oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Khu kiểm định >

Trả lời
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Film Genre] Cult Film - Phim Thiêng

      Phim Thiêng


      Phim thiêng (cult film, còn được gọi là cult classic)) là một bộ phim đã có cộng đồng hâm mộ/tín đồ vững chắc (cult following/hội tín đồ). Cult có đặc trưng lớn nhất là một cộng đồng fan cực kì nhiệt huyết, thể hiện ở chỗ xem đi xem lại tác phẩm, ghi nhớ và trích dẫn lại lời thoại của nhân vật, hoặc trực tiếp tham gia vào bộ phim đó (audience participation). Định nghĩa này mang cả hai tính bao quát (bao gồm hầu hết phim bom tấn của các hãng lớn) và tính loại trừ (chỉ những bộ phim khó hiểu, khó giải nghĩa bên ngoài dòng phim chính thống). Sự khó khăn trong việc định nghĩa chính xác từ cult và ảnh hưởng của tính chủ quan của con người khi nghĩ đến nó đã phản ánh được mâu thuẫn định nghĩa nghệ thuật trong giới này. Từ cult xuất hiện đầu tiên từ những năm 1970 để chỉ những bộ phim ngầm (underground film) hoặc phim nửa đêm (midnight movie), mặc dù về học thuật thì nó đã được sử dụng trong nghiên cứu nhiều năm trước đó.

      Nguồn gốc của cult vốn xuất phát từ những bộ phim gây tranh cãi trong lịch sử, được những fan trung thành nhớ tới và lưu giữ. Đôi khi, lại là những bộ phim vốn đã mất hoặc không được yêu thích vào thời điểm nó ra đời. Vì thế, có nhiều bộ cult đã được đánh giá lại và xếp vào hàng kinh điển nghệ thuật, song lại gây ra một tranh cãi mới là nó có còn được coi là cult nữa không. Sau khi hết thời gian trình chiếu trong rạp, cult trở thành những bộ phim chiêu bài trên truyền hình hoặc cửa hàng băng đĩa để thu lợi. Cult có thể thu hút các tiểu văn hóa đặc biệt, hoặc có thể tự tạo ra tiểu văn hóa của chính mình, nên các phương tiện truyền thông khác dựa vào cult có thể dễ dàng xác định phân khúc khán giả mà họ muốn hướng tới.

      Cult thường xuyên thách thức và chỉ thẳng những điều cấm kỵ trong xã hội, thường kèm theo nhiều cảnh đặc tả bạo lực, máu me, khiêu gợi, thô tục, hoặc kết hợp tất cả. Vì thế, chúng gây ra tranh cãi, kiểm duyệt, hoặc hoàn toàn cấm lưu hành. Những bộ nào không để thu hút và gây ra đủ lượng tranh cãi có thể không được xếp vào hàng cult. Phim chính thống và blockbuster cũng có những cult following tương tự những bộ phim ít tiếng hơn (fan của dòng này thường không chấp nhận những khía cạnh có phần phổ biến hơn của phim chính thống). Trong cộng đồng nay, nếu ai hướng tới những yếu tố đại diện hoặc nâng cao tính chính thống, sẽ bị tẩy chay hoặc nhạo báng. Hoặc, nếu họ không hướng tới những giá trị chủ yếu của tiểu văn hóa này cũng sẽ gặp tình huống tương tự.

