oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Khu kiểm định >

Trả lời
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Film Genre] 3D Film - Phim Ba Chiều

      Phim 3D


      Phim lập thể ba chiều/phim 3D (three-dimensional stereoscopic film, hay 3D film, hay S3D film) là một thể loại điện ảnh thông qua nhấn mạnh ảo giác của chiều sâu mà ta nhận thức, từ đó tạo thành chiều không gian thứ ba. Phương pháp làm phim 3D phổ biến nhất hiện nay đến từ nhiếp ảnh lập thể; trong đó, người ta dùng máy quay thông thường để ghi lại hình ảnh từ hai góc độ (hay tạo ra hai góc độ cho hình ảnh CGI trong hậu kỳ), sau đó dùng các công cụ trình chiếu hoặc kính đặc biệt để giới hạn mỗi góc độ chỉ xuất hiện trong riêng mắt trái hoặc phải của khán giả. Phim 3D không chỉ giới hạn ở phim điện ảnh, mà đã có mặt trong phim truyền hình và phim dạng tại gia không qua công chiếu, đặc biệt kể từ khi TV 3D và Blu-ray 3D ra đời.

      Phim 3D đã xuất hiện từ 1915, nhưng hầu như bị ngành công nghiệp điện ảnh bỏ quên bởi chi phí đắt đỏ, sự khó khăn trong sản xuất cũng như trình chiếu, và thiếu hình thức chuẩn mực cho các phân khúc tương ứng trong thị trường. Tuy nhiên, chúng trở thành trào lưu ở Mĩ trong thập niên 1950, và được hồi sinh trên khắp thế giới trong giai đoạn 1980-1990 (nhờ công nghệ IMAX và các công viên Disney). Tới thập niên 2000 thì phim 3D ngày càng thành công, với đại biểu là Avatar (2009).


      Lịch sử


      • Các thí nghiệm và bằng sáng chế đầu tiên

      Kỉ nguyên lập thể của ngành công nghiệp điện ảnh đã bắt đầu từ cuối những năm 1890 khi nhà tiên phong người Anh William Friese-Greene đăng ký thành công một bằng sáng chế cho quy trình xử lý phim 3D đầu tiên. Trong đó, hai bộ phim được chiếu cạnh nhau trên màn hình và khán giả sẽ sử dụng một loại ống nhòm đặc biệt để hai hình ảnh này được hội tụ thành một và tạo ra ảo giác. Bởi dựa theo các nguyên lý gây cản trở như vậy nên quy trình này trở nên không thực tế cho điện ảnh thương mại. Năm 1900, Frederic Eugene Ives đăng ký bằng cho giàn máy quay lập thể của mình, với hai ống kính đôi được bố trí cách nhau 1.75 inch (~4.45 cm).

      Ngày 10/6/2915, Edwin S. Porter và William E. Waddell đã trình bày trước khán giả tại rạp Astor (New York) về quy trình 3D nổi màu bổ sung (anaglyph 3D) - thông qua 3 cuộn phim, bao gồm cảnh về đồng quê, cảnh thử của Marie Doro, một phần cảnh John Mason chơi nhạc trích từ bộ Jim the Penman ra đời không lâu trước đó, vũ đạo châu Á, cảnh thực về tháp Niagara,... Tuy nhiên, theo Adolph Zukor trong quyển The Public Is Never Wrong: My 50 Years in the Motion Picture Industry (1953) thì quy trình này không được sử dụng thêm lần nào nữa.



      • Thời kì đầu (trước 1952)

      Vào ngày 27/9/1922, bộ phim 3D đầu tiên được công chiếu cho nhiều khán giả cùng lúc là The Power of Love, tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles. Dàn máy quay được sử dụng là sản phẩm hợp tác của nhà sản xuất Harry K. Fairfall và nhà quay phim Robert F. Elder. Hai người cho phim chiếu dưới dạng song song nổi màu bổ sung đỏ/lục, do đó đưa nó trở thành bộ phim đầu tiên sử dụng trình chiếu song song, cũng như bộ phim đầu tiên sử dụng kính anaglyph. Tuy nhiên, ta không rõ liệu Fairfall đã dùng kính lọc màu hay bản in nhuộm. Sau khi được bình luận thì bộ phim này không còn được xuất hiện và tới nay được xem là đã mất.

      Đầu tháng 12/1922, nhà sáng chế William Van Doren Kelly - tác giả của quy trình Prizma - vì xem buổi biểu diễn của Fairfall đã nảy sinh hứng thú với công nghệ 3D và bắt đầu phát triển một máy quay riêng, sau đó ký với Samuel "Roxy" Rothafel một hợp đồng để công chiếu phần đầu tiên trong series Plasticon - với tựa đề Movies of the Future - ở rạp Rivoli (New York).

      Đồng thời, Laurens Hammond - sau này đã tạo ra dòng organ Hammond - chính thức chào mời hệ thống Teleview mà ông đã giới thiệu với báo giờ từ tháng 10; và đây là quy trình 3D khung luân phiên đầu tiên trong lịch sử. Thông qua hai âm bản riêng biệt dành cho mắt trái và mắt phải, kèm theo hai máy chiếu được liên kết, phim sẽ được chiếu thông qua chuyển đổi luân phiên hai loại khung trái phải (mỗi bên là 3 lần để phòng ngừa nháy ảnh). Trên tay ghế của khán giả đồng thời sẽ được lắp một loại thiết bị có lá chắn sáng được đồng bộ với lá chắn của máy chiếu, từ đó tạo ra hình ảnh lập thể rõ ràng và sắc nét. Rạp phim duy nhất từng sử dụng Teleview là rạp Selwyn (New York) với một chuỗi phim ngắn và bộ phim duy nhất áp dụng Teleview là M.A.R.S. Tuy nhiên, sau đó thì Teleview không còn xuất hiện nữa.

      Năm 1922, Frederic Eugene Ives và Jacob Leventhal bắt đầu công chiếu đoạn phim 3D ngắn mà họ đã cùng nhau tạo ra trong hơn 3 năm. Bộ phim đầu tiên trong đó - tựa đề Plastigrams - đã được Educational Pictures phân phối dưới dạng anaglyph đỏ/lam. Sau đó, hai người tiếp tục với series Stereoscopiks - được Pathé Films công chiếu cùng năm 1925 - Zowie (10/4), Luna-cy! (18/5), The Run-Away Taxi (17/12), Ouch (17/12). Vào ngày 22/9/1924, Luna-cy! từng được công chiếu bằng quy trình Phonofilm của De Forest.

      Năm 1936, Leventhal và John Norling được MGM thuê để dựng series Audioscopiks dưới hình thức anaglyph đỏ/lục và quy trình Technicolor, do Pete Smith tường thuật. Bộ đầu tiên trong series - Audioscopiks - ra rạp ngáy 11/1/1936 và đã được đề cử giải Oscar dành cho Phim ngắn hay nhất cùng năm. Bộ The New Audioscopiks ra rạp hai năm sau đó. Với sự thành công của hai bộ phim này, MGM tiếp tục với một bộ phim ngắn theo thể anaglyph khác là Third Dimensional Murder (1941, cũng do Pete Smith tường thuật), dưới hình thức anaglyph đỏ/lam và quy trình Technicolor. Bộ phim ngắn này đáng chú ý ở chỗ nó là một trong số ít những bộ có sự xuất hiện live-action của hình tượng Frankenstein mà không phải do Universal sản xuất.

      Dù đa số những bộ phim này có sử dụng quy trình nhuộm màu nhưng trên thực tế không có bộ nào là phim màu, chúng chỉ được áp dụng để tạo nên hiệu ứng anaglyph tiêu chuẩn.



      • Quy trình Polaroid

      Trong khi đang theo học tại đại học Harvard, Edwin H. Land đã nảy ra ý tưởng giảm thiểu sự chói lóa trong hình chụp bằng cách phân cực ánh sáng. Ông tạm nghỉ học để bắt đầu thí nghiệm và tới 1929 đã hoàn thành thí nghiệm và lấy bằng sáng chế cho ý tưởng này. Năm 1932, ông thương mại hóa thành công Polaroid J Sheet. Dù ý tưởng ban đầu là tạo ra một lớp lọc để loại bỏ hiện tượng lóa sáng, nhưng Land cũng không bỏ qua khả năng khai thác nó trong nhiếp ảnh lập thể. Tháng 1/1936, Land lần đầu tiên giới thiệu quy trình này tại khách sạn Wardolf-Astoria và đã được hưởng ứng nồng nhiệt, dẫn đến lần biểu diễn kế tiếp tại Bảo tàng Khoa học New York.

      Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Polaroid thì cần tới một hình thức trình chiếu hoàn toàn mới. Có hai âm bản, mỗi bản chứa những hình ảnh dành riêng cho mắt trái hoặc phải, sẽ được đồng bộ trong lúc trình chiếu thông qua một động cơ selsyn ngoại giới đặc biệt. Ngoài ra, màn hình trắng sẽ làm mất tán dụng phân cực của Polaroid nên người ta phải sử dụng màn hình bạc hoặc màn hình làm bằng các loại vật liệu phản chiếu tốt khác.

      Cuối năm đó, các bộ Nozze Vagabonde (Ý), Zum Greigen nah (Đức), và Sechs Mädel rollen ins Wochenend (Đức) lần lượt ra đời. Bộ của Ý được làm bằng máy quay Gualtierotti, còn hai bộ còn lại thì làm bằng máy quay Zeiss và hệ thống Vierling. Cả ba là những bộ phim đầu tiên áp dụng Polaroid. Từ 1936, công ty Zeiss của Đức bắt đầu sản xuất màn lọc Polaroid nhằm mục tiêu thương mại, đồng thời chúng còn được E. Kasemann và J. Mahler độc lập sản xuất.

      Năm 1939, John Norling đạo diễn In Tune With Tomorrow, là bộ phim 3D thương mại đầu tiên ứng dụng Polaroid tại Mĩ. Đoạn phim này được công chiếu tại Hội chợ thế giới cùng năm và được chuẩn bị riêng cho buổi giới thiệu motor Chrysler. Vốn là phim trắng đen, nhưng vì quá được yêu thích nên năm sau nó được tái bản dưới cái tựa mới New Dimensions. Năm 1953, RKO tái phân phối bộ phim này với tựa Motor Rhythm. Trong những năm 1940, Thế chiến thứ hai đã khiến quân đội ưu tiên nhiếp ảnh lập thể và khiến ứng dụng thương mại của nó không còn được thịnh hành nữa.



      • Kỉ nguyên vàng (1952-1954)

      Giới chuyên nghiệp cho rằng 'kỉ nguyên vàng' của phim 3D bắt đầu từ cuối năm 1952, khi bộ phim 3D màu đầu tiên - Bwana Devil - do Arch Oboler đạo diễn và biên kịch ra đời; bộ phim này được sản xuất bằng quy trình Natural Vision - do M. L. Gunzberg đồng sản xuất và khống chế với ba người khác - trước đó vốn được chào mời tới nhiều studio lớn nhưng không thành công. Dàn diễn viên chính bao gồm: Robert Stack, Barbara Britton, và Nigel Bruce. Cũng như hầu hết tất cả các bộ phim ra đời lúc bấy giờ, Bwana Devil được trình chiếu song song hai dải (dual-strip) cùng với màn lọc Polaroid. Bởi cần tới hai máy chiếu song song cùng lúc nên thời lượng phim mà mỗi máy có thể chiếu là rất hạn chế (khoảng một giờ), nghĩa là cần tới khoảng nghỉ giữa giờ cho tất cả các bộ phim thời lượng dài.

      Vào cuối năm 1952, nhà sản xuất Sol Lesser đã giới thiệu quy trình trình chiếu dual-strip với tên gọi Stereo Techniques ở Chicago, sau đó ông giành được quyền sản xuất 5 đoạn phim dual-strip bằng quy trình của mình. Hai trong số đó - Now is the Time (to Put On Your Glasses) và Around is Around - là do Norman McLaren đạo diễn cho Hiệp hội Điện ảnh Quốc gia Canada. Ba bộ còn lại - A Solid Explanation, Royal River, và The Black Swan - thì được Raymond Spottiswoode hoàn thành tại Anh nhân dịp Đại hội Anh Quốc 1951.

      James Mage cũng được xem là một nhà tiên phong thời kì đầu trong cơn sốt phim 3D; thông qua quy trình Bolex dành cho phim 16mm của mình, ông đã tổ chức một buổi công chiếu vào ngày 10/2/1953 bao gồm 4 đoạn phim: Sunday In Stereo, Indian Summer, American Life, và This is Bolex Stereo. Tuy nhiên, tất cả chúng đều đã mất.

      Tháng 4/1953 đã có hai bộ phim 3D ấn tượng ra đời: Man in the Dark (của Columbia) và House of Wax (của Warner Bros.) với thành tích là hai bộ phim 3D thời lượng dài đầu tiên có âm thanh nổi. House of Wax đã đem đến cho nhiều khán giả Mĩ cơ hội được biết tới âm thanh nổi được ghi sẵn khi lên phim là như thế nào; và đây cũng là bộ phim đã đưa Vincent Price lên tầm ngôi sao kinh dị và biệt danh "Vua 3D" sau này (khi ông diễn chính trong đa số các bộ 3D thành công lúc bấy giờ, ví dụ: The Mad Magician, Dangerous Mission, và Son of Sinbad). Sự thành công của chúng cũng chứng minh khả năng lôi kéo lại những khán giả đã mất cho phim điện ảnh từ khi truyền hình tại gia trở nên thông dụng.

      Bộ phim 3D đầu tiên của Universal-International là It Came from Outer Space (ra rạp ngày 27/5/1953) với âm thanh nổi. Không lâu sau đó là Sangaree, bộ phim 3D đầu tiên của Paramount. Studio Disney cũng trình làng tác phẩm 3D đầu tiên của minh - Melody - vào ngày 28/5/1953, cùng lúc với bộ phim 3D viễn tây đầu tiên là Fort Ti (của Columbia). Bốn năm sau, Melody được tái công chiếu tại Fantasyland, song song với một đoạn phim khác là Working for Peanuts. Chương trình này đã được nhóm Mousketeers điều phối và có màu đầy đủ.

      Columbia Pictures đã có vài bộ phim viễn tây 3D do Sam Katzman sản xuất và William Castle đạo diễn. Castle về sau là người chuyên môn về các kĩ thuật bổ sung hiệu ứng 3D cho Columbia và Allied Artists; ví dụ như trong các bộ 13 Ghosts, House on Haunted Hill, và The Tingler. Ngoài ra, hãng này còn có một số bộ hài slaptick được làm dưới dạng 3D, như Spooks và Pardon My Backfire (The Three Stooges diễn chính), Down the Hatch (Harry Mimmo diễn chính)... Nhà sản xuất Jules White vốn rất lạc quan với áp dụng 3D vào hài slapstick, nhưng chỉ có hai đoạn phim của ông là được công chiếu bằng công nghệ này (Down the Hatch tuy được làm bằng 3D nhưng lại chiếu dưới dạng 2D thông thường).

      Một bộ phim đáng chú ý khác là Robot Monster, nghe đồn là do Wyott Ordung dựng sườn kịch bản trong một giờ và hoàn thành trong hai tuần dù với kinh phí rất eo hẹp. Dù có nhiều hạn chế và đoàn làm phim chưa thông thạo với dàn máy quay mới, nhưng rõ ràng lần này họ đã gặp may khi bộ phim được đánh giá cao. Hơn nữa, nhạc nền của phim - do Elmer Bernstein phụ trách - cũng được khen ngợi. Bộ phim này được công chiếu ngày 24/6/1953, cùng lúc với đoạn phim ngắn Stardust in Your Eyes (Slick Slavin diễn chính).

      Bộ phim 3D thời lượng dài duy nhất của 20th Century Fox trong thời gian này là Inferno (1953, Rhonda Fleming diễn chính). Fleming - từng diễn chính trong Those Redheads From Seattle và Jivaro - cùng với Patricia Media - diễn chính trong Sangaree, Phantom of the Rue Morgue, và Drums of Tahiti - là hai nữ diễn viên có mặt trong nhiều phim 3D nhất. Darryl F. Zanuke thì không quá quan tâm đến điện ảnh lập thể, và lúc bấy giờ đang chuẩn bị ra mắt hệ thống màn hình rộng mới nhất là CinemaScope.

