Phim thảm họa (disaster film) là một thể loại điện ảnh có chủ đề chính là các thảm họa cả sắp tới lẫn đang diễn ra, có thể bao gồm cả tự nhiên (lũ lụt, động đất, thiên thạch va vào Trái Đất,...), tai nạn (đắm tàu, rơi máy bay,...), bệnh dịch,... Loại phim này thường áp dụng nhiều mức độ phát triển, về chính thảm họa hoặc kết quả về sau, thường được tường thuật thông qua góc nhìn của một số cá nhân hoặc gia đình cụ thể.

Với dàn diễn viên lớn và nhiều cốt truyện kết hợp, phim thảm họa thường tập trung vào cách thức cách nhân vật tránh, đối phó, hoặc sống sót trong và sau thảm họa. Dòng phim này đặc biệt trở nên hút khách trong thập niên 1970, với các đại diện: Airport (1970), The Poiseidon Adventure (1972), Earthquake (1974), và The Towering Inferno (1974).

Phim thảm họa thường có một số kiểu nhân vật thường gặp và ngay sau khi thảm họa xảy ra, họ sẽ lập tức thể hiện ra những điểm yếu của con người, đôi khi yêu nhau và luôn luôn có một nhân vật phản diện để chống lại. Trong thập niên 1990, thể loại này có phần được phục hồi nhờ vào công nghệ CGI và kinh phí lớn - có thể tập trung vào sức tàn phá của thảm họa hơn là tình cảm của con người, như tronghai bộ Armageddon (1998) và Deep Impact (1998).



Nguồn gốc

Chủ đề thảm họa có lịch sử rất lâu đời, không thua kém gì chính điện ảnh, với một trong số những số ví dụ sớm nhất là Fire! (1901, của James Williamson, là một bộ phim câm xoay quanh một vụ hỏa hoạn và quá trình các lính cứu hóa chữa cháy và cứu hộ). Một số ví dụ khác: Natch und Eis (1912, về thảm họa đắm tàu Titanic), Atlantis (1913, cũng nói về Titanic), Noah's Ark (1928, về sự Khải huyền), King Kong (1933, về một con gorilla khổng lồ tàn phá thành phố New York), và The Last Days of Pompeii (1935, về vụ núi lửa Vesuvius phun vào năm 79 TCN), San Francisco (1936, miêu tả trận động đất kinh hoàng năm 1906 xảy ra tại thành phố này), The Hurricane (1937, xoay quanh những hậu quả đáng sợ của một trận lốc xoáy nhiệt đới đã quét qua một hòn đảo giả tưởng ở Nam Thái Bình Dương), Old Chicago (1937, về trận hỏa hoạn đã thiêu rụi thành phố này vào năm 1871),...

Ở thập niên 1950, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc và bắt đầu Kỉ nguyên hạt nhân, phim thảm họa bắt đầu phát triển theo hướng viễn tưởng, ví dụ: When Worlds Collide (1953), The War of the Worlds (1953), Godzilla, King of the Monsters! (1956), The Deadly Mantis (1957), The Day the Earth Caught Fire (1961), Crack in the World (1965),... Thảm họa núi lửa Volcanic là trung tâm của những bộ như The Devil at 4 O'Clock (1961, Spencer Tracy và Frank Sinatra diễn chính) và Krakatoa , East of Java (1969, Maximilian Schell diễn chính). Cũng như Kỉ nguyên phim câm, vụ chìm tàu Titanic luôn là trung tâm của phim thảm họa, ví dụ như: Titanic (1953, Clifton Webb và Barbara Stanwyck diễn chính), A Night to Remember (1958),...

Về thảm họa trên không thì có một số ví dụ sau: The High and the Mighty (1954, John Wayne và Robert Stack diễn chính, về một chiếc máy bay trục trặc khi đang bay giữa đại dương), Zero Hour! (1957, Arthur Hailey biên kịch, về một phi hành đoàn bị ngộ độc tập thể), Jet Storm (1959), Jet Over the Atlantic (1959), The Crowded Sky (1960, về một vụ va chạm trên không), The Doomsday Flight (1966, Rod Serling biên kịch, Edmond O'Brien diễn chính, về một kĩ sư hàng không vũ trụ đặt bom khí áp lên một chiếc máy bay do công ty cũ của anh ta chế tạo và sẽ phát nổ ngay khi máy bay đáp xuống),...


Từ tiểu thuyết

Phim thuộc dòng thảm họa thường xuyên chuyển thể dựa vào tiểu thuyết. Trong nhiều trường hợp, tiểu thuyết gốc luôn là loại bestseller hoặc được giới phê bình đánh giá cao. Ba bộ phim thành công nhất của trào lưu 1970 cũng đã được chuyển thể: Airport (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Arthur Hailey), The Poseidon Adventure (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Paul Gallico), và The Towering Inferno (dựa theo hai tiểu thuyết The Tower của Richard Martin Stern và The Glass Inferno của Thomas N. Scortia/Frank M. Robinson). Một số ví dụ khác: quyển On the Beach của Nevil Shute, quyển The War of the Worlds của H. G. Welles, quyển Fail-Safe của Eugene Burdicks/Harvey Wheeler, và quyển A Night to Remember của Walter Lord.



