oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Khu kiểm định >

Trả lời
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Film Genre] Spaghetti Western - Viễn tây kiểu Ý

      Phim Viễn tây kiểu Ý


      Viễn tây kiểu Ý (spaghetti western, Italian western, hay macaroni western) là một thể loại phụ quan trọng của dòng phim viễn tây, ra đời từ giữa thập niên 1960, tiếp nối phong cách và thành công quốc tế của Sergio Leone. Cụm từ này được sử dụng rộng rãi vì hầu hết chúng đều do người ý sản xuất và đạo diễn.

      Theo diễn viên gạo cội Aldo Sambrell thì cụm từ 'spaghetti western' là do phóng viên người Tây Ban Nha Alfonso Sánchez đặt ra, từ đồng nghĩa với nó trong tiếng Ý là western all'italiana và trong tiếng Đức là Italo-western. Từ Eurowestern thì dùng để chỉ tất cả các bộ phim viễn tây ra đời ở châu Âu mà không riêng gì Ý, như các bộ Winnetou của Tây Đức và phim viễn tây của Đông Đức. Đa số các bộ phim này là dự án quốc tế, thường hợp tác giữa Ý và Tây Ban Nha, đôi khi với Pháp, Đức, Nam Tư, hoặc Mĩ.

      Dù ban đầu bắt nguồn từ Ý, nhưng đa phần dàn diễn viên trong viễn tây kiểu Ý rất đa dạng về ngôn ngữ và sắc tộc, nên hầu như không có ngôn ngữ nào được coi là chủ chốt. Một bộ phim viễn tây kiểu Ý chuẩn mực thường có đạo diễn người Ý, nhân viên kĩ thuật người Ý hoặc Tây Ban Nha, diễn viên của Ý, Tây Ban Nha, Đức, và Mĩ (từ ngôi sao hết thời của Hollywood đến ngôi sao đang lên như Clint Eastwood thời trẻ).

      Từ 1960 đến 1980, đã có hơn 600 bộ phim viễn tây châu Âu ra đời, trong đó thành công nhất là trilogy Dollars của Sergio Leone và bộ One Upon a Time in the West (1968). Trên thực tế, trilogy này luôn nằm trong danh sách những bộ phim viễn tây hay nhất mọi thời đại mà không tính tới nguồn gốc.


      Các yếu tố phổ biến

      Bộ phim mở đầu của trilogy Dollars, A Fistful of Dollars, đã ấn định vị trí 'lạ thường' của viễn tây kiểu Ý trong dòng phim viễn tây nói chung. Trong bộ phim này, nhân vật chính chuyển tới một thị trấn do hai băng đảng khống chế và các mối quan hệ xã hội lành mạnh bình thường hầu như không tồn tại. Ông chơi trò hai mang và khiến cho hai bên đánh nhau để trục lợi, rồi sau đó nhờ mưu mẹo và kĩ năng dùng vũ khí hạng siêu để hỗ trợ một gia đình bị cả hai bên đe dọa. Chuyện phản bội này bị bóc trần và tất nhiên ông bị đánh tơi tả, nhưng cuối cùng vẫn đánh bại kẻ thù. Một mặt là sự gian xảo và mỉa mai (như những mánh lừa, nói dối, hành vi bất ngờ và châm biếm), mặt khác là tính cảm động (sự man rợ và độc ác đối với kẻ yếu thế, cũng như đối với nhân vật chính khi ông phản bội), đã tạo ra nguồn cảm hứng cho vô số bộ nhái theo nhanh chóng tràn ngập thị trường.

      Điện ảnh Ý từ lâu đã có tiếng thích mượn ý tưởng từ phim khác nhưng lại không nhắc tới, như việc Leone mượn cốt truyện cho bộ Fistful và đã nhận được một lá thư chúc mừng của đạo diễn người Nhật Akira Kurosawa là "...một bộ phim tuyệt hảo. Nhưng nó là phim của tôi". Leone rất thông minh khi nhái lại một trong những đạo diễn danh tiếng nhất thế giới bằng cách tái bản bộ Yojimbo thành Fistful, dù sau này vẫn giao quyền phân phối tại châu Á và 15% doanh thu quốc tế cho Kurosawa. Nhưng ông nhanh chóng xác lập phong cách và cốt truyện của riêng mình.

