oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > VnSharing - Trung tâm điều hành > VnSharing Wiki > Khu kiểm định >

Trả lời
Kết quả 1 đến 1 của 1
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Film Genre] Gangster Film - Phim Băng Đảng

      Phim Băng Đảng


      Phim băng đảng (mob film, hay gangster film) là một thể loại phụ của phim tội phạm, xoay quanh các tội ác có tổ chức và thường tập trung vào xã hội đen (mafia). Các bộ phim băng đảng giai đoạn đầu có nhiều sự tương đồng đáng kể với film noir.


      Lịch sử
      The Black Hand (1906) thường được coi là bộ phim băng đảng duy nhất còn tồn tại trong giai đoạn đầu của dòng phim này. Năm 1912, D. W. Griffith đạo diễn bộ The Musketeers of Pig Alley, một bộ phim chính kịch ngắn về tình hình tội phạm ở thành phố New York (dù được quay tại New Jersey) và có tin đồn cho rằng một số vai phụ trong đó là mafia thực thụ. Một bộ phim tội phạm khác ra đời cùng thời là Regeneration (1915).

      Dù phim băng đảng đã bắt nguồn từ những bộ phim câm kể trên, nhưng hình thức lâu dài nhất mà loại phim này có được phải tới đầu thập niên 1930 mới xuất hiện; với những sáng tạo vượt bậc bắt nguồn từ sự bất ổn về kinh tế - xã hội mà Đại suy thoái gây ra. Sự thật rằng chỉ chăm chỉ lao động và đầu tư cẩn thận không thể bảo đảm được nhu cầu kinh tế của con người dẫn đến nhiều tình huống về sau được khắc họa rõ ràng trong sự bùng nổ phim băng đảng ở Hollywood, và sự hưởng ứng nhiệt liệt từ một cộng đồng không còn trông chờ vào cái gọi là 'Giấc mơ Mĩ - Lối sống Mĩ'.


      Thập niên 1930

      Năm 1931 và 1932 chứng kiến sự ra đời của ba tác phẩm kinh điển trong dòng phim băng đảng: Little Caesar (Edward G. Robinson diễn chính), The Public Enemy (James Cagney diễn chính), và Scarface (của Howard Hawks, Paul Muni diễn chính, dựa vào nhân vật có thật Al Capone). Chúng kể lại sự vươn lên nhanh chóng và thất bại cũng không chậm của ba tội phạm trẻ tuổi, bạo lực, là những đại diện thành thật nhất của dòng phim này trước khi bị các chuẩn mực đạo đức trói buộc và thay đổi. Dù kết cục của họ đều không mấy tốt đẹp - để nhắc nhở khán giả kết quả của tội ác - nhưng đa số người xem đều ít nhiều đồng cảm với những anh hùng phản diện này. Đặc biệt, những người đã trải qua Đại suy thoái hiểu được cảm giác của các nhân vật này khi cố gắng tạo ra vị thế cho bản thân nhưng nhanh chóng trắng tay. Dù thể loại này tồn tại trong suốt thập niên 1930, nhưng có người cho rằng chỉ nên tính tới 1933 bởi mã Hays đã khiến cho các bộ phim ra đời sau đó không còn sức thuyết phục nữa.

      Tác động của mã Hays: Song song với sự nổi tiếng của các ngôi sao phim băng đảng như Cagney, Robinson, Muni, và Raft ngày càng lên, thì càng nhiều người mong muốn kéo họ xuống. Trong giai đoạn đầu của phim băng đảng, Scarface - có thể nói là bạo lực nhất trong tất cả - đặc biệt bị chỉ trích nặng nề. Được công chiếu vào năm 1932, năm tồi tệ nhất của Đại suy thoái, đối mặt với doanh thu giảm mạnh, Hollywood phải làm mọi cách để phục hồi, nên mức độ bạo lực và khiêu gợi trong phim ảnh đột ngột tăng cao. Scarface có thể được hiểu là Giấc mơ Mĩ méo mó, khi mà chủ nghĩa tư bản Mĩ xuống dốc thảm hại và luật cấm rượu (Prohibition) là một sai lầm và sẽ nhanh chóng bị bãi bõ. Scarface vấp phải sự chống đối của cơ quan thi hành mã Hays, và phải dời ngày công chiếu lại gần 1 năm trong khi Hawks cố gắng làm giảm ám chỉ loạn luân giữa hai nhân vật Tony Camonte và Francesca Camonte. Cuối cùng, mã Hays và quan niệm đạo đức đại chúng đã đủ sức ảnh hưởng để thay đổi phim tội phạm và hình thức ban sơ của nó bị loại bỏ, với quan điểm của nhân vật chính chuyển sang các người hành pháp chiến đấu tới tội ác, hoặc những tội phạm tìm đường ăn năn hối lỗi, ví dụ James Cagney lần lượt tham gia G Men (1935, vai luật sư Davis) và Angels with Dirty Faces (1938, vai Rocky Sullivan). Thành công của những bộ phim này chứng tỏ phim tội phạm ngày càng được hoan nghênh, miễn là những phạm nhân này không được tôn vinh theo hướng như thời kì đầu. Ví dụ, nhân vật của Cagney trong G-Men khá tương tự với Tom Powers trong The Public Enemy, và dù mức độ bạo lực hung tàn giữa hai bộ phim này không chênh lệch nhiều, nhưng G-Men không hề bị mã Hays ngăn cấm, bởi giờ đây người luật sư - không phải phạm nhân - mới là nhân vật đáng chú ý nhất.

