oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > Các box về Anime > Thảo luận Anime > Review/Preview >

Trả lời
Kết quả 1 đến 10 của 69
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Review] Kimi no Na wa - Một giấc mơ không thể quên!


      [Review] Kimi no Na wa - Một giấc mơ không thể quên!



      Kimi no Na wa là một tác phẩm anime được chào đón nhất trong năm 2016, bộ phim đã phá nhiều kỷ lục trên phòng vé, liên tục đạt được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng điện ảnh tại Nhật – điều mà những tưởng chỉ có các tác phẩm của hai gã khổng lồ Disney và Ghibli mới có thể làm được. Vậy điều gì đã tạo nên sức hút mãnh liệt của Kimi no Na wa?


      click vào để nghe nhạc

      Lưu ý:
      • Bài viết có spoiler
      • Nên xem tác phẩm trước khi đọc review
      • Tất cả hình ảnh đều được lấy từ các CM/Official AMV, có thể sẽ bổ sung thêm khi BD được phát hành.



      Giới thiệu tác phẩm




      Tôi là một trong những người may mắn có dịp xem tác phẩm trong đợt công chiếu trên thế giới vừa rồi. Tuy đã từng xem và thích các bộ phim trước đó của đạo diễn Makoto Shinkai, dù vậy đến với tác phẩm lần này, tôi rất sợ! Tôi ngờ vực những lời đồn thổi, những lời khen ngợi quá mức đến sự ưu ái đặc biệt mà báo chí và khán giả dành cho Kimi no Na wa, tôi sợ chính sự kỳ vọng quá cao của bản thân mình sẽ chôn vùi đi tác phẩm. Thế nhưng tôi đã lầm! Đây xứng đáng là một tuyệt tác điện ảnh, tác phẩm hoàn toàn vượt mức mong đợi của tôi. Có thể nói, đây là tác phẩm hay nhất mà Makoto Shinkai từng làm nên. Kimi no Na wa đánh dấu sự chuyển mình trong phong cách nghệ thuật của Makoto Shinkai, một phong cách mới trẻ trung năng động, tràn đầy sức sống và mãnh liệt hơn, nhưng đồng thời vẫn thấm đậm thứ nét trữ tình riêng và trầm lắng vốn có của ông. Makoto Shinkai đang trong đỉnh cao sự nghiệp. Giờ đây Shinkai không chỉ là một cái tên phổ biến trong cộng đồng anime fan nói riêng mà hình ảnh ông còn hiện hữu trong cả con tim của những người yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy nói chung.

       

      Cốt Truyện và Nhân Vật


      Chỉ một chút … một chút nữa thôi …
      Đôi ta có thể bên nhau dù chỉ một chút nữa thôi được không …?

      Những ca từ của bài hát trữ tình “Nandemonaiya” vang lên, báo hiệu tác phẩm đã đến hồi khép lại. Một chút, dù chỉ một chút nữa thôi, tôi vẫn muốn được tiếp tục xem tác phẩm, dù chỉ một chút … tôi muốn tiếp tục dõi theo chuyến hành trình đẹp như một giấc mơ của Taki và Mitsuha. Một giấc mơ với đầy kỷ niệm đẹp, với nhiều tiếng cười rộn ràng, xen lẫn với khát vọng mãnh liệt muốn được ở bên nhau trong câu chuyện tình yêu rạo rực của tuổi trẻ. Tác phẩm đã khơi dậy trong tôi thứ cảm xúc luyến tiếc và mong mỏi, một thứ cảm xúc tuy làm con tim trĩu nặng, nhưng có mấy ai lại không muốn trải nghiệm lần nữa? Mãi đến bây giờ, dư vị tuy đắng mà lại ngọt ngào ấy vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi khi các bản nhạc phim cất lên.