      Các bộ phim của Leone và một số bộ 'căn bản' của viễn tây kiểu Ý được nhận xét là bị méo mó ít nhiều, và phê phán là 'phản thần thánh hóa' một số quy ước của viễn tây truyền thống. Điều này xảy ra bởi nửa là cố ý, nửa là cách hiểu một việc sẽ khác nhau giữa các nền văn hóa. Tính chất gây xúc động của viễn tây kiểu Ý thể hiện rõ ràng nhất Django (1966, của Sergio Corbucci). Tuy nhiên, càng về sau thì tính chất mỉa mai trào phúng lại thắng thế, đặc biệt là trong phim của Leone. Và càng ngày thì các tác phẩm của Leone càng thay đổi chóng mặt, từ sự máu me bạo lực chuyển thành đấm đá vô hại đan xen hài hước.

      • Địa điểm quay[/indent]

      Đa số các bộ viễn tây kiểu Ý đều có kinh phí thấp nên địa điểm quay đều được chọn để ít tốn kém. Vì phần lớn các cốt truyện diễn ra tại vùng Tây Nam nước Mĩ và Bắc Mexico nên các bối cảnh được sử dụng phổ biến nhất là sa mạc Tabernas (đông nam Tây Ban Nha), studio tại Texas Hollywood, Mini Hollywood, và công viên Western Leone. Ở Ý thì có công viên Valle del Treja (nằm giữa Rome và Viterbo), khu vực Camposescco (gần Camerata Nuova), các ngọn đồi quanh Castelluccio, khu vực quanh núi Gran Sasso, mỏ Tivoli, và đảo Sardinia.




      Sự đón nhận

      Từ những năm 1960, giới phê bình đã công nhận các thể loại điện ảnh của Mĩ đang có sự thay đổi. Thể loại đậm chất Mĩ nhất là viễn tây hình như đang bị biến thành một loài thú dữ. Đối với nhiều người, phim của Sergio Leone là một phần tạo ra vấn đề này. Trilogy Dollars của ông dù không phải là bộ phim mở đầu trào lưu 'viễn tây' ở Ý, nhưng với phần đông người Mĩ thì đây là dấu hiện chính thức cho thấy Ý đang xâm lược nét đẹp văn hóa của mình.

      Về viễn tây kiểu Ý, Ngài Christopher Frayling đã miêu tả cách nhìn của giới phê bình Mĩ với viễn tây kiểu Ý là, "theo một nghĩa quan trọng, đã bị giới hạn thành cuộc tranh luận vô ích về 'gốc rễ văn hóa' là của viễn tây chính thống Mĩ". Ông cho rằng ít người dám thừa nhận họ đã "chán ngấy thể loại già cỗi của Hollywood"; như Pauline Kael thì thừa nhận điều này và tỏ ý khen ngợi những bộ như Yojimbo của Kurosawa "có thể khai thác các quy tắc của viễn tây, nhưng vẫn vạch trần bộ mặt của nó".


      Phát triển và suy tàn


      • Viễn tây châu Âu

      Viễn tây châu Âu ra đời không lâu sau khi có ngành điện ảnh, khi anh em Lumière làm ra bộ phim đầu tiên vào năm 1895 thì một năm sau, Gabriel Veyre đã có bộ Repas d'Indien thuộc thể loại viễn tây. Ở Ý, việc sử dụng bối cảnh viễn tây trong nghệ thuật sân khấu đã có từ thời La fanciulla del West (1910) và đôi khi đượ coi là bộ phim viễn tây kiểu Ý đầu tiên trong lịch sử. Năm 1913, bố của Sergio Leone là Vincenzo Leone đã đạo diễn bộ La Vampira Indiana, kết hợp viễn tây và ma cà rồng. Trong thập niên 1920, Ý có series về Wild Bill Hickok và Đức thì có diễn viên Bela Lugosi chuyên vai của Uncas.

