ làm cũng đạt được nhiều bình luận tích cực từ giới phê bình (Last Exile, Kaleido Star, Afro Samurai, etc). Tất nhiên vẫn không thiếu các anime theo thị trường, fanservice (Rosario, Strike Witches, etc). Họ đã trải qua khủng hoảng tài chính vào 2008 nên chất lượng về sau khá thảm, ít mạo hiểm làm original. Hiện nay cũng như Gainax, Gonzo chỉ là cái bóng vật vờ của một quá khứ lẫy lừng. Thế mạnh là hàng chuyển thể non-mainstream, original. Nên tránh xem các anime sản xuất gần đây. Tương lai của Gonzo khá ảm đạm trong năm tháng sắp đến.


      28.1/ Studio Gokumi: được cựu staff của Gonzo tách ra thành lập(2010). Thế mạnh là hàng chuyển thể về moe, cute girls, mahou shoujo và … suffering (YuYuYu, Kiniro Mosaic, A-Channel, Saki, etc). Cũng như Dogakobo, White Fox và Silver Link, studio Gokumi muốn sở hữu một phần của miếng bánh ngọt KyoAni đã độc chiếm bấy lâu trên thị trường.


      29/ Lerche: thuộc nhóm thế hệ studio mới thành lập, tạo ấn tượng qua anime chuyển thể gây hit Assassination Classroom và Carnival Phantasm (series parody của Fate). Hãng đã cho thấy khả năng chuyển thể tốt với Kuzu no Honkai nhưng vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công lắm về mặt tài chính ngoài trừ Monster Musume. Thế mạnh: mainstream thị trường và ecchi, fanservice anime.


      30/ AIC: được thành lập từ 1982, là một đại thụ trong ngành. Đảm nhận gia công cho nhiều anime trong quá khứ và sản xuất trực tiếp anime. Họ đã có thực hiện một số tác phẩm xuất sắc như Uchuu Senkan Yamato 2199 (làm cùng Xebec), Isekai no Seikishi Monogatari; Ima, Soko ni Iru Boku. Đây là studio khá lớn, có nhiều chi nhánh khác nhau (Asta, Build, Classic, Digital, PLUS+, etc) nhưng đa phần các anime AIC làm chỉ chạy theo xu hướng thị trường nên không nổi bật lắm. Tất nhiên vẫn có vài anime quen thuộc với khán giả như Ah! My Goddess, Amagami SS, Acchi Kocchi, etc. Chỉ nên pick những bộ “top” của họ để xem.


      30.1/ Production IMS: được thành lập bởi cựu staff của AIC (2013), thế mạnh là hàng chuyển thể fanservice, LN thị trường (Date a Live, Hundred, Shinmai Maou). Nhưng chỉ có số ít với chất lượng tạm được (Inari konkon, Joukamachi Dandelion). Nếu như Actas có loli và tank, thì loli và battleship là chiêu bài khá thành công của IMS (Haifuri). Nếu bạn không thích LN thị trường hoặc không có “niche taste” thì nên tránh xa IMS.


      31/ TMS Entertainment: thành lập từ khá lâu nhưng đến 2000 mới đổi thành tên hiện giờ. Cũng như Pierrot, Toei thì TMS được biết đến với các mainstream anime phổ biến như Conan, Yowamushi Pedal, Lupin, D-gray man. Gần đây có lấn sân sang anime theo mùa nhưng chưa tạo được ấn tượng nhiều ngoài trừ ReLife. Không cần bận tâm gì về studio này, cứ biết hễ chuyển thể mainstream và kid shows thì luôn giàu là được.


      32/ Liden films: thuộc thế hệ studio mới nhưng đã nhanh chóng … xua đuổi người hâm mộ với các bản chuyển thể siêu í ẹ (Terra Formas, Arslan Senki và đặc biệt là series Berserk mới). Khả năng CGI nếu so với Polygon Pictures và Ufo thì chỉ là dạng tôm tép vì vừa xấu vừa cứng mà chất lượng chẳng ra gì. Vẫn có số ít anime chất lượng trung bình như New Initial D (movies mới), Yamada & 7 Witches, Akashic Records nhưng đa phần bạn nên tránh xa.