      … Vào một ngày nọ, sao chổi rơi …

      Khung cảnh thật đẹp, trông cứ như một giấc mơ …



      Mỗi buổi sáng thức dậy, Taki lại thấy con tim mình dai dẳng trĩu nặng. Lắng đọng trong anh vẫn còn là những hình ảnh mờ ảo của một vùng quê dân dã cổ xưa, những ngôi nhà với lối kiến trúc giản dị đơn sơ, hay hình ảnh của ngôi đền cổ kính mà lộng lẫy. Một làng quê với mảng trời xanh biếc, những tưởng chỉ cần đưa bàn tay lên là đã có thể chạm vào cả bầu trời, mảng trời với các dạt mây trôi lửng lơ, phản chiếu hình ảnh xuống mặt hồ trong trẻo mà trải dài đến tận đường chân trời, anh vẫn còn nhớ những cơn gió mát rượi của buổi xế chiều, tạo thành những gợn sóng nhỏ lăn tăn trên mặt hồ. Và rồi, hình bóng của người con gái … Taki sực tỉnh. Không! đây chỉ là một giấc mơ mà thôi, những hình ảnh mờ ảo của ngôi làng Itomori thanh bình dần tan biến trong tâm trí anh, bỗng dưng Taki cảm thấy sống mũi cay cay, những giọt lệ bắt đầu tuôn dài trên khóe mắt. Đây chỉ là giấc mơ thế nhưng tại sao anh lại cảm thấy con tim mình như thắt lại đến vậy? Cái cảm giác cô đơn, trống rỗng dần xâm chiếm lấy anh, đang xen vào đó là cảm giác khát khao, rạo rực của con tim muốn tìm gặp lại hình bóng của một người anh đã quên.

      Chỉ trong đoạn nhỏ mở đầu mà đạo diễn Makoto Shinkai đã truyền tải hết sức tài tình chủ đề mang đậm dấu ấn riêng của ông: tình yêu đường trường bị chia cách và cảm giác phiền muộn nhớ nhung của con tim. Hẳn nếu bạn đã quen với các tác phẩm của Makoto Shinkai thì cũng sẽ dễ nhận ra: Trong 5cm/s, Takaki và Akari đều mong ước được ở bên nhau nhưng rào cản khoảng cách và hoàn cảnh gia đình luôn thử thách tình cảm của họ. Trong Kotonoha no Niwa, mối quan hệ giữa Takao và Yukari lại bị chia cắt bởi địa vị, định kiến xã hội và cả tuổi tác của đôi bên.

      Thế nhưng, khác xa với những tác phẩm trước đó của ông, Kimi no Na wa khoát lên mình một phong cách mới, Shinkai không để khán giả phải lún sâu vào nỗi phiền muộn dai dẳng, ngộp ngạt khó chịu ấy. Ông tiếp diễn tác phẩm bằng bản J-pop “Yumetouro” đầy chất trữ tình, xen lẫn với nhịp điệu dồn dập, sôi nổi của tuổi trẻ. Sau đây là những ca từ cuối bài hát:

      “Dù có bị chiều không gian thứ 5 trêu ngươi, anh vẫn sẽ nhìn về phía em
      Vậy nên hãy chọn dấu hiệu bí mật cho đôi mình lúc chúng ta làm quen với nhau lần nữa!
      Vì anh ngay giờ đây sẽ hướng ra để đuổi theo tên em.."

      Khác hẳn với những ca từ mang nặng sự luyến tiếc về một tình cảm đã bị vuột khỏi tầm tay trong 5cm/s, lời bài hát của ca khúc “Yumetouro” rất hùng hồn và mạnh mẽ, minh chứng cho ý chí quyết không đầu hàng số phận, cho dù có bị ngăn trở bởi không gian và thời gian. Nếu bạn tinh ý thì sẽ nhận ra cả hai nhân vật Mitsuha và Taki đều được “sợi chỉ đỏ của số mệnh” kết nối với nhau, đây là một chi tiết rất thường gặp trong văn hóa Nhật nói chung, chi tiết ám chỉ cho dù cặp đôi có bị chia cắt thế nào đi nữa thì số mệnh vẫn sẽ gắn kết họ lại.


      Sau khoảng dạo đầu truyền tải phong cách nghệ thuật đậm nét của Shinkai đến khán giả, tác phẩm không tốn nhiều thời gian để dẫn dắt người xem vào câu chuyện chính. Trong Kimi no Na wa, có thể chia tác phẩm thành 3 arc lớn. Arc đầu giới thiệu tính cách và cuộc sống đời thường của từng nhân vật.


