Lúc anh ta 10 tuổi
Mười tuổi.

Không thể diễn tả nỗi sắc mặt cắt không còn một giọt máu của anh khi tỉnh dậy. Như những mũi dao chĩa vào người rỉ từng giọt máu, tổn thương đến rực đỏ.
và rồi những bông hồng như phát sáng, đâm vào tim anh như anh chính là thứ để chúng nhàu nát
Lỗi diễn đạt.

Anh ta biết mình sai rất nhiều, về mọi thứ, nếu cố gắng trở thành một con người tốt hơn, có lẽ anh cũng sẽ có cuộc sống dễ dàng hơn.
Cái này nhỏ nhưng cần nói: “anh” và “anh ta” không trùng điểm nhìn. “Anh” trong trường hợp này là điểm nhìn giới hạn, người kể trùng với nhân vật. “Anh ta” lại ám chỉ người kể khác với nhân vật. Nó tương tự như sự khác biệt giữa “chúng tôi” và “chúng ta” vậy.


Thực chất để viết truyện ngắn dạng hồi ký rất khó. Đáng tiếc là bạn đã không thành công.

Vấn đề lớn nhất của tác phẩm này là sự thiếu cân đối: hoặc là quá nghiêng về rao giảng, hoặc là quá nghiêng về trần thuật. Mở đầu bằng chiêm nghiệm bản thân chưa bao giờ là một ý hay – bạn đang gò người đọc theo một hướng suy nghĩ nhất định, và làm như vậy rất dễ gây mất cảm tình. Nguyên phân đoạn đầu tiên không cho tôi bất cứ động lực nào để đọc tiếp. Suy nghĩ nhân vật suông và mông lung, ngòi bút không có tiết chế, kết quả là người đọc nhận được chồng chất thông tin nhưng lại không có cơ hội để cảm nhận. Cảm xúc không nên được coi là một thứ thông tin. Người đọc không cần “biết” nhân vật của bạn đang nghĩ gì, họ cần phải “nhìn” thấy được. Câu chuyện trôi dễ dàng hơn khi đến phân đoạn hai, nhưng ở đây bạn lại dùng quá nhiều trần thuật mà không có cao trào hay biến cố. Càng về sau càng đuối, cuối cùng lại bị chênh so với kết truyện. Bản thân kết truyện cũng không tốt do “bài học rút ra” quá rõ ràng. Những vấn đề xã hội hoặc là chưa xuất hiện, hoặc là xuất hiện mờ nhạt, bỗng dưng được nhắc đến ở đoạn kết một cách khá chắp vá. Thực lòng mà nói, đọc có đôi chút buồn cười, chứ cảm xúc thì không tới đâu cả.

Vấn đề thứ hai của bạn là bạn nói cho độc giả quá nhiều. Có một quy tắc trong tiếng Anh gọi là “show, don’t tell,” quả thực không biết nên dịch sang tiếng Việt thế nào cho sát. Độc giả của bạn đều rất thông minh – họ biết cách kết nối câu chuyện và lắng nghe nội tâm nhân vật tốt hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ. Bạn không cần, và không nên, nói toàn bộ những gì mình muốn nói cho họ. Hãy cho họ có cơ hội để tưởng tượng, để suy nghĩ, để trò chuyện với tác phẩm. Hiện tại, tác phẩm của bạn không để cho tôi tiếp xúc với nó; tất cả những gì tôi có thể làm là ngồi và thụ động tiếp nhận. Mà thông tin bạn đưa tới lại không có tính thuyết phục. Hầu hết suy nghĩ nhân vật đều là bạn đặt vào đầu anh ta, vậy nên anh ta không có sức sống, không có sự phát triển tự nhiên. Về mặt này, nhân vật của bạn hoàn toàn không có chiều sâu.

Vấn đề thứ ba nằm ở kỹ thuật. Hành văn còn nhiều ảnh hưởng văn nói, khiến giọng văn mang tính trẻ con, thiếu chuyên nghiệp. Trần thuật còn phô, nhiều chỗ cố gắng mỹ miều hóa rất lộ liễu. Cấu trúc câu đơn điệu, tự sự một chiều khiến tác phẩm rất tẻ, nhịp điệu không hề có biến chuyển. Kết quả là truyện không có cao trào, và tôi hoàn toàn không thấy được những thay đổi đáng ra nên có. Cuối cùng, ừm, tôi nghĩ bạn không nên trích lời bài hát khi nhân vật của bạn đang nghĩ về lời của Chúa. Đơn giản vì đó không phải lời của Chúa. Nếu bạn trích Kinh Thánh thì sẽ không có vấn đề gì.


Trình bày: 9/10
Chủ đề: 2/5
Nội dung: 2/10
Kỹ thuật: 2/15
Cảm nhận: 0/10
Tổng: 15/50