oOo VnSharing oOo

Go Back   Diễn đàn > Các box về Anime > Thảo luận Anime >

Trả lời
Kết quả 1 đến 10 của 73
 
  • Công cụ
  • Hiển thị
    1. [Studio Spotlight] Kyoto Animation - Trên từng chặn đường phát triển và bàn tay nhào nặn kì diệu.




      Chút nhạc cho đỡ chán :v
       

      Đây là một series ... ngắn mình và nhiều bạn viết để giới thiệu đến với người đọc các animation studio có tiếng tăm tại Nhật. Đến với bài mở đầu, mình sẽ giới thiệu về studio Kyoto Animation - vốn là studio mình cực yêu thích đến với các bạn.

      Hẳn ai trong chúng ta cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi xem các tác phẩm của KyoAni, ấy là những khoảnh khắc cảm động về tình cảm cha con thiên liên trên cánh đồng hoa hướng dương màu đỏ thẫm buổi xế chiều, hay cảm giác nuối tiếc trong đoạn cảnh “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” giữa hai người … bạn dưới những tán cây Sakura lắt lay theo từng gợn gió mát rượi của mùa Xuân.


      Thế các bạn có biết điều gì đã tạo ra thương hiệu Kyoto Animation? Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn bao quát hơn về KyoAni qua từng chặn đường phát triển và phong cách nghệ thuật làm say lòng nhiều thế hệ. Bài viết được chia ra làm 3 phần:
      1. Tiểu sử và chặn đường phát triển
      2. Nét tinh chạm của Kyoto Animation
      3. Xâm nhập vào studio, đằng sau cánh rèm và cuộc cách mạng công nghiệp




      1 – Tiểu sử và chặn đường phát triển:



      Kyoto Animation tọa lạc tại Uji, quận Kyoto, Nhật bản. Được thành lập vào năm 1981 bởi cựu nhân viên của Mushi Pro là ông Hideaki Hatta và người vợ Yoko Hatta vốn là những người đã từng làm và có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp anime. Vào thời điểm mới thành lập dưới tên gọi “Kyoto Anime Studio”, họ chỉ là một studio nhỏ và làm các công việc vẽ bức họa, gia công cho các bộ anime truyền hình và phim ảnh.


      Sang đến năm 1985, Kyoto Anime Studio chính thức trở thành một công ty và đổi tên sang Kyoto Animation.Trong thập niên 80, 90, họ mở rộng khuynh hướng kinh doanh, ký các hợp đồng cho nhiều công việc liên quan đến những anime tiếng tăm, ăn khách thời điểm này như Cowboy Bebop, Gundam, hay thậm chí còn góp mặt phụ việc trong một số bộ phim của Ghibli.


      Năm 2003 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Kyoto Animation được thuê để thực hiện một tác phẩm anime truyền hình đầu tiên của mình – Fullmetal Panic? Fumoffu, một ấn phẩm ăn theo series Fullmetal Panic trước đó được thực hiện bởi Gonzo. Đây có thể xem như canh bạc từ phía các nhà đầu tư khi giao dự án cho một studio không mấy tên tuổi và non kinh nghiệm. Tuy nhiên, series thành công vượt mong đợi và trong vòng vài năm sau thì phần kế tiếp Fullmetal Panic Second Raid tiếp tục được thực hiện.

      Trên thực tế thì KyoAni đã ấp ủ tham vọng của mình từ trước bằng dự án OVA đầu tiên với tên gọi “Munto” vào đầu năm 2003. Đây có thể xem như tác phẩm đầu tay của họ nhưng không được đón nhận cho lắm. Chỉ mãi đến lúc chuyển thể Fullmetal panic fumoffu, tác phẩm mới tạo cơ hội, mở đường cho chuỗi các dự án sản xuất và hợp tác thành công về sau. Bắt đầu con đường xây dựng nên thương hiệu Kyoto Animation lẫy lừng trong 7 năm thần kỳ.



      Năm 2005, Kyoto Animation tiến một bước lớn khi chuyển thể tựa visual novel “Air” của Key. Air ra đời trong thời điểm ngành công nghiệp đang có sự chuyển mình thay đổi: xu hướng “moe” đang dần trỗi dậy và càng ngày các tác phẩm chuyển thể từ visual novel, light novel càng trở nên thịnh hành. Điều gì đến cũng sẽ đến, chẳng những sự thành công của Air đã khẳng định chỗ đứng và vị thế của KyoAni trong làng anime, thêm vào đó, họ còn là một bộ mặt được yêu thích của nhiều nhà xuất bản mà ví dụ điển hình là Kadokawa.