      Kể từ cuối thập niên 1970, cult ngày càng trở nên phổ biến. Những bộ từng bị giới hạn cho những cult following nhỏ nay có thể xuất hiện trong thị trường chính thống, và những suất chiếu cult đã chứng minh là mang tính lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc sử dụng từ cult vô tội vạ cũng gây ra tranh cãi: giới chủ nghĩa thuần túy cho rằng cult đã trở thành một tính từ vô nghĩa có thể gán cho mọi bộ phim chỉ cần nội dung có một tý kỳ lạ, còn số khác thì chỉ trích Hollywood vì đã tạo ra những bộ cult giả tạo hoặc dùng nó như một chiêu trò câu khách. Hiện nay còn xuất hiện hiện tượng "cult classic tức thời", khi một bộ phim trước khi được công chiếu đột ngột đạt được cult following, nhưng ngay sau khi ra rạp thì lại bị mất fan. Tất nhiên, cũng có những bộ phim đạt được lượng fan khổng lồ, vững bền nhờ mạng xã hội. Ngoài ra, sự phổ biến của hai hệ thống VOD (lựa chọn phim theo sở thích) và P2P (chia sẻ dữ liệu đồng đẳng) khiến cho một số nhà phê bình tuyên bố rằng phim cult đã chết.


      Định nghĩa

      "Thế nào là phim cult? Cult là một bộ phim có những người hâm mộ trung thành, nhưng lại không phải ai cũng có thể thưởng thức. James Bond không phải là phim cult, nhưng Texas Chain Saw thì phải. Chỉ bởi thuộc về dòng cult thì không có nghĩa bộ phim đó sẽ hay: có một số bộ cult cực kì dở, nhưng có những bộ lại cực kì hay. Một số tạo ra hàng đống tiền, số khác thì không. Một số được ca tụng, số khác thì chỉ là phim khai thác. Điểm chung duy nhất giữa chúng là đều thuộc phim hạng B ... ví dụ, phim băng đảng, phim viễn tây,... Cult còn có xu hướng trộn lẫn nhiều thể loại, như kết hợp khoa học viễn tưởng và trinh thám. Chúng hầu hết đều có kinh phí thấp. Đa số những bộ phim ra đời trong năm nay cần ít hơn 2 triệu USD, một số lại càng cần ít hơn. Chúng cũng gồm những chủ đề chung, mà tôi cho rằng, chung cho tất cả mọi tác phẩm kịch nghệ: ái tình, mưu sát, và lòng tham" _ Alex Cox, 1988.

      Một bộ phim được gọi là cult nếu nó có cult following, tuy nhiên từ này lại không dễ xác định và có thể áp dụng cho vô số thể loại phim. Định nghĩa này thường được mở rộng để loại trừ những bộ phim do các hãng lớn sản xuất. Song, dần dần, nó trở nên lỏng lẻo hơn. Tần suất xuất hiện tăng mạnh của từ cult trong các ấn phẩm truyền thông chính thống đã gây ra nhiều tranh cãi, và giới tín đồ điện ảnh thường nói rằng từ cult đã trở nên vô nghĩa. Học giả Mark Shiel đã chỉ trích chính bản thân từ cult là một từ yếu khi dựa chủ yếu vào tính chủ quan của mỗi người; mỗi nhóm lại có thể hiểu một bộ phim theo cách của chính mình. Theo học giả Joanne Hollows, tính chủ quan này đã khiến những bộ phim có cult followings chủ yếu là nữ thường bị xa lánh và cho rằng không đủ tính 'cult'.