      Cơn sốt 3D bắt đầu có những dấu hiệu suy thoái từ tháng 9/1953, do những lý do sau:
      • Hai âm bản phải được chiếu song song. Chúng phải không bị thay đổi sau khi sử dụng, nếu không sẽ không thể đồng bộ nữa.
      • Đôi khi cần tới hai chuyên gia máy chiếu để đảm bảo chúng được đồng bộ chính xác.
      • Một khi âm bản hoặc máy chiếu bị lệch khỏi tốc độ ban đầu - dù chỉ 1 khung - thì hình ảnh trở nên mất cân đối và làm cho người xem bị đau đầu, đau mắt.
      • Màn hình bạc có tính định hướng cao nên khán giả buộc không được ngồi ở hai bên rìa của màn hình.
      • Buộc phải có khoảng nghỉ giữa giờ để điều chỉnh máy chiếu chính xác trước khi bắt đầu nửa sau của bộ phim.
      • Bởi những người phụ trách máy chiếu rất nhiều lần không cẩn thận dẫn đến lỗi kĩ thuật - ngay cả trong những buổi công chiếu - nên giới phê bình cho rằng có một số bộ 3D là "có hại cho mắt".

      Sol Lesser, một lần nữa, mong muốn tiếp nối Stereo Techniques với một buổi công chiếu khác, bao gồm 5 đoạn phim do chính ông sản xuất. Dự án này có tên là The 3-D Follies và sẽ do RKO phân phối. Tuy nhiên, vì khó khăn kinh tế và sự quan tâm của công chúng giảm mạnh, Lesser phải hủy bỏ dự án này vào mùa hè 1953, biến nó thành bộ phim 3D đầu tiên bị hủy bỏ trong khi thực hiện. Trong đó, có hai đoạn đã hoàn thành là Carmenesque (Lili St. Cyr. diễn chính) và Fun in the Sun (của William Cameron Menzies).

      Đối thủ mạnh nhất của 3D - dù tốn kém hơn nhiều - lúc bấy giờ là quy trình anamorphic, lần đầu xuất hiện trong The Robe (của hãng Fox, kết hợp với CinemaScope). Phim làm bằng anamorphic chỉ cần tới một âm bản, nên sẽ không có vấn đề về đồng bộ. Một đối thủ khác của 3D là Cinerama, với khả năng kiểm soát chất lượng vượt trội hơn. Tuy nhiên, đa số các bộ phim 3D ra đời sau mùa hè 1953 đều được chiếu dưới dạng 2D màn hình rộng với tỉ lệ trong khoảng 1.66:1 tới 1.85:1. Trong các mẩu quảng cáo và báo chí về hai hình thức màn hình rộng 2 D và màn hình 3D nhưng màn hình rộng lại được gọi là '3D', dẫn tới nhiều nhầm lẫn trong giới học thuật.

      Tháng 12/1953, 3D trở lại với một số tựa phim quan trọng - như Kiss Me, Kate (của hãng MGM). Đây là một đỉnh cao trong dòng 3D, được MGM thử nghiệm trong 6 rạp khác nhau, 3 bằng 3D và 3 bằng 2D. Được chuyển thể từ một vở kịch nổi tiếng và bao gồm hai diễn viên chính là Howard Keel và Kathryn Graysons, bộ phim này còn được quảng bá vì có sử dụng âm thanh nổi. Theo báo giới lúc bấy giờ, phiên bản 3D của bộ phim này được hoan nghênh tới mức nhanh chóng được đưa ra công chiếu rộng rãi hơn. Tuy nhiên, đa số các ấn phẩm tham khảo - như Behind the Screen (của Kenneth Macgowan) cho rằng Kiss Me, Kate chỉ là một bộ phim 'bình thường'. Một số bộ khác giúp đưa 3D trở lại là Hondo (John Wayne diễn chính), Miss Sadie Thompson (Rita Hayworth diễn chính), Money From Home (Dean Martin và Jerry Lewis diễn chính), hai bộ hoạt hình Boo Moon (về con ma Casper) và Popeye, Ace of Space (về thủy thủ Popeye),...

      Bộ Top Banana - dựa trên vở nhạc kịch cùng tên của Phil Silvers - đã được chuyển thể thành phim điện ảnh với dàn diễn viên nguyên bản. Dù chỉ là một sản phẩm dàn dựng nhưng mục tiêu chính của Top Banana là thông qua màu và 3D để tạo ảo giác được ngồi ở vị trí tốt nhất cho khán giả. Dù được hoàn thành bằng 3D nhưng United Artists - cân nhắc đến hiệu quả kinh tế không tốt của hình thức này - đã công chiếu bộ phim này dưới hình thức 3D vào ngày 27/1/1954. Đây là 1 trong 2 bộ phim 3D duy nhất của kỉ nguyên vàng - cùng với bộ Southwest Passage (John Ireland và Joanne Dru diễn chính) - mà đến nay không còn lưu lại được phiên bản gốc (bản 2D thì được bảo tồn).

      Một số bộ phim đáng chú ý lúc bấy giờ:
      • The French Line (của Howard Hughes/RKO, Jane Russell và Gilbert Roland diễn chính). Bộ phim này đã được công chiếu mà không được MPAA công nhận, đặc biệt có bao gồm nhiều lời thoại đầy hàm ý và phục trang gợi cảm. Về sau, MPAA tiến hành lược bỏ một số cảnh và tái công chiếu The French Line dưới dạng 2D dù phiên bản 3D trước đó thành công nhiều hơn.
      • Taza, Son of Cochise (phần tiếp theo của bộ Broken Arrow, của Douglas Sirk, Rock Hudson và Barbara Rush diễn chính). Ban đầu được Universal-International công chiếu dưới dạng 2D, phong cách ấn tượng của bộ phim này đã gây ấn tượng mạnh khi tái công chiếu dưới dạng 3D ở hội chợ Second 3D Expo (2006).
      • Hai bộ phim về khỉ hình người là Phantom of the Rue Morgue (dựa theo quyển The Murders in the Rue Mogue của Edgar Allan Poe, Karl Malden và Patricia Medina diễn chính) và Gorilla at Large (Cameron Mitchell diễn chính) là do hãng Fox phân phối dưới cả hai dạng 2D và 3D.
      • Creature from the Black Lagoon (của Jack Arnold, Richard Carlson và Julie Adams diễn chính) dù lừng danh là bộ phim 3D nổi tiếng nhất thời bấy giờ nhưng nó lại xuất hiện dưới dạng 2D nhiều hơn 3D. Đây cũng là bộ phim 3D duy nhất có hai phần tiếp theo cũng là 3D, là Revenge of the Creature và The Creature Walks Among Us.
      • Dial M for Murder (của Alfred Hitchcock; Ray Milland, Robert Cummings, và Grace Kelly diễn chính) được giới phê bình xem là một trong những tuyệt tác của dòng phim 3D. Dù vào năm 1954 đã có công nghệ 3D nhưng bộ phim này lại được công chiếu dưới dạng 2D, bởi Warner Bros. vừa quyết định áp dụng kế hoạch phân phối mới. Tháng 2/1980, bộ phim được tái công chiếu dưới dạng 3D tại rạp York (ở San Francisco) và thành công đến nối được công chiếu lần nữa vào tháng 2/1982. Hiện tại, bộ phim này đã có phiên bản 3D Blu-ray.
      • Gog (phần cuối trong trilogy Office of Scientific Investigation, hai phần trước là The Magnetic Monster và Riders to the Stars) xoay quanh chủ đề khoa học viễn tưởng. Hầu hết các rạp phim đều chiếu phim này dưới dạng 2D.
      • The Diamond (Dennis O'Keefe diễn chính) là một bộ phim tội phạm của Anh. Dù là bộ phim thời lượng dài lập thể duy nhất được hoàn thành tại Anh, nhưng bộ phim này lại được chiếu dưới dạng 2D tại cả Anh và Mĩ.
      • Dangerous Mission (của Irwin Allen/RKO) với phong cách đặc trưng của Allen là một dàn diễn viên toàn sao trong bối cảnh thảm họa.
      • Son of Sinbad (của Howard Hughes/RKO; Dale Robertson, Lili St. Cyr., và Vincent Price diễn chính) đã bị hạn chế vì tiền lệ The French Line và phải tới 1955 mới được công chiếu (được chuyển thành dạng SuperScope).