      Motif hoán đổi thể xác là không mới, đây là chủ đề vẫn hay gặp trong các tác phẩm điện ảnh(Freaky Friday, Hot Chicks) và cả trong anime(hẳn nhiều bạn yêu thích anime đã xem qua Kokoro Connect rồi chứ nhỉ?). Nghe thì có vẻ rất bình thường đấy, nhưng với lối chỉ đạo tài tình, motif hoán đổi thể xác được Makoto Shinkai thể hiện một cách độc đáo. Bước vào arc là hình ảnh sáng sớm thức dậy của một Taki đang bỡ ngỡ, thích thú “khám phá” cơ thể của Mitsuha, ngay sau đó là đoạn chuyển cảnh nối tiếp buổi sáng mà nếu bạn tinh ý thì sẽ nhận ra đấy là câu chuyện của ngày hôm sau khi mọi việc đã trở về bình thường. Nét sáng tạo là ở đây: thay vì đẩy nhân vật vào tình huống ngược giới tính dở khóc dở cười ngay từ đầu, Makoto Shinkai lại lựa chọn lối dẫn tập trung vào góc nhìn của nhân vật Mitsuha trước tiên. Qua đó cho người xem cái nhìn tổng quát về hoàn cảnh, tính cách, và cả những mối quan hệ xung quanh Mitsuha. Lối dẫn dắt tạo sự gắn kết với nhân vật Mitsuha, trước khi tác phẩm giới thiệu nốt nhân vật còn lại. Và có lẽ, đây là lần đầu tiên từ Shinkai mà bạn sẽ thấy một phong cách thật hài hước, dí dỏm: các đoạn cảnh fanservice, những trò đùa về giới tính được lồng ghép vào khéo léo, không quá làm mất thẩm mỹ nhưng vẫn phải khiến bạn nhoẻn miệng cười. Chính phong cách vui vẻ này đã giúp tác phẩm trở nên “thân thiện” hơn với đa phần khán giả đại trà (vốn là nét thiếu sót rất lớn ở các tác phẩm trong quá khứ của ông).



      Theo chân Mitsuha, ta sẽ khám phá lối sống của người lớn lên từ làng quê. Cuộc sống nơi đây nhàm chán, ngôi làng Itomori thật đơn điệu và tẻ nhạt: ga tàu mãi đến 2 tiếng mới có một chuyến. Không tiệm sách, không nha sĩ, các cửa hàng thì 9 giờ đóng cửa, ngày ngắn đêm dài, thậm chí đến một góc café cũng không có (nhưng vì một lí do nào đó mà thị trấn lại có đến 2 quán rượu cạnh nhau lol). Gia cảnh Mitsuha cũng rất đặc biệt: vốn mồ côi mẹ từ nhỏ và là một miko (trinh nữ đền) trụ cột trong ngôi đền của gia đình, áp lực luôn đè nặng trên đôi vai bé nhỏ của cô, đang xen vào đó là những ánh mắt dèm pha từ bạn bè xung quanh và mối quan hệ rạn nứt với người bố khó tính. Khó thở và ngộp ngạt, Mitsuha chỉ muốn thoát khỏi nơi này mà thôi.

      Tất nhiên là dưới bàn tay Shinkai nhào nặn, cuộc sống làng quê vẫn rất lộng lẫy, nhiều sắc màu đấy. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội khi tinh chạm vào tác phẩm những nét đẹp của văn hóa truyền thống Nhật. Trong số đấy có 2 đoạn cảnh tôi thật sự rất thích:


      Musubi (chỉ bện).

      Hơn 1000 năm lịch sử được đan xen vào từng sợi chỉ, các sợi chỉ được bện bằng tay một cách tinh tế, cẩn thận. Tình cảm của người đan chỉ được truyền vào từng sợi … Từng sợi xoắn quýt, quấn bện vào nhau tạo hình, sau đấy các sợi được gỡ ra và lại kết nối với nhau lần nữa. Hình ảnh Musubi được đạo diễn ví như biểu tượng cho thời gian và sẽ có mối liên hệ quan trọng đến cốt truyện của tác phẩm trong các arc về sau.