      Trước 1964 thì trong những bộ phim châu Âu lấy đề tài viễn tây thì tựa phim nổi trội nhất là Der Kaiser von Kalifornien (1936, của Luis Trenker, về nhân vật John Sutter). Trong suốt quá trình và sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, đã có lác đác vài bộ phim viễn tây, chủ yếu là phim hài hoặc nhạc kịch hài.



      • Bộ phim viễn tây kiểu Ý đầu tiên

      Dự án viễn tây hợp tác đầu tiên giữa Anh và Mĩ được quay tại Tây Ban Nha là The Sheriff of Fractured Jaw (1958, của Raoul Walsh). Tiếp theo là dự án hợp tác Anh và Tây Ban Nha, Savage Huns (1961). Chúng đã chứng minh Tây Ban Nha là một địa điểm thích hợp để quay bất kì loại hình viễn tây nào. Ở Ý, trào lưu viễn tây hài đã bắt đầu với La sceriffa và Il terror dell'Oklahoma, tiếp theo là phim của các chuyên gia về hài như Walter Chiari, Ugo Tognazzi, Raimondo Vianello, Fernandel,... Giới phê bình Ý từng so sánh những bộ phim này với các tác phẩm của Bob Hope. Năm 1961, một công ty của Ý đã hợp tác với Pháp để sản xuất bộ Taste of Violence, tập trung vào cuộc cách mạng Mexico. Năm 1963, ba dự án viễn tây hợp tác Ý-Tây Ban Nha ra đời: Gunfight at Red Sands, Magnificent Three, và Gunfight at High Noon.

      Bởi không thể phân biệt rõ ràng thời gian chính xác giữa viễn tây kiểu Ý và viễn tây châu Âu (hay dòng viễn tây truyền thống nói chung), nên ta không thể xác định bộ nào trong số được đề cập kể trên là bộ phim viễn tây kiểu Ý đầu tiên. Tuy nhiên, năm 1964 rõ ràng là một cột mốc cho dòng phim này khi có hơn 20 dự án hợp tác của Ý và hơn nửa tá dự án hợp tác của Tây Ban Nha được hoàn thành. Ngoài ra, bộ phim có thành công thương mại lớn nhất của thời kì này là A Fistful of Dollars (của Sergio Leone) với những tiến bộ về phong cách, âm nhạc, diễn xuất, và cốt truyện và về sau đã quyết định tương lai của thể loại này.



      • Ảnh hưởng của A Fistful of Dollars

      Dòng phim viễn tây kiểu Ý đã ra đời, phát triển, và suy sụp tùy theo hoàn cảnh thương mại của thị trường. Các dự án "thấp" hầu như đều có kinh phí thấp và doanh thu thấp, vì thế cách dễ nhất để thành công là nhái lại một tác phẩm lừng danh. Khi bộ phim kinh phí thấp A Fistful of Dollars (1964) đạt được thành công thương mại khổng lồ thì ngành công nghiệp điện ảnh nhanh chóng đi theo hướng này. Đa số các bộ phim viễn tây kiểu Ý thường có nhân vật chính là một người hùng mộc mạc nhưng có khả năng sử dụng vũ khí siêu phàm, tốt nhất là có ngoại hình giống với Clint Eastwood; Franco Nero, John Garko, Terence Hill, Anthony Steffen,... đều khởi nghiệp theo cách này.

      Dù tính cách thế nào thì người hùng cũng sẽ gia nhập một băng đảng giang hồ, như trong A Pistol for Ringo, Blood for a Silver Dollar, Vengeance Is a Dish Served Cold, và Payment in Blood; đặc biệt trong Beyond the Law thì ngược lại, một kẻ cướp trở thành cảnh sát trưởng. Trong dàn nhân vật sẽ có một tên cướp hào nhoáng từ Mexico (như Glan Maria Volonte trong A Fistful of Dollars) và một ông trung niên tính tình khó ưa chuyên việc hỗ trợ cho nhân vật chính. Về tình yêu của người hùng thì hầu như đều là những thiếu nữ (hoặc đôi khi phụ nữ đã có con) gốc Latin; trong đó các nữ diễn viên như Nicoletta Machiavelli và Rosalba Neri khá nổi tiếng.

