oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Khu kiểm định >

Trả lời
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Film Genre] Sound Film - Phim Có Tiếng

      Phim Có Tiếng


      Phim có tiếng (Sound film) là một bộ phim điện ảnh được đồng bộ âm thanh hoàn chỉnh, hoặc âm thanh được gắn liền với hình ảnh/hiệu ứng tương ứng (đối lập với phim câm - link bài riêng). Lần đầu tiên loại phim này được ra mắt công chúng là đầu những năm 1900 tại Paris, Pháp, nhưng phải nhiều thập kỉ sau đó thì phim có tiếng mới được coi là một phương thức kinh doanh thực dụng. Tất nhiên, ở thời đại sử dụng hệ thống sound-on-disc - và chất lượng khuếch đại và ghi âm cũng không mấy khả quan - thì độ đồng bộ của phim có tiếng thời kì đầu không được đảm bảo.

      Phải tới giữa thập niên 1920 thì quá trình thương mại hóa điện ảnh có tiếng mới thực sự khởi sắc. Ban đầu, phim có tiếng là những đoạn phim cực ngắn có lồng một số đoạn đối thoại xen kẽ nhau, hay còn gọi là "talkies"; và các bộ 'phim có tiếng' thời lượng dài đầu tiên thực chất chỉ có nhạc và hiệu ứng, chứ không có đồng bộ lời thoại. Tháng 10/1927, The Jazz Singer ra đời với vị thế là bộ phim có tiếng thời lượng dài đầu tiên trong lịch sử; và hit tức thời này được sản xuất bằng Vitaphone, hãng sound-on-disc hàng đầu lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sound-on-film nhanh chóng thay thế sound-on-disc và trở thành chuẩn mực cho phim có tiếng.

      Tính tới đầu 1930, phim có tiếng là một hiện tượng toàn cầu. Tại Mĩ, talkies là phương tiện khiến Hollywood xác lập được vị trí một trong những hệ thống văn hóa/thương mại quyền lực nhất thế giới. Tại châu Âu, talkies là một bước tiến đầy lưỡng lự khi đa số giới làm phim lo rằng quá chú ý vào đối thoại sẽ làm khán giả xao nhãng khỏi hiệu quả thị giác đặc biệt mà chỉ phim câm mới có. Tại Nhật, dù quy trình chiếu phim câm cùng lúc với biểu diễn âm thanh sống thì talkies cũng nhanh chóng được chấp nhận. Còn tại Ấn Độ, talkies là một yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển vượt bậc của ngành điện ảnh nước này.


      Những thành tựu đầu tiên

      Mong muốn đồng bộ âm thanh với hình ảnh đã xuất hiện ngay từ khi ngành điện ảnh có dấu hiệu hình thành. Ngày 27/2/1888 - 6 năm trước sự kiện công chiếu phim điện ảnh đầu tiên ra đời - nhà tiên phong về nhiếp ảnh Edaweard Muybridge và nhà phát minh Thomas Edison đã có một cuộc hẹn, mà về sau Muybridge tuyên bố ông đã đưa ra ý kiến kết hợp kĩ thuật zoopraxiscope của mình với công nghệ ghi âm của Edison để tạo ra điện ảnh có tiếng. Dù thỏa thuận này không thành nhưng trong vòng chưa tới một năm sau đó, Edison giới thiệu Kinetoscope như là sự bổ sung thị giác cho chiếc máy Phonograph của mình. Năm 1895, ông kết hợp Kinetoscope và Phonograph thành Kinetophone, nhưng phương thức xem phim riêng lẻ, đóng kín này nhanh chóng lạc hậu và bị thay thế bởi các buổi công chiếu quy mô hơn. Năm 1899, hệ thống trình chiếu Cinemacrophonograph (hay Phonorama) - dựa vào sự nghiệp của nhà phát minh người Thụy Điển François Dussaud - được sử dụng rộng rãi tại Paris, và tương tự như Kinetophone, mỗi người đều cần có tai nghe cá nhân để xem phim. Năm 1900, Clément-Maurice Gratioulet và Henri Lioret đã phát triển Phono-Cinéma-Théâtre - nâng cấp của hệ thống Cinemacrophonograph - đã đưa các đoạn phim ngắn về nhạc kịch, opera, và ballet đến với Hội chợ Thế giới diễn ra ở Paris cùng năm; và chúng là một trong những đoạn phim đầu tiên có cả hình ảnh và âm thanh được công chiếu rộng rãi. Trên thực tế, tại Hội chợ này có cả ba hệ thống trình chiếu cùng nhau xuất hiện: Cinemacrophonograph, Phono-Cinéma-Théâtre, và Théâtroscope.

      Lúc bấy giờ, có ba vấn đề đặt ra khiến cho ngành điện ảnh và thu âm tách ra thành nhiều trường phái khác nhau. Thứ nhất là sự đồng bộ, khi hình ảnh và âm thanh được ghi lại và trình chiếu thông qua các thiết bị hoàn toàn khác nhau thì khó mà đồng bộ giữa hình và âm, hơn nữa còn phải giữ nguyên chất lượng đồng bộ đó. Thứ hai là âm lượng, dù các máy trình chiếu hình ảnh đã sớm cho phép nhiều khán giả có thể xem phim cùng một lúc, nhưng khi công nghệ khuếch đại bằng điện chưa ra đời thì âm lượng luôn là một điểm trừ khi phải trình chiếu trong không gian rộng. Cuối cùng là độ chính xác khi thu âm, bởi hệ thống ghi âm chủ đạo của giai đoạn này hầu hết đều cho ra chất lượng rất thấp, trừ phi diễn viên biểu diễn ngay trước thiết bị thu, và điều này hạn chế rõ rệt một số dòng phim nhất định.

      Các nhà sáng chế điện ảnh đã nghĩ ra nhiều cách để giải quyết vấn đề đồng bộ. Ngày càng có nhiều hệ thống trình chiếu điện ảnh sử dụng quy trình ghi âm gramophone (hay công nghệ sound-on-disc) và các thành phẩm thường được gọi là 'đĩa Berliner' - theo tên một trong những nhà phát minh nổi trội nhất trong giới là Emile Berliner. Năm 1902, Léon Gaumont giới thiệu Chronophone, một dạng công nghệ sound-on-disc đã cải tiến, mà ông vừa được cấp bằng sáng chế tới Hiệp hội Nhiếp ảnh Pháp. Năm 1906, ông tiếp tục với Elgéphone, một hệ thống khuếch đại âm thanh nhờ nén khí, dựa vào nguyên lý của Auxetophone (do Horace Short và Charles Parsons phát minh). Dù được kì vọng cao nhưng cả hai hệ thống của Gaumont đều không đạt được thành công thương mại, dù đã có nhiều bổ sung nhưng vẫn không thỏa mãn ba vấn đề cơ bản ở trên, hơn nữa rất tốn kém. Trong vài năm, hệ thống Cameraphone của nhà phát minh người Mĩ E. E. Norton là đối thủ chính của Chronophone và Elgéphone; nhưng sau đó cũng thất bại vì cùng những vướng mắc của Chronophone.

      Năm 1913, Edison giới thiệu hệ thống đồng bộ Kinetophone cải tiến, tuy vẫn dựa vào máy cylinder tương tự như hồi 1895, giờ đây cho phép hình ảnh được chiếu trên màn ảnh rộng duy nhất, thay vì mỗi khán giả phải ngồi trong một toa riêng. Máy phonograph - thông qua một hệ thống ròng rọc phức tạp - được kết nối trực tiếp với máy trình chiếu, dưới các điều kiện lý tưởng sẽ cho phép âm thanh và hình ảnh được đồng bộ tốt hơn. Tuy nhiên, cái gọi là điều kiện lý tưởng thì hiếm khi xảy ra và hệ thống này nhanh chóng bị quên lãng. Tính tới giữa thập niên 1910, các trào lưu khác nhau trong lĩnh vực trình chiếu điện ảnh bắt đầu thưa thớt dần. Bắt đầu từ 1914, bộ The Photo-Drama of Creation đã được công chiếu rộng rãi trên toàn nước Mĩ, với thời lượng gần 480 phút xen kẽ giữa hình ảnh và live-action với âm nhạc hoặc thuyết giảng (được máy Phonograph ghi âm và trình chiếu).

      Trong khi đó, nhiều sự phát triển đã diễn ra trong một lĩnh vực quan trọng khác. Năm 1907, nhà phát minh người Anh gốc Pháp Eugene Lauste - từng làm việc với Edison từ 1886 tới 1892 - đã có bằng sáng chế đầu tiên trong lịch sử cho công nghệ sound-on-film, cho phép biến đổi âm thành thành sóng ánh sáng rồi ghi trực tiếp vào vật liệu phim. Nhà sử gia Scott Eyman đã miêu tả hệ thống này như sau: "Đây là một hệ thống hai tầng, nghĩa là âm thanh được ghi lại không cùng chỗ với hình ảnh... Về cơ bản, âm thanh sẽ được thu vào micro, rồi biến đổi thành sóng ánh sáng - thông qua van ánh sáng, một dải kim loại nhạy được gắn trên một khẻ nhỏ. Âm thanh tiếp xúc với dải kim loại này sẽ dựa vào độ rung của màng chắn xung quanh để biến đổi thành sóng, rồi được tập trung để thoát ra khỏi khe hở và được chụp vào một mặt của vật liệu phim, dải vật liệu này rộng khoảng 1/10 inch".