      Sự suy tàn của 3D chính thức xảy ra vào mùa xuân 1954, vẫn vì những lý do đã đề cập, cũng như sự thành công của 2D trong việc mở rộng thương mại. Dù Polaroid đã tạo ra một quy trình đầy đủ để nhận biết và chữa lỗi về đồng bộ của phim 3D, nhưng các nhà phân phối vẫn không thích ứng và chuyển sang các quy trình 'an toàn' hơn - như CinemaScope. Bộ phim thời lượng dài được công chiếu dưới dạng 3D cuối cùng của kỉ nguyên vàng là Revenge of the Creature (ngày 23/2/1955).



      • Sự trở lại (1960-1984)

      Trong khoảng nửa đầu của thập niên 1960 thì phim 3D phần lớn không có tiến triển, khi những bộ phim ra đời đều là phim khai thác. Trong đó có một bộ phim đáng chú ý là The Mask (1961, hợp tác giữa Beaver-Champion và Warner Bros.), dù được quay bằng 2D nhưng những cảnh đáng sợ sau khi nhân vật chính đeo chiếc mặt nạ bị nguyền rủa lên thì lại được làm bằng 3D để tăng tính chân thực cho nó.

      Dù vậy, làn sóng thứ hai của phim 3D đã được Arch Oboler khơi lên - cũng từng khởi đầu cho cơn sốt trước kia. Sử dụng công nghệ mới Space-Vision 3D, do Thượng tá Robert Vincent Bernier tạo ra, dù ông là một nhà sáng chế cực mờ nhạt trong ngành điện ảnh lập thể. Loại thấu kính Triotiscope của ông đã trở thành chuẩn mực vàng cho sản xuất và trình chiếu phim 3D trong gần 30 năm tiếp theo. Trong quy trình này, phim được in thành hai lớp chồng lên nhau, trong một khung tỉ lệ và một dải phim duy nhất, cho nên chỉ cần một máy chiếu với thấu kính đặc biệt để chiếu phim. Do đó, quy trình này đã giải quyết vấn đề đồng bộ khi cần tới hai máy chiếu để chiếu phim, trừ khi âm bản bị hư hao trong lúc sử dụng.

      Một lần nữa, Arch Oboler đã có can đảm sử dụng một quy trình hoàn toàn mới cho bộ phim The Bubble của mình, với sự tham gia của Michael Cole, Deborah Walley, và Johnny Desmond. Cũng như bộ Bwana Devil, giới phê bình thì chỉ trích, nhưng công chúng lại cực kì hâm mộ bộ phim này, và nó đạt được lượng lợi nhuận đủ lớn để có thể thuyết phục các studio khác chú ý tới quy trình này, đặc biệt là các studio độc lập thường gặp khó khăn về vốn.

      Năm 1970, đạo diễn/nhà sáng chế Allan Silliphant và nhà thiết kế thấu kính Chris Condon đã đồng sáng tạo ra một quy trình một dải 35mm khác với tên gọi Stereovision, trong đó hai hình ảnh riêng biệt được đặt cạnh nhau và dùng một loại kính anamorphic để mở rộng hình ảnh - thông qua các lớp lọc Polaroid. Louis K. Sher dùng Stereovision để hoàn thành bộ phim khiêu dâm hài The Stewardesses (ban đầu hạng X, sau này được MPAA xếp lại hạng R). Bộ phim này được sản xuất với kinh phí chỉ 100 nghìn USD, và chỉ sau vài tháng đã thu về 27 triệu USD ở khu vực Bắc Mĩ, trở thành bộ phim 3D có doanh thu cao nhất mọi thời đại; và theo nghĩa tương đối, một trong những bộ phim điện ảnh có doanh thu cao nhất trong lịch sử. Trong 25 năm tiếp theo, có khoảng 36 bộ phim 3D đã ứng dụng Stereovision trên toàn thế giới, dùng cả ba hình thức màn ảnh rộng, anamorphic, và 3D 70mm. Năm 2009, The Stewardesses đã được Chris Condon và Ed Meyer tái sản xuất và trình chiếu bằng XpanD 3D, RealD, và Dolby 3D.

      Trong thập niên 1970 thì chất lượng của phim 3D cũng không có sáng tạo gì tốt, chủ yếu thuộc về các thể loại khiêu dâm và kinh dị, hoặc kết hợp cả hai; với một ví dụ điển hình là Flesh For Frankenstein (do Andy Warhol sản xuất).

      Giữa hai năm 1981 và 1983, một cơn sốt 3D mới lại mở màn từ sự ra đời của bộ viễn tây kiểu Ý Comin' at Ya!. Tiếp đó, phim kinh dị và tái bản của các bộ 3D kinh điển của thập niên 1950 (như Dial M for Murder) thống trị thị trường dòng phim này. Phần tiếp theo trong series Friday the 13th là Friday the 13th Part III rất thành công. Có lẽ vì thêm 'phần 3 bằng 3D' thì khá dài nên một số bộ thứ ba trong series được rút ngắn lại chỉ còn 3-D trong tựa (như Jaws 3-D và Amityville 3-D).

      Tính tới thời điểm đó, bộ phim khoa học viễn tưởng Spacehunter: Adventures in the Forbidden Zone là bộ phim 3D đắt đỏ nhất, cần tới kinh phí gần bằng Star Wars nhưng doanh thu lại kém xa, khiến cho cơn sốt này nhanh chóng lắng xuống từ mùa xuân 1983. Một số bộ phim cùng thể loại làm bằng 3D cùng thời có thể kể đến Metalstorm: The Destruction of Jared-Syn và Treasure of the Four Crowns, nổi tiếng là có kết cấu không hợp lý nhưng lại có một số cảnh đáng nhớ. Các bộ phim 3D ra đời sau cơn sốt thứ hai này gồm có: The Man Who Wasn't There (1983), Silent Madness, và bộ hoạt hình 3D Starchaser: The Legend of Orin.



      • Sự tái sinh (1985-2003)

      Tới giữa thập niên 1980, phim phi hư cấu 3D bắt đầu được sản xuất bằng IMAX, bắt đầu với We Are Born of Stars (1985, của Roman Kroiter). Một điều quan trọng ở giai đoạn này là, IMAX cho phép các vấn đề về logic và toán học trong phim 3D được hợp lý hóa và từ đó, loại bỏ chứng đau mắt và đau đầu mà khán giả có thể gặp phải trong những bộ 3D trước kia. Ngoài ra, ngược lại với các bộ 35mm, màn hình cực rộng của IMAX cho phép "cảm giác" trong phim 3D cũng lớn hơn nhiều.

      Năm 1986, hãng Walt Disney bắt đầu tập trung hơn vào phim 3D để thu hút du khách cho các địa điểm du lịch của mình, ví dụ như bộ Captain EO (1986, của Francis Ford Coppola, Michael Jackson diễn chính). Cùng năm đó, Hiệp hội Điện ảnh Quốc gia Canada sản xuất Transitions (của Colin Low) dành cho Hội chợ Expo 86, là bộ phim IMAX đầu tiên có dùng thấu kính phân cực. Còn bộ Echoes of the Sun (1990, của Roman Kroitor) là bộ phim IMAX đầu tiên sử dụng công nghệ mắt kính luân phiên trái phải, xuất phát từ yêu cầu buộc phải chiếu phim bằng màn hình mái vòm (sẽ loại bỏ sự phân cực).

      Từ 1990 trở đi, có vô số bộ phim được sản xuất bằng nhiều quy trình khác nhau để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao cấp mà thị trường nhanh chóng tăng trưởng của IMAX. Hai ví dụ nổi bật của thời kì này là Into the Deep (1995, của Graeme Ferguson, cực kì thành công) và Wings of Courgae (1996, của Jean-Jacques Annaud, nói về phi công Henri Guillaumet).