      Năm 2006 có thể xem như là năm đại thắng của KyoAni với một tác phẩm chuyển thể từ VN của Key mang tên “Kanon”. Tuy nhiên, đây không phải là tác phẩm giúp họ gầy dựng nên “đế chế” vững chắc cho đến ngày hôm nay. Kanon đã hoàn toàn bị một tác phẩm khác chiếm đi ánh hào quang. Chắc hẳn các bạn cũng đoán ra được rồi nhỉ? Không gì khác ngoài “Nỗi Phiền Muộn Của Haruhi”. Lượng fan sẵn có từ LN tạo áp lực lớn lên KyoAni để chuyển thể tác phẩm thành … thứ gì đó xem được. Với đà sẵn có và kinh nghiệm từ các bộ chuyển thể từ trước, một phần cũng vì xu thế thị trường thay đổi theo chiều có lợi, Haruhi đã thắng ngoạn mục và tạo ra hit lớn tại Nhật: lập các kỷ lục về doanh số bán đĩa, đẩy mạnh doanh số bán của cả triệu bản in và đồng thời tạo nên sức ảnh hưởng văn hóa lan rộng trên Internet thời bấy giờ.


      Chưa dừng lại ở năm tiếp theo, KyoAni vẫn sử dụng rập khuôn công thức đã mang lại thành công cho họ với tác phẩm VN chuyển thể Clannad của Key và series hài, pha chất châm biếm Lucky Star. Cả 2 đều có doanh số bán khá cao. Thêm vào đó, Haruhi quay trở lại với phần thứ 2 bao gồm vài tập mới và Endless Eight (lặp đi lặp lại một arc nhưng vẽ góc nhìn và lồng tiếng khác nhau). Sự trở lại của Haruhi tạo ra không ít phiến điều nhưng nó vẫn … bán chạy như tôm tươi.

      Bỏ qua tựa Haruhi đầy tai tiếng trên thì trong năm 2009, K-on xuất hiện đóng vai trò quan trọng đối với KyoAni vì nhiều lí do:

      * Đây là anime khá thành công về mặt doanh thu khi mỗi phần có lượng đĩa Bluray trung bình nằm ở con số 40k.

      * Rất hiếm những nữ đạo diễn có tác phẩm thành công (vâng, đạo diễn của K-on là nữ).

      * K-on định hình và phổ biến lại một xu hướng moe show (tất nhiên xu thế này đã có sẵn trước đó nhưng khá ít ỏi). Cho đến hiện nay, có rất nhiều tác phẩm gắng gượng bắt chước sự thành công của K-on nhưng đều gặp thất bại, họa chăng chỉ số ít là lặp lại được một phần nhỏ sự thành công của K-on.

      Giữa năm 2009, KyoAni đã có sự thay đổi trong cơ cấu hoạt động (vấn đề này mình sẽ đề cập và bàn thêm ở phần 3), họ vừa đảm nhận cương vị của nhà xuất bản, và vừa là một studio sản xuất anime. Kyoto Animation bắt đầu mở các giải thưởng về LN do chính họ tổ chức và dần chuyển thể các tác phẩm được nhận giải.


      Không có điều gì là trường tồn mãi với thời gian, chặn đường 7 năm thần kỳ cũng dần đến hồi kết. Bắt đầu bằng series Clannad After Story làm lấy đi không ít nước mắt, cảm xúc của bao người xem. Khép lai bằng Sự Biến Mất Của Haruhi làm khuấy động cả một thế hệ anime fan, tạo sự vương vấn và nuối tiếc trong lòng người hâm mộ. Trước khi tắt đi thì ngọn đèn thần kỳ cũng kịp … cháy sáng các bản xếp hạng phòng vé và thu lại hơn 100 triệu yen cho Kyo Ani.

      Những năm tiếp theo mọi việc như dần trầm lại, 2011 là năm không mấy thành công, tác phẩm Nichijou chỉ vỏn vẹn đạt mức trung bình sales 3k – một con số thấp kỷ lục (ngoài trừ Munto) kể từ khi KyoAni có vị thế trong ngành công nghiệp anime. Sự thất bại của Nichijou là điều dự tính được vì bản chất của bộ không phục vụ cho đại trà khán giả. Dù vậy, tác phẩm lại được đánh giá cao trong cộng đồng anime fan bởi yếu tố hài hước, vui nhộn và sự thổi phòng của các pha tấu hài.

      Các năm 2012, 2013, 2014, Kyo Ani liên tục sản xuất nhiều tác phẩm do chính tay mình xuất bản, đang xen vào đó là hợp tác thực hiện các bộ chuyển thể. Nổi bật trong số đó là tác phẩm Hyouka diễn tả cuộc sống học đường vốn tưởng nhàm chán màu xám xịt của cậu học sinh Oreki nhưng bị yêu nữ Eru khuấy động đảo điên. Amagi Brilliant Park và Chuunibyou cũng tạo được tiếng tăm và gặt hái nhiều thành công riêng nhưng không có bộ nào đạt được sức hấp dẫn và mức mong đợi như các tác phẩm trong thời kì hoàng kim của Kyo Ani. Tuy nhiên, khoảng thời gian này KyoAni vẫn có một hit lớn bằng con bài chiến lượt làm chấn động thị trường fujoshi với Free! và rất thành công (bắt nguồn từ một đoạn video lan truyền chóng mặt trên mạng), cũng ko trách KyoAni được vì trong dàn staff của họ, nữ giới nhiều và thị trường fujoshi vẫn còn màu mỡ, ít khai thác.