      Đoạn cảnh thứ hai là lúc Mitsuha và Yotsuha biểu diễn nghi lễ truyền thống (thứ lỗi vì tôi chẳng biết gọi nghi thức này là gì). Ta có thể thấy các họa sĩ đã đổ dồn hết tâm huyết của họ để hoạt họa tỉ mỉ từng cử động. Những động tác khá nhuần nhuyễn, uyển chuyển trông rất sống động, bộc tả được vẻ đẹp dịu dàng của thiếu nữ mới lớn. Có chi tiết thú vị là lúc thực hiện đoạn cảnh này, Makoto Shinkai đã mời nghệ sĩ thực thụ biểu diễn để ghi hình lại và hoạt họa một cách chân thật nhất. Thêm vào đó, Shinkai còn tô điểm thêm cho tác phẩm một nét văn hóa rất … lạ, đó là rượu “Kuchikamisake”. Cơm gạo nấu sẵn được thiếu nữ đền nhai nát, rồi nhả ra để một thời gian lên men thành rượu, tuy nhiên cách làm này đã được bãi bỏ từ rất lâu vì dân họ đã khám phá ra cách lên men khác … đỡ tởm hơn (dù gì thì tôi vẫn muốn một lần được nếm thử :p ).



      Khi đã làm quen với cuộc sống dân dã nông thôn, tác phẩm sẽ chuyển người xem sang chốn Tokyo thị hành bận rộn. Đến đây nhân vật nam dẫn được giới thiệu. Đập vào mắt là khung cảnh – nếu đã xem qua tác phẩm Vườn Ngôn Từ - thì chắc chắn bạn sẽ không thể quên! Khu vườn Shinjuku trông thật lộng lẫy dưới ánh nắng sớm của bình minh (tác phẩm cũng có một nhân vật “khách mời” đặc biệt trong Vườn Ngôn Từ xuất hiện ở những phút đầu đấy). Một lần nữa, yếu tố hài hước cũng được vận dụng triệt để: sex jokes không quá thô thiển, mặt khác, chất giọng Taki(hồn Mitsuha) được tài tử Ryunosuke thể hiện quá tài tình, nét nữ tính trong cái giọng nam đặc sệt của anh khiến người xem phải ôm bụng phì cười. Qua góc nhìn Mitsuha khán giả sẽ dần khám phá cuộc sống của Taki, anh luôn bận rộn với trường lớp và việc làm thêm, quây quần xung quanh anh là 2 người bạn thân và chị “senpai” xinh đẹp trưởng thành. Thay vì vận dụng lối dẫn truyện tự sự chỉ xoay quanh các nhân vật chính như Shinkai đã từng thể hiện với các tác phẩm trước đó(vd như trong Kotonoha, bạn sẽ chỉ thấy bộ phim xoay quanh Takao và Yukari mà thôi), Kimi no Na wa tập trung hơn vào tính tương tác và mối quan hệ giữa các nhân vật phụ với cặp nhân vật chính, từ đấy tác phẩm giúp người xem gắn bó hơn với chính bản thân nhân vật đang theo dõi.


      Hai người sau đấy hoán đổi chỗ cho nhau, dưới bàn tay tài hoa của Shinkai, motif tưởng chừng cũ kĩ đã được ông thể hiện rất vui nhộn, trẻ trung. Những ngày hoán đổi thể xác “đảo điên” mà Mitsuha và Taki trải qua dần được hé lộ qua các trang nhật kí trên điện thoại: từ Taki “nũng nịu” ăn lấy ăn để những món ngọt mà “anh” từng ao ước nếm được, đến Mitsuha mạnh mẽ sẵn sàng đáp trả lại những lời nói xấu sau lưng. Đan xen vào đó là những luật lệ rất … dễ thương mà 2 người áp đặt vào nhau để không làm rối hơn cuộc sống riêng tư. Về một mặt, việc vận dụng motif hoán đổi thể xác đã mang lại cho họ một sự gắn kết không thể nào gần hơn được nữa so với mối quan hệ nam nữ thông thường, Mitsuha và Taki chia sẻ lẫn nhau cuộc sống riêng của mình, thế nhưng theo mặt khác thì họ lại bị chia cắt đến mức không thể nào xa nhau hơn được, thật gần những cũng rất thật xa!. Mối liên kết lạ thường này tạo nên biết bao tình huống dở khóc, dở cười, và dần cả hai nảy sinh tình cảm. Có thể liên tưởng mối liên kết này như một nghệ thuật ẩn dụ cho niềm vui, nỗi lo âu và cả những rung động đầu đời trong độ tuổi dậy thì.


      click vào để nghe nhạc

      Taki ơi, anh có còn nhớ em không … ?