      Năm 2008, Cineaste tiến hành phỏng vấn một loạt học giả về cách họ định nghĩa cult. Một số nhấn mạnh vào tính đối lập với dòng phim chính thống và khẳng định chúng phải có yếu tố mang xu hướng phạm tội, số khác thì bỏ qua điểm này và tập trung vào phân khúc khán giả chính của cult là đàn ông da trắng. Jeffery Andrew Weinstock gọi cult là dòng phim chính thống có yếu tố phản nghịch. Song, đa số các phiên bản của định nghĩa này đều bao gồm cộng đồng hâm mộ vững mạnh, ví dụ như những tín đồ cuồng nhiệt hoặc các hành vi mang tính tôn sùng. Mikel J. Koven đứng từ góc độ của mình và không chấp nhận bất cứ loại định nghĩa nào khác, dựa vào sự sử dụng sai từ cult của đại chúng. Matt Hills thì nhấn mạnh vào một định nghĩa mở mang tính song song, bởi bộ phim và khán giả đều ảnh hưởng tới nhau và không thể đặt một bên lên trên bên còn lại được. Jonathan Rosenbaum thì thẳng thừng tuyên bố cult đã không còn tồn tại, và giờ đây từ này chỉ được dùng như một công cụ marketing. Ernest Mathijs có ý kiến, cult giúp ta hiểu được tính mơ hồ và không hoàn thiện của cuộc sống ngay từ sự khó khăn trong định nghĩa nó; dòng cult có thể chứa những yếu tố mâu thuẫn nhau - có phim hay phim dở, có thành công và thất bại, có sáng tạo và cổ điển - từ đó chứng minh nghệ thuật mang nặng tính chủ quan và không bao giờ mang tính hiển nhiên. Chính sự mơ hồ này đã khiến giới phê bình theo chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ trích rằng cult là một tồn tại không thể bình luận được. Tất cả những điều trên có thể khiến khán giả phân vân giữa hai phía phản đối và thuận theo.

      Theo bài Defining Cult Movies, Mark Jancovich đã trích lời học giả Jeffery Sconce - người định nghĩa cult từ góc độ paracinema (phim phi chính thống), cho rằng nó bao gồm tất cả mọi bộ phim 'bên lề', tồn tại độc lập khỏi giới phê bình và các giá trị văn hóa truyền thống: phim khai thác, phim tiệc tùng, phim khiêu dâm softcore,... Tuy nhiên, họ không cho rằng dòng cult có một giá trị chuẩn chung nhất; mà thay vào đó chúng được gắn kết bởi 'hệ tư tưởng tiểu văn hóa' và sự chống đối phim chính thống. Thái độ giữa những cult following với nhau cũng có sự khác biệt, có thể từ yêu thích đến khinh thường, và họ ít khi có điểm chung, chỉ trừ một tính chất ủng hộ phản đối những lề thói thông thường. Đồng thời, tính tư sản và hình tượng thiên về nam giới là chủ đề trọng điểm, nên cult có thể nói là một thế lực mâu thuẫn nội bộ - chứ không trực tiếp chống đối - tư sản. Điều này dẫn đến định kiến chống học thuật trong cult folllowing, mặc dù họ sử dụng nhiều quy trình chuẩn mực để phân tích phim. Sự mâu thuẫn này có mặt trong nhiều tiểu văn hóa, đặc biệt là những nhóm đi ngược lại dòng văn hóa chính thống. Học giả Xavier Mendik cũng nghĩ cult chính là những bộ phim chống lại chuẩn mực chính thống ... và vì thế có tính sáng tạo và thẳng thắn về chính trị hơn phim thông thường, những thời điểm bất ổn xã hội sẽ cho ra đời nhiều bộ phim thú vị


      Phản ứng nhìn chung

      "Cần tới những gì để biến một quyển sách hoặc bộ phim điện ảnh thành cult? Tác phẩm này rõ ràng là phải được yêu thích, nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Nó phải mở ra một thế giới thật đầy đủ để fan có thể trích dẫn lời thoại hoặc từng chương như thể nó có mặt trong thế giới cá nhân của mình, một thế giới mà con người có thể tạo ra nhiều câu đố và trò chơi mà nhờ đó, những người tham gia có thể tìm thấy nhau qua một trải nghiệm chung nhất" _ Umberto Eco