      Thời ấy và bây giờ? KyoAni luôn giữ chất lượng ổn định trong các tác phẩm của họ. Sự thành công của Hibike! Euphonium gần đây như một minh chứng rõ ràng, chứng tỏ ngọn đèn của trí tưởng tượng và những điều diệu kỳ vẫn còn nhen nhóm chờ một ngày để thắp sáng và rực cháy mãnh liệt. Có thể xem Phantom World như một cơn gió nhỏ suýt … thổi tắt cái ngọn đèn này, nhưng mấy ai quan tâm lắm khi trước mắt vẫn là một niềm tin chói chang vô bờ bên đối với vị thần KyoAni cho phần 2 của Hibike ! Euphonium và tác phẩm Koe no Katachi hứa hẹn sẽ là kiệt tác của thể loại drama, tình cảm học đường!?

      Sang phần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu phong cách độc đáo và nghệ thuật thể hiện qua các tác phẩm của Kyoto Animation, lí do vì sao các bộ họ làm lại nổi bật hơn những tác phẩm cùng thể loại và điều gì đã tạo nên thương hiệu KyoAni.

      2 – Nét tinh chạm của Kyoto Animation:

      Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt trong các tác phẩm của KyoAni và xây dựng đội ngũ người hâm mộ cuồng nhiệt đến hiện nay?


      Chắc hẳn, nếu hỏi 9 trên 10 người yêu thích hoặc đã từng xem qua anime của KyoAni thì câu trả lời sẽ thường là : thiết kế nhân vật đẹp, hình ảnh mượt mà lưu loát hay chỉ đơn giản là “moe”. Các tác phẩm họ thực hiện đa phần xoay quanh trường lớp, cuộc sống học đường hằng ngày và tình cảm mới lớn của nhân vật. Đối với nhiều người những tựa như K-on, Hibike ! Euphonium, Lucky Star sẽ rất nhàm chán vì … hầu như chẳng có gì xảy ra, tất nhiên là ngoài trừ cảm giác mãn nhãn với ai thích art moe khi được ngắm nhìn những nhân vật dễ thương ứng xử với nhau. Những tác phẩm dạng này thường không được đánh giá cao về mặt nội dung vì thiếu điểm nhấn và độ sâu cần thiết.

      Nhưng có thật sự là như thế!?


      Suy nghĩ, cảm nhận của bạn về thước phim ra sao? Phải chăng ấy chỉ là chuỗi hành động, phản ứng thái quá của nhân vật Yui cốt chỉ để tạo độ moe và chất dễ thương cho cô nàng? Không thể phủ nhận đây chính là điểm cuốn hút với nhiều fan. Nhưng nó chỉ là một phần làm nên phong cách và cái hay của Kyoto Animation. Vậy điều gì là phong cách, điều gì tạo sự khác biệt trong KyoAni? Nếu bạn trả lời là “moe”, uhm thì cũng đúng đấy chứ không sai. Tuy vậy, câu trả lời chỉ miêu tả được bề mặt thấy rõ mà thôi. Ẩn chứa đằng sau là rất nhiều yếu tố, chi tiết và cả một phong cách rất riêng mà bạn đã bỏ sót rồi đấy!

      Nhân vật chính là điểm nổi bật làm KyoAni trở nên riêng biệt hơn so với các studio khác. Chẳng phải vì sự phát triển sâu sắc, tinh tế, mà sự tinh hoa của nhân vật được thể hiện ở những khoảnh khắc nhỏ nhoi, giản dị mà lại chân thật xuyên suốt chiều dài các tác phẩm. Qua đó, bạn sẽ cảm thấy các nhân vật sống động hơn. Đây là điều mà KyoAni khá thành công trong khi đa phần các studio khác đều thất bại.



      Có lẽ nhiều người nhớ đến Clannad qua nhiều đoạn cảnh cảm động, vd như lúc Nagisa trút hơi thở cuối cùng, hay Ushio ngã quỵ. Thế nhưng, các đoạn cảnh ấy có thật sự “cảm động” nếu như không được xây dựng từ trước? Chính những khoảnh khắc nhỏ nhoi bình dị trải dài xuyên suốt tác phẩm - như cảnh Ushio dạo chơi trên cánh đồng hoa cúc một màu vàng biếc đến tận chân trời, những mảnh hồi ức, hoặc chỉ đơn giản là cảnh Tomoya nằm khóc, chơi bài, lúc Ushio tũm tĩm ngượng ngùng núp sau thành tường – những khoảnh khắc tuy thoáng qua nhưng rất chân thật, tạo nên sự thân thuộc và kết nối từ phía góc nhìn nhân vật đến với người xem.

      Quay trở lại câu hỏi ban đầu. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt của KyoAni?

      Đấy là cách truyền tải một câu chuyện sống động bằng hình ảnh qua các cảnh quay cá thể chi tiết và sự chỉ đạo tài tình. Nói ngắn gọn là sử dụng hoạt họa để kể câu chuyện.