      33/ Troyca: studio mới thành lập, đã khuấy đảo cộng đồng với tàu tốc hành … trật đường ray là Aldnoah.Zero. Gần đây Re:Creators cũng đang mang lại khá nhiều ý kiến trái chiều. Nhìn chung, tuy chỉ mới thực hiện có 3 anime(vào thời điểm bài viết) nhưng sản phẩm họ làm đều được đầu tư kĩ lưỡng về mặt hình ảnh, chất lượng hoạt họa, âm thanh chứng minh số vốn khá cao. Duy chỉ có mặt nội dung cần phải cải thiện nếu như họ muốn tìm chỗ đứng cho mình trong cộng đồng fan hâm mộ.


      34/ Tatsunoko Production: lão làng trong ngành, quá khứ đã sản xuất anime trong những thập niên đầu tiên khi ngành CN mới thành lập, sau này họ tham gia hợp tác trong các sản phẩm ăn khách như Macross đời đầu(hợp tác với Artland), NGE (gia công cho Gainax), etc. Hiện nay Tatsunoko Production chủ yếu thực hiện kid shows và mainstream shounen dài tập, họ có thực hiện số ít anime theo mùa nhưng đa phần là thảm họa (PsychoPass ss2). Số ít tác phẩm bạn có thể pick: Ping Pong, Yozakura Quartet.


      35/ Artland: một studio gạo cội trong ngành với 2 cực phẩm kinh điển là Legend of the Galatic Heroes và Mushishi. Vâng, bạn chỉ cần biết nhiêu đó thôi T_T, nói thêm đau lòng.


      36/ Kinema Citrus: được thành lập vào năm 2008 bởi một số cựu staffs từ Bones và I.G. Tuy đảm nhận công việc gia công là chủ yếu nhưng họ đã có một sản phẩm tự chuyển thể rất xuất sắc là Barakamon. Sắp đến sẽ là Made in Abyss trình chiếu trong năm nay, nhìn có vẻ triển vọng. Nhưng đây là studio bạn không cần phải bận tâm.

      -Written by v4v-



      Sửa lần cuối bởi vforvendetta; 22-06-2017 lúc 11:23.
      Trả lời kèm trích dẫn

    2. #2
      "Ufotable những thứ khác thì chỉ đẹp mắt thôi." Vào tay anh các em sẽ đẹp từ A tới Z đẹp từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đủ để các em đi tiếp khách hốt tiền nhé.
      Trả lời kèm trích dẫn

    3. #3
      Tham gia ngày
      28-11-2014
      Bài viết
      851
      Cấp độ
      435
      Reps
      21688

      Các Studio sống khỏe sống tốt là nhờ có project nổi tiếng, mainstream hoặc ông lớn chống lưng

      Còn lại muốn tồn tại chỉ còn cách là tạo dấu ấn riêng như thằng Kyo Ani, Trigger hoặc là bán sống bán chết bám vào thị hiếu.

      AIC 3 năm trở lại đây không có PJ anime nào mới, khả năng cũng đang khó khăn và phải tinh giản nhân lực lại, tương lai chắc sẽ theo gót Gonzo, tệ hơn là MAglobe )

      Anh Deen năm nay thì lại sung mãn, cả năm thực hiện đến gần chục Pj :o
      Trả lời kèm trích dẫn

    4. #4
      Tham gia ngày
      30-04-2016
      Bài viết
      10
      Cấp độ
      1
      Reps
      0
      Madhouse dạo gần cũng bắt đầu bớt "điên" mà cho ra mấy bộ ss2 rồi, chắc tương lai của mấy bộ "original" sẽ sáng sủa hơn.

      Mong vậy
      Trả lời kèm trích dẫn

    5. #5
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 15:28.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.