      Cult đã xuất hiện từ thuở đầu của điện ảnh. Nhà phê bình Harry Allan Potamkin cho rằng nó bắt nguồn từ đầu thập niên 1910 và phản ứng của công chúng với các ngôi sao Pearl White, William S. Hart, và Charlie Chaplin - mà ông miêu tả là 'bất đồng ý kiến với công chúng nói chung'. Với bộ Nosfetaru (1922), một tác phẩm chuyển thể chưa được nhượng quyền quyển tiểu thuyết Dracula của Bram Stoker, đã bị gia đình tác giả kiện và khiến nó phá sản. Từ đó, bộ phim này biến mất, nhưng Nosfetaru vẫn sống trong lòng những fan trung thành, trở thành một bộ cult thời kì đầu. Học giả Chuck Kleinhans thì cho rằng Marx Brothers là tác giả của những bộ cult sớm nhất khác. Ngoài ra, một số bộ phim mà ngày nay được gọi là kinh điển của Kỉ nguyên vàng Hollywood, vốn dĩ lúc ra đời đã bị đánh giá thấp và bỏ mặc, tạo thành nhiều cult. Như bộ The Night of the Hunter (1955), vốn đã là một cult lâu đời, là tác phẩm được người hâm mộ trích dẫn và khen ngợi thường xuyên nhất, trở thành một kinh điển có tầm ảnh hưởng rộng.

      Cũng trong giai đoạn này, phim khai thác và phim nghệ thuật nhập khẩu từ châu Âu cũng có tình cảnh khá tương tự. Dù hai nhà phê bình Pauline Kael và Arthur Knight đã phản đối quan niệm phân chia văn hóa thành 'cao' và 'thấp', nhưng ngành điện ảnh Mĩ đã được phân chia rõ rệt; phim nghệ thuật châu Âu không ngừng thách thức những định nghĩa phổ biến, và chúng vẫn luôn luôn ảnh hưởng tới cult của Mĩ. Cũng như sau này, những bộ phim khai thác thời kì đầu khá quan trọng về việc tương tác trực tiếp với khán giả.

      Cult hiện đại bắt nguồn từ văn hóa phản truyền thống (counterculture) và phim ngầm (underground film) của thập niên 1960, phổ biến ở những người phản đối phim chính thống Hollywood. Những lễ hội phim ngầm như vậy dần dần dẫn lối tạo ra phim nửa đêm (midnight movie), cực kì thu hút các cult following. Chính từ cult cũng ra đời từ sự biến chuyển này và được sử dụng sớm nhất vào thập niên 1970. Phim nửa đêm, với sự nổi tiếng và phổ biến vượt bậc, dần dần bước lên hướng chính thống, đặc biệt với sự ra đời của The Rocky Horror Picture Show (1975). Về sau, sự phát triển của hệ thống băng đĩa ảnh hưởng mạnh đến phim nửa đêm, khiến đa số các đạo diễn tham gia về lại làm phim ngầm hoặc chuyển sang làm phim độc lập. Tất nhiên, băng đĩa và truyền hình cũng có ảnh hưởng tốt tới cult, khi nhận xét truyền miệng và chiếu đi chiếu lại khiến một lượng lớn khán giả trở thành fan và dẫn đến càng nhiều phát lại và nghiên cứu hơn. Ví dụ, bộ The Beastmaster (1982), dù không gặt hái gì ở phòng vé, là một trong những bộ phim được phát lại nhiều nhất trên truyền hình và trở thành một cult nổi bật của văn hóa Mĩ.

      Tác phẩm của các hãng lớn - như The Big Lebowski (1998), do Universal phân phối - cũng có thể trở thành cult khi không có thành công thương mại và phát triển cult following dần dần khi được chiếu lại nhiều lần ở các liên hoan phim nửa đêm, liên hoan phim chính thống, và các phiên bản tại gia. Phim của Hollywood thường là đại diện của loại trào lưu này, dẫn đến ảnh hưởng to lớn đến công chúng của văn hóa cult. Với sự hậu thuẫn vững vàng, kể cả những bộ phim không tạo được doanh thu gì khi công chiếu cũng có thể được tái xuất bản vô hạn. Ngoài ra, sự phổ biến của ngôn ngữ thô tục và sử dụng thuốc kích thích trong những bộ phim chính thống vừa khiến giới phê bình và khán giả tránh xa, vừa thu hút những phân khúc cởi mở hơn, tuy họ thường không liên quan gì đến cult (như với giới doanh nhân phố Wall và quân nhân chuyên nghiệp). Do đó, dù những bộ phim có đôi phần chính thống vẫn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn truyền thống của cult nếu được khán giả cho là phản nghịch, có phong cách, và không phổ biến. Đạo diễn Bollywood Anurag Kashyap - nổi tiếng vì chuyên làm phim cult - khi được phỏng vấn thì trả lời, "Tôi vốn không định làm cult. Tôi muốn làm ra hit doanh thu hơn".