      Nào, quay trở lại với thước phim ví dụ ban đầu của K-on. Và lần này thì bạn hãy chú ý kỹ các chi tiết như cử động nhân vật và góc quay trong đoạn phim này.

      Mở đầu là cảnh một tấm hình chụp tập thể của nhóm bạn gái, sau đó góc quay từ từ mở rộng và hé lộ ra khá nhiều chi tiết. Thế bạn có thể rút ra được gì từ đoạn cảnh nhỏ này?


      Ngay tại cảnh quay mở đầu, K-on đã giúp người xem nắm được khái niệm về thời gian và bối cảnh câu chuyện. Tấm ảnh cho thấy các cô gái trong độ tuổi và đồng phục học sinh trung học, trên tay cầm tấm bằng, ra dáng chụp trước cổng trường thì có thể suy luận ra đây là tấm hình chụp trong buổi lễ tốt nghiệp. Sau đó, góc quay từ từ mở rộng, những thứ xuất hiện kế tiếp là các tấm hình, tờ lịch chứa ngày tháng quan trọng, băng rôn, mảnh giấy được đính trên bảng bởi các ghim cài nhiều hình dáng ngộ nghĩnh. Tiếp theo xuất hiện hình ảnh con vật đồ chơi khá … đáng yêu, báo hiệu đây là phòng của một cô bé rất thích các thứ dễ thương. Xa hơn chút nữa là bộ đồng phục mới đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Các bạn hãy để ý bộ đồng phục này hoàn toàn khác với bộ đồng phục trong tấm hình chụp trước đó, chứng tỏ đây là ngày mà cô bé sẽ vào nhập học tại ngôi trường mới – có thể là trường cao học.


      Đoạn cảnh tiếp diễn, cô gái dang tay một cách lười biếng, chậm chạp để dập tắt đồng hồ báo thức, rồi hốt hoảng khi được đánh thức bởi người em chứng tỏ cô gái là người vụng về, thiếu tổ chức. Nếu cô bé thứ 2 không gọi người chị là “onee-chan” thì người xem cũng dễ dàng đoán là người em vì bộ đồng phục đang mặc giống với bộ đồng phục xuất hiện trong tấm hình đầu tiên. Trong cảnh quay tiếp theo, cô vội vã chạy đến trường, đan xen vào đó là những khoảnh khắc thoáng qua như vuốt ve một chú mèo ven đường, hay giúp lão bà băng ngang qua đường phác họa nên tính cách tốt bụng nhưng dễ bị sao lãng của cô nàng. Chưa dừng lại ở đó, những chi tiết nhỏ hơn như động tác nhún người liên tục chứng tỏ cô đang quá phấn khích, vui mừng đến mức không kiểm soát được bản thân, lí giải vì sao cô dậy trễ sáng sớm nay vì tối hôm trước đó cô gái đã bị sự phấn khởi làm trằn trọc không ngủ được. Chỉ đến khi cô nàng đến trường thì mọi sự nghi ngờ của người xem đã hoàn toàn được giải đáp.

      Chỉ ở thước phim ngắn trên, người xem đã phần nào nắm được tính cách cô gái: ân cần dịu dàng, thích các thứ đáng yêu nhưng hay lơ đãng, không thể tự chăm sóc bản thân và bỡ ngỡ, phấn chấn vào học ngôi trường mới. Thước phim ngắn cho ta biết đa phần về nhân vật ngay khi tên còn chưa được nhắc đến.

      Đến đây, các bạn có thấy rõ nét tinh chạm của KyoAni không? Người xem nắm được những thông tin từ bối cảnh, không gian, thời gian cho đến tính cách của nhân vật hoàn toàn không qua bất kì giọng kể nhàm chán nào từ nhân vật, mà qua từng hành động, cử chỉ, ứng xử và cảnh dựng của nhân vật được sắp đặt khéo léo, có thể thống trong nhiều cảnh quay nhỏ liên tiếp nhau. Nếu bạn chăm chú thì có lẽ bạn đã tự trong tiềm thức đúc kết được những điều trên rồi!

      Đa phần khán giả xem các thước phim như trên đều không nghĩ ngợi gì nhiều mà chỉ tập trung vào vẻ hình thức bên ngoài, từ đó bỏ sót rất nhiều chi tiết. Mỗi cảnh quay, mỗi cử chỉ và hành động trong các tác phẩm của KyoAni đều có ý nghĩa nhất định. Bạn phải có khả năng đọc chi tiết và tự giải bày những gì nhìn thấy được để có thể hoàn toàn cảm nhận được nét hấp dẫn trong các tác phẩm.


      Sự cuốn hút của K-On, cũng như Hibike !Euphonium hay thậm chí là Hyouka đều đến từ những cảnh quay nhỏ nhưng đầy chi tiết và sắc màu như vậy. Và đây cũng là thứ phong cách đã làm nên điều kỳ diệu của Kyoto Animation – thay vì “kể” thì họ sẽ cho bạn “thấy” được câu chuyện, để qua đó tạo sự chân thật cho tác phẩm, và sự sống động trong nhân vật.
      Nào, hãy sang một tác phẩm “big hit” khác gần đây của KyoAni: Hibike! Euphonium.


