Sủi cảo Nhật Bản Gyoza: Quen mà lạ



Sủi cảo là một món ăn vô cùng quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta. Ngoài ra, sủi cảo (gyoza) cũng là món rất được ưa chuộng tại Nhật Bản.

Sủi cảo Gyoza là món ăn rất dễ dàng được tìm thấy tại các tiệm mì ramen, nhà hàng Trung Hoa hay tiệm izakaya. Tùy theo khẩu vị và sở thích của thực khách, Gyoza thường được chế biến theo 3 loại phổ biến nhất, đó là : Yaki Gyoza (sủi cảo áp chảo), Sui Gyoza (sủi cảo nước) và Age Gyoza (sủi cảo chiên), ngoài ra còn có Gyoza phô mai.

Sủi cảo với đủ hương vị, đủ hình dáng luôn được bày bán khắp nơi trên cả nước, đặc biệt là ở các khu phố Người Hoa. Ngoài ra, sủi cảo cũng là món rất được ưa chuộng tại đất nước Nhật Bản.


Sủi cảo Gyoza bắt nguồn từ món sủi cảo chính thống của Trung Hoa, gồm nhân thịt hải sản và rau băm nhỏ, gói lại bằng vỏ bột mì rồi đem hấp chín. Qua thời gian, Gyoza “phiêu bạt” đến Nhật Bản, được cải biên sao cho phù hợp với khẩu vị người dùng và dần dần trở thành món ăn vô cùng quan trọng trong nền ẩm thực xứ sở mặt trời mọc.


Sự khác biệt nổi bật nhất trong phong cách ẩm thực Nhật Bản và Trung Quốc là nhờ vào hương vị tỏi tươi được sử dụng trong Gyoza. Với lớp vỏ béo ngậy bao trùm lên hỗn hợp thơm ngon gồm nhân thịt heo, tỏi, bắp cải, hẹ, gừng… rồi chấm vào nước tương chấm đặc biệt (sốt tare pha giấm hoặc sa tế rayu), sủi cảo Gyoza đã thực sự chiếm được rất nhiều cảm tình của các thực khách khó tính nhất.

“Anh em” nhà Gyoza


Vì là món ăn thông dụng, sủi cảo Gyoza rất dễ dàng được tìm thấy tại các tiệm mì ramen, nhà hàng Trung Hoa hay izakaya – quán rượu phong cách Nhật Bản. Tùy theo khẩu vị và sở thích của thực khách, Gyoza thường được chế biến theo 3 loại phổ biến nhất, đó là : Yaki Gyoza (sủi cảo áp chảo), Sui Gyoza (sủi cảo nước) và Age Gyoza (sủi cảo chiên), ngoài ra còn có Gyoza phô mai.

Yaki Gyoza (Sủi cảo áp chảo)

Đây là dạng thông thường nhất của Gyoza, cũng là món được người Nhật ưa thích nhất. Nếu như sủi cảo kiểu Việt khi chín có độ trắng trong, mềm mại thì bánh sủi cảo Nhật phải có độ dai và giòn nhất định, vì bánh Gyoza thành phẩm sẽ có một mặt mềm và một mặt được chiên vàng.

Yaki Gyoza rất dễ chế biến, nếu có cơ hội các bạn độc giả cũng có thể xuống bếp để “chiêu đãi” gia đình và bạn bè của mình vào những dịp cuối tuần. Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa trò chuyện vui vẻ vừa thưởng thức những chiếc bánh sủi cảo thơm lừng phải không nào? Bây giờ, hãy cùng điểm qua vài bước cơ bản khi chế biến sủi cảo nhé!


Khi gói bánh xong thì cho ít dầu vào chảo nóng, xếp sủi cảo vào áp chảo một mặt cho vàng đều. Sau đó rót thêm hỗn hợp nước bột bắp cho ngập nửa bánh rồi đậy nắp trong ít phút để bánh chín đều.


Tiếp theo, sau khi nước đã cạn hết thì cho thêm ít dầu mè và tiếp tục áp chảo bánh cho đến khi ngả màu vàng giòn. Hãy nhớ kỹ là vàng giòn chứ không phải cháy nhé.


Vày đây là Gyoza thành phẩm, bánh sẽ có một mặt mềm và một mặt được chiên vàng. Khi bánh được dọn lên phục vụ khách, sẽ được lật mặt vàng lên trên để tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn.

Ngoài ra, Hanetsuki Gyoza (gyoza cùng đôi cánh) là một thuật ngữ để chỉ một mẻ lớn sủi cảo dính vào nhau nhờ lớp đáy giòn mỏng.


Sui Gyoza (Sủi cảo nước)


Sủi cảo nước không phổ biến bằng sủi cảo áp chảo tại Nhật Bản. Thường thì món này chỉ được tìm thấy tại các nhà hàng Trung Hoa hoặc các tiệm ăn chuyên phục vụ bánh Gyoza. Khi thưởng thức, sủi cảo nước sẽ được chan thêm một ít nước lèo.

Age Gyoza (Sủi cảo chiên giòn)


Sủi cảo được chiên trong dầu sôi, tạo nên một độ giòn tan khó cưỡng. Khi dùng món này thực khách có thể chấm nước sốt đặc biệt, hoặc mayonnasie, tương ớt, tương cà.

Gyoza phô mai


Đây là dạng Gyoza được cải biên khá lạ và “tây”, nhân Gyoza phô mai sẽ bao gồm ba loại phô mai chính là Mozzarella, Provolone và Asiago trộn chung với thịt nạc băm và hành lá. Vỏ ngoài vàng ruộm cùng nhân bánh béo ngậy thật sự tạo nên một mỹ vị khó có thể chối từ.

Utsunomiya, thiên đường của sủi cảo

Tại thành phố Utsunomiya (tỉnh Tochigi), Gyoza là món ăn được ưa chuộng hàng đầu. Bình quân một người dân ở đây mua bánh nhiều gấp đôi so với những người Nhật khác.

Utsunomiya, có khoảng 350 nhà hàng bán sủi cảo. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân sáng tác những bài hát về loại bánh Gyoza và thậm chí còn chọn ra những cô gái làm hình ảnh đại diện để quảng bá cho bánh sủi cảo. Hiệp hội bánh sủi cảo, nơi đại diện cho các nhà hàng trong thành phố có phục vụ món sủi cảo, còn tổ chức sự kiện Utsunomiya Gyoza Matsuri vào tháng 11 hằng năm dành cho những ai “phát cuồng” vì món Gyoza. Các gian hàng ở các quảng trường hoặc những nơi khác trong thành phố sẽ được dựng lên để bày bán bánh bánh sủi cảo. Đây là một sự kiện lớn thu hút hơn 100.000 người dân địa phương và du khách ở các nơi đến tham gia.


Cổng vào của Utsunomiya Gyoza Matsuri. (nguồn: budgettrouble)


Một gian hàng bày bán sủi cảo. (nguồn: budgettrouble)


Thực khách của lễ hội đang thưởng thức những chiếc bánh sủi cảo nóng hổi thơm lừng. (nguồn: budgettrouble)
Nguồn: nuocnhat.org l Sưu tầm: Yuuko san l Box: Văn hóa Nước Nhật