      Trong bối cảnh toàn cầu, sự nổi tiếng của cult phụ thuộc nhiều vào vị trí địa lí, đặc biệt là với những tác phẩm bị hạn chế. Bộ Mad Max (1979) là một hit quốc tế - trừ Mĩ, nơi sản xuất ra nó - tạo thành cult và bị giới phê bình ngó lơ nên chỉ được xuất bản dưới dạng lồng tiếng ngoại ngữ khác, dù tổng cộng doanh thu của nó vượt hơn 100 triệu USD. Điện ảnh nước ngoài cũng có ảnh hưởng nhất định đến cult, ví dụ như phim kinh dị Nhật. Phim nhập khẩu từ châu Á thường được quảng bá là cult với bản sắc văn hóa dễ thay đổi, mà học giả Chi-Yun Shin phê bình là làm giảm giá trị. Văn hóa ngoại quốc cũng ảnh hưởng đến phản ứng của fan, đặc biệt là những thể loại mang đậm tính bản sắc văn hóa; khi trở thành một tác phẩm tầm quốc tế, thì câu hỏi về tính xác thực của nó ngày càng nhiều. Phim và đạo diễn bị lạnh nhạt trong tổ quốc của mình có thể vô cùng nổi tiếng và được yêu thích ở những nước khác, tạo thành nhiều phản ứng trái ngược với công chúng trong nước đó. Song, cult cũng có thể xác lập vị trí - với những bộ phim chính thống - cho cả nhà làm phim và ngành điện ảnh của một quốc gia nào đó. Ví dụ, những bộ cult thời kì đầu của Peter Jackson mang đậm bản sắc New Zealand đến mức thay đổi được ấn tượng của quốc tế với điện ảnh nước này. Khi ngày càng có nhiều phim mang tính nghệ thuật cao ra đời, New Zealand trở thành một đối thủ ngang tầm với Hollywood. Ví dụ, bộ Heavenly Creatures (1994) tạo ra được cult following của riêng mình, trở thành một phần của văn hóa quốc gia, và mở đường cho những bộ phim sử thi theo kiểu Hollywood - trilogy Lords of the Ring - của nước này.

      Ernest Mathijs cũng đề cập, ở văn hóa cult thường xuất hiện những yếu tố bất thường về thời gian. Fan thường sẽ xem phim như bị ám ảnh, lặp đi lặp lại nhiều lần, thường bị giới chính thống cho là lãng phí thời gian nghỉ ngơi. Họ cũng có thể xem theo nhiều kiểu khác nhau: tăng nhanh tốc độ, giảm đi tốc độ, thường xuyên dừng giữa chừng, hoặc chọn khung giờ đặc biệt. Ông cũng chỉ ra một số tập tục đặc biệt của văn hóa cult: xem toàn phim kinh dị vào đêm Halloween, toàn phim tình cảm gia đình vào đêm Giáng sinh, và toàn phim lãng mạng vào lễ Valentine. Họ thường tổ chức coi phim liên tục cả ngày. Mathijs nhận xét rằng sự xuất hiện của cult trên truyền hình Mĩ mang tính tưởng nhớ, khi được phát lại mỗi năm, chúng sẽ tạo ra cảm giác gắn bó và cộng đồng ở người xem. Ví dụ, It's a Wonderful Life (1946) và Miracle on 34th Street (1947), những bộ phim mới khó mà so được. Còn phim kinh dị vào đêm Halloween thì cho phép chỉ thẳng vào những cấm kị của xã hội và khảo nghiệm lòng can đảm của con người; chính chúng đã hợp thức hóa ngày hội này. Ỗng cũng phê bình tính cult và thương mại thái quá của phim dành cho Halloween, cho rằng chúng đã biến ngày này thành một hình ảnh hoặc sản phẩm không có cộng đồng nào làm cơ sở. Ông cũng cho biết, tổ chức các buổi triển lãm phim kinh dị Halloween sẽ hóa giải vấn đề này.