      Văn hóa của thập niên 1930: Tình hình chính trị, cộng với môi trường kinh tế - xã hội lúc bấy giờ đã ảnh hưởng mạnh đến phim tội phạm và cách miêu tả nhân vật. Nhiều phim trong đó chỉ ra rằng tội phạm là thành phẩm của xã hội, chứ không chống đối lại, và trong hoàn cảnh lúc bấy giờ thì quan niệm này có sức nặng không nhỏ. Thường những bộ phim tội phạm kinh điển đều ít nhiều liên quan đến đời thực, phản ánh thị hiếu đại chúng tới một khía cạnh nhất định nào đó; vì thế, theo một nghĩa, phim tội phạm chính là bản ghi chép lịch sử tội phạm Mĩ. Năm 1920, đạo luật Cấm rượu đã thúc đẩy tội phạm tăng cao, và buôn lậu là một tình tiết không thể thiếu trong phim tội phạm. Tuy nhiên, trong thập niên này, Hollywood cũng nhắm tới những tội phạm ở nông thôn và cướp nhà băng - như John Dillinger, Baby Face Nelson, Pretty Boy Floyd. Sự thành công của những bộ phim nói về họ phần nào minh chứng tính quan trọng của đề tài mới lạ, bởi những câu chuyện này thu hút người dân của một đất nước dần trở nên nghi ngờ hiệu suất của nhà nước và bắt đầu thờ ơ với việc kinh doanh. Tuy nhiên, với sự lớn mạnh của FBI, có một phần thị hiếu đã chuyển sang họ; năm 1935, trong khi án truy nã Dillinger đang đến hồi quan trọng, văn phòng mã Hays nghiêm cấm làm phim về tên tội phạm này. Một số bộ khác tập trung vào mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn sắc tộc, đặc biệt là trong thời kì đầu. Như đã nói, ẩn ý rằng tội phạm là sản phẩm của đạo đức xuống cấp và tình hình kinh tế bất ổn, trong đó đa số ví dụ là người gốc nước ngoài và đến từ tầng lớp thấp. Những nhân vật như thế có thể gây đồng cảm ở khán giả, và họ tin rằng lỗi không phải ở người, mà ở cái xã hội tàn ác khó vươn lên. Đến cuối thập niên 1930 thì phim tội phạm chuyển hướng biểu tượng, ẩn ý hơn, trái ngược hoàn toàn với sự đặc tả trong các bộ thời kì đầu, phản ánh xu hướng đưa ra những thông điệp khiến người ta phải suy nghĩ về nhân cách của các nhân vật tội phạm.


      Thập niên 1970

      Thập niên này đã có một trào lưu hồi sinh phim băng đảng, điển hình là The Godfather (1972, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo), có hai phần tiếp theo là The Godfather Part IIThe Godfather III. Bộ phim này đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim khác, ví dụ The Valachi Papers (Charles Bronson diễn chính).


      Thập niên 1980

      Bản làm lại của Scarface vào năm 1983 lúc ra mắt không phải rất thành công, nhưng theo thời gian thì nó được công nhận là một tác phẩm kinh điển của dòng phim băng đảng, đã ảnh hưởng tới nhiều phim về sau - như King of New York. Mặt khác, Sergio Leone đạo diễn bộ phim chính kịch sử thi Once Upon a Time in America, Robert De Niro và James Woods diễn chính.


      Thập niên 1990

      Thập niên này đã có nhiều bộ phim băng đảng rất được giới phê bình khen ngợi, đa số dựa vào người thật việc thật và có sự góp mặt của những ngôi sao gạo cội trong dòng phim này, như Al Pacino, Robert De Niro, Joe Pesci, và Chazz Palminteri. Bộ phim đáng chú ý nhất có lẽ là Goodfellas (1990, của Martin Scorsese, Ray Litotta diễn chính, Robert De Niro và Joe Pesci diễn phụ, Pesci đã giành giải Oscar cho Nam phụ xuất sắc nhất nhờ bộ phim này). Goodfellas là một trong những bộ phim tội phạm được nhiều đề cử nhất mọi thời đại: 6 giải Oscar (có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất).