      Một số bộ phim lập thể khác cùng thời khác:
      * The Last Buffalo (1990, của Stephen Low)
      * Muppet*Vision 3D (1991, của Jim Henson)
      * Imagine (1993, của John Weiley)
      * Honey, I Shrunk the Audience (1994, của Daniel Rustuccio)
      * Into the Deep (1995, của Graeme Ferguson)
      * Across the Sea of Time (1995, của Stephen Low)
      * Wings of Courage (1996, của Jean-Jacques Annaud)
      * L5, First City in Space (1996, của Graeme Ferguson)
      * T2 3-D: Battle Across Time (1996, của James Cameron)
      * Paint Misbehavin (1997, của Roman Kroitor và Peter Stephenson)
      * IMAX Nutcracker (1997)
      * The Hidden Dimension (1997)
      * T-Rex: Back to the Cretaceous (1998, của Brett Leonard)
      * Mark Twain's America (1998, của Stephen Low)
      * Siegfried & Roy: The Magic Box (1999, của Brett Leonard)
      * Galapagos (1999, của Al Giddings và David Clark)
      * Encounter in the Third Dimension (1999, của Ben Stassen)
      * Alien Adventure (1999, của Ben Stassen)
      * Ultimate G's (2000)
      * Cyberworld (2000, của Hugh Murray)
      * Cirque du Soleil: Journey of Man (2000, của Keith Melton)
      * Haunted Castle (2001, của Ben Stassen)
      * Space Station 3D (2002, của Toni Myers)
      * SOS Planet (2002, của Ben Stassen)
      * Ocean Wonderland (2003)
      * Falling in Love Again (2003, của Munro Ferguson)
      * Misadventures in 3D (2003, của Ben Stassen)

      Tính tới 2004, 54% các rạp IMAX đã có thể chiếu phim 3D. Không lâu sau đó, sự phát triển của hoạt hình máy tính, sự cạnh tranh từ DVD và các loại ấn phẩm tại gia khác, sự ra đời của máy chiếu IMAX 70mm hiện đại hơn,... đã tạo điều kiện cho một làn sóng 3D hoàn toàn mới.



      • Sự trỗi dậy chính thống (2003-nay)

      Năm 2003, James Cameron đạo diễn bộ phim thời lượng dài 3D IMAX đầu tiên được ứng dụng hệ thống Reality Camera, Ghosts of the Abyss. Hệ thống máy quay này dùng kĩ thuật số, chứ không phải vật liệu phim, và do Vince Pace đặc chế theo yêu cầu của Cameron. Hệ thống này cũng xuất hiện trong một số bộ khác: Spy Kids 3-D: Game Over (2003), Aliens of the Deep (2005), và The Adventures of Sharkboy and Lavagirl (2005).

      Năm 2004, Las Vegas Hilton sản xuất Star Trek: The Experience bao gồm 2 bộ phim, trong đó Borg Invasion 4-D (của Ty Granoroli) là phim 3D. Tháng 8 cùng năm, nhóm Insane Clown Posse ra mắt album thứ chín là Hell's Pit, bao gồm hai phiên bản riêng biệt, một phiên bản có thêm một đoạn phim 3D ngắn kèm theo ca khúc 'Bowling Balls'. Tháng 11 cùng năm, The Polar Express ra đời với vị trí là bộ phim hoạt hình thời lượng dài 3D IMAX đầu tiên, được công chiếu dưới dạng 2D tại 3584 rạp và 66 rạp IMAX. Phiên bản 3D thu về doanh thu gấp khoảng 14 lần so với 2D cho mỗi suất, dẫn đến và duy trì sự hứng thú đối với phim hoạt hình 3D.

      Tháng 6/2005, rạp TCL Chinese 6 là rạp phim đầu tiên lắp đặt hệ thống trình chiếu 3D kĩ thuật số, và cả hai bộ Singin' in the Rain và The Polar Express được đưa ra thử nghiệm trong nhiều tháng. Tháng 11 cùng năm, hãng Walt Disney sản xuất bộ Chicken Little dưới dạng 3D. Cuối năm đó, Steven Spielberg cho biết mình đang cố gắng lấy bằng sáng chế cho một quy trình 3D không cần tới kính mắt đặc biệt để xem.

      Năm 2006, hai bộ phim hoạt hình Open Season và Ant Bully được trình chiếu bằng công nghệ 3D tương tự; còn hai bộ Monster House và The Nightmare Before Christmas lần lượt là các quy trình Xpan 3D, RealD, và Dolby 3D.

      Ngày 19/5/2007, Scar 3D được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes, trở thành bộ phim thời lượng dài 3D đầu tiên của Mĩ được hoàn thành bằng RealD, đã đạt vị trí đứng đầu doanh thu phòng vé tại nhiều nước trên thế giới.

      Ngày 23/6/2008, bộ phim ngắn The Bulter's in Love (của David Arquette) được công chiếu, với sự tham gia của Elizabeth Berkley và Thomas Jane. Bộ phim này đã được hoàn thành tại studio của Industrial Light & Magic bằng hệ thống máy quay thử nghiệm Kernercam. Năm này còn có một số bộ phim live-action 3D kĩ thuật số ra đời, như: U2 3D, Hannah Montana & Miley Cyrus: Best of Both Worlds Concert, Journey to the Center of the Earth, và Bolt.

      Series webisode 3D đầu tiên là Horrorween ra đời từ ngày 1/9/2009. Ngày 7/5/2009, Viện phim Anh quyết định tiến hành một dự án 3D, bộ phim Radio Mania: An Abandoned Work bao gồm hai phần 3D lập thể sử dụng công nghệ âm thanh Ambisonic. Bộ phim này do Kevin Eldon diễn chính. Các bộ phim 3D quan trọng của năm này bao gồm: Coraline, Monsters vs. Aliens, Up, X Games 3D: The Movie, The Final Destination, A Christmas Carol, và Avatar. Avatar trở thành một trong những bộ phim đắt nhất mọi thời đại với mức kinh phí 237 triệu USD, và cũng là bộ phim có doanh thu ròng cao nhất mọi thời đại. Tính tới lúc này, các quy trình chủ yếu được dùng để trình chiếu phim 3D trên toàn thế giới là: RealD 3D, Dolby 3D, XpanD 3D, MasterImage 3D, và IMAX 3D.

      Năm 2010 là năm có ba bộ phim 3D quan trọng được ra mắt liền kề nhau: Alice in Wonderland (ngày 5/3), How to Train Your Dragon (ngày 26/3), và Clash of the Titans (ngày 2/4). Ngày 13/5 cùng năm, bộ phim IMAX đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu bấm máy. Đồng thời, bộ phim 3D đầu tiên của Pháp - Derrière les murs - cũng bắt đầu khởi động; bộ phim này đã hoàn thành hồi giữa 2011.

      Ben Walter cho rằng cả phía làm phim và phía trình chiếu đều tập trung trở lại vào phim 3D, với nhiều công cụ trình chiếu đa dạng hơn và nhiều bộ phim chính kịch ra đời dưới hình thức này hơn. Một nguyên nhân quan trọng trong đó là do công nghệ này đã phát triển đầy đủ, ít bị hạn chế trong khi quay và thành quả cũng ổn định hơn xưa rất nhiều. Mặt khác, doanh thu dành cho suất 2D đang giảm còn suất 3D thì lại tăng. Trong suốt lịch sử của phim 3D, luôn tồn tại kĩ thuật chuyển phim 2D sang 3D, tuy nhiên hiếm có bộ nào thành công và còn được lưu giữ đến hiện nay. SỰ kết hợp giữa các vật liệu kĩ thuật số hoặc đã được số hóa, cùng với hậu kì kĩ thuật số khá tiết kiệm, một làn sóng chuyển đổi mới xuất hiện. Tháng 6/20006, IMAX và Warner Bros. đồng sản xuất Superman Returns với 20 phút làm bằng công nghệ 3D - được chuyển từ phim gốc 2D. Sau đó, George Lucas cho biết sẽ tái sản xuất Star Wars thành các bộ phim 3D thông qua quy trình do công ty In-Three phát triển. Năm 2011, lại có tin ông đang làm việc với công ty Prime Focus về dự án này.



      • Các buổi triển lãm 3D thế giới

      Tháng 9/2003, Sabucat Productions tổ chức Triển lãm 3D Thế giới đầu tiên (Expo I), kỉ niệm 50 năm ngày bắt đầu cơn sốt thứ nhất, tại rạp Grauman's Egypt. Trong suốt hai tuần, khoảng 30-50 bộ phim lập thể của 'kỉ nguyên vàng' đã được công chiếu, đa số trong đó trích từ bộ sưu tập riêng của nhà sử gia Robert Furmanek, người đã dành 15 năm để tìm kiếm và phục hồi mỗi bộ phim tới trạng thái nguyên bản. Có nhiều ngôi sao từng đóng trong các bộ phim này tham gia Triển lãm, và có nhiều người đã rất xúc động khi thấy mỗi hàng ghế đều đầy khách và vô số khán giả đến từ khắp nơi trên thế giới.