      Dù có tiếng tăm là hay xảy ra xung đột, nhưng văn hóa cult cũng có nhiều ngôi sao nổi tiếng. Các diễn viên có thể bị phân vào chỉ một kiểu vai nếu đã gắn liền với một tên tuổi nào đó quá nổi danh. Ví dụ như Tim Curry, dù phạm vi hoạt động của ông khá rộng, luôn bị hạn chế ở khâu nhận vai diễn từ sau khi bộ The Rocky Horror Picture Show trở thành cult. Ngay cả khi đang tham gia các dự án khác thì người phỏng vấn cũng sẽ liên tục nhắc đến vai diễn để đời này, phần nào khiến ông cảm thấy khó chịu. Mary Woronov, nổi tiếng với nhiều vai diễn thuộc loại cult, khi chuyển sang dòng chính thống lại phải diễn lại những yếu tố mang tính phản nghịch nhưng trong bối cảnh bị ràng buộc. Sylvia Kristel, sau bộ Emmanuelle (1974), trở thành hình tượng gắn liền với cult của bộ phim này và phong trào giải phóng tình dục của thập niên 1970. Bị kẹt giữa cult và dòng phim khiêu dâm softcore chính thống, bà không thể diễn trong bất kì loại phim nào, trừ phim khai thác và các phần sau của Emmanuelle. Dù cực kì được hâm mộ nhưng danh tiếng của bà không được nổi bật trong bất kì phiên bản nào của lịch sử điện ảnh. Cult cũng có thể khiến các đạo diễn - như Leonard Kastle, hoặc Alejandro Jodorowsky - không thể tiếp tục sự nghiệp này hoặc không thể phát triển và thoát ra khỏi khuôn mẫu có sẵn.


      Các yếu tố phản nghịch và quá trình kiểm duyệt

      Bắt đầu từ thập niên 1970, phim phản nghịch trở thành một phong trào nghệ thuật nổi bật. Không quan tâm đến vấn đề thể loại, cult lấy cảm hứng đồng đều từ những bộ phim nghệ thuật châu Âu, phim khai thác, chủ nghĩa hiện thực tân thời Ý, và những hình tượng gây sốc của thập niên 1960. Một số bao gồm tình tiết khiêu dâm và kinh dị, hoặc kết hợp cả hai. Trong thập niên 1980, nhà làm phim Nick Zedd gọi phong trào này là Điện ảnh Phản nghịch (Cinema of Transgression). Được phổ biến thông qua các suất chiếu nửa đêm, chúng phần lớn được hạn chế ở khu vực ngoại thành, khiến học giả Joan Hawkins đặt ra biệt danh 'văn hóa ngoại ô'. Phim cult dần dần tích lũy được danh tiếng vượt trội khi chúng được chiếu lại và bàn luận hàng tuần, ví dụ như bộ The Village Voice. Sau này, hệ thống băng đĩa cho phép khán giả đại chúng được tiếp cận thể loại này.