      Sau Goodfellas, Scorsese, De Niro, và Pesci lần nữa hợp tác trong bộ Casino (1995, dựa theo cuộc đời của Frank Rosenthal, cộng sự của Chicago Outfit, đã kiểm soát vô số sòng bạc tại Las Vegas trong hai thập niên 1970-1980). Al Pacino cũng trở lại với dòng phim tội phạm trong The Godfather Part III (1990) trong hình tượng kinh điển Michael Corleone. Năm 1993, Al Pacino diễn chính trong Carlito's Way, trong vai một cựu gangster vừa ra tù và thề phải làm lại cuộc đời. Trong Donnie Brasco (1997), Pacino và Johnny Deep hợp tác, xoay quanh đời thực của đặc vụ FBI Joseph Pistone và quá trình ông xâm nhập vào băng Bonanno ở New York trong thập niên 1970, đã được đề cử giải Oscar dành cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất cùng năm.


      Thập niên 2000

      Bộ Road to Perdition (2002, của Sam Mendes, dựa vào tiểu thuyết đồ họa cùng tên của Max Allan Collins) với dàn diễn viên hoành tráng Tom Hanks, Paul Newman, Jude Law, và Daniel Craig. Cốt truyện diễn ra ở năm 1931, trong thời gian Đại suy thoái, xoay quanh một tay thi hành luật lệ của mafia và con trai, và quá trình hai người báo thù một gangster khác đã giết hại cả gia đình mình. Road to Perdition đã phá cách khi mong muốn tái tạo lại phong cách của film noir, trong khi vẫn ứng dụng công nghệ và hiệu ứng hiện đại. Phong cách quay, bối cảnh, và diễn xuất của Newman và Hanks đã được giới phê bình công nhận.

      Bộ The Departed (2006, của Martin Scorsese) với dàn diễn viên: Leonardo DiCaprio, Matt Damon, Jack Nicholson, Mark Wahlberg, và Martin Sheen; tái bản lại bộ Infernal Affairs (2002) về Hội Tam Hoàng tại Hồng Kông. Đặt bối cảnh ở Boston, cốt truyện xoay quanh hai cuộc sống song song của cảnh sát ngầm William Costigan Jr. (DiCaprio) và quá trình thâm nhập vào một băng Irish Mob. Các nhân vật này được dựa vào Whitey Bulger và cựu đặc vụ FBI John Connoly. The Departed đã thắng 4 giải Oscar cùng năm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, và Biên tập xuất sắc nhất.

      Bộ Public Enemies (2009, của Michael Mann), là một bộ phim tội phạm tiểu sử do Mann, Ronan Bennett, và Ann Biderman đồng biên kịch. Kịch bản bộ phim này là chuyển thể từ quyển Pulic Enemies: America's Greatest Crime Wave and the Birth of the FBI, 1933-34 của Bryan Burrough. Đặt bối cảnh trong cuộc Đại suy thoái, bộ phim kể lại vài năm cuối đời của tên cướp ngân hàng khét tiếng John Dillinger (Johnny Depp), đang bị đặc vụ FBI Melvin Purvis (Christian Bale) truy đuổi, và mối quan hệ giữa Dillinger với Billie Frechette (Marion Cotillard). Trong bộ này có một số cảnh từ bộ Manhattan Melodrama (1934), được cho là bộ phim cuối cùng mà Dillinger xem trước khi bị đặc vụ chính phủ bắn chết vào ngày 22/7/1934.

      Bộ American Gangster (2007, của Ridley Scott, Denzel Washinton và Russell Crowe diễn chính) đã hư cấu hóa cuộc đời của trùm thuốc phiện Frank Lucas.

      Bộ Gomorrah (2008, Ý, của Matteo Garrone, dựa trên quyển sách nói về gia tộc Casalesi đang hoạt động ở miền nam Ý của Roberto Saviano), dõi theo 5 cuộc đời tuy tách biệt nhau nhưng đều bị các tổ chức tội phạm có tổ chức ảnh hưởng. Dù thất bại ở giải Phim nước ngoài hay nhất nhưng Gomorrah vẫn được xem là một trong những bộ phim băng đảng hay nhất của điện ảnh nước này.


      Thập niên 2010

      Bộ Lawless (2012, dựa theo tiểu thuyết The Wettest County in the World) nói về một bộ ba anh em chuyên buôn lậu rượu trong thời kì Cấm rượu ở Mĩ.

      Bộ Gangster Squad (2013, của Ruben Felischer, Will Breall biên kịch) với dàn diễn viên chính: Josh Brolin, Ryan Gosling, Nick Nolte, Emma Stone, và Sean Penn. Bộ phim xoay quanh một nhóm cảnh viên của LAPD biệt danh 'Gangster Squad', luôn cố gắng bảo vệ thành phố này khỏi Mickey Cohen, một nhân vật có thật và rất khét tiếng trong thế giới ngầm, hoạt động trong thập niến 1940-50.



      Credit
      • Nguồn: Wiki
      • Dịch: Johanna
      • BBCode: Kei
      Mọi góp ý, thắc mắc xin gửi về topic Góp ý - Hỏi đáp - Hỗ trợ dịch thuật.
      Vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng


      Sửa lần cuối bởi Johanna A.P.; 05-04-2017 lúc 14:38.
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 13:31.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.