      Dù sound-on-film sẽ trở thành chuẩn mực quốc tế cho phim có tiếng nhưng Lauste đã không thành công thương mại hóa phát minh của mình. Năm 1914, nhà phát minh người Phần Lan Eric Tigerstedt đăng kí bằng sáng chế 309536 tại Đức cho một hệ thống sound-on-film và có lẽ cùng năm, ông đã trình chiếu một bộ phim làm bằng công nghệ này trước cộng đồng khoa học gia nước này. Năm 1918, kĩ sư người Hungary Denes Mihaly giới thiệu hệ thống sound-on-film Projectofon tới Hội đồng Sáng chế Hoàng gia Hungary và chính thức được cấp bằng 4 năm sau đó. Dù dựa vào máy cylinder, đĩa, hay phim, thì không công nghệ nào trong số kể trên có thể được sử dụng cho mục đích thương mại rộng rãi, và vì thế trong nhiều thập kỉ tiếp theo, các studio lớn của Hollywood không quan tâm nhiều đến sản xuất phim có tiếng.



      Những cột mốc quan trọng


      • Sound-on-film cải tiến

      Năm 1919, nhà phát minh người Mĩ Lee De Forest đã đăng kí một số bằng sáng chế mà về sau dẫn đến sự ra đời của công nghệ ghi âm quang học đầu tiên được dùng cho thương mại. Trong quy trình này, âm thanh được chụp lại vào một mặt của vật liệu phim để tạo một bản in 'ghép', nên nếu đạt được đồng bộ giữa hình ảnh và âm thanh trong lúc quay chụp thì cũng có thể tái tạo lại trong lúc trình chiếu. Trong 4 năm kế tiếp, thông qua nhiều thiết bị và dựa trên các sáng chế của đồng nghiệp Theodore Case, De Forest tiếp tục cải tiến quy trình của mình.

      Tại Đại học Illinois, kĩ sư nghiên cứu gốc Ba Lan Joseph Tykociński-Tykociner cũng đang độc lập thử nghiệm một quy trình tương tự. Ngày 9/6/1922, ông giới thiệu thành phẩm này tới các thành viên của tổ chức mà giờ đây có tên là Viện Kĩ nghệ Điện và Điện tử IEEE. Cũng như với Lauste và Tigerstedt, Tykonicer đã không thành công thương mại hóa quy trình của mình.

      Ngày 15/4/1923, tại nhà hát Rivoli của New York đã diễn ra buổi trình chiếu phim có tiếng mang mục đích thương mại đầu tiên ứng dụng công nghệ sound-on-film - mà về sau trở thành chuẩn mực - gồm một số đoạn phim ngắn và một bộ phim câm thông qua nhãn hiệu De Forest Phonofilms. Một tháng sau, De Forest và một nhân viên của mình là Freeman Harrison Owens đã đối đầu trong một vụ kiện tụng kéo dài để giành quyền sở hữu một trong những bằng sáng chế quan trọng nhất của Phonofilm. Dù De Forest là bên thắng kiện nhưng Owens luôn được nhớ đến với vị trí là nhà phát minh dẫn đầu trong lĩnh vực này. Năm 1924, studio của De Forest sản xuất bộ phim chính kịch thương mại đầu tiên dưới dạng talkies - Love's Old Sweet Song (của J. Searle Dawley, Una Merkel diễn chính). Tuy nhiên, sản phẩm mà phonofilm cho ra mắt lúc bấy giờ thực chất là phim tài liệu về người nổi tiếng, các màn biểu diễn được yêu thích, hoặc hài kịch. Tổng thống Calvin Coolidge, ca sĩ opera Abbie Mitchell, các siêu sao như Phil Baker, Ben Bernie, Eddie Cantor, Oscar Levant,... đều xuất hiện trong phim của hãng này. Nhưng Hollywood vẫn giữ nguyên thái độ nghi ngờ - hay sợ hãi - đối với công nghệ mới; như James Quirk đã viết vào tháng 3/1924: "Phim có tiếng thật hoàn hảo, trích lời của Ts. Lee De Forest. [Nếu vậy thì] dầu thầu dầu cũng thế". Quy trình của De Forest tiếp tục được sử dụng tại Mĩ cho tới 1927 cho hàng chục bộ Phonofilm ngắn, còn ở Anh thì kéo dài hơn vài năm. Tính tới cuối thập niên 1930, Phonofilm chính thức bị thanh lý.

      Ở châu Âu cũng có những nhà nghiên cứu sound-on-film độc lập. Năm 1919, ba nhà phát minh người Đức đăng kí bằng sáng chế cho hệ thống âm thanh Tri-Ergon. Ngày 17/9/1922, họ công chiếu bộ talkie chính kịch Der Brandstiffer (hay The Arsonist) tại rạp Alhambra Kino, Berlin. Tới cuối thập kỉ 1920, Tri-Ergon đã trở thành hệ thống hàng đầu của châu Âu. Năm 1923, hai nhà kĩ sư Hà Lan là Axel Petersen và Arnold Poulsen đồng sáng chế một hệ thống ghi âm cho phép âm thanh ghi trên vật liệu riêng được chiếu song song với hình ảnh. Gaumont đã mua lại công nghệ này và thương mại hóa nó dưới cái tên Cinéphone.

      Quay lại Mĩ, tính tới tháng 9/1925, De Forest và Case chính thức từ bỏ hợp tác. Tháng 7 năm sau, Case gia nhập studio lớn thứ ba của Hollywood lúc bấy giờ là Fox Film và sáng lập tập đoàn Fox-Case. Cùng với trợ lý Earl Sponable, Case tạp ra một quy trình riêng gọi là Movietone, từ đó trở thành công nghệ sound-on-film đầu tiên do Hollywood kiểm soát. Năm 1927, Fox mua lại quyền sử dụng Tri-Ergon tại Bắc Mĩ, dù cho rằng công nghệ này kém hơn Movietone và không thể kết hợp cả hai một cách hữu ích. Cũng trong năm này, Fox cũng chào mời được Freeman Owens, người đặc biệt giỏi trong việc chế tạo các máy quay dành cho phim có tiếng.



      • Sound-on-disc cải tiến

      Song hành với sound-on-film, một số công ty khác cũng có nhiều tiến bộ với công nghệ ghi âm phim trên đĩa phonograph. Với công nghệ thời bấy giờ, chiếc phonograph phụ trách phát âm thanh sẽ được nối - bằng một khóa liên động cơ học - với những chiếc máy chiếu được cải tiến đặc biệt để đồng bộ âm thanh và hình ảnh. Năm 1921, Orlando Kellum giới thiệu quy trình Photokinema để thêm âm thanh vào những đoạn phim tiếp theo của bộ phim câm Dream Street (1921, của D. W. Griffith). Ông đã ghi lại một bài tình ca do Ralph Graves biểu diễn và một số đoạn hội thoại, nhưng thành quả không như mong muốn nên chúng không được công chiếu rộng rãi. Ngày 1/5/1921, Dream Street được tái công chiếu kèm theo bản tình ca nói trên tại rạp New York City's Town Hall, khiến cho nó - theo nghĩa khá tùy ý - là bộ phim thời lượng dài đầu tiên có ghi âm tiếng nói của người.

      Năm 1925, Sam Warner của hãng Warner Bros. - lúc bấy giờ là một studio quy mô nhỏ của Hollywood - chứng kiến một buổi trình chiếu của hệ thống sound-on-disc Western Electric và rất hài lòng, sau đó đã thuyết phục những người anh em của mình để có thể thêm nó vào những buổi công chiếu tại studio Vitagraph mà họ vừa mua lại. Tháng 4/1926, công ty Western Electric ký hợp đồng với Warner Bros. và W. J. Rich đã cho phép họ độc quyền ghi âm và trình chiếu phim có tiếng bằng công nghệ Western Electric. Để khai thác quyền lợi này, tập đoàn Vitaphone được thành lập với Samuel L. Warner ở vị trí chủ tịch. Hệ thống Vitaphone chính thức ra mắt vào ngày 6/8/1926 với buổi công chiếu bộ Don Juan gần 180 phút; dù là bộ phim thời lượng dài đầu tiên có âm thanh đồng bộ từ đầu chí cuối với âm nhạc và hiệu ứng, nhưng thực tế lại không có hội thoại - có thể nói, Don Juan là một bộ phim câm. Tuy nhiên, ngoài Don Juan thì Vitaphone còn xuất hiện trong bốn đoạn biểu diễn ca nhạc kinh điển và một đoạn phim giới thiệu của Will H. Hays - chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mĩ MPAA lúc bấy giờ - dài 4 phút, đều có ghi âm người nói thực thụ. Vì thế, chúng là những đoạn phim có tiếng danh xứng với thực đầu tiên do Hollywood trình chiếu. Tháng 10 cùng năm, The Better 'Ole đã được công chiếu và hầu như có hình thức tương tự Don Juan.



      • Nhìn chung

      Dần dần, sound-on-film đã thắng thế trước sound-on-disc bởi một số lợi thế về kĩ thuật cơ bản như sau:
      * Đồng bộ: không có một loại khóa liên động (interlock) nào là hoàn hảo và âm thanh có thể bị lỗi nếu đĩa bị nhảy hoặc tốc độ khung hình bị thay đổi đột ngột, vì thế cần có người giám sát và điều chỉnh liên tục.
      * Biên tập: người ta không thể trực tiếp biên tập đĩa của phonograph, vì thế cực kì khó khăn nếu muốn sửa đổi phim sau khi quay lần đầu.
      * Phân phối: đĩa phonograph rất tốn kém và gây phức tạp cho toàn bộ quá trình phân phối.
      * Độ bền: chính sự sử dụng sẽ làm mòn đĩa phonograph, và cần phải thay mới sau khoảng 20 lần trình chiếu.