      Sau một ngày tập luyện mệt mỏi, Kumiko đang trên chuyến tàu về nhà. Với cơ thể thả lỏng, mặt ngáp dài, tay mở rộng, chân thì đạp đi đôi giày chật chội khó chịu– đây là Kumiko ở trạng thái “tự nhiên” nhất, trực tiếp tạo nên cảm giác gắn kết trong cảm xúc với người xem. Ngay khi nhìn thấy Reina – người con gái mà Kumiko không tài nào xóa được hình ảnh trong đầu – thì Kumiko lập tức trở nên căng thẳng hơn mà chỉnh lại tư thế ngồi cho ra dáng … đàng hoàng.


      Trong các cảnh tiếp theo, chú ý các đoạn thoại miễn cưỡng, gượng gạo khi Kumiko đang ráng sức trong … tuyệt vọng tìm cách bắt chuyện và luôn giữ khoảng cách nhất định. Khép lại bằng ánh nhìn và một góc quay chính diện cho thấy nụ cười lung linh của Reina, cũng như Kumiko thì người xem hoàn toàn cảm nhận được nét cuốn hút về cô gái bí ẩn đầy tài hoa này. Pha lẫn là sự ngưỡng mộ và một cảm xúc rạo rực muốn biết thêm về cô nàng. Tuy nhiên, người xem hoàn toàn cảm nhận được sự hiện diện của bức tường vô hình vẫn còn ngăn cách họ.


      Qua nhanh hơn 3 tập, trong đoạn trò chuyện riêng tư giữa 2 cô gái, dù Kumiko có cởi mình hơn, nhưng bức tường vẫn còn đấy. Và rồi Reina bước đến cạnh bên, phá đi sự căng thẳng giữa 2 người và bờ tường ngăn cách họ với chỉ bằng một cú vuốt nhẹ, cao trào là đây, hai cô gái trở nên thấu hiểu nhau hơn. Kumiko vẫn ngước nhìn Reina với cặp mắt đầy thán phục, một khoảnh khắc đầy cảm xúc và trọn vẹn chính vì nó đã được xây dựng từ các tập trước đó.

      KyoAni chứng tỏ rằng, animation là công cụ quan trọng cho việc diễn tả và làm người xem “thấy” được một câu chuyện, tạo cảm giác sống động hơn là chỉ nghe “kể” lại qua phần lời thoại nhàm chán. Và slice of life thì chỉ có vậy thôi, cái nhìn thoáng qua về cuộc đời nhân vật. Thay vì đợi chờ cho câu chuyện dần được mở ra, thì đa phần các tác phẩm của KyoAni khi xem bạn sẽ có cảm giác như đang dõi theo sự hé lộ về cuộc sống của riêng từng nhân vật – chứ không phải chỉ là một “câu chuyện” nữa!


      Một nghệ sĩ không thể nào hổi được hồn vào nhân vật chỉ vì nhân vật tồn tại, mà phải qua sự thể hiện để dành được phần hồn của chính nhân vật ấy. Nét chân thật, sống động của nhân vật không phải chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn phải qua từng hành động, cử chỉ, dáng vẻ, cảnh quay, hay điệu nhịp chân, một cú vuốt tóc nhẹ nhàng đằng sau gáy … Đây là phong cách xây dựng nhân vật mang đậm chất KyoAni mà đa phần khán giả sẽ dễ dàng bỏ sót nếu như họ không xem tác phẩm mà chỉ đang “nhìn” qua. Nếu như bạn chăm chú những chi tiết tinh tế trong tác phẩm thì bạn sẽ dễ đồng cảm hơn đến nhân vật, thế giới trong câu chuyện sẽ như đang diễn ra ở quanh bạn. Tất cả như hòa vào một tạo thành câu chuyện mà bạn quan tâm và lo lắng hơn.

      KyoAni là một số ít những studio có sự tỉ mỉ trong tình tiết và mức độ am hiểu sâu sắc về nhân vật họ làm để có thể thực hiện được những điều này. Điều mà các studio hiện nay đều đang cố gắng để noi gương học tập.

      Kỳ sau, chúng ta sẽ đặt chân vào KyoAni studio, tìm hiểu cách thức vận hành trong guồng máy của họ và vì sao các tác phẩm họ làm đều giữ được mức chất lượng như movie khó tin đến vậy.

      3 - Xâm nhập vào studio, đằng sau cánh rèm và cuộc cách mạng công nghiệp

      Vậy thứ ma thuật nào đã giúp cho các sản phẩm của Kyoto Animation luôn có chất lượng cao và ổn định?


      Thường thường, chất lượng của một tác phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bên ngoài chứ trách nhiệm không hoàn toàn đặt trên vai của studio sản xuất. Vd như đạo diễn, người viết kịch bản, những họa sĩ, họa sĩ dẫn vẽ chính (key animator) đa phần là free lancer (người làm theo thời vụ), chưa kể rằng kinh phí vốn đầu tư ban đầu còn phụ thuộc vào hội đồng sản xuất (production committee). Một ví dụ cho các bạn dễ hình dung, Gen Urobuchi là tác giả của những tựa anime đình đám như Fate/Zero (Ufotable), PsychoPass (Production I.G) và Madoka (Shaft). Cả 3 bộ đều mang đậm phong cách, lối dẫn truyện chặt chẽ, cuốn hút và chủ nghĩa tư tưởng "xám" của ông, nhưng được sản xuất bởi 3 studio khác nhau.