      Tháng 5/2006, Triển lãm 3D Thế giới lần thứ 2 (Expo II) đã được Quỹ bảo tồn phim 3D thông báo sẽ diễn ra vào tháng 9 cùng năm, thêm nhiều phim mới vào danh sách trình chiếu. Expo II cũng là nơi công chiếu một số bộ phim 3D chưa từng xuất hiện, như The Diamond Wizard và Hawaiian Nights. Một số bộ phim được tái công chiếu lần thứ hai sau ngày công chiếu duy nhất trước đó gồm có: Cease Fire!, Taza, Son of Cochise, Wings of the Hawk, và Those Redheads From Seattle.



      • Sự suy giảm về lượng khán giả

      Xuôi theo sự nổi tiếng và số suất chiếu tăng nhanh, ngày càng có nhiều phim ra đời dưới hình thức 3D; ví dụ: 60% doanh thu tổng tuần đầu công chiếu của bộ Shrek Forever After (2010) là của suất 3D, 45% của Kungfu Panda 2 (2011), 37% của Cars 2 (2011), 43% của Harry Potter and the Deathly Hallows Part 2 (2011), và 40% của Captain America: The First Avenger (2011),... Về trào lưu này, người ta đã làm một bản phân tích doanh thu phòng vé và cho ra kết luận ứng dụng suất chiếu 3D là phản tác dụng khi khiến cho khán giả không hề muốn tới rạp nữa. Như Brandon Gray từ Box Office Mojo nói, "Trong mỗi trường hợp, phương pháp nhiều-lợi-hơn-từ-ít-người-hơn thật ra là ít lợi hơn từ càng ít người hơn."

      Theo Hiệp hội điện ảnh Hoa Kì, dù trong năm 2011 đã có tổng cộng 47 bộ phim 3D ra đời nhưng tổng doanh thu nội địa lại giảm xuống 18% so với cùng kì năm ngoái. Tuy sang 2012 thì doanh thu tăng lên, nhưng chủ yếu đến từ suất 2D (50% chọn suất 3D cho phim The Avengers, ở bộ Brave là 32%). Các studio và nhà phân phối đã đưa ra nhiều lời giải thích mâu thuẫn cho tình trạng này, trong đó có giá vé cao, và chất lượng không hoàn chỉnh. Song, dù phim 3D có sự suy giảm rõ rệt trong thị trường điện ảnh Mĩ thì các studio lớn đều kì vọng cao ở thị trường quốc tế. Họ cũng dùng hình thức 3D để tăng thêm doanh thu phụ cho những bộ phim vốn dĩ đã thành công; những lần tái công chiếu như vậy thường là phim 2D được chuyển sang 3D (ví dụ, ba bộ The Lion King, Beauty and the Beast, và Titanic).

      Một trong những nhân vật quan trọng trong dòng phim 3D và là nhà sản xuất của các dự án nổi bật (như How to Train Your Dragon và Kungfu Panda 2), Jefferey Katzenberg cho rằng số lượng quá thừa thãi các bộ phim kém chất lượng ứng dụng công nghệ số hóa ảnh chụp trên thị trường đã gây ra điều này (ví dụ như The Last Airbender và Cats & Dogs 2), từ đó khiến khán giả thất vọng và không cho rằng chi phí phụ thêm so với suất 2D là đáng giá. Còn Daniel Engber của tờ Slate thì viết, "Chuyện gì đã xảy ra với phim 3D? Có thể nói nó đã chết vì một ca nhiễm trùng cấp tính - quá nhiều rác rưởi".

      Nhà phê bình Mark Kermode - cũng nổi tiếng không chào đón phim 3D - cho rằng các nhà phân phối đã và đang áp dụng chính sách hạn chế phiên bản 2D của phim chiếu rạp, từ đó "dọn đường" cho 3D mà không cần biết liệu khán giả có muốn hay không. Điều này khá rõ ràng trong trường hợp của bộ Prometheus (2012), khi chỉ có 30% các suất chiếu tại Anh là 2D. Ý kiến này về sau càng được ủng hộ khi nhiều khán giả của bộ Dredd đã muốn coi phim bản 2D nhưng lại không có.



      Các kĩ thuật

      Điện ảnh lập thể có được được tạo ra bằng nhiều cách, và theo thời gian, các quy trình chủ đạo cũng lần lượt được thay thế. Trước 1948, anaglyph ít khi được dùng tới, nhưng giai đoạn đầu của Kỉ nguyên vàng 3D (thập niên 1950) thì kĩ thuật này hầu như có mặt trong tất cả các bộ phim của Mĩ. Trong thế kỉ 21, các quy trình phân cực lên ngôi (mặc dù có một số bộ kinh điển những năm 1960-70 đã được chuyển sang anaglyph để phù hợp với các rạp không có thiết bị chiếu phân cực và TV thông thường). Từ sau 1980, có một số bộ phim thời lượng dài lại bao gồm nhiều đoạn anaglyph ngắn. Dưới đây là một số chi tiết về kĩ thuật được áp dụng trong các quy trình 3D thông dụng nhất.


      • Sản xuất ~ Live-action

      Tiêu chuẩn làm phim 3D live-action là dùng hai máy quay được bố trí sao cho hai thấu kính cách nhau với khoảng cách tương tự giữa hai mắt người, ghi lại hai hình ảnh riêng biệt cho mắt trái và mắt phải. Về lí thuyết, ta có thể dùng hai máy quay 2D thông thường, nhưng điều này trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Lựa chọn khả thi duy nhất là phát triển dòng máy quay mới. Ngoài ra, một số mánh lới khi quay phim 2D trở nên vô dụng trong phim 3D, từ đó nhà làm phim phải chấp nhận sử dụng công nghệ CGI đắt tiền.

      Năm 2008, bộ Journey to the Center of the Earth trở thành bộ phim 3D live-action đầu tiên được quay bằng hệ thống máy quay Fusion và công chiếu bằng Digital 3D. Một năm sau đó, Avatar ứng dụng một quy trình mô phỏng cách thức mắt người nhìn sự vật, là phương án cải tiến của quy trình cũ. Dù nhiều người vẫn sử dụng công thức cơ bản là đặt liền kề 2 máy quay, nhưng các quy trình mới vẫn đang được nghiên cứu (như gắn thêm vào bộ tách tia màu, hoặc gắn hai thấu kính vào cùng một máy quay,...). Máy quay Digital Cinema là lựa chọn thường thấy nhất hiện nay, và vật liệu phim thì chủ yếu sử dụng IMAX 3D hoặc Cine 160.



      • Sản xuất ~ Hoạt hình

      Trong những năm 1930-40, studio Fleischer đã sản xuất một số bộ cartoon có phông nền lập thể 3D khá hoàn chỉnh; như Popeye, Betty Boops, và Supeman.

      Đầu thập niên 1950, chỉ gần nửa số studio hoạt hình tại Mĩ có thử nghiệm và sản xuất phim hoạt hình 3D truyền thống. Walt Disney có hai bộ Adventures in Music: Melody (1952) và Working for Peanuts (1953). Warner Bros. có bộ duy nhất là Lumber Jack-Rabbit (1953). Famous Studio có hai bộ Popeye, the Ace of Space (1953) và Boo Moon (1954). Walter Lantz với bộ Hypnotic Hick (1953) dò Universal phân phối.

      Từ cuối thập niên 1950 tới giữa thập niên 2000, hầu như không có phim hoạt hình nào được sản xuất bằng 3D dành cho chiếu rạp, ngoại trừ bộ Starchaser: The Legend of Orin (1985).

      Năm 2004, The Polar Express là bộ phi hoạt hình máy tính lập thể 3D đầu tiên được sản xuất. Năm 2005, Walt Disney sản xuất Chicken Little dưới dạng 3D kĩ thuật số, trở thành bộ phim hoạt hình CGI đầu tiên của hãng. Năm 2009, DreamWorks sản xuất bộ hoạt hình 3D đầu tay là Moster vs Aliens thông qua quy trình InTru3D (do Intel phát triển). Tuy nhiên, InTru3D không được dùng trong trình chiếu mà thay bằng RealD hoặc IMAX.