      Taki bỗng dưng bừng tỉnh, để lại sau anh là hình ảnh xế chiều rực rỡ của bờ hồ cạnh làng Itomori.


      Bất kì giấc mơ nào cũng đến hồi kết thúc. Và có lẽ - chẳng ai có thể ngờ được – arc2 và 3 là khi câu chuyện ngả rẽ sang một hướng mới, những tình tiết tiếp theo sẽ thử thách con tim của bạn, khi các twist liên tục xuất hiện, đưa người xem đến tận cùng của sự tuyệt vọng, u sầu, nghiền nát trái tim bạn, và rồi … vá nó lại, làm bạn nhẹ nhõm, vui sướng vì hạnh phúc … Makoto Shinkai quả thực là bậc thầy trong việc thao túng cảm xúc người xem, Kimi no Na wa là tinh hoa trong lối viết truyện mà Makoto Shinkai đã đúc kết lại từ những bộ phim cũ của ông, và nâng nó lên một tầm cao mới. Cốt truyện hấp dẫn, diễn ra với nhịp độ dồn dập, hồi hợp hơn, và đồng thời cũng chỉn chu, thống nhất hơn. Motif tưởng chừng như cũ kĩ đã được ông sử dụng làm bàn đạp để sáng tác nên câu chuyện độc đáo và mới lạ, đấy là câu chuyện của thời khắc chạng vạng huyền ảo khi ngày và đêm hòa quyện cùng nhau, đấy là câu chuyện của một cuộc đua nghẹt thở với thời gian, và cuối cùng, đấy cũng là câu chuyện về một tình yêu bị số mệnh thử thách! Tôi chỉ nói sơ về 2 arc này, có lẽ bạn sẽ phải tự thưởng thức chứ con chữ sẽ chẳng diễn tả hết được cảm xúc người viết.


      Nếu nhìn tấm poster thì bạn cũng thầm đoán được ngôi sao chổi mới chính là đề tài chủ đạo trong tác phẩm – chứ không phải hoán đổi thân xác. Ngôi sao chổi xuất hiện duy nhất một lần trong chu kì kéo dài một thiên niên kỷ, cảnh tượng sao chổi có lẽ là cảnh tượng đẹp nhất, rực rỡ, tráng lệ và huy hoàng nhất mà mình từng xem ở một tác phẩm anime. Tuy nhiên, đừng để vẻ hào nhoáng bề ngoài đánh lừa, ngôi sao chổi là điềm báo diệt vong gắn liền với sự kiện động đất xảy ra ở Nhật vào năm 2011, thảm họa này đã làm thay đổi cuộc đời của biết bao con người, cũng chính là lí do vì sao bộ phim có tác động mạnh lên những con người Nhật Bản. Bạn cũng đừng quá lo lắng vì không khí tang thương sẽ được phép thuật của Shinkai làm dịu đi.

      Tuy vậy, vì điềm thảm họa báo trước, sợi chỉ đỏ kết nối Taki và Mitsuha với nhau sẽ bị thử thách, kéo dãn và dần bị lãng quên theo dòng chảy thời gian. Tất cả chỉ còn là một mẩu ký ức nhỏ nhoi, sẵn sàng tan biến đi bất cứ lúc nào, thế nhưng nó vẫn còn lắng đọng trong không gian mà mãi nhen nhóm … Nó không bao giờ phai mờ đi, không bao giờ biến mất đi hoàn toàn. Còn đấy, sợi chỉ vô hình vẫn luôn dẫn đường cho hai người tìm gặp nhau.


      Hãy để đôi mình yêu nhau tại nơi những từ như số mệnh và tương lai nằm xa tầm tay
      Anh vẫn luôn trông tìm tên em ..