      Tuy nhiên, trong thời kì đầu, sound-on-disc có lợi hơn sound-on-film ở hai khía cạnh quan trọng:
      * Chi phí sản xuất: nhìn chung ghi âm lên đĩa sẽ rẻ hơn ghi âm vào phim và các máy chiếu sound-on-disc cũng rẻ hơn so với các máy chiếu được sản xuất đặc biệt dành cho sound-on-film.
      * Chất lượng ghi âm: các đĩa phonograph - đặc biệt của Vitaphone - có dải động DR lớn hơn hẳn so với các quy trình sound-on-film cùng thời, chí ít là trong những buổi công chiếu đầu tiên (dù sound-on-film có độ nhạy tần số FR hơn hẳn, nhưng lại bị tạp âm và biến âm làm hỏng).

      Với các tiến bộ về sau, sound-on-film đã triệt để giải quyết hai vấn đề này.

      Các tiến bộ kĩ thuật thứ ba có tính quyết định trong cả hai quá trình ghi âm và trình chiếu là sự chính xác trong ghi âm và khuếch đại âm thanh điện tử.



      • Ghi âm và khuếch đại âm thanh điện tử

      Năm 1913, Western Electric - bộ phận sản xuất của AT&T - đã giành được quyền sở hữu bóng đèn điện tử chân không audion của Lee De Forest, tiền thân của đèn ba cực (triod vacuum tube). Trong những năm tới, họ thí nghiệm và cải tiếng nó thành một thiết bị đủ tin cậy để lần đầu tiên việc khuếch đại âm thanh bằng điện đã thành công. Sau đó, Western Electric chuyển sang phát triển đèn điện tử chân không trong các hệ thống địa chỉ công cộng và hệ thống ghi âm điện tử. Từ 1922, bộ phận nghiên cứu của Western Electric bắt đầu tập trung toàn lực vào công nghệ ghi âm cho cả sound-on-disc và sound-on-film.

      Những người nghiên cứu sound-on-disc vốn có lợi thế từ những kiến thức chuyên môn mà Western Electric đã có được từ thí nghiệm ghi âm trên đĩa bằng điện nên ban đầu có nhiều tiến bộ hơn, trong đó thay đổi lớn nhất là tăng thời lượng phát lại của đĩa sao cho chỉ một đĩa là đủ cho một cuộn phim 35mm dài 1000 ft (~300m) tiêu chuẩn. Thiết kế tối ưu nhất của họ lúc bấy giờ là sử dụng đĩa có đường kính 16 inch (~41 cm) quay ở tốc độ 33 1/3 rpm (revolutions per minute - tổng số vòng quay trong một phút), có thể chạy trong 11 phút (thời lượng của một cuộn phim 1000 ft nếu chiếu ở tốc độ 24 fps). Bởi đường kính quá lớn nên tốc độ rãnh tối thiếu đạt 70 ft/min (hay 356 mm/s), chỉ nhỏ hơn chút ít so với loại đĩa thông dụng đường kính 10 inch tốc độ 78 rpm. Năm 1925, công ty chính thức ra mắt một hệ thống âm thanh điện tử được cải tiến hoàn toàn mới, trong đó bao gồm mirco ngưng tụ nhạy và máy ghi dây cao su (đặt tên này bởi dải cao su được dùng để giảm sốc trong đó). Tháng 5 cùng năm, công ty cấp quyền cho Walter J. Rich khai thác hệ thống này cho mục đích điện ảnh thương mại, và chỉ một tháng sau, cùng với Warner Bros., ông thành lập Vitagraph. Tháng 4/1926, Warners kí hợp đồng độc quyền với AT&T quyền sử dụng công nghệ âm thanh của hãng này cho các bộ phim sử dụng Vitaphone, dẫn đến sự ra đời của Don Juan và các đoạn phim ngắn nổi tiếng. Trong giai đoạn mà Vitaphone độc quyền khai thác này, chất lượng trung thực của âm thanh mà phim của Warner Bros. có được vượt hơn hẳn các đối thủ.

      Trong khi đó, Bell Labs - tên mới của bộ phận nghiên cứu của AT&T - đang cật lực nghiên cứu một công nghệ khuếch đại âm thanh điện tử cho phép các bản ghi âm có thể được phát qua các loa phóng đại ở âm lượng mà toàn bộ thính phòng có thể nghe được. Hệ thống âm thanh này nhanh chóng được cài đặt tại rạp New York's Warners vào cuối tháng 7 cùng năm, và bằng sáng chế của nó - mà Western Electric đăng kí dưới tên là No. 555 Receiver - đã được cấp vào ngày 4/8, chỉ 2 ngày trước buổi công chiếu Don Juan.

      Cuối năm đó, AT&T/Western Electric thành lập một bộ phận mới là Electrical Research Products Inc. (ERPI) để quản lí tất cả các quyền hạn liên quan tới công nghệ âm thanh dùng cho điện ảnh mà hãng sản xuất. Vitaphone tuy vẫn giữ độc quyền khai thác hợp pháp nhưng vì giờ đây phải nộp lại tiền bản quyền nên ERPI mới là phía chủ đạo nắm giữ công nghệ này. Ngày 31/12/1926, Warners cho phép Fox-Case chia sẻ quyền sử dụng công nghệ của Western Electrics, đổi lại cả Warners và ERPI đều được chia lợi nhuận của Fox. Cả ba bằng sáng chế quan trọng này đều được đăng kí sở hữu chung một cách hợp pháp (cross-licensed). Chất lượng ghi âm tuyệt hảo và công nghệ khuếch âm điện tử giờ đây đã nằm trong tay hai studio của Hollywood, tuy mỗi bên đi theo quy trình sản xuất hoàn toàn khác nhau.



      Sự thắng thế của "talkies"

      Tháng 2/1927, năm studio hàng đầu của Hollywood đã thống nhất - bao gồm Famous Players Lasky (sau sát nhập vào Paramount), MGM, Universal, First National, và Producers Distributing Corporation (PDC) - về việc chỉ chọn ra một phe để đi trước trong việc chuyển đổi sang phim có tiếng, và lùi lại để chờ đón kết quả tiếp theo. Ba tháng sau, Warners Bros. bán lại quyền khai thác của mình cho ERPI (cùng với quyền phụ của Fox-Case trước đó) và kí lại một bản hợp đồng khá tương tự với Fox lúc trước. Fox và Warners lúc này đang chuyển đổi phim có tiếng theo những hướng khác biệt nhau, cả về công nghệ lẫn mục tiêu thương mại - Fox chuyên về newsreel và chính kịch, còn Warners sản xuất talkies. ERPI nhanh chóng khống chế thị trường bằng cách liên tiếp kí kết hợp đồng quyền khai thác với 5 studio mới.

      Tất cả các buổi công chiếu phim có tiếng trong năm đều lợi dụng sức hút có sẵn này. Ngày 20/5/1927, tại rạp Roxy ở New York, Fox Movietone đã công chiếu một bộ phim có tiếng về chuyến bay lừng danh của Charles Lindbergh tới Paris đã diễn ra hồi trưa cùng ngày. Một tháng sau, Fox tiếp tục công chiếu sự chào mừng trở lại của Lindbergh ở New York và Washington D.C., và tính tới nay thì đây là hai trong số những bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại. Cũng trong tháng 5/1927, Fox cũng sản xuất bộ phim tưởng tượng đầu tiên của Hollywood có đồng bộ lời thoại với tựa They're Coming to Get Me (Chic Sale diễn chính). Sau khi lần lượt tái công chiếu một số bộ phim câm - như Seventh Heaven - được thêm vào âm nhạc, Fox giới thiệu bộ phim có tiếng dùng công nghệ Movietone đầu tiên vào ngày 23/9 cùng năm là Sunrise (của F. W. Murnau). Cũng như Don Juan, bộ phim này có nhạc nền và âm thanh tạo hiệu ứng đặc biệt.

      Ngày 6/10 tiếp theo, The Jazz Singer của Warner Bros. ra rạp và trở thành một hit cực lớn đối với studio cỡ trung này, với tổng doanh thu gần 2.6 triệu USD nội địa và quốc tế, nghĩa là hơn hẳn 1 triệu so với các tác phẩm trước đây của hãng. Được sản xuất bằng Vitaphone, hầu hết bộ phim không có hội thoại sống - như Sunrise và Don Juan - mà dựa vào nhạc nền và hiệu ứng. Tuy nhiên, khi vai chính Jakie Rabinowitz (Al Jolson) biểu diễn thì âm thanh chuyển sang các bản ghi âm người thật, bao gồm cả ca nhạc và hai phân cảnh hội thoại ứng tác tại chỗ, và những âm thanh "tự nhiên" của bối cảnh cũng được làm nổi. Dù thành công của The Jazz Singer phần lớn dựa vào sự nổi tiếng của Jolson, nhưng về mặt kĩ thuật thì nó bị giới hạn khá nhiều nên khó có thể gọi nó là một bộ phim có tiếng nổi trội (không tính đến 'đầu tiên' trong lịch sử). Tuy nhiên, với mức doanh thu này thì đã đủ chứng minh cho ngành điện ảnh là nên đầu tư vào phim có tiếng.