      Mặt khác, Okouchi Ichiro là một trong những creator của Code Geass (Sunrise) nhưng khi làm kịch bản cho Valvrave the liberator (Sunrise) và Kabaneri (W.I.T) thì ... không được hay lắm. Dù Sunrise và W.I.T đều là những studio có danh tiếng và chất lượng đầu tư. Thế mới nói, chất lượng của một tác phẩm hoàn thiện bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố cả chủ lẫn khách quan, chứ ko chỉ hẳn là phụ thuộc vào riêng mỗi studio.

      Thế nhưng, KyotoAnimation thì lại khác, khi nhắc đến KyotoAnimation thì ... KyoAni đã là một cái tên chung, chứ không chi riêng cá nhân gì. Yếu tố chính là do mọi công đoạn KyoAni thực hiện đều "trong nhà". Họ rất hiếm khi thuê mướn nhân công bên ngoài cho các tác phẩm anime của họ, ngoài trừ một số hiếm các trường hợp là nhà soạn nhạc và vài người viết kịch bản.

      Cách làm này là đối ngược lại hẳn với đa phần các anime studio khác: đó là thuê mướn từ đạo diễn, soạn nhạc, biên kịch cốt truyện đến những công việc vẽ hình cho những free lancer. Cách làm truyền thống sẽ gặp rất nhiều bất lợi, mà nhất là ở bộ phận hoạt họa. Ví dụ như trong một số cảnh nhất định, đạo diễn sẽ yêu cầu người họa sĩ sở hữu những kỹ năng đặc biệt (Megumi Kouno là vd điển hình, cô là bà hoàng của vũ đạo nhân vật như đã thể hiện qua với series Im@s), nhưng cơ hội là những người họa sĩ đủ năng lực đã bận bịu với các project anime khác cùng một lúc. Cuối cùng là công đoạn có lịch trình bị trì trệ, trường hợp tệ nhất là đạo diễn phải từ bỏ phân cảnh ông mong muốn thực hiện.


      Nào, hãy so sánh thử 2 đoạn vũ đạo, một bên là do những họa sĩ đã tốt nghiệp của KyoAni thực hiện, với một bên là do bà hoàng Megumi Kouno đảm nhận.

      Nhưng KyoAni thì không gặp vấn đề này vì tất cả họa sĩ họ cần đều làm tại studio của họ. KyoAni rất kĩ tính về vấn đề này, chính vì thế họ còn có cả một trường học đào tạo dành cho các họa sĩ của họ! Bạn có biết: toàn bộ series Kyoukai no Kanata đều được hoạt họa nên từ những họa sĩ của KyoAni đã tốt nghiệp tại trường học đấy. Việc sở hữu dàn nhân viên của riêng mình tạo sự gắn bó và tin tưởng lẫn nhau trong công việc giữa đạo diễn, biên kịch, họa sĩ. Khả năng sáng tạo của đạo diễn và biên kịch chỉ bị giới hạn bởi chính trí tưởng tượng của họ mà thôi!


      Chưa dừng lại ở đó, Kyoto Animation còn trả lương cho nhân viên theo giờ làm việc! Thay vì là từng khung hình vẽ như đại đa số các studio khác. Điều này tạo ra môi trường làm việc thoải mái, nghiêm túc, không bị gò bó. Các họa sĩ có thể tập trung nhiều thời gian hơn cho thứ họ yêu thích và say mê (thay vì phải chạy gấp rút, vẽ đôn đáo càng nhiều khung hình càng tốt như tình cảnh của freelancer). Trong đa phần trường hợp, Kyoto Animation thường hoàn thành tác phẩm anime ngay cả trước lúc công chiếu chính thức! Điều này cho phép họ dành thời gian nhiều hơn để mài giũa, trau chuốt đến từng chi tiết cho các tác phẩm của họ lúc lên sóng hàng tuần.

      KyoAni không chỉ khác biệt ở bộ máy vận hành, mà còn thay đổi, phát triển phương hướng chiến lược kinh doanh. Trong những năm gần đây, ta có thể thấy KyoAni đã phát hành những tựa LN của chính họ, và chuyển thể những LN thành anime vd như Free!, Kyoukai no Kanata, Chuunibyou ... Để gia tăng chất lượng đầu vào thì họ còn hàng năm tổ chức "giải thưởng Kyoto Animation" để trao cho những tựa hay nhất. Những LN đoạt giải sẽ có cơ hội cao được chuyển thể lên màn ảnh. Fun fact: Violet Evergarden là LN đoạt giải "Grand Prize" (tạm dịch là giải lớn nhất/hay nhất) đầu tiên do KyoAni trao tặng.