       

      Hình Ảnh và Âm Thanh


      Tôi cứ nghĩ Kotonoha no Niwa đã là tác phẩm sở hữu mặt hình ảnh đẹp nhất mà đạo diễn Makoto Shinkai từng thực hiện, nhưng tôi đã lầm. Từ lối viết truyện được cải thiện xuất sắc, cho đến phong cách art/animation của ông vẫn đang biến hóa không ngừng theo năm tháng. Đến với Kimi no Na wa, người xem sẽ có dịp chứng kiến khung cảnh đẹp lộng lẫy và chân thật hệt như những tấm ảnh được chụp của ngôi làng Itomori. Tuy hình ảnh Itomori là giả tưởng nhưng Makoto Shinkai đã lấy cảm hứng từ địa danh có thật: mặt hồ Itomori được phỏng theo hồ Suwa ở quận Nagano, thêm vào đó là cả những di tích văn hóa và những địa điểm quen thuộc từng xuất hiện trong các bộ phim trước của ông.


      Bạn có thể ví Kimi no Na wa như một bản phác thảo, mà tại đó Makoto Shinkai thỏa sức sáng tạo vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Từng khung hình được tỉ mỉ phác họa nên, đến những chi tiết nhỏ nhất cũng được chăm chút một cách cầu kì. Từ bầu trời trong trẻo đẹp mộng mơ (bầu trời vốn là dấu ấn của Shinkai mà lại!), đến những gợn mây trôi bồng bềnh lơ lửng, cho đến phong cách đồi núi hùng vĩ trải dài hết cả tầm mắt … đây đó là hình ảnh đàn chim bay thành hàng lướt trên mặt hồ gợn sóng, hòa vào đấy là thứ ánh sáng huyền ảo của buổi chiều tà. Makoto Shinkai điêu luyện hòa lẫn các gam màu với nhau, tạo nên cảm giác chân thật đến khó tả.


      Khi đã làm người xem mãn nhãn no nê với phong cảnh vùng quê, ông tiếp tục đưa người xem đến món ăn thị giác khác là chốn đô thị phồn hoa. Tàu … vâng, cũng như là bầu trời, nhắc đến Makoto Shinkai người xem ko thể ko nghĩ đến hình ảnh các toa tàu hối hả nối đuôi nhau. Hình ảnh ngôi vườn Shinjuku tọa lạc tại Tokyo trông vẫn rất lộng lẫy hệt như những gì tôi vẫn còn ghi nhớ từ hồi xem xong Kotonoha. Bàn tay tài hoa của Makoto Shinkai đã mang đến một Tokyo tràn đầy sức sống, nhộn nhịp và đầy sắc màu. Tia nắng từ nhiều khung giờ khác nhau thay phiên phản chiếu lên một góc các tòa nhà chọc trời, hình thành nên những bức tranh phong cảnh thị thành với các gam màu hài hòa, dịu mắt.


      Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến cảnh tượng sao chổi – như đã nêu từ trước – hình ảnh rực rỡ, tráng lệ và nguy nga của nó sẽ phải khiến bạn trầm trồ thán phục! Cảnh tượng này đã nâng phong cách art/animation của ông lên một tầm cao mới! Khó có thể diễn tả được bằng lời, bạn phải tự chiêm nghiệm để hình dung được vẻ đẹp hào nhoáng của cảnh tượng chỉ có một không hai mà nền hoạt họa Nhật Bản mang lại.


      Nói về âm nhạc, một lần nữa – cũng như bao tác phẩm trước đó – Makoto Shinkai lại làm người xem đắm say bởi sự lựa chọn âm nhạc của mình. Các bài hát và nhạc nền trong tác phẩm được thực hiện bởi nhóm nhạc RADWIMPS. Theo thông tin bên lề rất thú vị, Makoto Shinkai đã mất đến 1 năm rưỡi hợp tác cùng RADWIMPS để cho ra các bản nhạc đi sâu vào lòng người. Người nghe cũng đồng thời có thể thấy rõ sự chuyển đổi trong phong cách của ông: các bài hát mang âm hưởng J-pop trẻ trung, sôi động nhưng cũng thật trữ tình và khuấy động cảm xúc. Nhạc nền cũng được chọn lựa rất khéo léo: được hòa tấu bằng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, piano chủ đạo, âm nhạc mang âm hưởng làng quê có giai điệu dễ nghe da diết, đánh mạnh lên mặt cảm xúc người xem ở những trích đoạn cao trào/tình cảm.