      Sự phát triển của phim có tiếng thương mại đã diễn ra trước khi có The Jazz Singer, và sự thành công của nó cũng không làm thay đổi mọi chuyện ngay lập tức. Phải tới tháng 5/1928 thì 4 studio lớn của Hollywood (PDC đã rời khỏi), cùng với United Artisists và một số tên tuổi khác, ký với ERPI hợp đồng để khao thác các cơ sở và công cụ dành cho phim có tiếng. Ban đầu, tất cả các rạp do ERPI thiết kế đều tương thích với cả Vitaphone và Movietone; song đa số các công ty Hollywood khá chậm chạp trong việc tự sản xuất phim có tiếng. Sau Warner Bros., không có một studio nào đầu tư vào talkies hoàn chỉnh. 8 tháng sau The Jazz Singer, ngày 17/6/1928, cuối cùng thì Film Booking Offices of America chuyên về phim kinh phí thấp đã cho công chiếu The Perfect Crime (trước đó FBO đã thuộc về đối thủ của Western Electric là bộ phận RCA của hãng General Electric, và từ đó sử dụng công nghệ mới có tên Photophone). Khác với Movietone (Fox-Case) và Phonofilm (De Forest) là hai hệ thống biến mật độ (variable-density), Photophone là một hệ thống biến khu (variable-area) cho phép các tín hiệu âm thanh được khắc thẳng lên vật liệu phim (trong cả hai loại người ta đều sử dụng một bóng đèn đặc biệt, khi tín hiệu âm thanh được đưa vào sẽ khiến đèn tiếp xúc với vật liệu phim và chụp lại các tín hiệu này dưới dạng chuỗi những đường thẳng siêu nhỏ. Trong quy trình biến mật độ, các đường thẳng này có độ sáng tối khác nhau. Còn trong quy trình biến khu, các đường thẳng này có độ rộng khác nhau). Tới tháng 10, FBO và RCA hợp tác và thành lập RKO Pictures.

      Trong khi đó, Warner Bros. đã có thêm 3 talkies mới, và đều có thành công thương mại cực lớn. Tháng 3 là Tenderloin, dù được quảng cáo là bộ phim thời lượng dài đầu tiên mà nhân vật chịu trách nhiệm cho lời thoại của mình nhưng trên thực tế hội thoại chiếm chỉ 15 phút (trong tổng thời lượng 88 phút). Tháng 4 là Glorious Betsy, và tháng 5 là The Lion and the Mouse. Ngày 6/7/1928, Lights of New York ra rạp, chính thức là bộ phim có tiếng thời lượng dài hoàn chỉnh. Dù chỉ tốn 23 nghìn USD nhưng Warner Bros. thu về tới 1.2 triệu USD doanh thu cho bộ phim này, nghĩa là chỉ số lợi nhuận hơn 5000%. Vào tháng 9, hãng tiếp tục sản xuất một bộ phim với hình thức tương tự như The Jazz Singer - được lồng tiếng một phần - và cũng do Al Jolson diễn chính là The Singing Fool, thu về con số lợi nhuận gần gấp đôi The Jazz Singer. Bộ phim này nhanh chóng trở thành hiện tượng và chỉ trong vòng 9 tháng, bài Sonny Boy của Jolson đã bán ra hơn 2 triệu đĩa và gần 1.25 triệu bản chép nhạc. Tháng 9 này còn có một bộ phim đáng chú ý khác là Dinner Time (của Paul Terry), được coi là một trong những bộ phim hoạt hình có đồng bộ âm thanh đầu tiên. Không lâu sau đó, Walt Disney sản xuất bộ phim có tiếng đầu tiên của mình dựa trên Mickey Mouse, Steamboat Willlie.

      Trong năm 1928 này, khi Warner Bros. đạt được những món lợi khổng lồ từ phim có tiếng thì các studio khác cũng bắt đầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ. Cuối tháng 9/1928, Paramount cho ra rạp bộ Beggars of Life, dù chỉ có một số câu thoại đơn lẻ được lồng tiếng nhưng nó đã cho thấy studio hàng đầu Hollywood này đã công nhận sức mạnh của phim có tiếng. Hai tháng sau, Paramount sản xuất bộ phim có tiếng hoàn chỉnh đầu tiên là Interference. Một trào lưu nhanh chóng lan rộng của giai đoạn này là mổ cừu (goat glanding): nhạc nền, đôi khi có cả hội thoại, được thêm vào các bộ phim trước đó vốn là phim câm và đem ra tái công chiếu. Chỉ vài phút có nhạc như thế là có thể đưa một bộ phim câm lên tầm 'nhạc kịch', ví dụ điển hình nhất là Dream Strett (của D. W. Griffth). Tháng 2/1929, Columbia Pictures - là studio cuối cùng trong số 8 studio lớn của Hollywood ở thời hoàng kim - sản xuất bộ phim Lone Wolf's Daughter dưới hình thức bán lồng tiếng. Ba tháng sau, Warner Bros. lại chiếm lĩnh thị trường với bộ On with the Show! được nhuộm màu và lồng tiếng hoàn chỉnh.

      Dù vậy, với điều kiện lúc bấy giờ, hầu hết các rạp phim ở Mĩ - đặc biệt là ở ngoài các thành phố lớn - đều không được trang bị để trình chiếu phim có tiếng, nên dù số lượng phim có tiếng đã tăng từ 100 lên 800 trong hai năm 1928-1929, nhưng vẫn thua xa phim câm với con số tăng từ 22204 lên 22544 trong cùng giai đoạn. Tương tự, các studio lớn vẫn không thể hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của talkies, nên tính tới giữa thập niên 1930 thì hầu hết đều sản xuất song song cả hai loại phim câm và phim có tiếng. Tất nhiên, ít ai ngờ vị thế độc tôn của phim câm trong lĩnh vực điện ảnh thương mại sẽ nhanh chóng bị lật đổ, với Points West (1929) là bộ phim câm chính thống cuối cùng do một studio lớn của Hollywood sản xuất.


      • Sự chuyển đổi ở châu Âu

      The Jazz Singer lần đầu tiên được công chiếu ở châu Âu là tại rạp Piccadilly, London vào ngày 27/9/1928. Theo nhà sử gia điện ảnh Rachael Low thì, "Nhiều người trong giới đã lập tức nhận thấy sự chuyển đổi sang phim có tiếng là điều không thể tránh được". Ngày 16/1/1929, bộ phim có tiếng thời lượng dài đầu tiên của châu Âu ra đời với tựa Ich küsse Ihre Hand, Madame (hay I Kiss Your Hand, Madame) - dù không có hội thoại nhưng đã có nhạc nền và một số bài hát do Richard Tauber biểu diễn. Được sản xuất bằng công nghệ sound-on-film do công ty hợp tác Đức-Hà Lan Tobis nắm giữ, và với tham vọng chiếm lĩnh thị trường sắp tới của phim có tiếng tại châu Âu của hãng này, Tobis đã đạt tới thỏa thuận với đối thủ chính là Klangfilm - một công ty con chung của hai nhà sản xuất điện tử hàng đầu châu Âu. Đầu 1929, Tobis và Klangfilm bắt đầu chung tay thương mại hóa các công nghệ ghi âm và trình chiếu âm thanh. Khi ERPI tiến vào thị trường, Tobis và Klangfilm tiếp tục chung tay tuyên bố Western Eletric đã xâm phạm bản quyền của Tri-Ergon và từ đó cản bước công nghệ đến từ Mĩ này. Và cũng như RCA, Tobis cũng thành lập một bộ phận sản xuất điện ảnh để khai thác tốt hơn công nghệ của mình.

      Trong năm 1929, đa số các nước châu Âu tiếp bước Hollywood trong việc chuyển đổi sang điện ảnh có tiếng, rất nhiều talkies của giai đoạn này thực tế đã được hoàn thành ở nước ngoài trong khi studio gốc đang được hoàn chỉnh thiết bị, hoặc chúng hướng tới các thị trường ngoại quốc. Một trong hai bộ talkies chính kịch thời lượng dài đầu tiên của châu Âu đã ra đời trong hình thức đa ngôn ngữ như thế là The Crimson Circle (của Friedrich Zelnik), sản phẩm hợp tác giữa Efzet Film và British Sound Film Productions. Dù một năm trước đó, bộ phim này đã được trình chiếu dưới dạng phim câm với tựa đề Der Rote Kreis tại Đức, nhưng sau đó các đoạn hội thoại bằng tiếng Anh được thêm vào bằng công nghệ Phonofilm (của De Forest) và tái công chiếu vào tháng 3/1929 tại Anh dưới hình thức bán lồng tiếng. Ra rạp cùng thời điểm đó là The Clue of the New Pin của hãng British Lion, được sản xuất bằng công nghệ sound-on-disc Photophone. Hai tháng sau, Black Waters ra đời với quảng cáo là bộ phim có tiếng hoàn chỉnh đầu tiên của Anh, dù được quay chụp tại Mĩ thông qua công nghệ của Western Electric. Những bộ phim nói trên đều không gây ra ảnh hưởng gì đáng nói.

      Bộ phim chính kịch có tiếng thời lượng dài đầu tiên thành công của châu Âu là Blackmail (1929, của Alfred Hitchcock - bấy giờ vừa được 29 tuổi). Dù ban đầu được sản xuất dưới dạng phim câm, Blackmail đã được thêm vào nhiều đoạn hội thoại lẻ, nhạc nền, và âm thanh hiệu ứng ngay trước khi ra rạp. Do British International Pictures sản xuất, Blackmail đã ứng dụng công nghệ RCA Photophone và nhanh chóng thành hit, thành công cả về thương mại lẫn phê bình - như người lừng danh khó khăn Hugh Castle cho nhận xét nó "có lẽ là sự kết hợp thông minh nhất giữa câm và tiếng mà chúng ta từng biết tới".