      Trong khi đó, các studio khác thì phải cạnh tranh lẫn nhau bằng địa vị, quyền lực, các mối quan hệ chỉ để nắm quyền sản xuất một bộ anime nào đó. Những lúc xui xẻo thì studio nhỏ còn chả có bộ nào để làm. Và đây cũng chính là lí do vì sao Manglobe 2 năm trước lại phá sản, họ không kiếm đủ việc để làm! Và trước khi thực hiện Gangsta thì Manglobe đã có vấn đề về tài chính rồi.

      Bằng việc chuyển thể những bộ do chính KyoAni xuất bản, họ sẽ luôn có lượng công việc ổn định, và nhiều bộ anime để lựa chọn mà làm từ những tựa sách của họ nói chung, cũng như là hàng nguyên tác nói riêng. Những bộ chuyển thể của họ đồng thời quảng cáo, làm tăng doanh số bán LN. Đây là chiến lược "lợi đôi đường", tạo nguồn thu ổn định cho studio. Tất nhiên, nếu thích thì KyoAni vẫn có thể đi chuyển thể những tác phẩm khác bên ngoài (Amagi Park, Hyouka, Hibike ! Euphonium, Nichijou, etc).

      Đây là bộ máy mà họ đã kì công xây dựng nên trong rất nhiều năm, các nhân viên trong studio trở nên thân mật, gắn bó kết nối nhau hơn, từ đó cải thiện khả năng giao tiếp, truyền đạt nhanh nhẹn từ bên đạo diễn đến những họa sĩ hoạt họa từng cảnh. Sẽ không có nỗi lo về thời gian, lịch làm việc gấp rút, sẽ không có nỗi sợ hết ... việc để làm. Những điều trên tuy nhỏ nhặt, nhưng tất cả góp lại tạo thành môi trường làm việc hoàn hảo để đem đến người xem những thước phim, những khung hình tuyệt mỹ nhất, với những chi tiết cầu kì, được tô điểm kỹ càng tráng lệ nhất chỉ có ở Kyoto Animation. Đây là studio mà tại đó chứa những con người say mê, muốn làm những bộ anime hay đến với khán giả.

      Vậy tại sao những studio khác không bắt chước mô hình làm việc tự cung tự cấp của KyoAni, nếu như nó quá hoàn mỹ đến như vậy?

      Một phần là vì yếu tố may mắn. Thật ra thì hơn 8 năm về trước họ vẫn có cách làm việc giống với đa phần studio khác đấy thôi. KyoAni là đối tác chính của Kadokawa và đã được thuê để chuyển thể các project anime, bao gồm: Haruhi, Lucky Star, Clannad, etc. Nhưng đến 2009 thì họ mạo hiểm chơi con bài chiến lược: tổ chức giải thưởng KyoAni để xuất bản những LN đầu tiên. Rồi những năm sau là các bản anime chuyển thể (chu2, Free, KnK, etc). Theo một nguồn tin cho biết thì lợi nhuận của KyoAni vào năm 2014 là $1.3 triệu, đấy là món lời khá lớn so với các studio khác (tất nhiên vẫn ko thể sánh bằng đại gia Sunrise, Pierrot, etc), một phần là vì họ nắm luôn bản quyền tác phẩm của các tựa LN họ xuất bản mà ko phải trả tiền bản quyền (gọi là royalties) cho bên phân phối/phát hành khác. Nếu các studio khác muốn "bắt chước" KyoAni, thì họ cần phải ở đúng chỗ, đúng thời điểm, họ cần phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn, và họ cần phải có sự tin tưởng vào nhân viên của chính họ!


      Dù cho bạn có thích, hay ghét Kyoto Animation thì cũng phải công nhận: họ đã cứu anime với tư cách là một animation studio bởi guồng máy vận hành hoàn mỹ.

      Bài viết được thực hiện bởi v4v - có tham khảo nhiều source trên internet
      Nếu copy xin ghi nguồn VNS. Cảm ơn.



      Sửa lần cuối bởi vforvendetta; 30-01-2017 lúc 16:37.
      Trả lời kèm trích dẫn

    2. Tem
      Sửa lần cuối bởi ~Kuuhaku~; 13-05-2016 lúc 15:38.
      Trả lời kèm trích dẫn

    3. #3
      Tham gia ngày
      13-11-2014
      Bài viết
      933
      Cấp độ
      18
      Reps
      805
      Mấy bộ gần đây nhớ Kyo-ani về mặt hình ảnh hơn là nội dung. Ghét cái kiểu quăng hint tùm lum rồi cuối cùng lấy nhân vật nam vốn xuất hiện nhạt nhòa nào đó vô làm romance như hibike với tamako market. Điểm cộng là mấy studio thời nay có xu hướng CGI hóa thì Kyo-ani vẫn giữ được kiểu vẽ tay truyền thống rất mượt mà.