Thập niên 1970

Đây có thể gọi là Kỉ nguyên vàng của phim thảm họa, bắt đầu với Airport (của George Seaton). Với Burt Lancaster, Dean Martin, George Kennedy, Jacqueline Bisset, và Helen Hayes, bộ phim này đã thu về 45 triệu USD ở phòng vé, và dù không hoàn toàn tập trung vào vụ thảm họa - một chiếc máy bay bị đặt bom - nhưng nó đã đặt ra tiền lệ cho nhiều cốt truyện được lồng ghép vào nhau và tuyển dụng dàn diễn viên toàn sao. Airport đã được đề cử 10 giải Oscar cùng năm, trong đó có giải dành cho Phim hay nhất.

Với doanh thu 42 triệu USD của The Poseidon Adventure (1972), thảm họa chính thức trở thành một dòng phim ăn khách. Do Ronald Neame đạo diễn và có sự tham gia của Gene Hackman, Ernest Borgnine, Shelley Winters, và Red Buttons, cốt truyện nói về quá trình thoát thân của các hành khách trên một chiếc tàu bị sóng thần nhấn chìm, bộ phim này đã được đề cử 8 giải Oscar, thắng hai giải Nữ phụ xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất, ngoài ra còn có một giải Thành tựu đặc biệt dành cho hiệu ứng xuất sắc.

Trào lưu này lên tới đỉnh cao vào năm 1974 với sự ra đời của ba tựa phim cực kì thành công: The Toweing Inferno (doanh thu 55 triệu USD), Earthquake (36 triệu USD), và Airport 1975 (25 triệu USD). Có thể coi là bộ phim hay nhất của trào lưu 1970, The Towering Inferno là thành quả hợp tác giữa 20th Century Fox và Warner Bros, do Irwin Allen sản xuất (từng chịu trách nhiệm cho The Poseidon Adventure và về sau là The Swarm, Beyond the Poseidon Adventure, When Time Ran Out,...), John Guillermin đạo diễn, Paul Newman diễn chính. Bộ pihm này nói về quá trình các lính cứu hỏa cố gắng cứu các nạn nhân thoát ra khỏi tầng thượng của tòa nhà cao nhất thế giới, lúc này đang bị lửa nhấn chìm. The Towering Inferno nhận được 8 đề cử Oscar, sau đó thắng 3 giải Quay phim xuất sắc nhất, Biên tập xuất sắc nhất, và Nhạc phim hay nhất.

Earthquake cũng được đề cử 4 giải Oscar vì những hiệu ứng đáng ngạc nhiên về một trận động đất cực lớn ở Los Angeles, cuối cùng thắng giải Âm thanh hay nhất và Thành tựu đặc biệt dành cho hiệu ứng xuất sắc. Do Mark Robson đạo diễn và với sự tham gia của Charlton Heston, Ava Gardner, Geneviève Bujold, George Kennedy, và Lorne Greene, Earthquake đáng chú ý ở chỗ lần đầu tiên ứng dụng công nghệ Sensursound, vô số loa đặc biệt được lắp đặt trong rạp để tái tạo cảm giác rung động của động đất.

Trào lưu này tiếp tục mở rộng với: The Hindenburg (1975, George C. Scott diễn chính), The Cassandrea Crossing (1976, Burt Lancaster diễn chính), Two-Minute Warning (1976, Charlton Heston diễn chính), Black Sunday (1977, Robert Shaw diễn chính), Rollercoaster (1977, George Segal diễn chính, ứng dụng Sensursound), Damnation Alley (1977, Jan-Michael Vincent diễn chính), Avalanche (1978, Rock Hudson diễn chính), Gray Lady Down (1978, Charlton Heston diễn chính), Hurricane (1979, tái bản bộ phim cùng tên của John Ford, Jason Robards diễn chính), và City on Fire (1979, Barry Newman diễn chính). Series Airport tiếp tục ra mắt ba phần là Airport 1975, Airport '77 (1977), và The Concorde... Airport '79 (1979); còn The Poseidon Adventure thì có một phần tiếp theo là Beyond the Poseidon Adventure (1979).

Tới cuối thập niên 1970 thì dòng phim này bắt đầu suy tàn khi những bộ phim đầu tư lớn như The Swarm (1978), Meteor (1979), Hurricane (1979), The Concorde... Airport '79 (1979), Beyond the Poseidon Adventure (1979), When Time Ran Out... (1980),... đều thất bại nặng nề, chứng minh rằng sức hút của phim thảm họa đã giảm mạnh. Dù The Big Bus (1976), một bộ phim nhái lại, cũng thất bại, nhưng sự kết thúc của trào lưu này chính thức là ở bộ Airplane! (1980) và Airplane II: The Sequel (1982).

Năm 1997, James Cameron biên kịch và đạo diễn bộ phim Titanic, kết hợp lãng mạn và các hiệu ứng đặc biệt để tạo nên thành công vang dội, trở thành bộ phim giữ kỉ lục doanh thu ròng cao nhất mọi thời đại trong 12 năm tiếp theo, đồng thời thắng 11 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.



Nguồn: Wikipedia | Dịch: Johanna A.P. | Website: VnSharing.site
Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.
Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic hồi báo, góp ý.