      Trong hầu hết các bộ phim viễn tây kiểu Ý ra đời trong hai năm 1963-1964 đều mở đầu bộ phim với sự kết hợp của một số yếu tố mới kể trên trong khi vẫn giữ các yếu tố truyền thống của viễn tây Mĩ. Ví dụ, trong Minnesota Clay (1964, của Sergio Corbucci) chỉ muộn hơn 2 tháng so với A Fistful of Dollars, nhân vật chính là một 'tay súng bi thảm' phải đối đầu với hai băng đảng độc ác (và cũng y như Fistful), thủ lĩnh của một băng trong đó là cảnh sát trưởng. Trong Johny Oro (1966, cũng của Corbucci), một cảnh sát viễn tây truyền thống và một thợ săn tiền thưởng máu lai dù không muốn nhưng buộc phải hợp tác với nhau khi thị trấn bị một băng cướp Mexico và Ấn Độ tấn công. Trong A Pistol for Ringo, Giuliano Gemma vào vai một anh hùng yêu tiền (hình tượng kinh điển) dù nhã nhặn hơn nhân vật của Eastwood nhưng cũng nguy hiểm không kém, được thuê trà trộn vào một băng cướp Mexico - dẫn đầu bởi nhân vật phản diện do Fernando Sancho thủ cai (cũng là hình tượng kinh điển).



      • For a Few Dollars More và những bộ phim nhái theo

      Tương tự, khi For a Few Dollars More (1965, của Leone) đạt được lợi nhuận còn cao hơn bộ phim đầu tiên của ông, nghề nghiệp thợ săn tiền thưởng cũng theo đó trở thành lựa chọn hàng đầu của các anh hùng trong dòng viễn tây kiểu Ý, như trong Arizona Colt, Vengeance is Mine, Ten Thousand Dollars for a Massacre, The Ugly Ones, Dead Men Don't Count, và Any Gun Can Play; còn trong The Great Silence, A Minute to Pray, A Second to Die thì ngược lại thợ săn tiền thưởng là nhân vật phản diện. Cũng từ bộ phim này mà toàn bộ các nhân vật trong phim viễn tây kiểu Ý lúc bấy giờ đều có vật bất ly thân là một cái đồng hồ quả quýt.

      Ngoài ra, dòng phim này cũng xuất hiện các hình tượng anh hùng mới. Trong phim của Leone, nhân vật của Eastwood khá tương tự như hồi A Fistful of Dollars và lần này phải hợp tác mới một thợ săn tiền thưởng lõi đời Mortimer (do Lee Van Cleef thủ vai) chuyên dùng những loại vũ khí cao cấp hơn và luôn mặt vest. Trong những năm tiếp theo, rất nhiều bộ phim viễn tây kiểu Ý đều có bộ đôi hai anh hùng có mục tiêu đối nghịch nhau. Một số ví dụ: luật sư và tội phạm (And the Crows Will Dig Your Grave), sĩ quan và tội phạm (Bury Them Deep), người báo thù và sĩ quan (bí mật) (The Hills Run Red), người báo thù và kẻ thủ ác khi xưa (bí mật) (Viva! Django), người báo thù và kẻ lừa đảo (The Dirty Outlaws), tội phạm giả làm cảnh sát và thợ săn tiền thưởng (Man With the Golden Pistol), và thậm chí tội phạm giả làm anh em sinh đôi của chính minh và thợ săn tiền thưởng giả làm cảnh sát (Few Dollars for Django).

      Ngoài ra, chủ đề về tuổi tác mà For a Few Dollars More đề cập - khi một thợ săn tiền thưởng trẻ tuổi vượt mặt nhiều đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm của mình - cũng được tái hiện trong Day of Anger và Death Rides a Horse, cả hai đều do Lee Van Cleef thủ vai người anh hùng lớn tuổi hơn (lần lượt là Giuliano Gemma và John Philip Law).



      • Zapata western

      Một bộ đôi anh hùng phổ biến khác là tên cướp Mexico và (thường xuyên) một người Anglo mê tiền, và dòng phim xoay quanh bộ đôi này thường được gọi là viễn tây Zapata. Bộ phim Zapata đầu tiên là A Bullet for the General (của Damiano Damiani), tiếp theo là trilogy (The Big Gundown, Face to Face, và Run, Man, Run) của Sergio Sollima, Sergio Corbucci có hai bộ The Mercenary và Compañeros, Tepepa (của Giulio Petroni),... Đa số trong đó đều đạt lợi nhuận cao và giới phê bình hưởng ứng. Ngoài ra, chúng được coi là sự châm biếm theo hướng cánh tả tới hình tượng mà Hollywood thường có về cuộc cách mạng Mexico, và rộng hơn là chủ nghĩa đế quốc.