      • Chuyển từ 2D sang 3D

      Trong trường hợp các bộ phim hoạt hình CGI 2D được thiết kế dựa trên các hình mẫu 3D, ta có thể chuyển chúng thành phiên bản 3D.

      Còn các bộ phim khác, phải ứng dụng nhiều kĩ thuật khác nhau. Ví dụ, khi tái công chiếu The Nightmare Before Christmas vào năm 1993, Disney đã scan tất cả các khung hình gốc và xử lí chúng để tạo ra hai phiên bản dành cho mắt trái và mắt phải.

      Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại nhiều vấn đề. Bởi 2D không có cung cấp thông tin về góc độ nên nhiều hình ảnh bị mất. Thông thường, các khung hình có tốc độ cao khi trình chiếu sẽ bị lỗi và tạo ra nhiều hiệu ứng bất thường với mắt người xem.



      • Trình chiếu ~ Quy trình anaglyph (cặp màu bổ sung)

      Anaglyph là một trong những phương pháp trình chiếu 3D tại rạp ra đời sớm nhất, và cũng là một trong những ấn tượng mạnh nhất gắn liền với hình ảnh lập thể trong ý thức của công chúng nói chung, chủ yếu là vì các phương tiện ứng dụng 3D khác như truyền hình và truyện tranh. Anaglyph trở nên thông dụng bởi dễ sử dụng và giá thành khá thấp. Năm 1915, Edwin S. Porter đã sản xuất bộ phim analglyph đầu tiên. Dù đa số các bộ phim thời kì đầu đều được quay chụp bằng anaglyph, nhưng chúng lại được trình chiếu bằng quy trình phân cực.

      Trong quy trình này, hai phiên bản ảnh được chồng lên nhau và dùng cặp màu bổ sung đỏ-xanh cyan để lọc. Trong tình trạng phát xạ, chúng được in ra màu bổ sung tương ứng trên giấy trắng. Sau đó, người ta dùng kính có màu để chia hai phiên bản dành cho mỗi mắt bằng cách chặn màu tương ứng và biến đổi màu bổ sung.

      Một lựa chọn tương đương với anaglyph đỏ-xanh cyan là ColorCode 3-D, một quy trình vốn được phát triển để trình chiếu hình ảnh anaglyph trong TV theo tiêu chuẩn NTSC. ColorCode dùng hai màu bổ sung vàng-lam đậm để trình chiếu và mắt kính màu hổ phách-lam đậm.

      Quy trình phân cực 3D đã trở thành tiêu chuẩn cho trình chiếu tại rạp kể từ khi bộ Bwana Devil ra đời vào năm 1952, dù vẫn có một số bộ phim kinh điển của giai đoạn 1950-1960 vẫn được trình chiếu bằng anaglyph trong các dịp đặc biệt. Quy trình phân cực so với quy trình anaglyph ở chỗ có màu sắc trung thực hơn. Từ sau thập niên 1950, các bộ phim 2D chứa nhiều đoạn 3D đều được trình chiếu bằng anaglyph thay cho phân cực, ví dụ như Freddy's Dead: The Final Nightmare và Spy Kids 3-D: Game Over.

      Trong vật liệu in ấn và truyền hình, anaglyph cũng được ứng dụng rộng rãi. Phải tới 2008 thì các thiết bị hỗ trợ quy trình phân cực mới được sản xuất, nhưng số lượng khá ít.



      • Trình chiếu ~ Quy trình polarization (phân cực)

      Để trình chiếu ra hình ảnh lập thể, hai phiên bản ảnh phải được chồng lên nhau trên cùng một màn hình và lọc bằng các lớp phân cực khác nhau. Người xem cũng phải mang một cặp kính có gắn các lớp phân cực phù hợp. Bởi mỗi lớp lọc chỉ cho phép ánh sáng có tính chất phân cực tương tự với mình, nên mỗi mắt của người sẽ nhìn thấy mỗi hình ảnh khác nhau. Từ đó, hiệu ứng 3D được tạo thành thông qua sự biến đổi của cùng một cảnh vật nhưng lại được mỗi mắt tiếp nhận từ góc độ khác nhau. Bởi không có định hướng chủ đạo nên bất kì ngồi ở góc nào so với màn hình thì khán giả cũng sẽ 'thấy' những hình ảnh tương tự nhau. Ngoài ra, bởi cả hai thấu kính này đều cùng màu nên người có một mắt chủ đạo (amblyopia, một mắt được dùng nhiều hơn mắt còn lại) sẽ cảm nhận được hiệu ứng 3D này.

      Phân cực vòng quanh (circular polarization) có lợi thế hơn so với phân cực tuyến tính (linear polarization) ở chỗ, khán giả không cần phải ở ngang tầm màn hình mọi lúc mới thấy được hình ảnh hoàn chỉnh. Đối với phân cực tuyến tính, nếu người ta quay đầu sang hai bên thì hình ảnh sẽ bị lỗi, mờ, và hai bên mắt không còn sự phân tách rõ ràng nữa. Còn phân cực vòng quanh thì không xảy ra vấn đề này, dù người xem ở bất kì tư thế nào. Tất nhiên, phim 3D vốn nguyên bản không tồn tại góc nhìn phù hợp nếu nghiêng đầu, và nếu nghiêng quá mức thì hình ảnh sẽ bị nhòe hoặc không trùng khớp.

      Trong trường hợp của quy trình RealD, người ta sẽ bố trí một lớp lọc tinh thể lỏng phân cực vòng quanh có khả năng xoay 144 lần/giây trước ống kính của máy chiếu. Vì thế, chỉ cần 1 máy để chiếu cả hai phiên bản hình. Sony đã phát minh ra một quy trình mới gọi là RealD XLS có khả năng trình chiếu cả hai phiên bản cùng một lúc. Ví dụ, một máy chiếu 4K (4096x2160) có khả năng chồng đồng thời hai hình ảnh 2K (2048x1080).

      Các máy chiếu phim 35mm truyền thống có thể được gắn thêm vào các thấu kính đặc biệt để chiếu loại phim 'trên-dưới', trong đó hai phiên bản hình ảnh được chồng lên trong cùng một dải phim. Đây là một cách rất tiết kiệm để biến rạp phim 2D thành rạp 3D, bởi chỉ cần trang bị thêm một số phụ tùng và một màn hình không phân cực.

      Phim điện ảnh lập thể phân cực đã ra đời từ năm 1936, và làn sóng "cuồng 3D" trong giai đoạn 1952-1955 hầu hết đều là phim chiếu rạp được trình chiếu bằng máy chiếu phân cực tuyến tính và mắt kính tương ứng. Quy trình phân cực cũng là chủ đạo cho giai đoạn trở lại của phim 3D trong thập niên 1980.

      Trong thập niên 2000, CGI, sự cạnh tranh đến từ DVD và các phương tiện truyền thông khác, kĩ thuật số, và máy chiếu IMAX 70mm đã thúc đẩy một làn sóng mới dành cho phim 3D phân cực.

      Phân cực hình ảnh 3D sẽ luôn luôn làm màu sắc tối hơn và độ tương phản giảm xuống rõ rệt so với hình ảnh 2D. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được bù đắp bằng cách tăng cường độ nguồn sáng trong máy chiếu. Song, nếu lớp phân cực được đặt giữa nguồn sáng và yếu tố tạo hình thì cường độ ánh sáng sẽ không khác gì mấy so với không có lớp phân cực, cho nên độ tương phản ít bị ảnh hưởng.



      • Trình chiếu ~ Quy trình eclipse (che khuất)

      Với quy trình này, sẽ có một tấm màn che đi lần lượt mỗi bên mắt sao cho phù hợp với hình ảnh được chiếu trên màn hình. Khi máy chiếu chuyển đổi giữa hai phiên bản ảnh, tấm màn trong mắt kính của người xem cũng sẽ đi theo thay đổi qua lại. Đây chính là nguyên lí cơ bản của quy trình Teleview.