      Ernesr Mathijs cho rằng cult thường phá vỡ nhận thức của người xem (như tạo động cơ phản nghịch ở nhân vật hoặc quá tập trung vào những yếu tố ngoài cốt truyện) và phá vỡ quy chuẩn của các thể loại (như bộ Battle Royale (2000) với dòng phim slasher dành cho tuổi teen). Ngược lại - những bộ mất đi tính phá vỡ này sẽ bị xa lánh và tẩy chay. Chính khán giả cũng có thể góp phần vào phong trào phản nghịch này, ví dụ như nói chuyện rất to trong khi phim đang chiếu hoặc ném đồ đạc vào màn hình.

      Cũng theo Mathijs, nhận xét của giới phê bình cũng có ảnh hưởng mạnh đến việc một bộ phim có được coi là cult hay không, thông qua chủ đề và tranh cãi. Chủ đề (topicality) có thể mang tính phân vùng địa lí (như phản đối việc chính phủ đã cấp vốn để sản xuất bộ phim đó) hoặc tính chỉ trích học thuật (như phản đối triết lý tới chủ đề của phim), có thể thu hút sự chú ý và tham gia tranh luận của nhiều người. Các chủ đề mang tính văn hóa làm cho bộ phim dễ đồng cảm và gây ra tranh cãi. Các yếu tố văn hóa phản nghịch - như quan hệ tình dục bừa bãi - cũng có thể được đề cập gián tiếp. Điều này ít nhiều phụ thuộc vào văn hóa của từng vùng. Tuy nhiên, Mathijs cũng cho rằng, cult phải tạo ra được tính bình luận sâu rộng để có thể đạt tầm mức quan trọng hơn khi chỉ thuộc về riêng văn hóa. Dựa vào vô số tình huống - ngay cả thể loại hay quyền được tồn tại - chính giới phê bình đã góp phần xác lập vị thế là cult cho một bộ phim. Các bình luận phân biệt hay hạ thấp này thường xuyên hút fan và tăng doanh thu hơn cho cult, ví dụ như: Oldboy (2003) và bình luận của Rex Reed, I Spit On Your Grave (1978) và ảnh hưởng của Joe Bob Briggs. Bộ phim nào không thể làm dấy lên tranh cãi có thể bị xem thường nếu có người muốn đưa nó lên hàng cult.

      Học giả Peter Hutchings - lưu ý đến nhiều định nghĩa khác nhau cho rằng cult phải chứa yếu tố phản nghịch - cho rằng điểm đặc sắc của cult chính là tính thái quá. Cả chủ đề và cách diễn giải trong cult đều phá vỡ nhận thức về xu hướng và thẩm mỹ thông thường. Các yếu tố bạo lực, máu me, khiêu gợi, và ngay cả âm nhạc, đều vượt ra khỏi rào cản của mọi bộ phim chính thống. Vì thế, một điểm chung khác của cult là bị kiểm duyệt gắt gao và khá khó tìm ra; tất nhiên, chúng đều nổi tiếng và được người hâm mộ tích cực theo đuổi. Thanh thiếu niên là đối tượng hướng tới chủ yếu để marketing phim cult, đặc biệt là dòng cult kinh dị. Các yếu tố khai thác, phản nghịch cũng có thể được sử dụng để châm biếm và hài hước. Frank Henenlotter dù bị kiểm duyệt gay gắt, nhưng lại được khán giả đón nhận. Lloyd Kaufman thì tuyên bố rằng các tuyên bố chính trị của phim mình dễ đồng cảm và thực tế hơn sự ẩn ý thường thấy trong phim và ở các ngôi sao dòng chính thống; song rất được giới phê bình và học thuật yêu thích.