      • Cốt truyện phản bội

      Trong The Good, the Bad and the Ugly (của Leone), dù vẫn xoay quanh một bộ đôi anh hùng đối đầu một nhân vật phản diện, nhưng có không khí thoải mái hơn và cả ba đều làm việc vì tiền là chính. Trong các bộ tiếp theo như Any Gun Can Play, One Dollar Too Many, và Kill Them All and Come Back Alone,... các nhân vật chính liên tục hợp tác và phản bội nhau nhiều lần vì tiền. Gianfranco Parolini đạo diễn hai bộ - Sabata và If You Meet Sartana Pray for Your Death - cũng có chủ đề tương tự với hình tượng xuất phát từ Mortimer của For a Few Dollars More, nhưng khác là không có mục tiêu báo thù gì và cũng không có nhiều loại vũ khí chết người như vậy. Điều này khá hợp lý khi chính Lee Van Cleef đóng vai Sabata, còn John Garko vào vai Sartana.



      • Django và những anh hùng bi thảm

      Ngoài trilogy Dollars của Leone thì bộ phim viễn tây kiểu Ý có ảnh hưởng lớn nhất phải nói đến Django (1966, của Sergio Corbucci) với ngôi soa Franco Nero. Nhân vật này - đã tăng mức độ bạo lực của dòng phim này đáng kể khi dùng súng máy để 'dọn dẹp' kẻ thù và sau này bị vó ngựa làm gãy tay - phải chọn giữa tiền bạc hay báo thù, và lựa chọn của mình đã khiến bản thân và người yêu chịu nhiều đau khổ. Ảnh hưởng của bộ phim này thể hiện rõ khi Django trở thành tên của nhân vật chính trong vô số bộ phim viễn tây kiểu Ý ra đời sau này. Tương tự Django, tình huống nhân vật chính phải đối mặt với những mối quan hệ huyết thống bất ngờ (và nguy hiểm) đã xuất hiện trong: Chuck Moll, Keoma, The Return of Ringo, The Forgotten Pistolero, One Thousand Dollars on the Black, Johnny Hamlet, và Seven Dollars on the Red.

      Một loại anh hùng phổ biến khác là bị hàm oan và phải báo thù, và Giuliano Gemma có một series viễn tây kiểu Ý khá thành công về chủ đề này, bao gồm: Adiós gringo, For a Few Extra Dollars, I lunghi giorni della vendetta, Wanted, và Blood for a Silver Dollar – trong đó nhân vật chính thường tên là "Gary". Một số ví dụ khác có nội dung tương tự: For a Few Dollars More, Once Upon a Time in the West, Today We Kill… Tomorrow We Die!, A Reason to Live, a Reason to Die, Death Rides a Horse, Viva Django, The Devil's Backbone, Hate for Hate, Greatest Robbery in the West,...



      • Viễn tây hài

      Năm 1986, trào lưu viễn tây đạt đến đỉnh cao khi chiếm 1/3 tổng sản lượng điện ảnh của Ý, nhưng tới 1969 thì chỉ còn 1/10. Tuy nhiên, thành công của They Call Me Trinity (của Enzo Barboni) và Trinity Is Still My name đã tạo ra một kiểu mẫu mới cho giới làm phim. Hai nhân vật chính là Trinity (Terence Hill) và Bambino (Bud Spencer) tạo thành bộ đôi truyền thống của viễn tây kiểu Ý, từng hợp tác trong các bộ God Forgives... I Don't!, Ace High, và Boot Hill. Các tác phẩm của Barboni thường thuộc loại hài, thay đấu súng và máu me bằng đánh đấm vô hại, xoay anh người hùng gian xảo nhưng lười nhác Trinity và người anh em mạnh mẽ nhưng nóng tính Bambino. Nội dung của chúng thường châm biếm loại hình nông dân chăm chỉ của viễn tây truyền thống lẫn thợ săn tiền thưởng của viễn tây kiểu Ý. Từng có một trào lưu khởi nguồn từ đây với những anh hùng lanh lẹ và mạnh mẽ, thường tên là Trinity hoặc có nguồn gốc từ "một nơi gọi là Trinity", và thường không có (hoặc rất ít) chết chóc. Bởi hai bộ phim ban đầu mang tính hòa bình tôn giáo để giải thích cho không có bạo lực, nên tất cả các bộ phim theo sau đều có ít nhất một tổ chức tôn giáo hoặc một tu sĩ. Hình tượng các băng cướp Latin trở nên mờ nhạt và mất dần.