      Công lớn có thể kể đến 2 seiyuu lồng giọng Mitsuha (VA:Mone) và Taki (VA: Ryunosuke). Bất ngờ là ở đây, tuy cả 2 là diễn viên chuyên nghiệp nhưng Mone chưa từng đảm nhận lồng tiếng vai chính bao giờ. Dù vậy Mone vẫn thể hiện rất tuyệt vời phần diễn xuất của mình, chất giọng trong trẻo mới lạ mang đến Mitsuha diện mạo trẻ trung, sản khoái. Đồng hành cùng cô là Ryunosuke, anh đã thể hiện tài tình khả năng truyền cảm của mình qua chất giọng nữ tính không đụng hàng, tạo sự giải trí cho khán giả theo dõi.


       

      Lời Kết


      Cả bộ phim là một chuyến tàu lượn mang lại những cung bậc thăng trầm trong cảm xúc. Đôi lúc nó sẽ khiến bạn phì cười với những tình tiết hài hước mà ngô nghê những khi Taki mải mê “khám phá” cơ thể của người khác giới, có khi tác phẩm sẽ khiến con tim bạn thắt lại và quặn đau vì sự kiện bất ngờ diễn ra, để rồi ngay sau đó nó sẽ chấp vá con tim bạn lại, làm bạn vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc. Hãy cứ tưởng tượng, cảm xúc bạn trải qua khi xem Kimi no Na wa sẽ như thể chính là những gam màu tô điểm nên một bức tranh phong cảnh sống động như thật mà Shinkai tô vẽ nên.

      Tác phẩm là sự dung hòa hoàn hảo về mặt hình ảnh, nghệ thuật, nội dung cốt truyện, âm thanh lẫn cảm xúc con người. Vào thời điểm tôi chấp bút viết review này thì tác phẩm đã bứt phá trở thành bộ phim anime có lợi nhuận phòng vé cao nhất thứ hai tại Nhật, chỉ đứng sau Spirited Away. Tác phẩm đã phá vỡ kỷ lục của đa phần các tác phẩm Ghibli trước đó, vượt mặt Mononoke Princess lẫn Howl’s moving castle để trở thành cơn bão mới trong lòng các thế hệ Nhật – nhất là những người trẻ tuổi.

      Như câu chuyện được kể, tác phẩm là sự hòa quyện giữa hiện đại và cổ xưa, thành thị và nông thôn, ký ức và sự lãng quên, và cả những khát vọng lẫn nỗi niềm của độ tuổi đang lớn. ”Hãy trân trọng những gì bạn trải qua, vì giấc mơ sẽ phai mờ đi khi bạn tỉnh giấc”- như lời người bà Mitsuha đã từng răn dạy. Thế nhưng, kiệt tác này sẽ còn lắng đọng trong tâm trí và làm bạn mộng mơ một thời gian rất lâu kể cả khi những tia sáng đã dần phai đi khỏi màn ảnh … Hãy xem tác phẩm này bạn nhé, và hãy xem nó thật nhiều lần!

      Đánh giá:

      Cốt truyện: 9.0/10
      Nhân vật: 9.0/10
      Âm thanh: 10/10
      Hình ảnh: 10/10
      Enjoyment: 10/10
      Tổng điểm: 9.6/10


      Sửa lần cuối bởi vforvendetta; 15-01-2017 lúc 19:43.
      Trả lời kèm trích dẫn

    2. #2
      ❤️ The Sun ❤️
      Silky
      1106 - My Birthday ♥
      SP: 1106
      Tham gia ngày
      15-11-2014
      Bài viết
      1,778
      Blog Entries
      1
      Cấp độ
      1019
      Reps
      50777

      Chưa xem nhưng mà đọc bài của v4 thì thấy thấm tháp vãi ...
      Trả lời kèm trích dẫn

    3. #3
      Viết dài vậy chắc đúng rồi
      Trả lời kèm trích dẫn

    4. #4
      Vì chưa xem nên chỉ lướt qua bài review của bạn để tránh gặm phải spoil.