      Ngày 23/8 cùng năm, ngành công nghiệp điện ảnh khiêm tốn lúc bấy giờ của Áo giới thiệu một bộ talkies là G’schichten aus der Steiermark (hay Stories from Styria), hợp tác giữa Eagle Film và Ottoton Film. Ngày 30/9, bộ phim talkies hoàn chỉnh đầu tiên của Đức ra rạp với tựa Das Land ohne Frauen (hay Land Without Women). Do Tobis Filmkunst sản xuất và khoảng 1/4 thời lượng có lồng tiếng, kèm theo hiệu ứng và nhạc nền, nhưng bộ phim này không được mến mộ. Thụy Điển thì có Konstgjorda Svensson (hay Artificial Svensson) ra mắt vào ngày 14/10. 8 ngày sau, Aubert Franco Film giới thiệu Le Collier de la reine (hay The Queen's Necklace), được sản xuất dưới dạng phim câm nhưng thêm vào nhạc nền và một đoạn hội thoại bằng công nghệ của Tobis. Ngày 31/10 là Les Trois masques của hãng Pathé-Natan, thường được xem là một bộ phim talkie hoàn toàn của Pháp, nhưng thực tế lại được quay ở Anh, do lúc bấy giờ phía sản xuất muốn sử dụng RCA Photophone và chỉ Anh mới có cơ sở phù hợp.

      Phải tới giữa thập niên 1930 thì các studio tại Paris mới được trang bị đầy đủ, nên một số bộ talkies thời kì đầu của nước này đã được hoàn thành tại Đức. Bản thân nước này lúc bấy giờ có tựa phim bán lồng tiếng thời lượng dài Atlantik (hay Atlantic), do BIP sản xuất, với biên kịch người Anh và đạo diễn người Đức, Atlantik cũng có tính chất tương tự như Les Trois masques và La Route est belle của Pháp. Bộ Dich hab ich geliebt (It's You I Have Loved) hoàn toàn của Đức được ra rạp ba tuần rưỡi sau đó, dù không phải là bộ phim có tiếng đầu tiên của nước này, nhưng nó lại là bộ phim Đức đầu tiên được công chiếu tại Mĩ.

      Năm 1930, bộ talkies đầu tiên của Ba Lan ra đời bằng quy trình sound-on-disc, Moralność pani Dulskiej (hay The Morality of Mrs. Dulska) vào tháng 3 và bộ phim có tiếng hoàn chỉnh là Niebezpieczny romans (hay Dangerous Love Affair) vào tháng 10. Ở Ý, nơi có ngành công nghiệp điện ảnh rực rỡ một thời, bộ talkies đầu tiên được sản xuất là La Canzone dell'amore (1930, hay The Song of Love). Chỉ hai năm sau đó, điện ảnh Ý đã được cứu sống. Tiệp Khắc cũng sản xuất bộ talkies đầu tiên của mình trong năm 1930 là Tonka Šibenice (hay Tonka of the Gallows). Một số nước thuộc châu Âu khác cũng nhanh chóng tiếp nối trào lưu này - như Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp, và Romania. Tháng 12 cùng năm, Liên Xô sản xuất hai bộ phim talkies đầu tiên của mình là Entuziazm (của Dziga Vertov), có âm thanh nhưng không có hội thoại, và Plan velikikh rabot (của Abram Room), có nhạc nền và hiệu ứng. Cả hai đều ứng dụng công nghệ sound-on-film nội địa. Tháng 6/1931, bộ phim chính kịch Putevka v zhizn (hay The Road to Life, hay A Start in Life, của Nikolai Ekk) là bộ phim có tiếng thực thụ đầu tiên của điện ảnh nước này.

      Ở đa số các nước châu Âu, khả năng trình chiếu phim có tiếng luôn thua xa khả năng sản xuất loại phim này, vì thế talkies buộc phải ra đời trong cả hai hình thức câm và có tiếng, hoặc đôi khi có tiếng nhưng buộc phải chiếu theo kiểu phim câm. Dù sự chuyển đổi ở Anh diễn ra khá nhanh (tính tới cuối thập niên 1930 thì 60% số rạp phim đã được lắp đặt thiết bị đầy đủ) nhưng ở Pháp thì ngược lại (tới năm 1932 thì 50% số rạp vẫn chỉ có thể chiếu phim câm). Theo học giả Colin G. Crisp thì "Sự quan ngại về vấn đề khôi phục dòng chảy của phim câm là một đề tài thường thấy trong báo giới điện ảnh [Pháp], và phần lớn người trong giới vẫn cho rằng phim câm là một phương thức kinh doanh đầy nghệ thuật cho tới mãi năm 1935". Tình hình này còn trầm trọng hơn ở Liên Xô, tính tới tháng 5/1933, chưa tới 1% các rạp ở vùng ngoại thành có thể trình chiếu phim có tiếng.



      • Sự chuyển đổi ở châu Á

      Trong giai đoạn 1920-1930, Nhật và Mĩ luôn là hai nhà sản xuất phim điện ảnh lớn nhất thế giới. Nhật là một trong những nước có thể sản xuất phim có tiếng sớm nhất, nhưng sự chuyển đổi lại diễn ra rất chậm so với phương Tây. Có lẽ bộ talkies đầu tiên của nước này là Reimai (1926, hay Dawn), thông qua công nghệ Phonophone của De Forest. Trong năm 1929, studio Nikkatsu đã ứng dụng quy trình sound-on-disc Minatoki để sản xuất hai bộ talkies là Taii no musune (hay The Captain's Daughter) và Furusato (hay Hometown). Hai năm sau, đối thủ của Nikkatsu là Shochiku bắt đầu sử dụng quy trình biến mật độ Tsuchibashi cho một số tác phẩm thành công khác. Tuy nhiên, tính tới 1933 thì hơn 80% phim được sản xuất ở Nhật vẫn là phim câm. Hai trong số những đạo diễn hàng đầu lúc bấy giờ là Mikio Naruse và Yasujirō Ozu phải lần lượt tới 1935 và 1936 thì mới làm phim có tiếng.

      Sức hút lâu dài của phim câm tại Nhật phần lớn là nhờ vào truyền thống benshi - một người tường thuật có trách nhiệm hỗ trợ trong khi trình chiếu. Như đạo diễn Akira Kurosawa sau này nhận xét, các benshi "không chỉ kể truyện, họ còn tăng cường cảm xúc của khán giả thông qua lồng tiếng và thêm vào âm thanh hiệu ứng, hoặc miêu tả chi tiết các sự kiện và hình ảnh trên màn hình... Các benshi hàng đầu xứng đáng là những ngôi sao, và mỗi người chỉ chịu trách nhiệm cho một rạp phim duy nhất". Nhà sử gia điện ảnh Mariann Lewinsky thì cho rằng, "Sự suy tàn của phim câm ở phương Tây và Nhật đã bị thúc đẩy bởi ngành công nghiệp và thị trường, chứ không phải vì nhu cầu bức thiết hay cách mạng tự nhiên nào cả... Phim câm là một hình thức nghệ thuật rất thú vị và đã hoàn toàn chín chắn. Nó không thiếu cái gì cả, nhất là ở Nhật, nơi luôn có giọng nói con người đảm nhận lời thoại và bình luận. Phim có tiếng không hay hơn, chỉ kinh tế hơn. Nếu là chủ rạp phim, bạn không cần phải trả lương cho nhạc công và benshi nữa. Và một benshi giỏi là một ngôi sao cần có mức lương tương xứng với ngôi sao". Tương tự, hệ thống benshi cho phép sự chuyển đổi sang phim có tiếng được mượt mà hơn - cho phép các studio dàn trải kinh phí và đội ngũ sản xuất làm quen với các quy trình mới.

      Trong năm 1930, bộ phim talkies đầu tiên của Trung Quốc là Gēnǚ hóng mǔdān (hay 歌女紅牡丹, hay Singsong Girl Red Peony, Butterfly Wu diễn chính) được ra mắt. Tháng 2 cùng năm, bộ phim có tiếng đầu tiên của điện ảnh Úc là The Devil's Playground; nhưng Fellers (ra mắt 3 tháng sau) mới được coi là bộ phim có tiếng đầu tiên được trình chiếu công khai của nước này. Tháng 9, một bài hát do Sulochana biểu diễn - trích từ bộ phim câm Madhuri (1928) - đã được chuyển đổi thành một đoạn phim có tiếng ngắn. Năm 1931, Ardeshir Irani sản xuất bộ talkies đầu tiên của Ấn Độ là Alam Ara (tiếng Hindi-Urdu), sau đó là Kalidas (tiếng Tamil-Telugu). Ngoài ra, ở châu Á còn có: Jamai Sasthi (1931) là bộ phim đầu tiên dùng tiếng Bengali, Bhakta Prahlada (1931) là bộ phim hoàn toàn dùng tiếng Telugu, Ayohyecha Raja (1932) là bộ phim đầu tiên dùng tiếng Marathi được công chiếu rộng rãi, Narsimha Mehta (1932) là bộ phim đầu tiên dùng tiếng Gujarati, Kalava (1932) là bộ phim đầu tiên dùng tiếng Tamil, Dukhtar-e-loor (1932) là bộ phim đầu tiên dùng tiếng Ba Tư, Sha zai dongfang (1933) và Liang xing (1933) là hai bộ phim đầu tiên dùng tiếng Quảng Đông,... Chỉ trong vòng 2 năm, toàn bộ điện ảnh Hồng Kông đã hoàn toàn chuyển sang phim có tiếng. Hàn Quốc - với những pyonsa (tương tự benshi ở Nhật) - là quốc gia cuối cùng trong số các nước có điện ảnh phát triển sản xuất bộ talkies đầu tiên: Chunhyangjeon (1935, 春香傳/춘향전), dựa theo câu chuyện cổ tích Chunhyangga.