      Tính cho tới nay thích nhất mấy series của Kyo-ani là:

      - Haruhi ss1 (god knows quá ấn tượng)
      - Haruhi movie
      - Lucky star
      - K-on! (tất cả series)
      - CLANNAD (tất cả series)
      - Hyouka
      - Nichijou (có tập cười đau cả bụng, có tập không)
      - Air và Kanon (coi lúc mới tập xem anime, giờ coi lại không biết ý kiến có thay đổi không)

      Và ấn tượng xấu nhất:

      - Tamako market.
      - Munto.

      Bộ duy nhất không có coi:

      - Free! =)
      Sửa lần cuối bởi Tsunderella; 13-05-2016 lúc 15:07.
      Trả lời kèm trích dẫn

    4. #4
      Tham gia ngày
      22-02-2016
      Bài viết
      2
      Cấp độ
      0
      Reps
      92
      Dài là chắc chắn đúng rồi, auto-tín dụng nhé
      Trả lời kèm trích dẫn

    5. #5
      Ủng hộ series này. Nói đến moe là phải nói Kyoani
      Cái haruhi thì mình thấy movie của nó cực kì ấn tượng, xem xong cái movie này mình mới quay ngược lại xem TV series của nó
      K-on thì thích nhất có lẽ là đoạn sắp tốt nghiệp ở ss2, max cảm động
      Nichijou và Lucky star thì khá ổn, đặc biệt Nichijou có mấy tập max epic, cười bò luôn
      Tamako thì movie khá ổn, còn TV series thì...nope
      ah còn có Kyoukai no kanata nữa, lần đầu xem đã drop ngay ep 1 vì thấy anh main có vẻ có máu M
      Sửa lần cuối bởi ifud; 13-05-2016 lúc 19:22.
      Trả lời kèm trích dẫn

    6. #6
      Có một sự thật là

      review nó giống như cái váy.

      Cần phải đủ dài để bao quát được hết nội dung

      và đủ ngắn để khiến người ta muốn nhìn.
      Trả lời kèm trích dẫn

    7. #7
      Tham gia ngày
      28-11-2014
      Bài viết
      851
      Cấp độ
      435
      Reps
      21688

      Trích dẫn Gửi bởi mokey king Xem bài viết
      Có một sự thật là

      review nó giống như cái váy.

      Cần phải đủ dài để bao quát được hết nội dung

      và đủ ngắn để khiến người ta muốn nhìn.
      Thế MK là thích vén váy dài hay vén váy ngắn,

      váy ngắn chả cần vén, có tí gió là bay vù vù rồi.

      Váy dài thì trước khi kịp vén nửa đầu gối đã bị ăn đạp.
      Trả lời kèm trích dẫn

    8. Thật ra bài này tính chia làm 3 kì để post dần dần, nhưng mà kì 1 viết có mỗi tiểu sử nên đăng thì hơi kì nên ráng luôn phần phong cách của studio.
      Lúc đang viết thì bản tính fanboy trỗi dậy, thành ra bài dài
      Trả lời kèm trích dẫn

    9. #9
      Rất khoái hãng này
      Bộ đầu tiên mình coi của hãng này là Clannad và Clannad - After story, cảm động lắm, nhiều lúc ức chế vì cứ nghĩ là bad end
      Nhưng lúc đó cũng không để ý tên hãng lắm cho tới khi coi xong Hyoka, Kyoukai no kanata thì thấy các nhân vật ở hai phim có nét tương đồng mới tra cứu tìm hiểu
      Đã xem:
      Clannad và Clannad After story
      Hyouka mong ước ra thêm movie hay phần 2 cũng được, sao cho Oreki vs Chitanda thành đôi lun ^^
      Kyoukai no kanata và Kyoukai no kanata - I'll be here (movie)
      Tamako Market ghét cái con chim mập ù hoang tưởng
      Tamako love the story - bản movie, Mochizou và Tamako rất ư là dễ thương
      Nỗi buồn phiền của Haruhi - phần đầu thấy được rồi coi tới chỗ vòng lặp là bắt đầu bỏ tập
      Euphonium - tình tiết có lẽ hơi chậm so với mình tại mình khoái coi action + romance
      Các phim còn lại đang lên kế hoạch coi tiếp mà chắc sau tháng 7 mới coi tiếp được. Riêng với K-On nghe danh đã lâu nhưng thấy nhiều tập quá nên hơi lười (mình chỉ khoái mấy phim ngắn ngắn mau có kết thúc, nhiều bộ nhiều tập mà có ra thêm phần nữa thì rất lười)
      Trả lời kèm trích dẫn

    10. #10
      Tham gia ngày
      04-12-2014
      Bài viết
      304
      Cấp độ
      1
      Reps
      2
      KyoAni thì tóm lại 1 chữ thôi cho dễ hiểu : MOE !!
      Trả lời kèm trích dẫn

    Đánh dấu

    Quyền viết bài

    • Bạn không thể đăng chủ đề mới
    • Bạn không thể gửi trả lời
    • Bạn không thể gửi đính kèm
    • Bạn không thể sửa bài
    •  

    Theo giờ GMT +7. Bây giờ là 16:59.

    Powered by vBulletin.
    Copyright© 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.
    Board of Management accepts no responsibility legal of any resources which is shared by members.