      Có một số nhà phê bình cho rằng trào lưu Trinity là sự "thoái hóa" của viễn tây kiểu Ý thực thụ, và đúng là kĩ xảo diễn xuất bằng ngôn ngữ hình thể tài tình của Hill và Spencer rất khó để bắt chước. Điều này được thể hiện rõ ràng khi những bộ thành công nhất của trào lưu này đều có sự tham gia của Hill (Man of the East, A Genius, Two Partners and a Dupe), hoặc Spencer (It Can Be Done Amigo), hoặc một bộ đôi tương tự (Carambola).



      • Suy thoái

      Các tác phẩm sau này của Leone - như Once Upon a Time in the West, Duck, You Sucker!, và My Name is Nobody- dù vẫn thu vào doanh thu rất khả quan nhưng lại không có sức ảnh hưởng mạnh như trilogy Dollars. Trên thực tế, Duck You Sucker! đã được coi thành bình luận về viễn tây Zapata, còn My Name is Nobody thì đi theo phong cách Trinity. Tính tới giữa thập niên 1970 thì có một số dự án - như Keoma và Four of the Apocalypse - cố gắng vực dậy các trào lưu trước của Trinity, nhưng nhìn chung viễn tây kiểu Ý không còn là một thể loại điện ảnh đang hoạt động nữa.

      Những năm gần đây, đã có một số bộ phim 'tưởng nhớ' ra đời, như Django 2 (1987, Franco Nero diễn chính) và Troublemakers (1994, Terence Hill và Bud Spencer diễn chính).



      • Các tựa phim đáng chú ý khác

      Đã có nhiều bộ phim dù không thành công lắm ở nội địa nhưng lại đạt được lượng hâm mộ khổng lồ trên khắp thế giới, bởi một số đặc điểm đột phá trong cốt truyện và cách trình bày. Ví dụ: Django Kill (của Giulio Questi, rất được giới phê bình chú ý), Matalo! (của Cesare Canevari), Blindman (của Tony Anthony), và Cut-Throats Nine (của Joaquín Luis Romero Marchent),...

      Trước A Fistful of Dollars thì các bộ phim nói về nhân vật lịch sử như Buffalo Bill, Wyatt Earp, Billy the Kid,... cũng ảnh hưởng mạnh đến dòng phim này. Và ngược lại với phim viễn tây Đức lúc bấy giờ, rất ít nói tới các dân tộc thiểu số, và nếu có thì họ cũng là phe bị hại chứ không phải phản diện như trong phim truyền thống. Chỉ có một bộ phim viễn tây duy nhất có nhân vật chính là người dân tộc thiểu số được xem như thành công là Nayajo Joe (của Sergio Corbucci), trong đó làng của nhân vật này bị một băng cướp càn quét ngay từ những phút đầu của phim.

      Một vài bộ thì lấy ý tưởng từ truyền thuyết và văn học cổ điển, ví dụ: Fedra West và Johny Hamlet lần lượt liên quan tới thần thoại Hy Lạp và các vở kịch của Euripides, Racine, Shakespeare,... Hamlet của Shakespeare cũng ảnh hưởng tới Dust in the Sun, và bộ phim này tuân theo nguyên tác hơn so với Johny Hamlet. Bộ The Forgotten Postolero dựa theo truyền thuyết về Orestes. Bộ The Return of Ringo khá tương tự với đoạn cuối của Odyssey. Bộ Fury of Johnny Kid thì dựa vào Romeo và Juliet, nhưng kết thúc lại khác - cặp tình nhân bỏ đi, để lại hai gia đình tiếp tục đối đầu nhau,...