      Các tác động


      • Về công nghệ

      Trong giai đoạn đầu, ghi âm lời thoại sống là một vấn đề cực kì khó giải quyết trong sản xuất phim. Các máy quay lúc bấy giờ khi vận hành thì phát ra âm thanh rất ồn, nên các talkies thời kì đầu đã được quay trong các không gian kín để tách biệt giọng nói của diễn viên khỏi các tạp âm bên ngoài, với cái giá là không thể di chuyển máy quay tự do được. Vì thế, có một thời gian người ta phải dùng vô số máy quay cho mỗi lần quay, và đôi khi tính sáng tạo của con người còn khám phá ra nhiều cách để quay một số cảnh đặc biệt. Ngoài ra, diễn viên phải đứng trong phạm vi gần với micro có nghĩ là họ thường xuyên phải hạn chế cử động của chính mình. Bộ Show Girl in Hollywood (1930, của First National Pictures) đã có một đoạn phim hậu trường miêu tả một số kĩ thuật được ứng dụng trong các talkies thời kì đầu. Các vấn đề cơ bản này nhanh chóng được giải quyết với sự ra đời của lớp vỏ máy quay mới - thường được gọi là 'blimp' - để loại trừ tạp âm và các mirco kéo dài - hay 'boom camera' - để di động theo các nhân vật. Năm 1931, sự trung thực của ghi âm được nâng cao khi có hệ thống loa ba cấp, trong đó âm thanh được phân tầng thành 3 tần số (thấp, trung, cao) tương ứng với bass, mid, treble.

      Một số phương diện kĩ thuật khác cũng có nhiều sự thay đổi. Muốn có sự đồng bộ và ghi âm hoàn chỉnh thì cần phải hệ thống hóa chính xác tốc độ của máy quay và của máy trình chiếu. Trước khi cần phải ghi âm, 16 fps là tốc độ tiêu chuẩn nhưng ít phim câm nào tuân theo, các đạo diễn thường lạm dụng quá mức chiếu nhanh và chiếu chậm để tăng tính kịch cho phim của mình, còn các chủ rạp thì tăng nhanh tốc độ trình chiếu để rút ngắn thời lượng của mỗi lần chiếu để có thể thêm vào các suất phụ. Tuy nhiên, muốn nghe được âm thanh thì tốc độ chiếu phải không thay đổi, và 24 fps nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn mới. Đồng thời, giới làm phim cũng phải loại bỏ các bóng đèn hồ quang cực ồn trước nay được thêm vào nội thất các studio, từ đó chuyển sang công nghệ nóng sáng yên lặng hơn, và cũng vì thế phải chuyển sang sử dụng vật liệu phim đắt tiền hơn (để bắt sáng nhạy hơn). Như David Bordwell miêu tả, tiến bộ kĩ thuật tiếp tục diễn ra nhanh chóng, "Giữa 1932 và 1935, [Western Electric và RCA] tạo ra micro chuyển hướng, tăng dải tần số trong quay chụp, giảm thiểu tạp âm từ môi trường ... và cả mở rộng dải âm lượng". Những tiến bộ này cũng mở đường cho nhiều tiến bộ về thẩm mĩ, "Nâng cao sự trung thực của ghi âm ... tăng chất kịch nhờ âm sắc, cường độ, độ to [của lời nói]".

      Một vấn đề cơ bản khác - từng được châm biếm rất rõ ràng trong Singin' in the Rain (1952) - là một số ngôi sao phim câm không có giọng nói êm tai, dù thực tế đôi khi được phóng đại thái quá. Điều này còn dẫn đến sự quan tâm bất hợp lý về chất lượng của giọng nói song song với dù đã tuyển lựa diễn viên có kĩ năng diễn xuất cao nhưng lại đòi hỏi khả năng ca hát vượt quá tầm của họ. Tới 1935, ghi âm lại và lồng tiếng do các nhân vật trong hậu kì - hay 'looping' - đã trở thành thực dụng. Năm 1936, RCA giới thiệu một hệ thống ghi âm ứng dụng tia cực tím cho phép tái tạo tốt hơn các âm xuýt và nối cao.

      Với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang talkies của Hollywood, sự đối đầu giữa hai phương pháp cơ bản nhất nhanh chóng được giải quyết. Trong hai năm 1930-1931, hai studio lớn duy nhất sử dụng sound-on-disc là Warner Bros. và First National cũng chuyển sang dùng công nghệ sound-on-film. Tuy nhiên, Vitaphone vẫn độc chiếm các rạp phim dành cho phim có tiếng, nên trong nhiều năm tiếp theo các studio thường song song phát hành hai phiên bản sound-on-film và sound-on-disc của cùng một tựa phim. Sau đó, lần lượt Vitaphone và Fox Movietone bị đào thải, còn lại hai quy trình thông dụng nhất tại Mĩ là biến khu RCA Photophone và biến mật độ Western Electric. Đối với RCA, hai công ty mẹ đã phát triển các phương tiện tương thích với nhau, nghĩa là phim quay bằng quy trình này cũng có thể trình chiếu bằng quy trình khác. Thách thức lớn nhất lúc bấy giờ là Tobis-Klangfilm. Tháng 5/1930, Western Electric thắng kiện tại Áo cho phép hủy bỏ sự bảo vệ một số bản quyền của Tri-Ergon, buộc Tobis-Klangfilm phải ra bàn đàm phán. Trong một tháng sau, hai bên đi đến một thỏa thuận sở hữu chung, tăng tính tương thích trong trình chiếu, và chia thị trường thế giới thành 3 phần: "Tobis-Klangfilm có độc quyền phân phối ở: Đức, Danzig, Áo, Hungary, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Bulgaria, Romania, Yugoslavia, và Phần Lan. Mĩ có độc quyền phân phối ở: Mĩ, Canada, Úc, New Zealand, Ấn Độ, và Nga. Tất cả các nước còn lại - như Ý, Pháp, và Anh - có quyền lựa chọn giữa hai phía".

      Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn không giải quyết hoàn toàn mâu thuẫn và các bên liên quan tiếp tục ký kết nhiều thỏa thuận trong suốt thập niên 1930. Đồng thời, các studio Mĩ bắt đầu từ bỏ quy trình Western Electric và chuyển sang RCA Photophone - tính tới 1936, chỉ Paramount, MGM, và United Artists còn duy trì hợp đồng với ERPI.



      • Về nhân công

      Dù sự phát triển của phim có tiếng đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh, nhưng cũng chính nó đã hạn chế khả năng tuyển chọn diễn viên của Hollywood lúc bấy giờ. Đột nhiên, những ai chưa từng có kinh nghiệm lên sân khấu bắt đầu bị nghi ngờ, và như đã đề cập, những ai có khẩu âm nặng hoặc giọng nói 'không hoàn hảo' mà trước đây bị che giấu bởi phim câm giờ đây đặc biệt nguy cơ - ví dụ như sự nghiệp của ngôi sao lớn Norma Talmadge đột ngột chấm dứt, ngôi sao gốc Đức Emil Jannings phải quay về quê hương, còn ngôi sao John Gilbert cũng dần bị quên lãng,... Khán giả lúc bấy giờ thường xem những ngôi sao lớn của phim câm là thuộc về thời kì trước, 'lỗi thời' dù thực tế có người có khả năng thành công hơn trong phim có tiếng. Danh tiếng của danh hài Harold Lloyd nhanh chóng giảm sút, Lilian Gish trở lại với kịch nghệ, và vô số tên tuổi lớn khác cũng bỏ nghề: Colleen Moore, Gloria Swanson, Douglas Fairbanks, và Mary Pickford. Nữ diễn viên Louise Brooks từng nói: "Các chủ studio - buộc phải ra quyết định - bắt đầu với dàn diễn viên, phần khó nhất và dễ xảy ra vấn đề nhất trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, đây quả thật là một cơ hội tuyệt hảo để cắt hợp đồng, giảm lương, và thỏa thuận với diễn viên mới... [Như] tôi, họ đưa xuống một tờ giấy báo lương. Tôi có thể ở lại nếu không nhận đúng mức lương trong hợp đồng, hoặc nghỉ. [Người đứng đầu studio Paramount] Schulberg nói, bằng một giọng điệu đáng ngờ rằng liệu tôi có hợp tới talkies hay không. Tôi nói đáng ngờ là bởi, tôi giọng tiếng Anh chuẩn, có giọng chuẩn, và xuất thân từ kịch nghệ. Nên không hề do dự, tôi nghỉ".

      Tương tự, giọng nói cũng là nguyên nhân khiến Clara Bow phải từ bỏ sự nghiệp Hollywood, dù thực tế là bởi cô có mâu thuẫn với những người điều hành studio. Buster Keagon - người điều hành MGM - vốn rất chào đón phim có tiếng, nhưng khi sự chuyển đổi diễn ra thì ông cũng nhanh chóng mất quyền kiểm soát đối với studio của mình. Dù một số talkies thời kì đầu của Keaton có doanh thu rất cao nhưng đều có giá trị nghệ thuật rất thấp.