      So với những review mình đã đọc thì đánh giá của bạn cao nhất luôn :')) và mặt băng chung theo mình thấy, phim đều nhận được phản hồi và đánh giá khá tốt.

      Khi nào rảnh rang hơn sẽ chạy đi coi :'3

      "It is good to love many things, for therein lies the true strength, and whosoever loves much performs much, and can accomplish much, and what is done in love is well done."
      - Vincent Van Gogh -

      Trả lời kèm trích dẫn

    5. #5
      Không dài lắm, v4 disappoints me.

      Thôi đợi 6 tháng nữa có BD, xem xong nếu còn nhớ đến bài này thì sẽ lấy ra đọc
      Bộ này coi mấy cái screenshot thấy thích cái thiết kế nhân vật, trông chân quê dễ mến, ưa mắt nhất trong mấy bộ của lão Shin
      Trả lời kèm trích dẫn

    6. Trích dẫn Gửi bởi sildi07 Xem bài viết
      Vì chưa xem nên chỉ lướt qua bài review của bạn để tránh gặm phải spoil.

      So với những review mình đã đọc thì đánh giá của bạn cao nhất luôn :')) và mặt băng chung theo mình thấy, phim đều nhận được phản hồi và đánh giá khá tốt.

      Khi nào rảnh rang hơn sẽ chạy đi coi :'3
      Bộ phim này mình có dịp xem ở rạp nên có lẽ đánh giá sẽ hơi chủ quan . Lúc xem, khán giả phản ứng dữ dội lắm nên chắc cũng làm mình lung lay. Hết phim thì cả rạp vỗ tay ầm ầm, lại còn ngồi yên thưởng thức bài nhạc cuối bộ chứ ko đứng dậy ngay ra về .

      Phim vẫn còn nhiều hạt sạn, nhưng nếu dễ ý bỏ qua thì cũng ko ảnh hưởng gì lắm đến enjoyment.
      Trả lời kèm trích dẫn

    7. #7
      Trích dẫn Gửi bởi vforvendetta Xem bài viết
      Bộ phim này mình có dịp xem ở rạp nên có lẽ đánh giá sẽ hơi chủ quan . Lúc xem, khán giả phản ứng dữ dội lắm nên chắc cũng làm mình lung lay. Hết phim thì cả rạp vỗ tay ầm ầm, lại còn ngồi yên thưởng thức bài nhạc cuối bộ chứ ko đứng dậy ngay ra về .

      Phim vẫn còn nhiều hạt sạn, nhưng nếu dễ ý bỏ qua thì cũng ko ảnh hưởng gì lắm đến enjoyment.
      Coi rạp thường xúc động bột phát hơn mà Mình nhặt sạn phim cũng hông giỏi vì chả có kiến thức mấy về phim ảnh, miễn sao xem thích là được
      Trả lời kèm trích dẫn

    8. #8
      Tham gia ngày
      28-11-2014
      Bài viết
      851
      Cấp độ
      435
      Reps
      21688

      Đọc đến chỗ "Bài viết có spo..." rồi đi ra
      Trả lời kèm trích dẫn

    9. #9
      BBcode 0/10, vivi disappointed me.

      Xem tổng điểm + ảnh ọt rồi đi ra
      Sửa lần cuối bởi Solid Snake; 02-12-2016 lúc 20:38.
      Trả lời kèm trích dẫn

    10. Nghe nhiều người đánh giá cao bộ này nhưng riêng mình thì vẫn thấy thích kiểu design nhân vật hồi 5cm/s với yakusoku no basho hơn

      Còn về nội dung thì chưa xem nhưng nghe spoil thì cũng khác với mấy bộ trước, nếu như thế thật thì sẽ +1 cho new Shinkai và -2 cho sự ra đi của old Shinkai

      Và cơ bản thì vào lấy mặt tiền một phát chứ cái review này chắc ngâm giấm cho đến khi xem BD
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 01:26.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.