      Một biến thể của quy trình che khuất chính là kính LCD chắn sáng, có chứa tinh thể lỏng có thể hấp thụ ánh sáng theo tốc độ khung hình của rạp, TV, và cả màn hình máy tính. Đây là nguyên tố chính trong các quy trình nVidia, XpanD 3D, và IMAX thời kì đầu. Tuy nhiên, một điểm yếu của quy trình che khuất là mỗi khán giả phải được trang bị một cặp kính điện tử đắt tiền có khả năng thu tín hiệu không dây hoặc có dây để theo kịp tốc độ của máy chiếu. Loại kính này thường nặng hơn nhiều so với kính phân cực. Ngoài ra, quy trình này không cần dùng tới màn ảnh bạc.

      Vì có chứa tinh thể lỏng nên kính LCD chắn sáng sẽ làm tối màu và giảm độ phân giải của mọi loại hình ảnh. Tuy nhiên, đây không được tính là một vấn đề lớn khi trong thực tế, đối với một số màn ảnh có màu quá sáng, sử dụng loại kính này có khả năng tự động nâng cao chất lượng hình ảnh.



      • Trình chiếu ~ Công nghệ lọc nhiễu (interference filter)

      Công nghệ Dolby 3D sử dụng các tần sóng khác nhau cho ba màu gốc đỏ-lục-lam cho mắt trái và mắt phải; vì thế, người xem sẽ đeo một loại kính với mỗi tròng hấp thụ mỗi loại ánh sáng khác nhau, từ đó tự nhiên tạo thành hiệu ứng 3D. Công nghệ này cũng không cần tới màn ảnh bạc đắt tiền mà quy trình phân cực phải có. Tuy nhiên, mắt kính dạng này cũng đắt hơn nhiều so với kính dùng trong quy trình phân cực.

      Quy trình mới ra đời Omega 3D/Panavision 3D cũng dùng công nghệ này, tuy nhiên có quang phổ rộng hơn và số tần số nhiều hơn (5 cho mỗi mắt). Tần số nhiều hơn cho phép hình ảnh dùng cho Omega không cần phải qua xử lí màu sắc như đối với Dolby. Ngoài ra, khi Dolby cần tới một quy trình kĩ thuật số hóa và bộ chuẩn hóa màu sắc riêng biệt thì Omega có thể dùng cho mọi loại vật liệu phim và máy chiếu kĩ thuật số thông thường. Tháng 6/2012, quy trình này bị DPVO Theatrical ngừng kinh doanh (thay mặt cho Panavision) với lí do "tình hình kinh tế thế giới và thị trường 3D gặp nhiều khó khăn". Song, Omega Optical vẫn duy trì buôn bán các quy trình 3D cho thị các trường ngoài rạp, trong đó còn phát triển thêm một loại kính anaglyph phiên bản mới để kết hợp.



      Ảnh hưởng về sức khỏe

      Một phần các khán giả cho biết đã cảm thấy đau đầu và khô mắt khi xem phim bản 3D. Ngoài ra, phim 3D cũng có thể dẫn đến chứng say tàu xe và nhiều hiện tượng khác. Từng có một nghiên cứu cho thấy gần 55% trong tổng số những người từng xem phim 3D đều xảy ra hiệu tượng đau đầu, buồn nôn, và mất phương hướng ở nhiều mức độ.

      Có hai ảnh hưởng bất thường chính mà phim 3D gây ra cho mắt người: giao tiếp chéo giữa hai mắt (do phân tách hình ảnh bị lỗi) và sự không cân xứng giữa hội tụ và điều tiết (do sự khác biệt giữa vị trí của vật thể trong hai mắt và không phân biệt được nguồn sáng thực sự trên màn hình). Do nhiều vấn đề sinh lí mà người ta cho rằng có khoảng 12% tổng dân số con người không thể 'nhìn' được hình ảnh 3D. Một thí nghiệm khác cho thấy, gần 30% tổng dân số có khả năng nhìn lập thể rất kém, làm giảm tác dụng hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn tác động của các công nghệ kĩ thuật số nói trên.


      Phê bình

      "Sau Toy Story, có khoảng 10 bộ phim CG rất tệ ra đời bởi tất cả mọi người cho rằng vì CG mà bộ phim đó (Toy Story) mới thành công, mà không nghĩ tới những nhân vật được thiết kế tuyệt đẹp và có tính cách tuyệt vời. Và, có những người chuyên chuyển đổi phim 2D sang 3D, chúng tôi không làm điều đó. Họ chờ mong kết quả tương tự, trong khi thực tế họ sẽ bị phản pháp vì tạo ra một phiên bản thua kém bản gốc" _ James Cameron

      Đa số những dấu hiệu cho biết chiều sâu mà mắt người có thể nhận biết vốn đã có trong phim 2D; ví dụ, vật ở gần sẽ che đi vật ở xa, vật ở xa sẽ mờ hơn vật ở gần, vì thế não người tự động "hiểu" được khoảng cách giữa nhiều vật thể khi biết được chiều cao của chúng (ví dụ, một hình người cao 2m và đứng ở vị trí xa sẽ chiếm khung hình ít hơn nhiều so với hình người cao 1m và đứng ở vị trí gần).

      Nhà phê bình Mark Kermode cho rằng 3D không thêm 'nhiều giá trị đến thế' cho một bộ phim, và dù ông thích Avatar, nhưng những gì ông cho rằng đáng ngạc nhiên trong đó không hề có liên quan gì đến 3D cả. Kermode luôn là một người công khai phản đối phim 3D, gọi chúng là 'vô bổ'.

      Theo vài "Virtual Space - the movies of the future", hiệu ứng 3D trong đời thực mà con người nhận thấy là dựa vào khoảng cách giữa hai mắt (tối đa ~6cm). Khả năng này chỉ giới hạn ở khoảng cách một cách tay từ mắt trở ra, vì thế chỉ thấy rõ trong một số trường hợp (như xâu kim). Do đó, khi mô phỏng loại hiệu ứng này trong phim, mắt người sễ dàng quen với hiệu ứng này và nhanh chóng bỏ quên nó.


      • Vấn đề về độ sáng

      Đa số tất cả các quy trình 3D đều sẽ hạ độ sáng của bộ phim đáng kể, đôi khi có thể lên đến 88%. Trong một số trường hợp, vấn đề này có thể được giảm thiểu bằng cách tăng nguồn sáng cho máy chiếu. Theo Hiệp hội Kĩ sư Điện ảnh và Truyền hình, tiêu chuẩn cường độ sáng của máy chiếu 2D là 14 fL; nhưng tính tới 2012, tiêu chuẩn này cho máy chiếu 3D vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo thực tế, "cường độ ánh sáng hợp lý" trong trường hợp này rất thấp, khoảng 3.5 fL (bằng 1/4 so với chuẩn 2D).

      Đạo diễn Christopher Nolan nói về sự hao tổn này như sau, "Bạn không cảm thấy gì bởi một khi bạn đã 'vào đó', mắt bạn sẽ tự động điều chỉnh, nhưng đã cố gắng bao năm để nâng chuẩn sáng của giới điện ảnh lên mức hợp lý, chúng tôi sẽ không bao giờ đưa màn lọc phân cực vào mọi thứ".



      • Vấn đề hậu chuyển đổi

      Một vấn đề chủ chốt khác của phim 3D là đa số những bộ phim 3D được chiếu trong thế kỉ 21 lại không được làm bằng công nghệ 3D, mà là được chuyển từ 2D sang 3D. Nhiều nhà làm phim tỏ ra nghi ngờ chất lượng của quá trình này, trong đó có James Cameron và Michael Bay. Tuy nhiên, một phần lớn bộ Transformer: Dark of the Moon của Bay là được chuyển đổi trong hậu kì, và kết quả đạt thành vẫn rất được khen ngợi.

      Tương phản, phim hoạt hình với nhân vật được tạo hình bằng máy tính thì quá trình xử lí và chuyển đổi này vô cùng trơn tru, bởi thông tin về chiều sâu là sẵn có chứ không phải ước lượng đại khái nữa, với đại diện tiêu biểu là bộ Toy Story của Disney.



      Credit
      • Nguồn: Wiki
      • Dịch: Johanna A.P.
      • BBCode: Kei
      Mọi góp ý, thắc mắc xin gửi về topic Góp ý - Hỏi đáp - Hỗ trợ dịch thuật.
      Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng


      Sửa lần cuối bởi Johanna A.P.; 21-04-2017 lúc 20:42.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 15:25.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.