      Nhiều điểm hút khách nhất của phim có tiếng lúc bấy giờ đến từ tạp kỹ và nghệ thuật sân khấu, khi các nghệ sĩ như Jolson, Eddie Cantor, Jeannette McDonald, Marx Brothers,... đã quen với biểu diễn cả hội thoại và ca nhạc. Năm 1930, bộ đôi Broadway James Cagney và Joan Blondell đã được Warner Bros. mời chào đến Hollywood. Chỉ có một số ngôi sao của thời đại phim câm có thể tiếp tục tỏa sáng ở thời đại phim có tiếng: Richard Barthelmess, Clive Brook, Bebe Daniels, Norma Shearer, bộ đôi Stan Laurel và Oliver Hardy, và Charlie Chaplin (với hai bộ City Lights và Modern Times chỉ có âm thanh hiệu ứng và nhạc nền chứ không dùng hội thoại). Janet Gaynor và Joan Crawford lần lượt nổi danh nhờ hai bộ Seventh Heaven và Our Dancing Daughters (1928). Greta Garbo là ngôi sao duy nhất không dùng tiếng Anh là tiếng mẹ để có thể tiếp tục tỏa sáng trong cả hai thời kì. Trào lưu này cũng khiến các nhà sản xuất tuyển thêm các tiểu thuyết gia, phóng viên, và biên kịch chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng các đoạn hội thoại trong phim, trong số đó có: Nathanael West, William Faulkner, Robert Sherwood, Aldous Huxley, Dorothy Parker,...

      Cũng với sự chuyển đổi này, càng ngày càng nhiều nhạc công rạp phim bị mất việc. Song, sự thật là tài năng của họ không còn cần thiết khi chiếu phim, mà theo sử gia Preston J. Hubbard nhận xét thì "trong những năm 1920, biểu diễn âm nhạc sống tại các rạp phim hàng đầu là một khía cạnh cực kì quan trọng của điện ảnh Mĩ". Khi talkies ra đời, những buổi diễn như thế - thường là màn diễn dạo đầu - cũng bị loại bỏ, và Liên đoàn nghệ sĩ Mĩ AFM đã lên tiếng phản đối thay thế các nhạc công bằng máy móc. Một năm sau, tại Mĩ có khoảng 20000 nhạc công làm việc ở rạp phim bị mất việc.



      • Về thương mại

      Tháng 9/1926, người đứng đầu Warner Bros. là Jack L. Warner đã từng khẳng định talkies sẽ không bao giờ thật sự khả thi: "Họ đã bỏ qua ngôn ngữ quốc tế của phim câm, và sự chia sẻ vô thức của tất cả những ai xem qua nội dung, hành vi, cốt truyện, và hội thoại giả tưởng [của mỗi bộ phim câm]". Tuy nhiên, ý kiến này là sai lầm, trong hai giai đoạn 1927-1928 và 1928-1929, doanh thu của Warner tăng từ 2 triệu USD lên 14 triệu USD. Như vậy, rõ ràng phim có tiếng là một bước tiến cho tất cả những ông lớn trong ngành. Cũng trong thời gian đó, doanh thu của Paramount tăng lên 7 triệu USD, của Fox lên 3.5 triệu USD, của MGM lên 3 triệu USD". Một hãng còn chưa ra đời từ tháng 9/1928 là RKO - tính tới cuối 1929 - đã trở thành một trong những cái tên hàng đầu trong ngành công nghiệp giải trí Mĩ. Điều thúc đẩy tất cả những thay đổi trên là thể loại mà chỉ phim có tiếng có thể sản xuất: nhạc kịch; lần lượt trong 1928 và 1929 đã có hơn 60 và hơn 80 bộ phim nhạc kịch được sản xuất, chỉ tính tại Hollywood.

      Ngay cả khi khủng hoảng tài chính Wall Street 1929 xảy ra - đã đẩy nước Mĩ và toàn thế giới vào Đại suy thoái - thì sức hút của talkies cũng giúp Hollywood đứng vững trong thời kì đầu. Mùa chiếu phim 1929-1930 còn thu lợi lớn hơn những năm trước, khi số vé và tổng doanh thu lập được kỉ lục mới. Năm 1930, khi cuối cùng Hollywood cũng bị ảnh hưởng thì phim có tiếng vẫn đảm bảo vị thế nơi này là một trong những trung tâm thương mại và văn hóa quan trọng nhất của Mĩ. Từ 1929 đến 1931, doanh thu phòng vé của ngành điện ảnh đã chiếm từ 16.6% lên đến 21.8% trong tổng chi tiêu cho giải trí trong năm của người Mĩ; và con số này sẽ không thay đổi gì nhiều trong vòng 15 năm tới. Hơn thế nữa, Hollywood đã bá chiếm các thị trường bên ngoài. Vào năm 1929, xuất khẩu của ngành công nghiệp điện ảnh Mĩ - đo bằng tổng chiều dài vật liệu phim - tăng 27% so với 1928. Những lo ngại trước đây về rào cản ngôn ngữ đã được giải quyết dễ dàng. Trên thực tế, sự chuyển đổi sang phim có tiếng là một gánh nặng lớn cho các nhà sản xuất nước ngoài vốn nhỏ và thiếu vốn hơn so với mặt bằng chung của Hollywood. Tới giữa 1931, lồng tiếng và phụ đề đã trở nên thông dụng (trước đó thì có các phiên bản 'quốc tế'). Vượt qua các rào cản thương mại nước ngoài, tính tới 1937, phim ảnh Mĩ đá chiếm khoảng 70% thị trường thế giới.

      Ảnh hưởng của các studio lớn có được từ talkies cũng thay đổi tình hình trong nước một cách đột ngột, như sử gia Richard B. Jewell nói: "Cách mạng [phim] có tiếng đã hủy diệt nhiều hãng nhỏ và nhà sản xuất lẻ, những người không có đủ kinh phí cho sự chuyển đổi". Sự kết hợp của phim có tiếng và Đại suy thoái đã làm thay đổi toàn bộ bề mặt của ngành điện ảnh, tạo thành cấu trúc 5 'ông lớn' (MGM, Paramount, Fox, Warners, RKO) và 3 studio hàng đầu (Columbia, Universal, United Artists) thống trị thập niên 1950. Sử gia Thomas Schatz đã nhận xét về kết quả phụ của sự thay đổi này như sau, "Bởi các studio buộc phải 'tự thân vận động', các phong cách độc đáo và đặc điểm của mỗi hãng được làm nổi lên. Vì thế, giai đoạn màu nước dung hòa của thời kì tiền Đại suy thoái cuối cùng cũng kết hợp lại thành một, khi mỗi studio nhận ra tính danh và vị trí của riêng mình trong ngành công nghiệp này".

      Một nước khác nổi lên trong sản xuất phim câm cũng có thay đổi lớn về thương mại chính là Ấn Độ, theo như một nhà phân phối lúc bấy giờ thì "với sự ra đời của talkies, phim điện ảnh Ấn Độ đã tự xác lập thành một tác phẩm độc đáo. Điều này là nhờ có âm nhạc". Ngay từ giai đoạn đầu, phim có tiếng nước này đã được định hình thông qua phim nhạc kịch - Alam Ara (1931) có 7 bài hát thì Indra Sabha (1932) có tới 70 bài. Trong khi các nước châu Âu phấn đấu chống lại bước tiến của Hollywood thì tại Ấn Độ, tính tới 1941, hơn 90% phim là được sản xuất nội địa. Dù ban đầu Bombay là nơi duy nhất có khả năng sản xuất talkies nhưng công nghệ này nhanh chóng lan rộng. Chỉ vài tuần sau khi Alam Ara ra rạp, Madan Pictures của Calcutta đã sản xuất hai bộ Shirin Farhad (tiếng Hindi) và Jamai Sasthi (tiếng Bengal). Năm 1932, thành phố Lahore có Heer Ranjha (tiếng Hindi). Năm 1934, Kolhapur cho ra mắt bộ phim đầu tiên dùng tiếng Kannada là Sati Sulochana. Sau khi những bộ phim này ra đời, sự chuyển đổi sang phim có tiếng tại Ấn Độ diễn ra với tốc độ có thể sánh với Mĩ; tính tới 1934, 164/172 phim được sản xuất là talkies. Kể từ đó - trừ năm 1952 - Ấn Độ luôn nằm trong top 3 các nước sản xuất phim điện ảnh nhiều nhất trên toàn thế giới.



      • Về chất lượng thẩm mỹ

      Trong phiên bản đầu tiên của bài điều tra quốc tế The Film Till Now, Paul Rotha đã viết: "Một bộ phim mà có lời thoại và âm thanh được đồng bộ hoàn hảo với hình ảnh trên màn hình hoàn toàn phản lại với mục đích của điện ảnh. Đây là một sự hạ thấp vô ý thức đối với mục tiêu đích thực của phim và không thể được coi là nằm trong phạm vi thực sự của điện ảnh". Ý kiến này khá phổ biến trong số những người coi điện ảnh là một hình thức nghệ thuật, như Alfred Hitchcock - dù đã đạo diễn bộ phim có tiếng đầu tiên đạt được thành công thương mại tại châu Âu - luôn cho rằng "phim câm là hình thức trung thực nhất của điện ảnh", và chế giễu những bộ talkies thời kì đầu không gì hơn "những hình chụp biết nói". Ở Đức, Max Reinhardt thì nói talkies "đưa kịch lên màn hình... thường khiến loại nghệ thuật độc lập này trở thành nhánh nhỏ của kịch và chỉ là một loại thay thế cho sân khấu kịch... cũng y như tái tạo lại những bức vẽ".