      Chuyện A Fistful of Dollars là một phiên bản khác của Yojimbo đã luôn được công nhận, nhưng một bộ viễn tây ít tiếng hơn là Requiem for a Gringo cũng có nhiều điểm rất tương đồng với Harakiri (của Masaki Kobayashi). Khi phim võ thuật châu Á bắt đầu hút khách ở phương tây, giới làm phim viễn tây ở Ý cũng cố gắng đuổi theo - lần này không phải bằng cách mượn cốt truyện - thông qua việc trực tiếp tuyển diễn viên biết võ thuật vào phim, như Chen Lee trong My Name Is Shanghai Joe hay Lo Lieh trong The Stranger and the Gunfighter,... Cũng kể từ A Fistful of Dollars mà dòng viễn tây kiểu Ý bạo lực và máu me hơn rất nhiều so với viễn tây truyền thống, nhưng giữa chúng vẫn còn điểm chung là tránh các cảnh quay nhạy cảm. Tuy nhiên, trong tình hình nhiều bộ phim có liên quan tới tình dục ngày càng thu hút chú ý, nên viễn tây kiểu Ý cũng bắt đầu thêm vào những cảnh mát mẻ hơn, đại biểu là Dead Men Ride và Heads or Tails.

      Đã được ám chỉ ở Django Kill hay Requiescant, đồng tính luyến ái có một vai trò không tính là mờ nhạt trong dòng viễn tây kiểu Ý, đại biểu là The Ruthless Four (của Giorgio Capitani) - phiên bản đồng tính nam của bộ The Treasure of the Sierra Madre (của John Huston) - với nhiều mối quan hệ tình ái giữa các nhân vật nam chính được thể hiện rõ ràng.



      Di sản

      Viễn tây kiểu Ý đã có ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng và vô số tác phẩm ra đời ngoài nước Ý:
      *Bộ phim viễn tây Mĩ đầu tiên mà Clint Eastwood tham gia, Hang 'Em High, có nhiều yếu tố của viễn tây kiểu Ý.
      *Bộ Tampopo (1985, của Juzo Itami) đã được gọi là 'viễn tây kiểu Nhật'. Một đạo diễn khác là Takashi Miike cũng tôn vinh viễn tây kiểu Ý với Sukiyaki Western Django, lấy cảm hứng từ Django và trilogy Dollars.
      *Đạo diễn người Mĩ Quentin Tarantino hết sức tận dụng các yếu tố của viễn tây kiểu Ý trong các bộ Kill Bill (kết hợp với võ thuật), Inglourious Basterds (đặt bối cảnh ở Pháp thời bị Nazi chiếm đóng), Django Unchained (đặt bối cảnh ở miền Nam nước Mĩ thời còn chính sách nô lệ), và The Hateful Eight.
      *Ban nhạc heavy metal của Mĩ Metallica đã dùng bản 'The Ecstacy of Gold' (của Ennio Morricone) - từ bộ The Good, The Bad and the Ugly - để mở màn nhiều buổi biểu diễn. Ban nhạc của Úc The Tango Saloon kết hợp nhạc tango với nhạc của phim viễn tây kiểu Ý. Ban nhạc rock của Anh Muse có một MV chịu ảnh hưởng lớn từ viễn tây kiểu Ý là 'Knights of Cydonia'. Ban nhạc của Anh Big Audio Dynamite đã kết hợp nhiều đoạn nhạc ngắn từ phim viễn tây kiểu Ý trong bản 'Medicine Show', trong đó có nhạc của các bộ A Fistful of Dollars, The Good, The Bad and The Ugly, và Duck You Sucker.


      Credit
      • Nguồn: Wiki
      • Dịch: Johanna A.P.
      • BBCode: Kei
      Mọi góp ý, thắc mắc xin gửi về topic Góp ý - Hỏi đáp - Hỗ trợ dịch thuật.
      Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng


      Sửa lần cuối bởi Johanna A.P.; 21-04-2017 lúc 21:25.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 14:47.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.