      Ảnh hướng tới các tiểu văn hóa

      Phim cult cũng có thể thúc đẩy xác định hoặc tạo ra các nhóm tiểu văn hóa khác; đặc biệt, chúng có thể dùng để kích thích giới chính thống và góp phần làm bền vững hơn các tiểu văn hóa đó, bởi chỉ có những thành viên mới hiểu được hình thức giải trí khác lạ như vậy. Cult càng hiếm thì lại càng có nhiều tiểu văn hóa liên kết với nó. Các bộ phim ra đời trong các thời kì trước cũng có thể được khán giả nhớ tới và đưa lên hàng cult, đặc biệt là những bộ phim kinh dị hồi 1950 vốn là phiên bản gốc của các tái bản hiện đại ngày nay. Ngoài tạo ra các cộng đồng mới, cult còn có thể liên kết các nhóm vốn chống đối nhau, ví dụ như giữa khán giả và nhà phê bình, khiến họ tác động qua lại lẫn nhau. Tuy nhiên, những fan lớn tuổi hơn có thể không đồng tình với tình trạng này. Trong một số tình huống cực đoan, cult có thể tạo ra một tôn giáo mới, ví dụ như Dudeism. Dựa trên các đặc điểm bài chính thống, thích thú với những yếu tố châm biếm, và hưởng ứng các tiểu văn hóa nhỏ hiếm gặp, học giả Martin Roberts từng so sánh fan của cult với giới hipster.

      Một bộ phim có thể trở thành cult trong một khu vực địa lí hoặc tôn giáo nhất định nếu tự thân nó giữ vị thế đặc biệt; ví dụ, phim của Norman Wisdom - theo chủ nghĩa Marx - đã có cult followings lớn tại Albania, nơi có nhà nước Cộng sản quản lí gắt gao phim ảnh đến từ phương Tây. Hoặc, The Wizard of Oz (1939) và nữ chính Judy Garland - dù vốn có vai trò quan trọng trong lịch sử điện ảnh thế giới - là những hình tượng được yêu quý trong văn hóa đồng tính ở Anh và Mĩ; Reefer Madness (1936) và Hemp for Victory (1942) trong văn hóa thuốc phiện; phim bãi biển trong giới lướt ván Mĩ;... Khi được sản xuất để hướng tới các tiểu văn hóa nhất định như thế này, nếu không có kiến thức nền thì sẽ khó có thể hiểu được nội dung phim.

      Matt Hills đưa ra nhận định rằng có những 'cult blockbuster' tồn tại trong dòng phim chính thống. Dù có kinh phí lớn và theo dòng chính thống thì chúng vẫn có nhiều cult following theo đuổi. Ông cho rằng chỉ riêng The Lord of the Rings là đã có 3 cult following riêng biệt, mỗi cái lại có phạm vi và cách thức hoạt động hoàn toàn độc lập với văn hóa chính thống. Emma Pett cho rằng Back to the Future là một ví dụ nổi bật khác cho cult blockbuster, với nhiều cult following trung thành kéo dài nhiều thập niên. Các bộ phim khoa học viễn tưởng mang nhiều nội dung triết lí - như The Matrix và series Star Wars - cho phép các cult following thưởng thức chúng theo nhiều tầng mức. Đối với cult blockbuster, không có tính hiếm thấy làm cơ sở nên vị thế cult sẽ được xác lập dựa vào số lần xem đi xem lại cực kì nhiều. Song, để tăng tính cá biệt, các cult blockbuster phần lớn đều được làm dài tập và chứa những câu thoại, trò đùa,... mà chỉ có fan lâu năm mới hiểu được.

      Như phim cult, các báo và website hướng tới cult cũng tự ý thức được tính cá biệt của mình và họ luôn bài chính thống bằng các yếu tố phản nghịch như phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc,... Nếu không có đủ kiến thức và hiểu tượng các hình tượng máu me hoặc khiêu gợi đặc trưng của một cult, các fan mới hoặc fan chính thống thường không thể nào tham gia vào các nhóm này.


      Credit
      • Nguồn: Wiki
      • Dịch: Johanna A.P.
      • BBCode: Kei
      Mọi góp ý, thắc mắc xin gửi về topic Góp ý - Hỏi đáp - Hỗ trợ dịch thuật.
      Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng


      Sửa lần cuối bởi Johanna A.P.; 21-04-2017 lúc 21:00.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 17:53.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.