      Trong tâm thức của nhiều sử gia điện ảnh và người hâm mộ - cả lúc bấy giờ và về sau - phim câm đã đạt tới đỉnh cao thẩm mỹ từ cuối thập niên 1920, và trong những năm đầu ra đời, phim có tiếng không thể so sánh với phim câm. Ví dụ, dù sau kỉ nguyên vàng đã gần như bị quên lãng, vẫn có 11 tựa phim câm hiện diện trong bản bình chọn Top 100 của thế kỉ do tạp chí Time Out bình chọn hồi 1995. Năm 1929 là năm đầu tiên mà phim có tiếng vượt qua phim câm - không chỉ ở Mĩ mà là toàn bộ phương Tây - nhưng từ 1929 đến 1933 thì [trong danh sách này] lại được đại diện bởi những bộ phim không hội thoại (Pandora's Box (1929), Zemlya (1930), City Lights (1931)) và không có bộ nào là talkies (City Lights dù có nhạc nền và âm thanh hiệu ứng nhưng hiện nay được tính là phim 'câm' - bởi hội thoại là điểm duy nhất dùng phân biệt giữa phim câm và phim có tiếng). Bộ phim có tiếng sớm nhất có mặt trong danh sách này là L'Atalante (1934, của Jean Vigo) và bộ phim có tiếng sớm nhất do Hollywood sản xuất có mặt là Bringing Up Baby (1938, của Howard Hawks).

      Bộ phim có tiếng đầu tiên đạt được thành công phê bình hầu như ở khắp mọi nơi là Der Blaue Engel (1930, hay The Blue Angel, của Josef von Sternberg) với hai phiên bản tiếng Đức và tiếng Anh của studio UFA ở Berlin. 20 ngày sau bộ phim này ra rạp là bộ phim có tiếng thành công đầu tiên của Mĩ là All Quiet on the Western Front (của Lewis Milestone). Cùng năm này còn có một bộ phim nổi bật khác là Westfront 1918 (của G. W. Pabst). Các nhà văn hóa cho rằng bộ L'Âge d'Or (của Luis Buñuel) là một thành tựu thẩm mĩ tuyệt vời bởi trong bối cảnh lúc bấy giờ, nội dung khiêu gợi, báng bổ, chống tư sản của nó đã gây ra nhiều bê bối. Nhanh chóng bị cảnh sát trưởng của Paris là Jean Chiappe cấm chiếu, bộ phim này sau đó đã không được phép công chiếu trong suốt 50 năm. Và cuối cùng, bộ phim có tiếng đầu tiên được đa số các học giả điện ảnh công nhận tuyệt tác là M (1931, của Fritz Lang).



      • Về hình thức điện ảnh

      Năm 1927, một trong những người lãnh đạo phong trào chủ nghĩa hình thức ở Nga - nhà phê bình Viktor Shklovsky - đã thẳng thừng tuyên bố: "Talkies cũng cần thiết như những quyển sách biết nói". Dù có những người cho rằng âm thanh không liên quan gì đến nghệ thuật điện ảnh, nhưng số khác thì thấy đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Một năm sau, một nhóm các nhà làm phim Liên Xô - trong đó có Sergei Eisenstein - tuyên bố rằng đồng thời sử dụng hình ảnh và âm thanh, lúc bấy giờ gọi là phương pháp đối vị, sẽ đưa điện ảnh tới "...sức mạnh và tầm cao văn hóa chưa từng có. Phương thức làm phim có tiếng không hạn chế chúng trong thị trường nội địa, như đối với các vở kịch, mà có khả năng quảng bá khắp thế giới một ý tưởng được thể hiện bằng điện ảnh". Tuy nhiên, một phần phân khúc khán giả lo ngại công nghệ mới sẽ chấm dứt sự lưu thông này, như Elizabeth C. Hamilton viết: "Phim câm cho phép người khiếm thính một cơ hội hiếm có để tham gia các sự kiện công cộng - điện ảnh - một cách bình đẳng với mọi người khác. Sự ra đời của phim có tiếng sẽ một lần nữa ngăn cách họ ra khỏi những người có thể nghe bình thường".

      Ngày 12/3/1929, bộ talkies thời lượng dài đầu tiên của Đức được công chiếu. Do Tobis Filmkunst sản xuất và là phim tài liệu chứ không phải chính kịch, Melodie der Welt (hay Melody of the World, của Walter Ruttmann) cũng có lẽ là bộ phim đầu tiên đặc biệt nhấn mạnh những tiềm năng nghệ thuật có thể có nếu liên kết hình ảnh với âm thanh ghi sẵn, như học giả William Moritz miêu tả: "[bộ phim này]... phức tạp, năng động, nhịp độ nhanh... liên kết nhiều thói quen văn hóa từ nhiều quốc gia trên thế giới, với nhạc nền tuyệt hảo... và vô số hiệu ứng đặc biệt được đồng bộ" và nhạc sĩ Lou Litchveld nhận xét: "Melodie der Welt là một trong những bộ phim tài liệu có tiếng quan trọng, là bộ phim đầu tiên mà âm nhạc và âm thanh không phải nhạc được hài hòa, mà hình ảnh và âm thanh được chi phối bằng chung một nhịp điệu". Melodie der Welt cũng trực tiếp ảnh hưởng tới bộ Philips Radio (1931, của Joris Ivens) do Lichtveld tài trợ, và cũng chính ông đã nói về mục tiêu nghe nhìn của nó như sau, "Để thể hiện cảm giác nửa nhạc kịch của các âm thanh máy móc trong một thế giới nghe nhìn phức tạp, trong đó chóng vánh chuyển từ âm nhạc sang âm thanh tự nhiên thuần túy. Trong bộ phim này ta có thể thấy mọi giai đoạn trung hòa: chuyển động của máy móc được miêu tả bằng âm nhạc, tiếng ồn của chúng hiện diện trong nhạc nền, chính bản thân âm nhạc trở thành tài liệu, và có những cảnh chỉ tồn tại âm thanh của máy móc...".

      Một số đạo diễn sáng tạo lập tức nhận ra nhiều cách để ứng dụng âm thanh trong điện ảnh, ngoài chức năng hiển hiện của nó là tạo hội thoại. Trong Blackmail, Alfred Hitchcock đã chi phối để khiến màn độc thoại vốn khó hiểu của một nhân vật chỉ có xuất hiện một từ rõ ràng duy nhất là 'dao', từ đó phản ánh được suy nghĩ chủ quan của nhân vật chính. Trong bộ phim đầu tay Applause (1929), Rouben Mamoulian đã tạo ảo giác chiều sâu khi tăng giảm âm lượng tùy theo khoảng cách xa gần của từng cảnh quay.

      Một trong những bộ phim thương mại đầu tiên khai thác toàn diện phương tiện mới này là Le Million (của René Clair), được công chiếu tại Pháp vào tháng 4/1931 và tại Mĩ vào một tháng sau đó. Bộ phim này đạt được cả thành công thương mại lẫn phê bình. Là một bộ phim nhạc kịch hài với cốt truyện không qua nổi bật, bộ phim này đáng nhớ ở chỗ nhấn mạnh vào âm thanh, theo như học giả Donald Crafton miêu tả: "Le Million không cho phép chúng ta quên âm thanh cũng quan trọng không kém gì phông nền. [Nó] thay hội thoại bằng ca nhạc và đối đáp theo nhịp. Clair còn tạo ảo giác khó phân biệt giữa âm thanh trong và ngoài sân khấu. Ông ấy cũng thử nghiệp mánh âm thanh không đồng bộ, với một cảnh đuổi bắt lại được lồng âm thanh reo hò của một đám đông xem bóng đá vô hình".

      Những kĩ thuật kể trên và tương tự trở thành một phần của phim hài có tiếng, mặc dù với tính chất là 'đặc biệt' chứ không phải cơ bản của phong cách phi tự nhiên mà Clair tạo ra. Ngoại trừ lĩnh vực hài thì cách ứng dụng âm thanh mà Melodie der Welt và Le Million theo đuổi hiếm khi vào xuất hiện trong điện ảnh thương mại. Đặc biệt, Hollywood đã đưa âm thanh vào trong một hệ thống làm phim phân biệt theo thể loại khá vững chắc, trong đó nhiệm vụ của phim có tiếng được xác định rõ là phụ thuộc vào dàn diễn viên và cốt truyện dễ hiểu. Như dự đoán chính xác của Frank Woods - thư ký của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mĩ - hồi 1928, "Talkies của tương lai sẽ đi theo hướng cũ của phim câm... Những cảnh hội thoại sẽ đòi hỏi cách xử lý khác, nhưng cách phát triển cốt truyện nhìn chung vẫn giữ nguyên như cũ".



      Credit
      • Nguồn: Wiki
      • Dịch: Johanna A.P.
      • BBCode: Kei
      Mọi góp ý, thắc mắc xin gửi về topic Góp ý - Hỏi đáp - Hỗ trợ dịch thuật.
      Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng


      Sửa lần cuối bởi Johanna A.P.; 21-04-2017 lúc 21:14.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 15:56.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.